Ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị: Sự thật ít biết và lời thắc mắc của Thái Thanh với Phạm Duy

“Có một cái tên trong bài đặt cho người nữ sinh là Ngọ. Em nghe cứ làm sao ấy” – Thái Thanh nói.

Hiện tượng âm nhạc về mối tình học trò

Phạm Duy là một nhạc sĩ đại tài của nền tân nhạc Việt Nam, với gia tài sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, trải dài qua nhiều mảng nhạc khác nhau.

Có thể kể đến nhiều loại nhạc Phạm Duy sáng tác như nhạc thiếu nhi, nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, dân tộc, nhạc tình yêu, đôi lứa, nhạc học trò, đạo ca, trường ca, nhi ca, tâm ca, thiền ca… Tuy nhiên, tình ca vẫn là mảng nhạc được ưa chuộng và nhớ đến nhiều nhất.

Nhạc sĩ Phạm Duy

Trong sự nghiệp của mình, Phạm Duy để lại một kho tàng khổng lồ với hơn 2000 ca khúc. Trong đó, có một mảng khá xuất sắc là nhạc phổ thơ.

Có thể nói, Phạm Duy là một thầy phù thủy xuất sắc khi phổ nhạc vô cùng hòa quyện, tạo nên những giai điệu đầy biến ảo cho các bài thơ có ngôn từ bay bổng như Ngày xưa một chuyện tình sầu, Trăm năm như một chiều, Chiếc bóng bên đường, Hãy trả về em, Qua vườn ổi, Lá diêu bông…

Đa số các bài thơ Phạm Duy phổ nhạc đều viết về tình yêu đôi lứa, với âm hưởng lãng mạn.

Trong đó, nổi tiếng và để lại dấu ấn lớn nhất trong lòng khán giả nhiều thế hệ phải kể đến ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, phổ thơ từ một sáng tác cùng tên của thi sĩ Phạm Thiên Thư vào năm 1971. Vì vậy, câu chuyện của Ngày xưa Hoàng Thị cũng chính là câu chuyện về nỗi tâm tư của Phạm Thiên Thư.

Ban đầu, bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị không được chú ý nhiều. Nhưng sau khi Phạm Duy phổ nhạc và phát hành, nó nhanh chóng được đón nhận và gây bão, trở thành hiện tượng âm nhạc lớn, khiến công chúng mê mẩn, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.

Thời điểm đầu thập niên 70, Ngày xưa Hoàng Thị được giới học sinh rất yêu thích và thường chép tặng nhau trong những cuốn sổ học trò. Ở đâu cũng thấy bật ca khúc này.

Ngày xưa Hoàng Thị nổi bật ngay từ tiêu đề gắn với tên riêng một con người. Chính vì thế, giới báo chí và nhiều công chúng đã thắc mắc về nhân vật chính trong ca khúc là ai.

Điều này dẫn đến việc một số người hám danh tự nhận Hoàng Thị là mình, gây nên nhiều cuộc bàn tán, đồn thổi.

Ngay lúc đó, nhà thơ Phạm Thiên Thư phải chính thức lên tiếng về tung tích người đẹp trong ca khúc, tránh gây hiểu lầm. Theo đó, Hoàng Thị là cô gái với tên đầy đủ là Hoàng Thị Ngọ.

Tuy nhiên, nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng chia sẻ rằng Hoàng Thị Ngọ và ông hiện không còn mối liên hệ nào và cũng không ai biết cô gái đó đang ở đâu làm gì. Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ chỉ là kỷ niệm, một mối tình thoảng nhẹ vu vơ thời trai trẻ của Phạm Thiên Thư.

Cụ thể, trong những năm học đại học, Phạm Thiên Thư đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ. Cô gái đó quê gốc Hải Dương và ở gần nhà ông. Tuy nhiên, vì bản tính nhút nhát nên Phạm Thiên Thư chỉ dám đơn phương mà không thể thổ lộ.

Ngày ấy, mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô Ngọ thường đứng ở đầu hàng bên nữ, mặc áo dài trắng nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Nhà thơ chỉ im lặng ngắm nhìn. Khi tan trường, cô Ngọc một mình trên đường về nhà, nhà thơ lặng lẽ theo sau ngắm nhìn vóc dáng.

Sau này, Phạm Thiên Thư có về tìm lại bóng hình xưa, nhưng người hàng xóm cho biết, cô Ngọ đã bán nhà và sang nước ngoài định cư từ lâu. Tiếc nuối mối tình đơn phương tuổi học trò, nhà thơ đã viết nên bài Ngày xưa Hoàng Thị. Ông tâm sự:

“Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả.

Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết” (theo Nhacxua.vn).

Nhà thơ Phạm Thiên Thư

Lời thắc mắc dễ thương của Thái Thanh

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng vì cảm động trước ngôn từ và tình cảm trong bài thơ mà phổ nhạc. Người đầu tiên hát ca khúc này là danh ca Thanh Thúy, với chất giọng trầm liêu trai, u buồn.

Tuy nhiên, danh ca Thái Thanh mới là người thể hiện ca khúc thành công nhất, đóng đinh tên tuổi qua nhiều năm tháng, in đậm trong lòng công chúng.

Chất giọng nữ cao sáng rực rỡ và cách thể hiện đậm màu sắc dân ca của Thái Thanh tỏ ra hợp nhất với ca từ và nhạc.

Thái Thanh nắn nót từng câu chữ, uốn lượn nốt nhạc, nhấn nhá âm tiết, đặc biệt ở các thanh sắc tạo nên trầm bổng, ôm trọn mọi sắc thái, cung bậc cảm xúc, thể hiện rõ từ một tình yêu học trò trong sáng, nỗi nhớ nhung da diết, bồng bột tới sự tiếc nuối, hoài niệm và sau cùng là buồn man mác của năm tháng sau này.

Đặc biệt, Thái Thanh còn ẩn giấu trong ca khúc nhiều kỹ thuật hát phức tạp, trong đó có một đoạn đổ hột với tốc độ rung rất nhanh, nổi bần bật nhưng nhẹ như cơn gió.

Thái Thanh cũng vinh dự được chính nhạc sĩ Phạm Duy đệm đàn cho hát. Sau khi Thái Thanh hát xong, Phạm Duy hé lộ thêm: “Cô Hoàng Thị Ngọ sau này đổi tên thành Hoàng Thị Nga, đi học trường Luật. Vì thế nên có thêm ca khúc Trả lại em yêu”.

Sau đó, Thái Thanh có thắc mắc với Phạm Duy một cách rất dễ thương: “Có một cái tên trong bài đặt cho người nữ sinh là Ngọ. Em nghe cứ làm sao ấy.

Nhạc sĩ Phạm Duy và Thái Thanh

Thường thường, người ta đặt tên cho phái nữ là cô Kim Liên, cô Thu Cúc, cô Vân… hay dùng những loài hoa quý đặt tên như cô Hồng, cô Mai, cô Đào… Đây lại là cô Ngọ”.

Nhưng bà cũng tự nhận định: “Nhưng nghe kỹ ra thì tên Ngọ lại là nét chính của bài hát, được nhắc đi nhắc lại. Từ đó, em thấy cái tên này cũng nên thơ, mông lung, mênh mông như mây như khói, gợi cho ta biết bao kỷ niệm đầu đời. Cái tên Ngọ này dễ thương quá anh ạ”.

Là một ca khúc nổi tiếng, Ngày xưa Hoàng Thị đã được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện như Thanh Lan, Julie Quang, Quang Linh, Ngọc Hạ, Đức Tuấn, Đoan Trang… Thậm chí, cả những ca sĩ trẻ tuổi như Nguyên Hà cũng hát.

Mỗi ca sĩ đều có một sắc thái cảm xúc riêng, nhưng tựu chung lại vẫn là âm hưởng trong sáng của mối tình học trò đầu đời.

Theo: http://nhipsongviet.toquoc.vn/ca-khuc-ngay-xua-hoang-thi-su-that-it-biet-va-loi-thac-mac-cua-thai-thanh-voi-pham-duy-8202245141854395.htm

Viết một bình luận