Hoàn cảnh sáng tác “Thương Hoài Ngàn Năm” (nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương) – Tình đầu là tình cuối người ơi…

Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, có một câu ca dao thật thắm thiết như sau:

“Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”

Đời người có mấy ai được đến trăm năm, vì vậy “thương hoài ngàn năm” thì chắc là phải thương mấy kiếp mới hoàn thành xong lời ước hẹn. Tuy nhiên có lẽ bởi vì họ không lấy được nhau nên tình yêu thương đó mới trở thành nỗi day dứt và dài xuyên nhiều kiếp sống như vậy.

Nếu “lỡ-lấy-được-nhau” rồi, có thể họ sẽ chỉ “trả nợ” xong cho nhau trong một kiếp và cùng lắm là “thương hoài trăm năm” mà thôi.

Từ câu ca dao này, năm 1956, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương mượn chỉ 4 chữ cuối cùng để viết thành ca khúc nổi tiếng mang tên Thương Hoài Ngàn Năm, cũng là ca khúc đầu tiên mà ông sáng tác tại Sài Gòn sau khi chuyển vào đây từ Hà Nội. Lúc đó ông đã là một giáo sư Quốc văn, và những câu ca dao như vậy đã trở nên quen thuộc, trở thành niềm cảm hứng để đi vào nhạc rất hay và làm rung động nhiều thế hệ:

Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi
Tình đã khơi rồi mộng khó nhạt phai
Trăng khuyết rồi có khi đầy
Ngăn cách rồi cũng sum vầy
Mây bay bay hoài ngàn năm

Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, sau lưng là tờ nhạc Thương Hoài Ngàn Năm

Là một giáo sư làm nghề dạy học, hẳn là Phạm Mạnh Cương phải là một người rất mô phạm, nghiêm trang, ít nhất là về bề ngoài ông phải tỏ ra là như vậy trước cái nhìn vào của hàng trăm hoặc hàng ngàn học trò. Tuy nhiên bên trong con người ông thì cái tính nghệ sĩ lãng mạn vẫn thể hiện rõ nét qua những tác phẩm đã trở thành bất tử, mà tiêu biểu là Thương Hoài Ngàn Năm, với giai điệu và lời ca như dòng chảy ngọt ngào trôi miên man vào hồn người, rất thích hợp với các đôi tình nhân đang mê đắm với cuộc tình “ngàn năm” lý tưởng của mình.

Có lẽ không có cô gái đang yêu nào mà không bị chinh phục hoàn toàn khi được người yêu tỏ tình bằng cái câu thật bùi tai: Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi…

Khi mộng đã khơi rồi, tình đã được tỏ bày, thì cũng sẽ là mãi mãi. Cho dù đường tình có gập gềnh, rồi có những ngăn cách, nhưng cũng giống như trăng khuyết lại đầy, tình nhân sẽ lại được sum vầy trong cuộc tình miên viễn như ngàn năm mây bay.


Click để nghe Hoàng Oanh hát trước 1975

Lòng như con thuyền đỗ bến tình yêu
Ngại gió mưa chiều thuyền vẫn còn neo
Ai đó dù có hững hờ, ai đó dù đã âm thầm
Ra đi ôm trọn niềm thương

Thương hoài ôi ngàn năm còn đó
Đá mòn mà tình có mòn đâu
Tình đầu là tình cuối người ơi
Suốt đời mình nguyện câu lứa đôi

Thời gian âm thầm như nước về khơi
Lòng trót yêu người tình khó đổi thay
Hoa thắm rồi có khi tàn,
Tình ấy chỉ đến một lần
Tâm tư thương hoài ngàn năm…

Tình đầu là những cuộc tình yêu đương bằng tất cả tâm hồn trinh nguyên, không hề toan tính của những người có nhiều nguyện ước mơ mộng cùng với trăng sao, mong cho cuộc tình duyên được tròn vẹn, tình đầu sẽ là tình cuối. Khi đó cuộc đời chưa bị va vấp nhiều, tình yêu là tất cả đối với những người còn đang bỡ ngỡ đứng ở ngưỡng cửa cuộc đời, con đường phía trước toàn là màu hồng. Đó là những cảm xúc mà sau này họ không bao giờ có thể trải nghiệm thêm được lần nào nữa…


Click để nghe Khánh Ly hát

Có thể nói rằng Thương Hoài Ngàn Năm là bài hát hay nhất viết về (và dành cho) những mối tình đầu thật đẹp, thơ mộng… mà ai cũng từng muốn có một lần ở trong đời.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

Viết một bình luận