“Một Cõi Đi Về” – Một phút suy tư, một chút ngẫm nghĩ về đời của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Khi nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mọi người sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Chính là một người nhạc sĩ tài hoa, một người nghệ sĩ đa tài của nền âm nhạc Việt Nam thời đương đại. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình, Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc những di sản lớn lao bằng những ca khúc sâu sắc, có chiều sâu tâm hồn, tinh tế và giàu triết lý nhân sinh trong từng câu hát. Hiếm có người nghệ sĩ, nhạc sĩ nào đã mất vào năm 2001, mà đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người cảm thán nhưng nhiều hơn là tiếc nuối về sự ra đi của ông. Trịnh Công Sơn là một trong số ít nhạc sĩ đi theo một trường phái âm nhạc riêng, nhạc của ông ảnh hưởng đến khắp năm châu, được cả thế giới công nhận và yêu thích.

Một trong những nhạc sĩ hâm mộ Trịnh Công Sơn – Nhạc sĩ Phạm Duy từng ca thán đàn anh của mình rằng: “Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như là nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng…….Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…….”.

Đối với Trịnh Công Sơn, âm nhạc chính lẽ sống, là ánh mặt trời trong cuộc đời ông, còn người nghe, người hiểu được nhạc Trịnh chính là những người cứu rỗi cuộc đời mình. Nhạc của Trịnh Công Sơn không đơn thuần là để nghe, để lắc lư theo giai điệu nhạc, mà mỗi bài hát chính là cuộc đời của ông, ông đặt bản thân vào trong từng ca từ, để người nghe thấm hơn về đời, về một kiếp nhân sinh. Một trong những bài hát hay nhất về đời của cố nhạc sĩ – “MỘT CÕI ĐI VỀ”.

“MỘT CÕI ĐI VỀ” mang một triết lý nhân sinh sâu sắc, thể hiện phần nào thế giới tâm linh trong con người ông, cũng chính vì lý do này mà bài hát được đánh giá là có chiều sâu và nó ở cái tầm nhận thức khá cao trong tư tưởng của nhạc Trịnh. Với mỗi người khác nhau sẽ có một nhận định ý nghĩa khác nhau trong bài hát này, với nhiều người “Cõi đi về” chính là “Cõi chết” nhưng cũng sẽ có nhiều người suy nghĩ về “kiếp nhân sinh” – kiếp làm người trên cõi đời này.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi” – Đi đâu? Còn là đi ở đâu? Phải chăng Trịnh Công Sơn đang tự hỏi bản thân hay là hỏi tất cả mọi người, đến tuổi cần ra đi rồi, có nên buông bỏ mọi thứ chấp niệm để mà về cõi vĩnh hằng. Vì theo Phật giáo, nơi trần gian chỉ là một bến đỗ, nó không phải là điểm dừng chân cuối cùng, nó còn rất nhiều chặng đường mà đời người bắt buộc phải đi qua, đừng tiếc nuối chi bụi trần.

Trong kiếp luân hồi, dù bản thân có muốn tránh né thì người đến lúc cần cũng phải ra đi, trở về với chính bản thể của mình. Trên cõi trần này, có bao lâu đâu, quanh đi quẩn lại cũng phải “ra đi” để trở về cùng cát bụi. Chết có hề đáng sợ, chết có phải chính là hết, hay chính là sự giải thoát cho cả tâm hồn và thể xác. “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” – Bận rộn để làm gì, bộn bề để làm chi, bản thân lạc lối trong cõi hồng trần cứ loanh quanh chẳng thể thoát ra, càng đi càng mệt, càng đi càng tạo thêm nghiệp cho bản thân. Nên biết đâu là điểm dừng, đâu mới là bến đỗ bình yên của ta.

Đúng như Trịnh Công Sơn đã nói – “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” – Mỗi người sinh ra, dù là lúc nhỏ bé hay đến lúc trưởng thành, trên vai mỗi người đều có gánh nặng, càng trưởng thành, gánh nặng trên đôi vai càng lớn, nó sẽ chỉ thật sự nhẹ nhàng khi bản thân buông bỏ mọi thứ, để “Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.”. Đoạn nhạc nhỏ nhưng thấm đẫm cái hồn trong từng ca từ câu hát, nặng trĩu ưu tư và sự bức bối của một tâm hồn đẹp. Trịnh Công Sơn mong muốn bứt phá khỏi sự lẫn quẩn của nhân sinh. Đoạn nhạc buồn da diết như nói lên nỗi lòng trăn trở suy tư bằng một cái nhìn tĩnh lặng. 

Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ

Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ

Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Tâm của nhạc sĩ họ Trịnh phải tĩnh như thế nào mới có thể nghe được tiếng của cây, của cỏ, âm thanh của mọi thứ xung quanh. Ông say, say để quên đi đời mệt nhọc, say để trôi qua ngày dài nhẹ nhàng hơn.

Có thể nói thời gian chính là một cỗ máy, mà cỗ máy thì không bao giờ có trái tim, có sự cảm thông cho bất kỳ ai. “Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ” – Xuân cứ qua rồi hạ lại về, thời gian tuần hoàn trôi, không có dấu hiệu ngừng, trôi nhanh không báo trước. Chỉ lâu lâu sẽ nghe thấy tiếng ngựa chốn xa, như báo hiệu một điều gì đó trong tương lai.

 

Mây che trên đầu và nắng trên vai

Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Con tim yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người 

Hình ảnh “Mây che trên đầu” và “Nắng trên vai” chính là 2 hình ảnh ẩn dụ có chiều sâu nhất trong cả bài hát này. Như nói lên sự tuần hoàn của tạo hóa, mà con người thì thật nhỏ bé biết bao. Mây đen phải chăng chính là những góc tối trong cuộc đời của mỗi người, che khuất trên đỉnh đầu, vậy lúc nắng chiếu sáng trên vai có mấy ai nhìn thấy. Chỉ đến khi trái tim yêu thương lên tiếng thì mới làm thức tỉnh được phần người trong mỗi chúng ta.

Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa

Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

 

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy

Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa

Từng lời tà dương là lời một địa

Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

Chốn nhân gian này được Trịnh Công Sơn ví von như một bờ cỏ non nhưng lại vô cùng mộng mị. Giấc mộng làm cho người ta cứ mơ hồ, cứ hoang mang để rồi “trăm năm vô biên” như chưa bao giờ hội ngộ và cũng không biết đâu mới là nhà, là bến bờ bình yên của sinh mệnh, như những kẻ lang thang không có nơi ổn định.

Trong khi ta về lại nhớ ta đi

Đi lên non cao đi về biển rộng

Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì…..

Con người thật khó hiểu, luôn cố chấp trong mọi thứ, điều gì cũng mong muốn có được, dù lạc lối, dù không tìm được lối ra, vẫn bất chấp và mù quáng tin theo. Nhưng đến cuối cùng, cũng chính bản thân mới nhận ra rằng cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc gần đất xa trời mới biết rằng chốn trần gian này khắc nghiệt, chính là một chốn lưu đày, một nơi địa ngục.

“MỘT CÕI ĐI VỀ” luôn khiến người nghe cảm thấy day dứt, luôn có một khoảng lặng trong tim, mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau. Nhưng dẫu cho mọi người có cảm nhận thế nào đi chăng nữa, cũng không thể phủ nhận rằng đây là một nhạc phẩm xuất sắc, không đơn thuần chỉ là một bài hát, nghe để vui tai mà hơn hết nó chứa đựng biết bao triết lý thâm sâu, những thông điệp, những chiêm nghiệm về cuộc đời. Nó khiến cho người nghe không thể vội vã, phải từ từ cảm nhận, chậm chậm mà thấu hiểu. Giai điệu trầm buồn nhưng da diết, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng trong tận trái tim người nghe. Bài hát như nói lên nỗi lòng trầm buồn với những trăn trở của tác giả về cuộc đời, về cách làm người.

1 bình luận về ““Một Cõi Đi Về” – Một phút suy tư, một chút ngẫm nghĩ về đời của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”

Viết một bình luận