Vẫn là Trăng với một vẻ đẹp mộc mạc và thanh bình trong nhạc phẩm “Trăng Soi Duyên Lành” của nhạc sĩ Trịnh Hưng

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

Đó là những vần thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân khi nói về quê hương, một quê hương như người mẹ hiền thứ hai. Bởi quê hương luôn là tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người, là nơi ta cất tiếng khóc chào đời, nơi ta lớn lên với bao kỷ niệm vui buồn, được khắc sâu mãi trong tim. Quê hương tuy chung của mọi người nhưng là riêng của mỗi người. Với nhạc sĩ Trịnh Hưng thì quê hương lại rất khác, rất đẹp, rất thanh bình. Người nhạc sĩ tài ba ấy đã họa lại bức tranh quê hương đẹp vô ngần qua nhạc phẩm “Trăng soi duyên lành”.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng

Nhạc sĩ Trịnh Hưng (1930-2008) tên thật là Trịnh Hưng, sau này ông đổi tên là Nguyễn Văn Hưng. Ông sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình có cha làm quan huyện, mẹ là thứ thiếp. Mặc dù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, lại mồ côi mẹ từ năm ba tuổi, nhưng nhạc của ông sáng tác luôn trong sáng, vui tươi, chan chứa tình yêu qua lời ca mộc mạc, gợi cho người nghe một cảm giác thanh bình, an lành nơi thôn dã. Ông đã bắt đầu cho sự nghiệp sáng tác của mình từ những năm 1950 nhưng phải tận năm sáu năm sau thì âm nhạc của ông mới được công chúng chú ý tới. Nhạc sĩ Trịnh Hưng được mọi người biết đến nhiều qua các ca khúc như “Tôi yêu”, “Lối về xóm nhỏ”, “Lúa mùa duyên thắm”….phần lớn các ca khúc của ông đều thuộc thể loại tình ca quê hương, gợi cho người nghe sự nhẹ nhàng và thêm yêu quê hương đất nước trong cái khắt nghiệt của chiến tranh.

Nhạc phẩm “Trăng soi duyên lành” là một ca khúc trữ tình về quê hương, về vẻ đẹp đêm trăng trên bến sông quê. Bóng trăng không quá rạng rỡ, cũng không mãnh liệt như ánh mặt trời, nhưng lại mang đến cho ta nhiều hơn sự êm đềm và bình yên. Giữa khoảng trời đêm, tất cả mọi thứ đang dần chìm vào giấc ngủ thì ánh trăng vàng vẫn trọn vẹn nghĩa vụ soi sáng, soi từng bước chân đêm, đưa con người ta vào những giấc mộng ngọt ngào.

Trên sông sâu đôi mái chèo nhẹ khoan

Đây quê tôi đẹp như ánh trăng ngàn

Trăng lên khơi, tôi hát lời hò khoan

Trăng sáng cả miền Nam

Trăng sáng cả đèo Ngang

https://www.youtube.com/watch?v=imCvTw4HkDI

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Thúy trình bày.

Mở đầu bài hát là một bức tranh đêm trăng trên sông. Trên dòng sông sâu, với máy chèo nhẹ khoan, “quê tôi đẹp như ánh trăng ngàn”. Nhạc sĩ Trịnh Hương viết về quê hương với tất cả niềm tự hào “quê tôi” mang vẻ đẹp như “ánh trăng ngàn”. Khi trăng lên là lúc đêm về, trên con sông với mái chèo thì những người ngư dân lại ra khơi, lại hát câu hò khoan.  Dòng sông- ánh trăng- lời hò khoan là một đặc trưng của làng nghề chài lưới. Trong cảnh sắc lao động ấy, trăng sáng soi mọi hoạt động của con người, “trăng sáng cả miền Nam”, “sáng cả đèo Ngang”.

Đêm hôm nay say tiếng hò nhẹ đưa

Ta thương nhau mà thương mấy cho vừa

Quê hương ta đây sáng tạnh chiều mưa

Nơi gió lành nhẹ đưa

Trăng náu sau liếp dừa

Nếu đoạn ca mở đầu là khung cảnh thái bình đêm trăng thanh, con người lao động với tiếng hò khoan. Thì ở đoạn ca tiếp theo, vẻ đẹp quê hương hiện lên với vẻ đẹp thanh bình và tràn ngập tình yêu “Ta thương nhau mà thương mấy cho vừa”. Quê hương thanh bình hiện lên qua ca từ “Nơi gió lành nhẹ đưa. Trăng náu sau liếp dừa”. Nhạc sĩ Trịnh Hưng viết nhạc mà cũng như làm thơ, lời hát nhẹ nhàng nhưng vẫn tràn ngập hình ảnh và vần điệu. Chỉ qua hai câu hát ngắn ngủi, người nghe nhạc như có thể thấy được bức tranh với làn gió nhẹ đưa, hình ảnh ánh trăng e ấp náu sau liếp dừa. Đây không chỉ là câu hát mà còn câu thơ mang lại những xúc cảm thanh  thản, bình yên về cảnh sắc quê hương.

Hò khoan dô khoan hò khoan

Một sương mà hai nắng

Chúng ta vui hát rằng

Hò khoan dô khoan hò khoan

Cùng nhau thề chung sống

Muối dưa nhưng ấm lòng

https://www.youtube.com/watch?v=H0ZsARQxDig

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh & Hương Lan trình bày.

Và nổi bật trên bức tranh quê đó là lời ca “Hò khoan dô khoan hò khoan”. Một giai điệu hò khoan vui vẻ, lạc quan của những người ngư dân bám biển. Dù cho có phải “Một  sương hai nắng”, chịu nhiều vất vả nhưng họ vẫn cất cao tiếng hát. Những con người của biển cả chẳng ngại bão táp, mưa sa vẫn bám trụ với biển, vẫn mang lại những bữa cá tôm cho đời. Dù cho biển cả đôi lúc như giận dữ, nhưng họ vẫn quyết thề chung sống với biển dù cho cuộc sống có khó khăn, dù chỉ là “muối dưa” nhưng vẫn “ấm lòng”.

Em là cô gái Đồng Nai

Duyên về cho thắm lòng ai

Mai mùa tươi tốt thành hai

Về thăm người em gái

Ngắm trăng soi dòng sông dài.

Đêm hôm nay trăng rót vào lều tranh

Nghe êm êm vài cơn gió vương lành

Trăng ơi trăng yêu kiếp đời cần lao

Yêu kiếp nghèo gian lao

Yêu mối duyên nghèo khó.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh & Tuyết Mai thâu thanh trước 75

Ánh trăng đêm nay như “rót vào lều tranh”, trăng “yêu đời cần lao, yêu kiếp nghèo gian lao, yêu mối duyên nghèo khó”. Trăng lúc này qua lời ca hiện lên như một con người giàu lòng thương và tình nhân ái. Trăng không phân biệt bạn giàu hay nghèo vẫn đến bên bạn, trăng còn như yêu hơn cho kiếp đời nghèo khó nhưng luôn “cần lao”. Trăng không chỉ đẹp ở vẻ đẹp kiêu sa trên cao không ai với đến , mà còn đẹp bởi tấm lòng nhân ái. Phải chăng ở đây, nhạc sĩ Trịnh Hưng cũng mượn ánh trăng để nói về một bóng hồng nào chăng? Bởi lẽ, vẻ đẹp của người con gái thường được ví von với trăng.

Đêm hôm nay nghe gió vào lều tranh

Nghe êm như lời em gái tâm tình

Ta yêu trăng yêu cánh đồng xanh xanh

Yêu lúa mùa đẹp xinh

Xây đắp mộng duyên lành.

Tiếng gió nhẹ đưa trong đêm đêm trăng thanh như “lời em gái tâm tình”. “Ta yêu trăng yêu cánh đồng xanh xanh”, “yêu lúa mùa đẹp xinh”, câu hát như bộc lộ tất cả tình yêu của tác giả cho trăng, cho quê hương. Đó là một tình yêu mộc mạc, giản đơn. Qua ca từ mộc mạc ấy, ta như thấy được một khung cảnh quê hương với trăng thanh, với vụ mùa bội thu lúa, và với một ấp ủ xây tương lai của người ngắm trăng.

“Trăng soi duyên lành” là một nhạc khúc quê hương, một bức tranh đầy màu sắc của cảnh vật, đầy âm thanh của cuộc sống thanh bình chốn quê nhà. Mà nổi bậc tất cả là vẻ đẹp của trăng quê, tinh thần lao động hăng say và tràn đầy hy vọng về tương lai tương sáng, ấm no, hạnh phúc. Bài hát kết thúc, nhưng những giai điệu nhẹ nhàng, những bức tranh quê nhà trong lời ca vẫn âm vang mãi trong lòng người nghe.

Trích lời bài hát Trăng Soi Duyên Lành:

Trên sông sâu đôi mái chèo nhẹ khoan
Đây quê tôi đẹp như ánh trăng ngàn
Trăng lên khơi, tôi hát lời hò khoan
Trăng sáng cả miền Nam
Trăng sáng cả đèo Ngang

Đêm hôm nay say tiếng hò nhẹ đưa
Ta thương nhau mà thương mấy cho vừa
Quê hương ta đây sáng tạnh chiều mưa
Nơi gió lành nhẹ đưa
Trăng náu sau liếp dừa

Hò khoan dô khoan hò khoan
Một sương mà hai nắng
Chúng ta vui hát rằng
Hò khoan dô khoan hò khoan
Cùng nhau thề chung sống
Muối dưa nhưng ấm lòng

Em là cô gái Đồng Nai
Duyên về cho thắm lòng ai
Mai mùa tươi tốt thành hai
Về thăm người em gái
Ngắm trăng soi dòng sông dài.

Đêm hôm nay trăng rót vào lều tranh
Nghe êm êm vài cơn gió vương lành
Trăng ơi trăng yêu kiếp đời cần lao
Yêu kiếp nghèo gian lao
Yêu mối duyên nghèo khó.

Đêm hôm nay nghe gió vào lều tranh
Nghe êm như lời em gái tâm tình
Ta yêu trăng yêu cánh đồng xanh xanh
Yêu lúa mùa đẹp xinh
Xây đắp mộng duyên lành.

Viết một bình luận