Một chút cảm nhận về ca khúc “Còn tuổi nào cho em” – Khi tuổi xuân đẹp nhưng chóng tàn

“Còn tuổi nào cho em” là một ca khúc được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1964. Có thể nói những sáng tác của ông đều miêu tả chân thật, sinh động về thân phận của một người hay một cuộc đời cụ thể. Đặc biệt là những sáng tác nói về những nỗi niềm của người phụ nữ trong những bước chuyển của thời gian vạn vật.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly năm 1970

Cũng chính tại tác phẩm “Còn tuổi nào cho em” cực kì nổi tiếng kể từ khi bộ phim “Em là bà nội của anh” được công chiếu do nữ ca sĩ Miu Lê trình bày đã tái hiện được những nét trong trẻo, mộc mạc nhưng lại rất hiện đại đã một phần nào kéo người trẻ lại với những ca khúc cổ xưa. Cả bài hát là nỗi niềm hoài niệm, một tình cảm thương mến dành riêng cho những cô gái lúc bấy giờ.

“…Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…”

https://www.youtube.com/watch?v=gb4_p6VgGCM

Người ta thường nói, tuổi xuân đẹp nhưng chóng tàn, bởi cuộc đời người con gái chẳng đủ dài để ta cứ sống mãi với những mơ mộng, hoài mong. Đến một thời điểm nào đó, thì họ cũng phải thuận theo hoàn cảnh và thời gian, đi theo quy luật của cuộc sống. Một thoáng ngơ ngác khi gió heo may về, mỗi người sẽ có những lối suy nghĩ, cung bậc cảm xúc khác nhau. Có những ngày buồn bâng khuâng, nhìn lá vàng úa rơi rụng, người phụ nữ không khỏi chạnh lòng nhớ về lúc còn thơ, còn mơ mộng.

Tình yêu, tình bạn và cả những lý tưởng sống, dường như luôn tràn đầy nhiệt năng, va vấp và sai lầm, khờ dại hay yếu đuối tất cả đều chỉ là những nốt nhạc trầm trong lời hát của tác giả.
Thời gian sẽ không dừng lại cũng như tuổi xuân của những người con gái sẽ trôi qua thật nhanh, chớp mắt chỉ còn tuổi trời hư vô…

“…Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài…”

Năm tháng chưa bao giờ vì chứng kiến những người phụ nữ yếu đuối đến nhường nào mà bớt phũ phàng, khắc nghiệt với họ. Đôi vai gầy không cõng hết cô đơn khi tương lai chưa kịp định hình đó là dấu hiệu của giai đoạn sắp bước vào tuổi trưởng thành. Độ tuổi phải gánh vác trên đôi vai gầy những bộn bề, những lo toan tưởng chừng như không thể nào chống chọi.

Để dấu chân chim hằn nhẹ trên gương mặt khi vừa mới bước vào độ tuổi trưởng thành. Nó không hẳn là ám chỉ dấu hiệu già đi mà là biểu tượng cho tuổi thanh xuân, sức trẻ nhiệt huyết, tung tăng bay nhảy, vô tư, hồn nhiên. Thanh xuân với những ngón tay muốt dài là độ tuổi đẹp nhất, quyến rũ nhất của bất cứ cô gái nào. Và bất cứ ai cũng đều muốn sống mãi với tuổi trẻ. muốn níu giữ lại thời gian để cùng nhìn lại tuổi trẻ đầy mơ mộng nhưng có chút ngậm ngùi, xúc động.

Thời gian và cảm thức về sự thay đổi của vận hành vạn vật – những điều tưởng chừng như rất trừu tượng đã được tác giả khắc họa một cách chân thật trong từng ca từ của Trịnh Công Sơn thật gần gũi, thật thương mến.

“…Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa…”

Một cảm giác hơi mơ hồ, bàng hoàng không hiểu bản thân muốn trưởng thành hơn hay chỉ muốn quay về lứa tuổi hồn nhiên, vô tư vô lo.

Một chút nỗi buồn không rõ hình hài với những cảnh tượng hư vô hiện ra chóng vánh những kí ức mờ mờ ảo ảo. Khi nghe tới đây, một số ít sẽ tưởng tượng ra những hình ảnh một đôi “mắt sâu” long lanh, một mái “tóc mây” dài suôn mượt và tất nhiên không thể thiếu được đôi vai gầy hay “những ngón tay muốt dài”. Cô gái được tái hiện trong bài hát của Trịnh Công Sơn thương mang một nét đẹp đượm buồn, mờ ảo thường phải nép mình vào những kí ức không thể giữ lại.

“Ôi buồn!
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây se thêm màu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…”

Đến cuối cùng thì tất cả cũng chỉ còn lại hoài niệm, những tiếc nuối. Đâu ai đánh thuế được giấc mơ, chính vì thế mặc dù đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ nhưng cô gái vẫn không thôi mơ mộng.  Vì thế người ta vẫn mong chờ để nói một điều gì đó chỉ mong bày tỏ một nỗi niềm với ai đó ở quá khứ đã lỡ hẹn thề hay bỏ lỡ những cơ hội nên luôn thất vọng và nuối tiếc…

Bài hát đan xen sự tương phản giữa tuổi trẻ và tuổi vào chiều của nhân vật chính… và suy tư liệu có thể dành cho “em” những năm tháng của tuổi nào?? Ca từ trong bài hát chứa nhiều cảm xúc hơn logic như những dòng suy tư, cảm xúc lúc nào cũng tuôn chảy.

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài

Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa

Ôi buồn!
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây xe thêm mầu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…

 

Viết một bình luận