Cảm nhận ca khúc “Thành phố buồn” dưới tâm trạng của nhạc sĩ tài hoa Lam Phương

“Thành phố buồn” của Lam Phương được ra đời năm 1970, khi nhạc sĩ theo đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của đoàn quân đội đi biểu diễn ở thành phố Đà Lạt mộng mơ. Bài hát không có từ nào nhắc đến Đà Lạt mà chỉ bằng hình ảnh lãng đãng khói sương, đường quanh co quyện gốc thông già, hay là con đường ngày xưa lá đổ… mà khói sương Đà Lạt được gọi về thật nhiều trong tâm tưởng người nghe. Tất cả những hình ảnh đó được Lam Phương dùng để kể câu chuyện đúng phong cách của mình lồng ghép vào một chuyện tình tan vỡ – một bản nhạc buồn của bolero bình dân tại thời điểm lúc bấy giờ.

Nhạc Sĩ Lam Phương
Nhạc Sĩ Lam Phương

Thành Phố Buồn” của Lam Phương buồn từ điệu nhạc tới lời hát. Tuy không buồn miên mác, thê thảm như Les Feuilles Mortes, Sombre Dimanche nhưng “Thành Phố Buồn” làm người nghe ngậm ngùi, xúc cảm…

“…Thành phố nào nhớ không em?

Nơi chúng mình tìm phút êm đềm.

Thành phố nào vừa đi đã mỏi.

Đường quanh co quyện gốc thông già.

Chiều đan tay nghe nắng chan hòa.

Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em.

Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn…”

Đà Lạt dễ làm cho người ta được gần nhau hơn bởi cái lành lạnh, sương mờ, gió nhẹ, đồi dốc quanh co, tiếng chuông chiều buông lơi và hơi ấm trong bàn tay đã đan xen nhau từ lúc nào. Hình ảnh người con gái được cảm nhận qua lời bài hát có một “đôi môi hồng thắm” và “một đôi mắt buồn trong sương chiều” khiến tác giả cứ đắm say muốn ngắm nhìn người con gái khôn nguôi.  Lam Phương đã dạo nhẹ cung đàn trong thành phố tình tứ Đà Lạt với xúc cảm dạt dào hát khẽ lời âu yếm như ru người yêu trong vòng tay.

“…Một sáng nào nhớ không em?

Ngày Chúa nhật ngày của riêng mình.

Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa.

Người lưa thưa chìm dưới sương mù.

Quỳ bên em trong góc giáo đường.

Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương.

Chúa thương tình sẽ cho mình mãi mãi gần nhau…”

https://www.youtube.com/watch?v=sQgvjBuxBJ0

Thành phố Đà Lạt trong lúc tình yêu hoa mộng chớm nở là thành phố đầy thơ mộng, đầy cảm xúc, thành phố đẹp nhất của đôi tình nhân. “Bóng giáo đường”, “Tiếng kinh cầu”, chuông lễ nhà thờ ngày cuối tuần trở thành một lâu đài tình ái, chứng nhân cho tình yêu lứa đôi, một hôn nhân muôn thuở. Hôn nhân bền chặt và tình yêu kết ước là thứ điệp khúc mà cuộc tình nào, đôi lứa yêu nhau nào trong cõi nhân gian này cũng đều từng hát lên.

“Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa.

Rồi từ đó trốn phong ba em làm dâu nhà người.

Âm thầm anh tiếc thương đời.

Đau buồn em khóc chia phôi.

Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui!”

Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe “Thành phố buồn” có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là nơi chốn êm đềm. Để rồi cũng chính đô thị khói sương ấy lại khắc khoải buồn trong bức tranh tiễn biệt.

https://www.youtube.com/watch?v=oR9ymiPOzWY

“Thành phố buồn, lắm tơ vương

Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn

và con đường ngày xưa lá đổ

Giờ không em sỏi đá u buồn

Giờ không em hoang vắng phố phường

Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương

Tiễn đưa người quên núi đồi,

quên cả tình yêu…”.

Thành phố buồn như một sự thôi thúc trong tâm tưởng. Vẫn tồn tại bền bỉ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, không phải là ký ức, mà hiện diện trong hiện tại, vẫn được nhiều thế hệ ca sĩ hát lại, làm mới, thậm chí được coi như bản tình ca bất hủ của những người yêu nhạc trữ tình cho đến tận bây giờ.

“…Thành phố buồn lắm tơ vương.

Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn.

và con đường ngày xưa lá đổ.

Giờ không em sỏi đá u buồn.

Giờ không em hoang vắng phố phường.

Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương.

Tiễn đưa người quên núi đồi quên cả tình yêu!”

Đoạn kết của bài “Thành Phố Buồn” thật sự sầu bi với những hình ảnh đường tình chia ly, sỏi đá u buồn, phố phường hoang vắng, chuông chiều thê lương. Vẫn là con đường đó nhưng lại là một buổi chiều lạnh buốt, lá cây bên đường rơi rụng cả con đường. Cảnh tượng diễn ra một cách chân thật, buồn bã nhìn đôi tình nhân chia ly mà không khỏi xót xa, chạnh lòng.

Đà Lạt 1970-71 Photo by John Aires
Đà Lạt 1970-71 Photo by John Aires

Nói về bóng hồng được nhắc đến trong ca khúc, sau này được Lam Phương tiết lộ chính là ca sĩ Hạnh Dung. Mối tình của hai người đã lâm vào bế tắc vì phải xa cách. Vì Hạnh Dung, Lam Phương cũng đã viết nên rất nhiều tác phẩm nổi tiếng thể hiện sự bế tắc, day dứt, xót xa cho mối tình ngắn ngủi ấy như: Phút cuối, Giọt lệ sầu, Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi… Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là ca khúc “Thành phố buồn”.

Nhiều người cho rằng, nhạc Lam Phương có phần “dễ dãi” và đơn điệu, thậm chí là “sến”. Nhưng chính cái đặc điểm không cầu kỳ, phức tạp ấy đã tạo nên một di sản âm nhạc riêng của Lam Phương, đã đi sâu vào tâm hồn công chúng nghe nhạc một cách rất tự nhiên, dễ dàng.

Thành phố buồn” đã để lại một dấu ấn đặc biệt “đại chúng” đến mức có thể người nghe không biết tên tác giả, nhưng chỉ ôm cây guitar thùng và đi một đoạn giai điệu theo lối slow rock, âm giai Mi thứ (Em), nhiều người sẽ nhận ra. Hiện nay bản nhạc này đã qua hơn nửa thế kỷ, thế nhưng vẫn liên tục được các ca sĩ trong và ngoài nước biểu diễn. Cho thấy nhạc phẩm này vẫn còn sống mãi với thời gian.

“Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm.
Thành phố nào vừa đi đã mỏi.
Đường quanh co quyện gốc thông già.
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa.
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em.
Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn.

Một sáng nào nhớ không em?
Ngày Chúa nhật ngày của riêng mình.
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa.
Người lưa thưa chìm dưới sương mù.
Quỳ bên em trong góc giáo đường.
Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương.
Chúa thương tình sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.

Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa.
Rồi từ đó trốn phong ba em làm dâu nhà người.
Âm thầm anh tiếc thương đời.
Đau buồn em khóc chia phôi.
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui!

Thành phố buồn lắm tơ vương.
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn.
và con đường ngày xưa lá đổ.
Giờ không em sỏi đá u buồn.
Giờ không em hoang vắng phố phường.
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương.
Tiễn đưa người quên núi đồi quên cả tình yêu!”

Viết một bình luận