Cảm nhận ca khúc “Thói đời” – Khi đường đời đầy gian dối và lọc lừa của nhạc sĩ Trúc Phương

Từ xưa tới nay trong xã hội vẫn luôn tồn tại những thói đời và lẽ sống bất di bất dịch mà ai trong chúng ta cũng có thể nhìn thấy qua cuộc sống hằng ngày. Dù trong xã hội nào, thời đại nào thì những thói xấu của con người vẫn luôn tồn tại. Những lúc khó khăn trong cuộc đời của con người giúp ta nhận ra nhiều thứ về tình yêu, tình bạn, tình người. Nhiều lúc khiến ta phải xót xa, thầm than trách cho số phận của mình không được may mắn. Và một góc nhỏ của cuộc sống này được thể hiện qua bài hát “ Thói đời” của nhạc sĩ Trúc Phương. “Thói đời” là một trong những ca khúc vô cùng nổi tiếng của ông và đến nay vẫn được khán thính giả yêu thích.

Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người

Trông thói đời cười ra nước mắt:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau.

Ngay đoạn nhạc đầu tiên của bài hát “Thói đời” , nhạc sĩ Trúc Phương cũng đã đưa ra một triết lí cuộc sống đó là “Đường thương đau đày ải nhân gian. Ai chưa qua chưa phải là người”. Trong cuộc sống thường nhật, hầu như bất cứ ai cũng đều đã gặp qua những khó khăn trắc trở, những gian truân đầy khổ ải nhưng cũng chính vì thế mà giúp con người ta có thể trưởng thành. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, chúng ta luôn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn và thử thách, nếu chưa vượt qua được những thương đau đó thì chưa thể trưởng thành. Trong đó những gian dối, lọc lừa và phản bội của con người là những chướng ngại thường tình trên hành trình cuộc sống. Như nhạc sĩ Trúc Phương cũng đã nhắc đến “Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu. Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao, còn gian dối cho nhau”.

https://www.youtube.com/watch?v=DBKp_V7A2Ks

Người yêu ta rồi cũng xa ta
Nên chung thân ta giận cuộc đời

Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở
Tiền đổi tay khi rũ cơn mê
Để chua xót trên bước về.

Đôi khi cuộc sống là những trắc trở khiến ta không khỏi oán hận cuộc đời, đó là lúc “Người yêu ta rồi cũng xa ta” “Tiền đổi tay khi rũ cơn mê” để lại trong ta một nỗi chua xót, nghẹn ngào về tình người, tình đời, khi biết rằng cuộc sống có những thứ tình cảm không bao giờ là mãi mãi. Cách duy nhất để đối mặt và vượt qua chỉ có thể là phải học cách chấp nhận nó, mặc dù trong lòng đầy nỗi chua xót và đắng cay.

Rượu trần ai gội niềm cay đắng
Những suy tư in đậm đường hằn
Mình còn ai đâu để vui
Khi trót sa vũng lầy nhân thế
Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi.

Cuộc đời vốn dĩ bạc bẽo và lòng người cũng thế cho nên “Rượu trần ai gội niềm cay đắng. Những suy tư in đậm đường hằn” . Hẳn là ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần phải đối diện với những người sống bạc bẽo, một câu chuyện đời bạc bẽo hay một cuộc tình bạc bẽo, thể hiện rõ nhất khi “trót sa vũng lầy nhân thế”. Đó là khi ta khó khăn nhất, túng quẫn nhất, sa cơ thất thế nhất. Thì lúc ấy, tình người và tình đời là được thể hiện rõ nhất. Có còn ai bên ta lúc cơ hàn, hay chỉ mỗi mình ta sầu thảm vượt qua mọi thứ trong nổi cô đơn vì ai cũng bỏ ta mà đi. Dòng đời này đầy hối hả, bon chen, lòng người đổi trắng thay đen mấy hồi.

Bạn quên ta tình cũng quên ta
Nên chân đêm thui thủi một mình
Soi bóng đời bằng gương vỡ nát
Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt

Đoạn buồn xa ta đã đi qua
Ngày vui tới, ta vẫn chờ.

Chính cuộc đời bạc bẽo nên có lẽ lòng người cũng sẽ trở nên lạnh lẽo theo “Bạn quên ta tình cũng quên ta. Nên chân đêm thui thủi một mình” . Và chính những biến cố của cuộc sống, những bộn bề lo toan cũng đã làm con người ta trở nên bi quan hơn “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát. Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt. Những câu từ của bài hát “ Thói đời” được cất lên, khiến cho người nghe như thấy được cả một sự đau thương và đầy xót xa, ngậm ngùi của tác giả thể hiện trong từng câu, từng từ của ca khúc.  Làm dấy lên một niềm thương cảm, đồng thời cũng khiến cho ai đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ thấy chạnh lòng và chua chát.

Mặc dù từ đầu đến gần cuối ca khúc là những lời ca thán, bi quan về cuộc đời nhiều cay đắng, muộn phiền như vậy, thế nhưng ở đoạn cuối, nhạc sĩ Trúc Phương vẫn giữ lại một chút lạc quan, một chút hy vọng về tương lai tươi sáng phía trước “Đoạn buồn xa ta đã đi qua. Ngày vui tới, ta vẫn chờ”. Nhạc sĩ vẫn tin tưởng rằng dù cuộc đời này có khó khăn và cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu đi nữa, thì những đoạn đường gập ghềnh, chông gai đó rồi cũng sẽ qua đi và ngày vui lại tới, hạnh phúc vẫn sẽ chờ ta ở phía trước.

Cho đến tận ngày nay, ca khúc “Thói Đời” của nhạc sĩ Trúc Phương vẫn được rất nhiều người yêu thích và có lẽ đây cũng là ca khúc thể hiện rõ nhất một cách trung thực về tình đời, tình người trong xã hội cả xưa và nay. Ca khúc này được ca sĩ Hương Lan thu âm đầu tiên trong dĩa nhựa của Dĩa hát Việt Nam, tiếp đó Chế Linh trình bày trong băng nhạc Chế Linh 1. Đồng thời một số ca sĩ khác cũng thể hiện thành công bài hát “Thói đời” như Giang Tử trong chương trình nhạc Anh Việt Thu và Phương Hồng Quế trong băng nhạc Tuấn Khanh 2, đều vào khoảng trước năm 1975.

Đường thương đau đày ải nhân gian
Ai chưa qua chưa phải là người

Trông thói đời cười ra nước mắt:
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao,
còn gian dối cho nhau.

Người yêu ta rồi cũng xa ta
Nên chung thân ta giận cuộc đời

Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
Bên chiếu chăn tình xa nhịp thở
Tiền đổi tay khi rũ cơn mê
Để chua xót trên bước về.

Rượu trần ai gội niềm cay đắng
Những suy tư in đậm đường hằn
Mình còn ai đâu để vui
Khi trót sa vũng lầy nhân thế
Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi.

Bạn quên ta tình cũng quên ta
Nên chân đêm thui thủi một mình
Soi bóng đời bằng gương vỡ nát
Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt

Đoạn buồn xa ta đã đi qua
Ngày vui tới, ta vẫn chờ.

-Trích lời bài hát.

 

 

 

 

 

 

 

 

Viết một bình luận