Cảm nhận về ca khúc “Ai nhớ chăng ai” -Một ca khúc kể về đôi tình nhân trẻ tuổi, cái tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết.

Có lẽ với những người yêu thích dòng nhạc xưa như chúng ta, thì khi nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã không còn xa lạ nữa, thậm chí còn nói là quá đỗi quen thuộc. Có một nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đi theo năm tháng, đồng hành với nhiều thế hệ và nó chưa bao giờ là lỗi thời với chúng ta – Bài hát “AI NHỚ CHĂNG AI” – Một ca khúc kể về đôi tình nhân trẻ tuổi, cái tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết và khoảng thời gian mặn nồng son sắt. Họ đều là những con người của tuổi trẻ, những thành viên chủ chốt của đội ngũ kháng chiến chống giặc vào những năm chiến tranh khói lửa. Tạm chia xa cùng người yêu, chàng trai theo dấu chân của nỗi nhớ để về với mái nhà thân yêu, nơi có người mẹ và những anh em thân tình, nhưng trớ trêu sao niềm vui chưa lâu lại thay thế bằng nỗi đau xé tim khi chứng kiến người anh ruột bị giết hại không thương tiếc. Đau thương chồng chất, chàng biết phải làm sao, thôi đành tạm biệt mối tình tuổi trẻ, lỡ hẹn cùng người yêu, con đường thân quen ngày nào giờ trở nên lạ lẫm đến bất ngờ.

Nhạc sĩ Hoàng Thị Thơ

Hoàng Thi Thơ chính là một trong số những nhạc sĩ trẻ được yêu thích tại Việt Nam trong thời điểm ấy, và đến tận bây giờ những nhạc phẩm của ông vẫn được nhiều ca sĩ, danh ca dùng để trình diễn trên những sân khấu lớn như để tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa. Ông để lại cho nền âm nhạc Việt Nam với vô vàng nhạc khúc về chủ đề tình yêu và con người. Và bài hát “AI NHỚ CHĂNG AI” là một trong số những nhạc phẩm tuyệt vời ấy, được vô số người nghe đón nhận và yêu thích.

“Anh nhớ chăng anh

Anh nhớ chăng những chiều

Có người em gái qua bên thềm

Tiếng hò xao xuyến trăng đầu ghềnh

Nhạc rừng nghe buồn mông mênh

Và ngàn tia lửa ấm chơi vơi dưới trăng êm đềm

Ai nhớ chăng ai

Ai nhớ chăng những ngày

Những ngày rau cháo với dưa cà

Quê nghèo vui sống trong mặn mà

Đời vàng lên ngàn câu ca

Mà tình thấy càng bao la

Ngàn lòng như chan hòa.”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh trình bày.

Từ khi hiệp định Gieneve được ký kết, tới lúc đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc, lúc này tình cảm nam nữ cũng bị chia cắt làm ở hai đầu vĩ tuyến. Chàng trai chấp nhận vào Nam để khởi đầu cho một cuộc hành trình gian khó xây dựng sự nghiệp trên mảnh đất Sài Gòn đầy hoa lệ. Dù đã có gia đình, dù vẫn đang hạnh phúc bên vợ con, có một mái ấm nhỏ, nhưng ông vẫn không ngừng nhớ thương về người yêu cũ. Thời gian trôi như dòng nước, mọi thứ có thể bị phai mờ, nhưng dường như hình bóng về người yêu vẫn in sâu trong tâm trí ông.

Những ngày yêu nhau, thương nhau và bên nhau, bầu trời xung quanh cũng dường như trở nên đằm thắm và rạng rỡ hơn. Ở đầu vĩ tuyến, ông chưa ngày nào là thôi nhớ về cô, chưa ngày nào là ông quên đi mối tình đã qua và những hồi ức mộng mơ. Những chiều nào chúng ta còn hẹn thề nơi chân cầu ấy, lúc này bầu trời thật đẹp, xanh một màu và trong đến lạ kỳ, tình mình tuy mộc mạc nhưng lại ngọt ngào và sâu đậm. Chỉ cần được bên nhau, thì dù lặng im bên nhau cũng thấy hạnh phúc và vui vẻ, cứ ngỡ như duyên đầu.

“Ai nhớ chăng những chiều

Những chiều gặp gỡ nhau trên cầu

Nước trời xanh ngắt in một màu

Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu

Rồi tình ta càng ăn sâu

Sâu mối duyên ban đầu”

Vậy mà chúng ta lại đến lúc phải chia ly, hôm biệt ly ấy lại là một chiều mưa buồn bã, cơn mưa như khẳng định sự chia ly của đôi lứa, nó chứng kiến mối tình dở dang ấy. Ngày em tiễn anh lên đường trở về quê cũ, phải chăng trời xanh đã biết trước sự đời, khóc thay cho một mối tình đẹp nhưng chẳng thể bên nhau. Mưa rơi trắng xóa cả một vùng trời, trái tim cô đơn ấy lại như bị cắt thêm ngàn dao, đau thấu nghìn trùng. Khung cảnh mưa rơi luôn tạo cho người ta cảm giác buồn miên man, chẳng thể nói thành lời. Và giờ đây, mọi thứ chỉ còn là hồi ức, là những kỷ niệm đã qua, dù vậy khi nhắc đến tim vẫn đau âm ỉ. Hình ảnh người con gái khóc thương trong chiều mưa sẽ mãi khắc sâu trong tâm của chàng, lệ trời tuôn rơi như khóc thương cho họ.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hoàng Oanh trình bày.

“Ai nhớ chăng ai

Ai nhớ chăng hôm nào

Hôm nào mưa rớt trên sông dài

Trên đồng em tiễn anh một chiều

Chiều chia ly còn chưa phai

Trời buồn khóc giùm duyên ai

Giọt lệ tuôn ngắn dài”.

Bài hát “AI NHỚ CHĂNG AI” của tác giả Hoàng Thi Thơ như khắc họa chân dung của một mối tình mộc mạc, giản đơn mà mặn nồng như thuở mới yêu, kết thúc của mối tình lại là sự chia ly trong thương xót. Với ông, mối tình này có lẽ là mối tình sâu đậm và khó quên nhất, ông chưa bao giờ quên cô gái ấy, cô gái làm ông yêu thương và xót xa khôn nguôi. Bài hát mang theo niềm da diết và thổn thức, chiến tranh đã mang lại niềm đau cho cặp tình nhân ấy, chia cắt đôi lứa. Đôi khi, số phận của cuộc đời mang ta đến với nhau, hạnh phúc với nhau, nhưng sau đó lại vô tình đem lại bi kịch, dồn nhau vào đường cùng. Tuổi trẻ của chúng ta đôi khi phải ít nhất một lần trải qua hụt hẫng và đớn đau thì bản thân mới có thể trưởng thành và cứng cáp đứng lên làm lại. Nhìn người thương đi trên còn đường ngược hướng, để lại khoảng giữa là bao nỗi niềm và hoài niệm.

Trích lời bài hát Ai nhớ chăng ai của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:

Ai nhớ chăng anh
Ai nhớ chăng những chiều
Có người em gái qua bên thềm
Tiếng hò xao xuyến trăng đầu ghềnh
Nhạc rừng nghe buồn mông mênh
Và ngàn tia lửa ấm chơi vơi dưới trăng êm đềm

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những ngày
Những ngày rau cháo với dưa cà
Quê nghèo vui sống trong mặn mà
Đời vàng lên ngàn câu ca
Mà tình thấy càng bao la
Ngàn lòng như chan hòa

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều
Những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu
Rồi tình ta càng ăn sâu
Sâu mối duyên ban đầu

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng hôm nào
Hôm nào mưa rớt trên sông dài
Trên đồng em tiễn anh một chiều
Chiều chia ly còn chưa phai
Trời buồn khóc giùm duyên ai
Giọt lệ tuôn ngắn dài

DK:
Nhớ vô vàn . . .
Nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Quên quen câu bao nhiêu
Phút xa xưa êm đềm

Nhớ vô vàn . . .
Nhớ muôn ngàn
Ngàn đời tôi còn nhớ
Ngàn đời tôi nào quên
Bao nhiêu con người dừng chân trên bến tâm hồn

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng khói chiều
Khói chiều vương vấn mái tranh nghèo
Có bầy em bé reo ngoài vườn
Mẹ già tóc bạc như sương
Nợ đời luôn còng đôi vai
Vương đớn đau trăm đường

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những gì
Những gì tha thiết nhất trong đời
Những gì không nói nên bằng lời
Mà tim ta thì chơi vơi
Mà hồn ta tìm nơi nơi
Mà lòng ta nhớ đời

(hát trở lại điệp khúc, phiên khúc 3 rồi kết)

Ai nhớ chăng ai?

Viết một bình luận