“Chân Trời Tím” – Giấc mơ mãi không thành của lứa đôi tình nhân

Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, khi đất nước bị xâm lăng, mọi người đều cùng đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ những người bảo vệ Tổ quốc ở đầu chiến tuyến là chiến đấu, mà những người ở sau hậu phương cũng chiến đấu không ngừng nghỉ. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ cũng mang sức mình góp cho Tổ quốc qua các bài ca, câu hát, qua những nhạc phẩm cổ vũ tinh thần người lính. Chính vì thế mà chủ đề về tình yêu và người lính trở thành một chủ đề được đông đảo các nhạc sĩ chọn. Có rất nhiều nhạc sĩ viết về tình yêu và tình lính nhưng không thể không kể đến nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông không có thù hận, gay gắt, kích động hoặc u uất, bi thảm mà thường là trong sáng vui tươi, làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ. Và nhạc khúc “Chân trời tím” là minh chứng rõ nhất cho lối viết nhạc ấy của ông. “Chân trời tím” là nhạc khúc nói về tình yêu mộng mơ của người lính và người anh yêu, nhưng họ lại không thể đến bên nhau.

Trần Thiện Thanh và người vợ thứ 2 – Kim Dung
Trần Thiện Thanh và người vợ thứ 2 – Kim Dung

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1942-2005) là người con của vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận. Ông là một trong số những nhạc sĩ Việt nổi tiếng nhất giai đoạn trước năm 1975. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh còn có một số bút danh khác như: Anh Chương (lấy theo tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (lấy theo tên người em trai tử trận của ông) và Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng. Năm 2006, Trung tâm Asia thực hiện chương trình Asia 50: Anh Không Chết Đâu Anh và Asia 61: Bà Mẹ Trị Thiên vào năm 2009 để vinh danh ông.

Nhạc phẩm chân trời tím được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào năm 1967, tên bài hát được lấy theo tên của tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang.

Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím.

Nghe gió êm qua trái tim từng hoàng hôn

Anh chỉ muốn duyên tình hai chúng ta

Như ánh sao cao vút cao xa trần gian.

Bấm vào hình để nghe ca khúc do Ngọc Lan trình bày.

Mở đầu bài hát là lời hứa về tương lai chúng mình của người lính. Về một tương lai mà trái tim chúng ta có thể bình yên nghe gió êm thoảng qua trong chiều hoàng hôn tím. Chuyện tình chúng ta “như ánh sao cao vút cao xa trần gian”. Có lẽ người lính lấy hình ảnh ánh sao để mong chuyện tình của mình có thể vĩnh hằng, tuy nhỏ bé nhưng sáng trong và xinh đẹp như những vì sao, mong cho chuyện tình chúng mình cách xa trần gian còn nhiều đau đớn, chia xa.

Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím.

Gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu

Xin không thiếu trăng vàng trên tóc em

khi ánh sao trời đầy mắt người yêu

Và anh sẽ đưa em về nơi chân trời tím ấy, bầu trời của chúng ta với màu tím lãng mạn, màu tím của sự thủy chung về tình yêu. Không phải màu đỏ của tình yêu rực lửa và nồng cháy, tác giả viết về một chân trời tím, màu tím dịu nhẹ của tình yêu mộng mơ, êm đềm, của sự bình an và lãng mạn. Chúng ta sẽ về nơi tình yêu màu tím ấy, anh sẽ gom hết mây, để xây cho em lâu đài yêu. Anh cũng xin hứa không thiếu trăng vàng trên tóc em, em sẽ luôn nhìn thấy những ánh sao trời. Người lính hứa về một tương lai có “lâu đài” có trăng có sao với người anh yêu một cách đầy ngọt ngào và mộng mơ. Anh hứa mang lại cho người yêu một cuộc sống bình yên, một mái nhà ấm áp, một cuộc sống hạnh phúc nhưng lại dùng những chất liệu của thiên nhiên để phóng đại lên. Dùng mây trời, sao trời, mượn ánh trăng để vẽ lên bức tranh tương lai của họ.

Anh vì lửa khói quê hương, đường hun hút biên cương, một mình ngắm trăng suông

Anh về bên ấy thương mong

Từng chiều rớt bên sông, em có mơ gì không?

https://www.youtube.com/watch?v=d5N_IPouna8

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan và Thái Châu trình bày.

Nhưng, chiến tranh đã cướp đi người lính. Anh ra đi nhưng “về bên ấy thương mong” “Từng chiều rớt bên sông, em có mơ gì không?”. Theo quan niệm dân gian, khi người chết nhưng còn những nỗi niềm tiếc nuối, những điều chưa thực hiện được lúc sống, thì khi chết đi họ có thể sẽ về báo mộng cho người thân hoặc người họ thương.Và ở đây, khi người lính tử trận, điều mà anh tiếc nuối nhất là không thể cùng người yêu thực hiện những ước hẹn ban đầu.

Anh chắc em mơ về nơi chân trời tím.

Nghe đáy tim mơ ước khi ta tròn đôi

Xin yêu ái muôn đời không lẻ loi

Như sắc mây chân trời tím chiều rơi.

Và người lính cũng tin rằng người yêu mình sẽ mơ thấy anh, mơ thấy chân trời tím khi xưa chúng ta vừa tròn đôi đã hẹn ước. “Xin yêu ái muôn đời không lẻ loi như sắc mây chân trời tím chiều rơi.”

Anh yêu những chân trời tím

Màu tím của thắm thiết yêu đương.

Của hai đứa chúng mình đi vào tình yêu, đi vào kỷ niệm.

Anh sẽ đưa em tới đó.

Anh sẽ sống bên em như màu tím và chân trời, nhưng anh biết không bao giờ, không bao giờ chúng ta tới đó…

https://www.youtube.com/watch?v=u_uhEIaBbeI

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Julie trình bày.

Anh yêu những chân trời tím, màu tím của thắm thiết yêu đương, anh mong chúng ta có thể đi cùng nhau đến chân trời tím ấy, nhưng không thể. “không bao giờ chúng ta tới đó…” cái chết đẽ chia cắt chuyện tình đôi ta, cái chết đã xóa đi bức tranh tương lai của chúng mình. Anh có rất nhiều điều muốn làm cho em nhưng lại không thể nào cùng em thực hiện.

Anh chắc em mơ về nơi chân trời tím.

Mơ chúng ta in bóng trên chân trời xa.

Nhưng anh biết muôn đời muôn kiếp sau

Anh với em không hề đến gần nhau

Anh biết em sẽ mơ về anh, mơ về tương lai chân trời tím ấy, mơ thấy tương lai chúng ta cùng chung đôi. Ước mơ của anh nhỏ bé lắm, chỉ mong được cùng em sánh bước trên hết quãng đường còn lại của cuộc đời, chỉ cần hai đứa hạnh phúc với nhau bên mái nhà nhỏ có với nhau những đứa bé xinh xinh. Nhưng chính anh cũng biết chúng ta không thể đến gần nhau dù cho “muôn đời muôn kiếp sau”.

Nhạc khúc Chân trời tím như lời kể của người lính đã chết về chuyện tình của mình. Chuyện tình vốn mộng mơ đằm thắm tình yêu nhưng lại bị chia cắt bởi âm dương. Mọi hoài bão, mọi lời hứa khi yêu nhau giờ chỉ còn là kỷ niệm mãi không thực hiện được. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết về cái chết nhưng không u oán, không thù hận mà là một sự tiếc nuối được viết lại trong một khung trời tím với mây, với trăng và sao đầy chất thơ. Ông xây điều lãng mạn bằng những chất liệu giản đơn của cuộc sống, vẽ lại hiện thực tàn khốc của chiến tranh qua ngòi viết lãng mạn.

Viết một bình luận