“Chiều Thương Đô Thị” (Hoài Linh & Song Ngọc) – “Mộng trường chinh khói binh” của những người trai thời chiến loạn

Tình yêu, một chủ đề muôn thuở trong thi ca, không riêng những câu chuyện tình đẹp như mơ như thơ hay những câu chuyện lấy đi nước mắt người nghe bởi cái bi, cái sầu. Trong âm nhạc, người ta sẽ thấy nhiều về tình yêu đôi lứa, tình cảm ngọt ngào trai gái. Tuy nhiên, cũng có không ít ca khúc hát về tình bằng hữu của hai người con trai trong thời chiến loạn, sự đồng cảm về tình đời, tình người và những khó khăn vui buồn trong cuộc sống.

Nhạc sĩ Hoài Linh (bên trái) và Nhạc sĩ Song Ngọc (bên phải)

Bài hát nổi tiếng nhất khi đề cập đến tình bằng hữu giữa hai người con trai trong thời chiến chinh là “Chiều Thương Đô Thị” của đôi nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh. Chữ “tình” ở đây không phải là nhắc đến tình yêu, mà là tình bạn, tình bằng hữu. Theo nhạc sĩ Song Ngọc chia sẻ thì năm ông 19 tuổi phải nhập ngũ theo tiếng gọi của đất nước, để nhớ về bạn mình, nhạc sĩ Hoài Linh đã viết nên ca khúc này để tiễn đưa bạn thân.

“Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng:

“Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư

Không tan theo cùng hư vô, không theo tháng năm phai mờ

Tình nào tha thiết anh ơi?”

Tình quê hương gợi sâu,

Tình tôi, anh bền lâu vì mai đây tôi xa cách kinh thành

Mộng trường chinh khói binh,

vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.

Nghe đến đây, lòng ai cũng sẽ nghĩ đây là một nhạc khúc nói về tình yêu nam nữ, bởi hình ảnh “tay nắm tay” mùi mẫn, lại còn “Tình nào tha thiết anh ơi?” khiến ai không lầm tưởng. Nhưng khi nghe kỹ lại, sẽ thấy chữ tình trong bài chính là tình chiến sĩ thời loạn lạc và cái tình với quê hương đất nước.

Đoạn mở đầu của ca khúc như thay lời của Song Ngọc, lời của một người chiến sĩ sắp lên đường nhập ngũ, đang gửi chút tâm tình mà tiễn biết cùng người tri kỷ. Hoài niệm đôi chút về quá khứ, người trai như chợt nhớ một câu hỏi của bạn: “Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư, không tan theo cùng hư vô, không theo tháng năm phai mờ – Tình nào tha thiết anh ơi?” Chẳng biết trong cuộc đời ta, mối tình nào đồng hành lâu bền nhất, sẽ sâu đậm và  khó phai nhất. Đến hôm nay, ngày xuất quân cận kề, người trai ấy cuối cùng cũng có được câu trả lời chuẩn xác: Tình quê hương đất nước là đậm sâu nhất và tình tri kỷ là bền lâu nhất dù đôi ta có kẻ nơi người ngả.

Nhưng có lẽ, trong thâm tâm chàng chiến sĩ cũng có đôi chút buồn, bởi “mộng trường chinh khói binh” không biết đến khi nào mới hoàn thành, thân trai ra đi khi tuổi đời còn non trẻ, đến khi về tóc đã chuyển bạc hay chưa, có còn đủ sức du ngoạn như thời trai trẻ, cùng tri kỷ viết tiếp những vần thơ giai điệu…

“….Thôi nhé tôi đi áo vương bụi đường

Nhớ đêm phố phường người ơi lúc đèn buông!

Đừng ngăn gió vào thu để rơi lá vàng khô

Reo khúc quân hành đưa tiễn người chinh phu.

Đêm đêm ngắm trăng khuya nghe gió bay về

Ôm súng cầm canh trông sao trời lấp lánh

Tưởng về đôi mắt cố nhân chiều xưa….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh trình bày.

Tạm biệt người tri kỷ của thời niên thiếu, chàng chiến sĩ lên đường khi áo vẫn còn vương bụi đường. Chân bước ra đi nhưng tâm tư vẫn đang nơi quê nhà cũ, vẫn đang đặt cạnh người bằng hữu thân thương.

Nhớ làm sao những tháng ngày dạo bước, nhớ đêm phố phường lúc đèn buông, người người chìm vào mộng đẹp, chỉ chúng ta là thức trắng đêm để vẽ nên những câu chuyện tình bằng nốt nhạc, lời ca. Nhớ cảnh trời vào thu, tiễn bước những chiếc lá vàng héo úa, rủ nhau thay một tấm áo xanh mơn đầy sức sống. Những chiếc lá vàng trải mình trên phố, hợp vang lên những âm thanh xào xạc như cùng “reo khúc quân hành đưa tiễn người chinh phu”.

Nơi vùng chiến khu đầy gian nguy và hiểm trở, tay ôm súng gác trực đêm canh, ngước nhìn bầu trời cao rộng lớn với muôn ánh sao lấp lánh, bên tai lại truyền đến tiếng gió nhẹ vi vu. Cả không gian như gợi nhớ về đôi mắt của người cố nhân xưa, nhớ thuở nào cùng nhau sáng tác viết nên câu chuyện của bao người, ngờ đâu hôm nay lại viết nên tình khúc cho chính chúng ta.

“….Đêm nay tôi nhớ đến anh mơ về kinh thành

Những chiều gió lộng ta đi trong lòng phố vắng

Tâm tư qua làn khói trắng mưa rơi ướt hai mái đầu

Chuyện mình ai biết mai sau?

Để hôm nay ngồi đây trời biên khu nhiều mây

Chờ trăng thanh lên cao viết tâm tình

Chuyện người trai chốn xa

Và người đi chiến đấu vẫn đợi chờ nhau.”

Bấm vào hình trên để ngheca khúc do Băng Châu thâu thanh trước 75.

Đoạn cuối ca khúc chính là lời tự tình của đôi bạn khi họ mong nhớ về nhau, tâm tư được kết nối như đôi tình nhân đang hướng trái tim về đối phương. Đêm chiến khu, người lính lại nhớ về cố nhân nơi kinh thành, nhớ những chiều lộng gió hai người dắt tay nhau dạo quanh lòng phố vắng. Làn sương trắng rơi ướt hai mái đầu cũng không làm họ chùn bước, dù chẳng biết tương lai mai sau sẽ thế nào, nhưng họ biết thời khắc này họ là tri kỷ của nhau.

Người nơi chiến khu nhung nhớ về cố nhân nơi “kinh thành” xa xăm – Người trai chốn cũ cũng đồng thời nhớ lắm người chiến sĩ nơi chiến sự gian truân. Tình bạn của họ còn đẹp hơn muôn vàn câu chuyện tình yêu khác, cùng là chữ “tình” nhưng nó lại chẳng làm người trong cuộc phải khổ đau, mà khi đôi chiến hữu chia cách họ vẫn hoài niệm và mong ngóng về đối phương. Có một điều chắc chắn rằng, tình cảm giữa họ sẽ chẳng bao giờ tan vỡ vì sự sang hèn.

“Chiều Thương Đô Thị” của đôi nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc mang đến cho người yêu nhạc một câu chuyện “tình” nhẹ nhàng lại da diết. Ca từ của bài không quá mỹ miều hay cao sang khó hiểu mà nó hoàn toàn ngược lại, dễ nghe, dễ thuộc, dễ cảm nhận chính là những điều mà đại chúng đánh giá cho tuyệt khúc này. Tình tri kỷ là tình cảm cao quý và thiêng liêng, bạn bè là nơi ta có thể giải bày bao nỗi niềm tâm sự, là nơi sẻ chia những cảm xúc chân thành. Tình bạn của Song Ngọc và Hoài Linh khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, nó chỉ đơn giản là một ánh nhìn thấu hiểu, một cái siết tay lúc đối phương yếu mềm và sự im lặng lắng nghe tất cả những nỗi lòng khi cần thiết. Nhiều người sẽ cho đó là điều nhỏ nhặt, nhưng bạn đã thực sự tìm thấy được sự nhỏ nhặt ấy cho riêng mình hay chưa? Nếu tìm thấy, hãy trân trọng nó, bởi cuộc đời có thể có vô số “người bạn”, nhưng người thực sự là bạn thì lại có mấy ai.

Lời bài hát Chiều Thương Đô Thị – Song Ngọc & Hoài Linh.

Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng:
“Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư
Không tan theo cùng hư vô, không theo tháng năm phai mờ
Tình nào tha thiết anh ơi?”
Tình quê hương gợi sâu,
Tình tôi, anh bền lâu vì mai đây tôi xa cách kinh thành
Mộng trường chinh khói binh,
vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh.

[ĐK:]
Thôi nhé tôi đi áo vương bụi đường
Nhớ đêm phố phường người ơi lúc đèn buông!
Đừng ngăn gió vào thu để rơi lá vàng khô
Reo khúc quân hành đưa tiễn người chinh phu.
Đêm đêm ngắm trăng khuya nghe gió bay về
Ôm súng cầm canh trông sao trời lấp lánh
Tưởng về đôi mắt cố nhân chiều xưa.

Đêm nay tôi nhớ đến anh mơ về kinh thành
Những chiều gió lộng ta đi trong lòng phố vắng
Tâm tư qua làn khói trắng mưa rơi ướt hai mái đầu
Chuyện mình ai biết mai sau?
Để hôm nay ngồi đây trời biên khu nhiều mây
Chờ trăng thanh lên cao viết tâm tình
Chuyện người trai chốn xa
Và người đi chiến đấu vẫn đợi chờ nhau.

Viết một bình luận