“Chuyện Hoa Sim” và câu chuyện tình buồn bên màu tím của loài hoa sim.

“Rừng hoang đẹp nhất hoa màu tím
Chuyền tình thương nhất chuyện hoa sim…”

Từng câu hát sau mà thân quên đến lạ, đây tuy không là phiên bản nổi tiếng nhất của “Màu tím hoa sim” nhưng cũng là một ca khúc bất hủ theo thời gian của nhạc sĩ Anh Bằng. Chẳng còn xa lạ khi nhắc đến tên của người nhạc sĩ ấy, ông là một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng ở cả Việt Nam và hải ngoại. Ông còn là một trong ba thành viên sáng lập nên nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng với hàng trăm ca khúc bất hủ. Cũng như Phạm Duy hay Dzũng Chinh, nhạc sĩ Anh Bằng cảm thấy cảm xúc dâng trào khi bắt gặp thi phẩm “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan, có lẽ nó chính là cuộc đời, một câu chuyện có thật của nhà thơ nên mang cho người yêu thơ nhiều cung bậc cảm xúc. Nếu với Dzũng Chinh đây là một bi ca, với Phạm Duy là một bản hùng ca, thì với Anh Bằng đây nhiều hơn là một lời tâm sự. Không thiên nhiều về kể chuyện mà tập trung hơn về cảm xúc của người lính, sự đau khổ, sự tự trách nhưng lại ‘lực bất tòng tâm”.

Nhạc sĩ Anh Bằng
Nhạc sĩ Anh Bằng

Hữu Loan là một nhà thơ nổi tiếng và để đời với bài thơ “Màu tím hoa sim” được sáng tác trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Pháp và thi phẩm này được lưu hành rộng rãi vùng kháng chiến. Có thể do là câu chuyện thật gây xúc động người nghe, cũng có thể là đồng tâm sự của nhiều người lính. Bài thơ đã rất hay nhưng do nghi vấn nội dung nặng nề về tình yêu và khả năng cao ảnh hưởng đến tâm lý kháng chiến của các chiến sĩ nên ông bị cho giải ngũ.

Ca khúc “CHUYỆN HOA SIM” là một trong số nhiều nhạc phẩm được phổ từ bài thơ Màu tím hoa sim của thi sĩ Hữu Loan. Đây là một bài thơ khá nổi tiếng của thi sĩ được sáng tác vào năm 1949 tại Thanh Hóa, bài thơ như một sự tưởng niệm về người vợ đầu tiên vừa mới qua đời của nhà thi sĩ. Ngoài Anh Bằng, còn khá nhiều nhạc sĩ khác cảm thấy yêu thích và phổ nhạc cho tuyệt phẩm thơ này như: “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh, “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy, “Màu tím hoa sim” của Duy Khánh,….Bài hát nói về một cuộc tình buồn trong chiến tranh, cái thời mà anh một phương em một trời, cách biệt hai trái tim yêu đương. Kể về chàng Việt Minh và một cô thiếu nữ vừa tuổi đôi mươi

“Rừng hoang đẹp nhất hoa màu tím
Chuyện tình thương nhất chuyện hoa sim
Có người con gái xuân vời vợi
Tóc còn ngăn ngắn chưa đầy búi…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Đan Nguyên trình bày.

Hình ảnh núi rừng chiến khu lúc nào cũng hoang vu và hiu quạnh, bốn phía đều có thể là địch, lòng người chiến sĩ lúc nào cũng mong ngóng có thể về với quê nhà để đoàn tụ cùng người thân, cùng gia đình và cùng người thương yêu. Con đường hành quân biết bao gian truân và vất vả, nhưng nó chẳng là gì khi anh nhớ đến hình bóng người thiếu nữ ngây thơ đang quê nhà mong ngóng anh về.

Sự hoang sơ của cánh rừng chẳng bao giờ được chăm chút, vậy mà lại nở ra loài hoa sim tím vô cùng xinh đẹp, làm sống lại cả một khoảng trời u tối của biết bao người chiến sĩ. Chàng lính nhớ lại mình cũng có một câu chuyện tình yêu đẹp bên những đóa hoa sim tím mộng mơ này, một người con gái tuổi đời còn rất trẻ, nàng yêu cái sự lãng mạn của loài sim và cũng mong muốn cho mình một cuộc tình hoàn mỹ. Không phải mái tóc dài thướt của sự yểu điệu như những cô gái xưa, nàng sở hữu cho mình mái tóc “ngăn ngắn” nhưng cũng rực rỡ và yêu kiều không kém. Nàng đã cướp mất trái tim của người chiến sĩ Việt Minh rồi….

“…..Ngày xưa nàng vẫn yêu màu tím
Chiều chiều lên những đồi hoa sim
Đứng nhìn sương tím hoang biền biệt
Nhớ chồng chinh chiến miền xa xăm…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Như Quỳnh trình bày.

Gặp nàng nơi khu rừng chàng đã từng đóng quân, những đồi sim tím rực rỡ cũng chẳng lấn át được nét duyên dáng của người thiếu nữ mộng mơ. Ngày xưa nàng rất yêu màu tím, nên chiều nào cũng lên ngắm những cánh hoa sim lung lay trước gió, nàng như hòa mình vào khoảng trời tím rực ấy mà tỏa sáng.

Họ gặp nhau nơi rừng hoang, họ yêu nhau nơi đồi sim rực sắc và đến với nhau trong sự hân hoan. Nhưng thân là người lính chiến sĩ, sao chàng có thể cho phép bản thân thảnh thơi vui sống khi đất nước còn chìm trong hiểm nguy. Chàng lại tiếp tục lên đường, tiếp tục chuyến hành quân chưa ngày kết thúc và đành lòng bỏ lại người vợ bé nhỏ nơi góc nhà hiu quạnh. Cô nàng ngày ngày chờ chồng cũng sắp hóa “hòn vọng phu”, chiều nào cũng lên đồi hoa sim tím để ôn lại những kỷ niệm của đôi lứa, để mong chờ chồng sẽ đi về trên con đường tím hoang biền biệt ấy.

“…..Ôi lấy chồng chiến binh
Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại
Sợ khi mình đi mãi, sợ khi mình không về
Thì thương người vợ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương
Mà chết người em gái tôi thương…..”

Đây chính là lời tâm sự của người chiến sĩ, anh thấy tiếc thương cho số phận của những người vợ nơi hậu phương khi có chồng là chiến sĩ. Anh đã khóc thét trong sự khốn khổ cùng cực “Ôi lấy chồng chiến binh”, chàng thay lời cho vợ mình, chàng trách bản thân chẳng làm tròn trách nhiệm, lấy nàng nhưng không đảm bảo được cho nàng một cuộc sống hạnh phúc và vui tươi. Chồng chiến binh khổ lắm ai ơi! Có chồng nhưng chẳng thể nhờ chồng, có chồng nhưng lúc nào cũng cô đơn lặng lẽ trong chính căn phòng tân hôn, có chồng nhưng lúc nàng cần nhất chồng lại ở xa trên con đường hành quân biền biệt.

Anh đang thể hiện thái độ đồng cảm của bản thân đến với tất cả những người thiếu nữ xuân xanh, anh cảm thấy tiếc thay cho thân phận người phụ nữ. Lấy chồng thời chiến binh, phải chấp nhận bản thân có thể trở thành “quả phụ” bất cứ lúc nào bởi “lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại”. Con đường hành quân vất vả lắm, chiến sự hiểm nguy lắm, sau một đêm chẳng biết ai còn kẻ nào mất, chẳng biết được tương lai mình sẽ thế nào, đôi lúc họ chẳng dám yêu ai vì sợ làm khổ con gái người ta, sợ mình một đi chẳng có ngày trở lại, sợ một khi ra đi thì chẳng bao giờ về lại căn nhà nhỏ nữa. Thân trai thời chiến, những anh hùng chấp nhận hy sinh bản thân chỉ cần có thể bảo vệ yên bờ cõi, nhưng lại thương vô cùng những cô nàng lúc nào cũng mòn mỏi mà trông mong chồng, mong chờ người yêu trở lại.

Tác giả thấu hiểu đấy, đồng cảm đấy, chỉ lo sợ cho người vợ mình nơi mái nhà tranh không bóng người chồng che chở. Nhưng sự đời ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, khi người trai chiến trường vẫn còn rất khỏe mạnh thì lại hay tin người vợ bé bỏng nay có còn đâu. Tin tức ấy như bóp nghẹt trái tim chàng, làm chàng đau đớn đến tột cùng “chết người em nhỏ hậu phương”, “chết người em gái tôi thương”…..

“…..Đời tôi là chiến binh rừng núi
Thường ngày qua những đồi hoa sim
Thấy cành sim chín thương vô bờ
Tiếc người em gái không còn nữa….”

Hàng ngày vượt qua bao nhiêu đèo bao nhiêu suối, băng qua biết bao là rừng, vậy mà khi ngang qua những cánh rừng hoang màu tím rực rỡ những cánh hoa sim, lòng người chiến sĩ xót xa đến nhường nào. Màu tím ấy làm chàng nhớ đến người em gái bé nhỏ của mình, nhớ đến hình ảnh người vợ nơi quê nhà, nhưng “tiếc người em gái không còn nữa..”. Một nỗi lòng chẳng biết tỏ cùng ai, chỉ biết ôm một trái tim đang tổn thương mà hoàn thành tốt phần nghĩa vụ được giao mà chẳng dám một lời than phiền.

“…..Tại sao nàng vẫn yêu màu tím
Màu buồn tan tác phải không em
Để chiều sim tím hoang biền biệt
Để mình tôi khóc chuyện hoa sim.”

Màu tím là một màu sắc tuyệt đẹp để thưởng thức, nó là sự kết hợp của đỏ và xanh trong bản màu cơ bản. Màu tím mang đến cho ta sự sang trọng, sức mạnh và sự trí tuệ, màu tím đại diện cho sự thanh nhã của người phụ nữ Việt Nam toát lên sự chân thành và đáng tin cậy. Nhưng màu tím cũng mang trong mình sự tiêu cực mà ít màu nào có thể thể hiện được, gợi lên cho ta sự tang tóc và đau thương. Vậy nên chàng trai cũng chẳng hiểu lý do gì mà nàng thiếu nữ ấy cứ mãi thích sắc tím của hoa sim, phải chăng lòng nàng quá buồn cứ như màu tím nên xem nó như tri kỷ để đồng hành.

Chiều sim tím của những ngày ấy thì nàng đứng đợi chờ tin chồng quay lại, còn chiều của hiện tại chàng cũng đứng trên đồi sim ấy nhớ về em, nhưng không hề điềm tĩnh mà đang một mình khóc thương về một “chuyện tình hoa sim” ấy.

Viết một bình luận