“Chuyện Một Người Đi” – Lời tâm tình của người lính nhớ quê nhà, nhớ gia đình và nhớ người thân

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết và mất năm 2005 tại Mỹ. Ngoài vai trò là một người nhạc sĩ tài hoa, Trần Thiện Thanh còn là một ca sĩ hát nhạc vàng vô cùng nổi tiếng trong “TỨ TRỤ NHẠC VÀNG” với nghệ danh Nhật Trường.

Dù đã ra đi nhiều năm, nhưng tác phẩm của Trần Thiện Thanh vẫn còn sống mãi trong lòng người hâm mộ bởi chất nhạc rất riêng. Những sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh luôn để lại trong lòng người nghe những giai điệu vui tươi, lạc quan dù ý nghĩa của ca khúc có hơi đau buồn, bi lụy. Đấy chính là cái hay trong mỗi sáng tác của cố nhạc sĩ, mang đến cho người nghe nhiều thông điệp ý nghĩa, nhưng lại không muốn người nghe phải đau khổ hay xót xa vì nó quá nhiều, vẫn luôn giữ được nét dễ thương, tươi tắn.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

Hai thể loại âm nhạc mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh theo đuổi chính là nhạc lính và nhạc tình. Nếu nhạc tình là những bài hát gợi nhớ rất thắm thiết đối với những kẻ yêu nhau bằng một tình cảm nhẹ nhàng, lãng mạn. Thì nhạc lính của Trần Thiện Thanh lại gây dấu ấn bởi những ca từ mạnh mẽ, kết hợp với lòng yêu nước nồng nàn, truyền tải vào mỗi bài hát là một ngọn lửa rực cháy và làm người nghe cảm giác khó quên. Nhạc lính của ông không hề có sự thù hận hay gay gắt, mà nó chỉ có sự vui tươi, lạc quan hóa những gian khổ của người lính thành những ký ức ngọt ngào.

Có ai nhớ đến một bài hát mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết ra để dành tặng riêng cho ba mẹ, cho anh chị em và cho cả những người bạn của mình không? Đó chính là bài hát “CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐI” được sáng tác vào năm 1963, ca từ của ca khúc chính là những nhớ thương, những hoài niệm về người thân, bạn bè và về những người thân yêu của tác giả. Mỗi câu hát chính là một nỗi niềm, một sự nhớ thương không nói thành lời, chỉ có thể gửi gắm qua từng giai điệu, lời ca để động viên mình thêm cố gắng.

Bấm vào hình trên để lắng nghe ca khúc do Trúc Mai thể hiện.

“Ai ơi, có trăng nào mà tròn mãi không vơi

Xưa nay có hoa nào mà chẳng tàn không phai

Sương kia, sương đọng rồi vỡ

Mây hợp rồi tan, hoa nở đợi tàn

Dẫu xa ngàn năm đừng buồn ly tan…..” 

Tình cảm gia đình là nơi chứa đựng nhiều cảm xúc vô cùng to lớn với mỗi con người chúng ta. Nó bảo vệ chúng ta vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống, nó giúp ta vươn lên trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Gia đình chính là nguồn động lực cho ta vươn lên, cố gắng nhiều hơn và mạnh mẽ hơn. Tác giả cho ta thấy được nỗi nhớ người thân da diết thế nào, nhưng dặn lòng dù xa ngàn năm cũng đừng buồn, hãy cố gắng lên, vì chúng ta vẫn sẽ còn gặp nhau dù có qua bao nhiêu lâu, dù có cách xa thế nào.

“…Nếu biết, lối đi hiện giờ tìm đến tương lai,

Xa xôi, mến yêu rồi thì đừng buồn nghe em

Hôm nay anh còn bàn tay, anh còn đôi vai

Anh còn tình thương, biển kia còn xanh

Anh còn gặp em…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giang Tử trình bày.

Người ta hay nói, bảo vệ nước non bờ cõi chính là bảo vệ chính gia đình nhỏ của ta, đất nước có thái bình, thì gia đình mới yên vui. Người trai ra đi vì nghĩ cho tương lai, cho một ngày mai yên bình nên anh đã cố gắng hết sức, cố gắng đến một ngày còn có thể quay về gặp lại người thân, gặp lại đấng thân sinh của mình.

“…Chuyện một người đi, là chuyện nghìn lòng trai

Đêm nay anh dừng bên quán vắng, ôn lại chuyện xưa

Thương mấy cho vừa trông sao anh khẽ bảo:

Em đếm trên trời, bao nhiêu sao sáng,

tình mình còn sáng hơn sao…..”

Đứng trên cương vị của một người con dân Việt Nam, phải làm sao khi đất nước cần mình, ông chấp nhận ra đi để giữ vững nền hòa bình cho đất nước, góp phần nhỏ vào sự nghiệp chung của non sông. Ông mong mỏi làm sao được về với người nhà, được vui vẻ bên ba má, được hạnh phúc cùng những người anh em, những người bạn thân thiết. Buồn làm sao khi một thân một mình ngồi nơi quán vắng để ôn lại chuyện xưa?

“…Nhưng thôi, phút qua rồi chỉ là phút xa xôi

Tâm tư, có mơ mộng vẫn là mộng mơ thôi.

Thâu đêm, trăng còn mong sáng

Đêm lại qua đêm mến nhau nhiều thêm,

Nắng kia rồi lên anh sẽ tìm em.”

Đột nhiên bản thân ngộ ra rằng: “Tâm tư, có mơ mộng vẫn là mộng mơ thôi” như đang nhắc nhở bản thân mình hãy quên đi, vì những chuyện xảy ra đã qua hết rồi, người ấy đã không thể về được nữa rồi. Dù dặn lòng như vậy, nhưng “người thương” thì làm sao có thể quên đi trong ngày một ngày hai được. Nên là đêm qua đêm lại cảm thấy “mến nhau nhiều thêm”, nhớ thương nhau hơn.

Đến cuối bài hát, tác giả như nhắn nhủ với cô gái hãy cứ yên tâm, dù cô có ở nơi nào đi chăng nữa thì anh vẫn sẽ tìm được em, nắng lên như ánh sáng dẫn lối để anh đến bên nàng. “Nàng” ở đây chính là nhắn đến những người anh yêu thương, hứa hẹn ngày anh sẽ quay trở lại, sẽ về được sum họp cùng gia đình, cùng những người anh em, bạn bè.  Xuyên suốt cả bài hát chính là giai điệu nhẹ nhàng, chầm chậm kết hợp với ca từ như muốn đi sâu vào tận trái tim của người nghe. Cảm giác da diết, nhớ mong làm lòng người nghe cảm thấy day dứt không nguôi.

Dù ca từ trong bài hát “CHUYỆN MỘT NGƯỜI ĐI” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không quá bi lụy, làm người nghe không quá đau lòng, nhưng vẫn để lại trong tim người yêu nhạc một nỗi niềm gì đó nói không thành lời. Quả không hổ danh là một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam, Trần Thiện Thanh luôn mang đến cho chúng ta những cung bậc khác nhau trong cùng một bài hát. Có vui có buồn, có nhớ thương, nhưng cũng có sự bất lực vì sự ra đi của mình.

Viết một bình luận