“Con Thuyền Không Bến” – Chỉ nghe giai điệu thôi đã đủ thấy sầu rồi!

Cố Nhạc Sĩ Đặng Thế Phong sinh năm 1918, tại thành phố Nam Định, là con thứ 2 của ông Thông phán sở trước bạ Đặng Hiển Thể , nhưng không may bố bị mất sớm, gia đình túng thiếu. Đặng Thế Phong phải bỏ dở khi đang học năm thứ hai bậc thành chung. Ông nghỉ học sau đó lên Hà Nội làm thêm bằng cách vẽ tranh cho báo Học Sinh và theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với tư cách là bàng thính viên. Thời gian ông học ở đây đã để lại một giai thoại. Trong một kỳ thi, Đặng Thế Phong vẽ bức tranh cảnh một thân cây cụt. Giáo sư, họa sĩ người Pháp Tardieu chấm bài, khen ngợi nhưng nói rằng: Em Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được! Điều đó giống như tiên đoán trước về cuộc đời ngắn ngủi của ông vậy.
Đầu năm 1941 ông vào Sài Gòn rồi sau đó đi Nam Vang. Ở Nam Vang ông có mở một lớp dạy nhạc. Đến mùa thu 1941 ông lại trở về Hà Nội.

Ông không những vẽ tranh, viêt nhạc mà còn đi hát bởi lẽ giọng hát của ông rất hay hội tụ đủ các tài năng cần có của một thiên tài thế nhưng sự ra đi rất sớm khi chỉ mới 24 tuổi của ông lại khiến bao người tiếc nuối.

Lần đầu tiên lên sân khấu, ông hát bài “Con Thuyền Không Bến” tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội) vào năm 1941 và ngay lập tức được công chúng đón nhận.
Con thuyền không bến là một trong ba nhạc phẩm viết về mùa thu để đời của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Đây cũng là ca khúc được xem là một trong những tác phẩm bất hủ của Tân nhạc Việt Nam.

Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.

Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say
Miền xa lời gió vang thông ngàn
Ai oán thương ai tàn mơ màng.

Lướt theo chiều gió
Một con thuyền, theo trăng trong
Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng.

Biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông thương
Nào ai biết nông sâu.

Nhớ khi chiều sương
cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương
Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng.

Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi đừng chờ mong
Ánh trăng mờ chiếu
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la
Thuyền mơ bến nơi đâu.

-Trích lời bài hát: Con Thuyền Không Bến.

Tương truyền ca khúc “Con thuyền không bến” được gắn liền với giai thoại về một cuộc tình đầy thơ mộng của nhạc sĩ Đặng Thế Phong với cô bạn gái tên Tuyết.
Theo lời kể từ nhạc sĩ Lê Hoàng Long, một người bạn thân thiết của Đặng Thế Phong thì Đặng Thế Phong đem lòng yêu mến cô thiếu nữ duyên dáng tên Tuyết làm nghề buôn bán ở chợ Sắt thuộc thị xã Nam Định lúc bấy giờ. Cuộc tình của hai người trãi qua những tháng ngày êm đềm bên nhau không gợn sóng.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Long cũng cho biết “ Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa cô Tuyết (người yêu của ông khi đó) để lên Bắc Giang ít ngày. Ai đã đến Bắc Giang là biết thị xã này có con sông Thương, một con sông có hai dòng nước, bên đục, bên trong. Kẻ viết bài này, lúc bé học ở Bắc Giang, vào những ngày hè nóng bức, cùng bạn bè ra sông bơi. Đứng từ trên cầu ra tháp nước khá cao, nhìn thấy rõ hai dòng nước đục trong rõ rệt! Ở Bắc Giang, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong đã cùng bạn bè thuê thuyền cắm sào rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên mọi chuyện. Đang lúc đang vui thì có người ra đưa cho Đặng Thế Phong một bao thư. Ông ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư, ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc nên hỏi, được ông cho biết thư báo tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần rồi và nhớ ông lung lắm nên có lẽ ông phải về Nam Định gấp! Chính đêm này, lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, đã ngồi dậy sáng tác được tác phẩm Con thuyền không bến buồn não ruột…
Hai hôm sau Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, rút ngắn thời gian để về Nam Định. Được tin Đặng Thế Phong đã về, cô Tuyết thấy bệnh thuyên giảm rất nhanh. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp lại nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang cái lạnh. Tối hôm ấy trăng lên muộn, trời tối gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Dìu nhau đến nơi cũ, Đặng Thế Phong ghé sát tai cô Tuyết, hát nhẹ nhàng, giọng dạt dào tình cảm như rót vào tai cô bài Con thuyền không bến mà ông vừa sáng tác trong một đêm trắng trên sông Thương vì thương nhớ cô…”

Chính bài hát được sáng tác trong một đêm thu trên sông nước của Đặng Thế Phong trong nỗi nhớ người yêu da diết với nỗi buồn nỗi nhớ không nguôi của nhạc sĩ được lan truyền và được đông đảo mọi người đón nhận khi hát ở rạp Olympia tại Hà Nội. Cũng đêm hôm đó ngày mà Đặng Thế Phong tỏa sáng trên sân khấu, cô Tuyết đã kịp đáp chuyến tàu lên Hà Nội và ngồi vào hàng ghế đầu tiên của rạp hát để thưởng thức giọng hát tuyệt với của người yêu mình.
Tuy tài năng như thế nhưng nhạc sĩ Đặng Thế Phong lại đoản mệnh, trút hơi thở cuối cùng tại căn gác nhỏ ở phố Hàng Đồng – Nam Định, đầu năm 1942, ở tuổi 24 với căn bệnh hiểm nghèo lúc bấy giờ – bệnh Lao. Cô Tuyết vẫn ở đó chăm sóc cho ông lúc ông ốm đau cũng như đi bên linh cửu đau đớn tiễn biệt người thương về thế giới bên kia, kết thúc một mối tình dang dở nhưng vô cùng đẹp…

Viết một bình luận