Đôi chút cảm nhận về ca khúc “Về Miền Tây” – vẻ đẹp của vùng Miền Tây sông nước, đất trời hiền hòa.

Điểm đặc sắc trong âm nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là tính chất nhân văn, đầy tình cảm và chứa đựng tình người. Trái ngược với những ca khúc viết về người lính trong cuộc chiến tranh không khoan nhượng, kiên cường, bất khuất bằng những giai điệu mạnh mẽ, hùng hồn thì các ca khúc nhạc vàng thường được viết với giai điệu đơn giản và lời ca bình dân, phổ thông, phần lớn là bài hát theo thể điệu bolero. Còn các tình khúc giai đoạn 1954 – 1975 thường là lời ca lãng mạn mang tính văn học và gần với nhạc tiền chiến hơn, cung điệu cũng trau chuốt hơn, tuy nhiên khác nhạc tiền chiến ở chỗ là giai điệu thường ít chậm hơn, hay thể hiện tâm trạng cá nhân ít có không gian cụ thể và có tính hiện đại hơn. Y Vân chính là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990. Nhiều sáng tác của ông đã trở thành bất hủ và vẫn được trình diễn bởi những ca sĩ hiện thời.

Ca khúc “Về Miền Tây” là một sáng tác của nhạc sĩ Y Vân. Ca khúc này đã trở thành một bài hát được nhiều người yêu thích lúc bấy giờ. Vì bài hát mang đặc trưng, ca ngợi vẻ đẹp của vùng Miền Tây sông nước, đất trời hiền hòa để tô điểm cho tình cảm gia đình, tình người xa xứ mà khắc họa nỗi lòng của phận người con gái phải lấy chồng xa.

Chỉ với cái tên gọi thôi mà nó đã tạo cho chúng ta một sự hứng thú và mới lạ về vùng đất này. Miền Tây là mảnh đất thuộc khu vực miền nam của Tổ Quốc. Quê hương của những cánh đồng bao la bát ngát, những dòng sông trĩu nặng phù sa, những người dân chất phác, hiền lành. Về miền Tây ghé thăm miệt vườn sông nước Cần Thơ với hàng trăm loại cây trái, thưởng thức những “bát cơm” do chính bàn tay người dân lao động tạo nên bằng mồ hôi nước mắt.

Quốc lộ 4 Vĩnh Long 1967-68

“Về miền Tây. Có ai về miền Tây

Lúa mùa thơm thơm mãi

Dừa xanh nghiêng chênh chếch

Cá ngược dòng sông này…”

Quê hương miền Tây với hàng dừa xanh, những cánh đồng thơm nồng mùi lúa chín, những cây “cầu khỉ”, những con người thật thà, dễ mến, những cô gái miền Tây duyên dáng, xinh tươi trong chiếc áo bà ba,…tạo nên một bức tranh “muôn màu muôn vẻ”. Tất cả đã ăn sâu vào máu thịt, tâm trí người miền Tây. Cho dù rời xa quê hương, trong lòng mỗi người vẫn thương nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, những kỉ niệm quê hương sâu đậm, mặn nồng. Khi được trở về với cội nguồn, nỗi niềm cảm xúc cứ dâng trào trong tim. Được về thăm con đường xưa mình đã từng chập chững những bước chân đầu tiên.

“…Về miền Tây. Có ai về miền Tây

Lối mòn trơ vách đá

Ðường long xuyên Châu Ðốc

Ai hát lời thơ ngây

Nước ngon uống lắm cũng say

Mái nghèo nhưng mà đẹp

Má gầy nhưng mà xinh

Em là người vợ chiến binh

Tháng năm mà duyên thắm

Mối tình em lẻ loi

Lối về mai nghỉ chân đồi

Thướt tha cành liễu trăng soi lối mòn

Nhìn trời nhìn nước nhìn non

Gia đình một gánh, giang sơn một lòng…”

Nói về tình yêu đôi lứa, người miền Tây thường dùng từ “thương” thay vì từ “yêu” như một số vùng miền khác. Điều này gợi cho người ta những cảm nhận về một mối quan hệ an hòa, ít sóng gió, ít thác ghềnh tựa như thổ nhưỡng của vùng đất miền Tây này vậy. Không hàm chứa ý nghĩa ban phát, không khiên cưỡng, khi một người miền Tây nói rằng thương ai đó nghĩa là họ đã dành cho đối phương tình yêu, lòng bao dung, độ lượng, sự trìu mến, thiết tha. Từ “thương” được nói ra khi trong lòng họ đã đủ tình, đã xác định sẽ có trách nhiệm trọn đời với người mình đem lòng yêu thương.

“…Về miền Tây. Có ai về miền Tây

Má gầy thơm lúa chín

Dừa xanh nghiêng mắt biếc

Nước ngọt về đêm ngày

Về miền Tây. Có ai về miền Tây

Nhớ chiều vương sắc máu

Ðoàn quân qua đêm vắng

Sông nước ngập hương say…”

Miền Tây là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi nhưng không vì thế mà người dân nơi đây ỷ lại, mà họ luôn là những người dân chân lấm tay bùn, biết chịu thương chịu khó. Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa trung tâm thứ hai của cả nước. Hằng năm, phù sa bồi đắp làm cho đất đai màu mỡ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, nước lũ tràn về, con người lại trong cảnh “sống chung với lũ” – điều này không còn là lạ lẫm nữa. Mùa nước nổi mang theo nhiều loại tôm, cá,… người dân lại “gặt hái” thêm nguồn lợi thủy sản dồi dào. Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng, cuộc sống cho dù có những gian khổ, khó khăn nhưng chúng ta phải biết đấu tranh vượt qua, tạo nên một xứ sở với sắc màu “trăm hoa đua nở”.

“Về Miền Tây” là một bài hát mang đầy ý nghĩa. Chúng ta hãy “thử” dù chỉ một lần để lắng nghe lời ca, điệu nhạc bài hát. Để một lần cảm nhận hương vị của quê hương, của tình yêu đôi lứa và tình cảm gia đình . Hy vọng rằng, dòng nhạc quê hương, nhạc cách mạng sẽ trở lại một thời vàng son mà nó đã từng có. Và nhất là giới trẻ ngày nay sẽ quan tâm nhiều hơn về giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Về miền Tây. Có ai về miền Tây
Lúa mùa thơm thơm mãi
Dừa xanh nghiêng chênh chếch
Cá ngược dòng sông này

Về miền Tây. Có ai về miền Tây
Lối mòn trơ vách đá
Ðường lòng xuyên Châu Ðốc
Ai hát lời thơ ngây

Nước ngon uống lắm cũng say
Mái nghèo nhưng mà đẹp
Má gầy nhưng mà xinh
Em là người vợ chiến binh
Tháng năm mà duyên thắm
Mối tình em lẻ loi
Lối về mai nghỉ chân đồi
Thướt tha cành liễu trăng soi lối mòn
Nhìn trời nhìn nước nhìn non
Gia đình một gánh, giang sơn một lòng

Về miền Tây. Có ai về miền Tây
Má gầy thơm lúa chín
Dừa xanh nghiêng mắt biếc
Nước ngọt về đêm ngày

Về miền Tây. Có ai về miền Tây
Nhớ chiều vương sắc máu
Ðoàn quân qua đêm vắng
Sông nước ngập hương say

-Trích lời bài hát Về Miền Tây của nhạc sĩ Y Vân.

Viết một bình luận