“Hạ Trắng” – Một tuyệt tác từ giấc mộng ảo đến đời thực của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn

Hạ Trắng được ra đời năm 1961 do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trong một giấc mơ lạ giữa cái nắng trưa hè của xứ Huế. Trong khi nhạc sĩ đang lên cơn sốt nặng giữa cơn sốt mê man, trong thoáng chốc ông cảm nhận cả cơ thể ông bỗng dưng nhẹ tênh đang trôi bồng bềnh giữa mùi thơm của hoa dạ lý hương. Sau khi tỉnh giấc, mồ hôi ướt đẫm cả áo ông mới biết mình vừa rời khỏi một giấc mơ kì lạ. Quay người về phía chiếc bàn thì ông đã thấy 1 bình hoa lý dạ hương ai đã cắm sẵn, ông mới ngờ ngợ ra chính mùi hương này đã dẫn dắt ông đi được tới giấc mơ kì lạ đó. Giấc mơ kì lạ đó đã cho ông được trải nghiệm một cách chân thật giữa sự sống và cái chết rất rõ nét, đó chính là sự giải thoát và trở về.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Đây được coi là một ca khúc đưa người nghe tới không gian hư ảo, ta như nằm mộng trong nền nhạc ấy. Một giấc mộng được dệt bằng những ca từ đầy mê hoặc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho đời.

Hình ảnh một mỹ nữ xuất hiện như một thiên thần bước đi nhẹ nhàng trong chiều không mây thoáng ẩn, thoáng hiện trong giấc mơ của Trịnh Công Sơn khiến ông phải xao xuyến mà cố tìm kiếm.

“Gọi nắng!
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy”

Một giấc mơ kì lạ giữa cái nắng oi ả được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thêu dệt lên như một tia nắng nhẹ nhàng từ cái gọi là thiên đường ru ngủ tâm hồn ông. Không có cái nóng nào cả, dường như mọi thứ biến mất chỉ để lại cho ông một tâm trạng xao xuyến, bâng khuâng giữa cõi đời hư thực.

Thực tế, những hình ảnh trong lời bài hát mang chút dấu ấn tượng trưng tác động đến cảm giác nhiều hơn gợi tư duy. Và cơn mê chiều miên man đưa về những ảo ảnh trắng của hoa và của nắng. Bờ vai gầy một lần nữa bước ra từ cõi mơ, gợi cảm hứng cho tác giả. Người thiếu nữ, màu hoa trắng hư ảo và nắng vàng đã xóa nhòa ranh giới giữa thực tại và giấc mộng trầm mê, đưa nhạc sĩ trong giai điệu buồn xao xuyến vọng về từ tiềm thức.

“…Bước chân em về nào anh có hay
Gọi em cho nắng chết trên sông dài…”

Nếu ai đó ở đời sợ phải chết, bởi đó là sự chia ly đau buồn nhất thì với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cái chết với ông chính là sự giải thoát, là sự trở về bởi ông hiểu hơn ai hết, trần gian là căn gác trọ tá túc vài ngày rồi lại phải dời đi.

Không thể phủ nhận mối tình sống chết bên nhau của hai cụ già mà nhạc sĩ chứng kiến đã thôi thúc nên những lời ca da diết:  “…Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu/ Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”.
Sự sắt son và tình yêu của mối tình già có lẽ là nốt trầm cuối của cuộc đời, nó tấu lên một bản nhạc buồn chậm rãi bởi lẽ có một điều mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thấu hiểu chính là tình cảm lứa đôi dẫu có đẹp tới đâu thì kẻ vô tình cũng sẽ mang đi tất cả.

Nhưng nếu cảm nhận một cách sâu sắc thì ca từ trong bài hát không hẳn cái chết là sự giải thoát mà đó chính là động lực niềm khát khao sống, khát khao yêu từ tận sâu thẳm trái tim ông.

“…Gọi nắng!
Cho tóc em cài
Loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về
Miền cao gió bay
Áo em bây giờ
Mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi
Suốt cơn mê này…”

Nhạc sĩ có lẽ đã hiểu được cảm giác từ tia sáng vi diệu tỏa ngát ra từ cánh của nơi thiên đường giữa ngày nắng hạ oi ả tường chừng muốn thiêu rụi tất cả nhưng nó lại được tác giả cảm nhận đẹp đẽ đến nhường nào.
Câu chuyện tình già phải chia ly bởi cái chết lại là một cảm xúc khiến nhạc sĩ có thể viết lên những ca từ đưa người nghe như lạc vào cõi mộng giữa hư và thực.

Hình ảnh Nắng – Em – Hoa trắng xuất hiện trong cơn mê chớp nhoáng rồi để rời xa vĩnh viễn để lại trong lòng tác giả một tâm trạng không khỏi xót xa. Cơn mê được gọi tên là một màu nắng, sắc hoa, một tình yêu vĩnh hằng. Bao ấn tượng là mơ nhưng cũng là thực, thực trong cảm xúc, thực trong tâm hồn. Để rồi, mỗi người nghe đều muốn mình lạc vào cõi mê, thả lòng theo “hạ trắng”, theo hoa trắng, theo tiếng “gọi tên em mãi suốt cơn mê này”.

Những trăn trở hơn nửa thế kỷ qua, nỗi lòng dằn vặt giữa cuộc đời của nhạc sĩ tài hoa xứ Huế được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam cất lên. Hạ trắng nói riêng cũng đã được biết đến với những giọng ca vang bóng một thời như Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Lệ Thu… và cả những người trẻ sau này như Hồng Nhung, Quang Dũng… Nhưng có lẽ, người thể hiện thành công nhất ca khúc để đời này của Trịnh Công Sơn vẫn không ai khác ngoài người bạn tri âm tri kỷ của ông – ca sĩ Khánh Ly.

Nghe Hạ trắng qua giọng hát liêu trai Khánh Ly, người ta cũng dường như muốn nhắm mắt lại để thấy mình trôi đi giữa một chiều không mây, giữa một trời hoa trắng.

Ngày xa xưa ấy đã vội qua, những ngày xanh buông trôi, còn lại chút gì của giọt nắng ngoài kia, dường như nắng cũng chòng chành lên tiếng cùng “hạ”. Nhẹ buông vào lòng…

Viết một bình luận