Hình ảnh người lính trước và sau khi khoác lên áo chinh nhân trong nhạc phẩm “Thành Phố Sau Lưng” – Nhạc sĩ Hàn Châu

“Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách”

Đó là câu nói mang hàm ý khi đất nước lâm nguy thì phận làm trai phải có trách nhiệm. Vào những năm trước 1975, khi đất nước còn phải vất vả vì cuộc chiến kéo dài, những chàng trai yêu nước, mang trong mình lý tưởng cứu nước đều lên chiến trường chiến đấu. Và trong đó có cả chàng trai trẻ  Lê Đình Nam, mà sau này được mọi người biết đến với bút danh nhạc sĩ Hàn Châu. Hàn Châu từng đi lính, và khi nhớ lại khoảng thời gian là người lính binh chủng, ông đã sáng tác nhạc khúc mang tên “Thành phố sau lưng”. “Thành phố sau lưng” là nhạc khúc về hình ảnh người lính trước và sau khi khoác áo chinh nhân.

Nhạc sĩ Hàn Châu

Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, ông sinh năm 1947 tại vùng đất Hoài Nhơn, Bình Định trong gia đình có năm chị em. Chị cả của ông là vợ của nhạc sĩ Thanh Sơn. Về bút danh Hàn châu, là do vào năm 1966, khi nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác nhạc phẩm “Ngỏ hồn qua đêm” đã đưa tên ông vào với bút danh Hàn Châu. Đây trở thành bút danh của ông cho đến tận ngày nay. Nhạc sĩ Hàn Châu được đông đảo người mộ nhạc biết đến qua các bài hát nổi tiếng như: Cây cầu dừa, Về quê ngoại, Những đóm mắt hỏa châu,…

Vào năm 1968, khi Hàn Châu vừa tròn 21 tuổi, ông gia nhập quân đội.  Nên những tác phẩm đầu tay của ông đều là nhạc về người lính như: Ngày mai tôi về, Tình người đầu non, Lời trần tình, Viết trên cao, Những đóm mắt hỏa châu,… và đặc biệt là “Thành phố sau lưng”.

Nhạc phẩm “Thành phố sau lưng” kể lại sự thay đổi của người lính trước và sau khi nhập ngũ. Trước nhập ngũ anh là một người mà khi phố ngả đèn thì anh “nghiêng men rượu say mèm”.

Khi vũ trụ lên đèn thành phố ngả nghiêng men rượu say mèm.
Tuổi thơ đi hoang nghìn đêm trốn ngủ.
Phần ba tuổi đời hoang phế sau lưng.

Bấm vào hình để nghe ca khúc do Chế Linh trình bày trước 75

Mở đầu nhạc phẩm là hình ảnh quá khứ, khi chưa là người lính. Chàng trai ấy có một cuộc sống buông thả, luôn say mèm về đêm. Tuổi thơ là những đêm ăn chơi trốn ngủ. Một chàng trai “phần ba tuổi đời hoang phế sau lưng”. Ngày chưa nhập ngũ, anh chỉ sống cho mình, chỉ vui bên ly rượu, chỉ đê mê với những thú vui hoang lạc mà bỏ bê cuộc sống thực sự, bỏ quên lý tưởng. Nhưng khi từng đêm nhìn quê hương đạn khói, những tưởng chàng trai “say mèm” ấy vẫn thế, nhưng không. Anh đã thay đổi, anh “góp lời làm lính”. Và từ đây, anh nhận ra nhiều giá trị, anh sống có lý tưởng và hoài bão hơn.

Nay góp mặt góp lời làm lính mà thôi đối diện đây rồi.
Từng đêm quê hương đạn bay súng nổ,
Hỏa châu sáng tỏ những khuôn mặt người yêu phố thị.

Bấm vào hình để nghe ca khúc do Giang Tử trình bày.

Ngày nhận lời làm lính, ngày anh khoác lên mình chiếc áo binh nhân. Thứ anh đối diện không còn là những cơn say thâu đêm, không còn những ăn chơi trốn ngủ mà là cảnh chiến chinh khói đạn, là cảnh quê hương đêm từng đêm “đạn bay súng nổ”. Anh như thấy rõ những tiếng súng, những tràng đạn bơm như chiếu “sáng tỏ những khuôn mặt người yêu phố thị”.

Dù là một chàng trai từng để hoang phế một phần ba cuộc đời trong những cuộc vui, nhưng khi đứng trước cảnh đất nước lâm nguy, anh vẫn khoác lên mình quân phục, chiến đấu với lý tưởng bảo vệ quê hương.

Ngày nào đó tôi còn thèm ánh sáng kinh đô,
Thèm ly bia qua tiếng nhạc mơ hồ,
Cùng ngàn nụ cười ánh mắt giai nhân.
Nay trả lại cho người thành phố sau lưng môi ngọt rượu nồng,
Giày xô (sault) tôi đi hằn trên lá cỏ,
Đồn xa tôi ở trấn quân thù ngày đêm tỏ mặt.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày

Ngày xưa, khi còn thèm ánh sáng kinh đô, còn thèm ly bia trong tiếng nhạc mơ hồ, còn lưu luyến ngàn nụ cười ánh mắt giai nhân thì nay xin trả lại tất cả. Người lính ấy xin trả lại mọi đê mê, mọi thú vui  hưởng lạc, xin trả lại cho thành phố sau lưng. Nay “giày xô tôi đi hằn lá cỏ” để “trấn quân thù”. “Giày xô”  thực ra là giày sault hay còn gọi là giày Botte De Sault, là một loại giày cao cổ được dùng trong quân đội mà thường là dành cho binh sĩ Miền Nam. Nhưng vì để dễ hát, nhiều ca sĩ vẫn hát là “giày xô”.

Rời xa kinh đô, người lính khoác lên mình chiến phục, đi trên đôi giày lính và chấp hành một nghĩa vụ thiêng liêng là “trấn quân thù ngày đêm tỏ mặt”. Bỏ lại những đam mê trụy lạc, bỏ lại thành phố sau lưng, bỏ lại một phần ba cuộc đời hoang phế. Giờ đây người lính bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống chiến đấu bảo vệ quê hương, mang trong mình một lý tưởng của người lính quân khu, chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ nước nhà.

“Thành phố sau lưng” tuy chỉ là một nhạc khúc ngắn, nhưng hình ảnh người lính được nhạc sĩ Hàn Châu khắc họa rất rõ nét. Bài hát khắc họa hai hình ảnh đối lập trước và sau khi vào quân đội của chàng trai. Một chàng trai chỉ sống cho bản thân, đam mê bên những thú vui  xa hoa trụy lạc và một người lính chấp nhận hy sinh, khó khăn gian khổ mà chiến đấu bảo vệ đất nước.

Trích lời bài hát Thành Phố Sau Lưng:

Khi vũ trụ lên đèn thành phố ngả nghiêng men rượu say mèm.
Tuổi thơ đi hoang nghìn đêm trốn ngủ.
Phần ba tuổi đời hoang phế sau lưng.

Nay góp mặt góp lời làm lính mà thôi đối diện đây rồi.
Từng đêm quê hương đạn bay súng nổ,
hỏa châu sáng tỏ những khuôn mặt người yêu phố thị.

Ngày nào đó tôi còn thèm ánh sáng kinh đô,
thèm ly bia qua tiếng nhạc mơ hồ,
cùng ngàn nụ cười ánh mắt giai nhân.

Nay trả lại cho người thành phố sau lưng môi ngọt rượu nồng,
Giày xô (sault) tôi đi hằn trên lá cỏ,
Đồn xa tôi ở trấn quân thù ngày đêm tỏ mặt.

Viết một bình luận