Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Hương Tóc Mạ Non” – Mấy ai “NỊNH” vợ ngọt ngào như nhạc sĩ Thanh Sơn

Có một người nhạc sĩ mà khi nhắc tên ai cũng sẽ nhớ đến những nhạc khúc về mùa hè, về tuổi học trò mộng mơ, về loài hoa phượng đỏ thắm, về những dòng lưu bút trao nhau như lời thề hẹn. Không những thế, nhạc sĩ Thanh Sơn còn để lại cho hậu thế rất nhiều nhạc phẩm về tình yêu – Cả tình yêu đôi lứa lẫn tình yêu quê hương xứ sở, mang đậm âm hưởng dân ca Nam Bộ, đậm chất sông nước miền Tây.

Nhạc sĩ Thanh Sơn

Nếu ở giai đoạn đầu, nhạc sĩ Thanh Sơn tập trung toàn bộ tâm tư của mình vào những nhành hoa phượng vĩ, viết nhiều về tuổi học trò áo trắng thơ ngây như viết về chính cuộc đời mình. Thì ở giai đoạn sau, ông lại chuyển hướng sáng tác sang chủ đề về quê hương, về tình cảm nam nữ ngọt ngào lẫn thương đau. Thay hình ảnh hoa phượng thành hình ảnh của những người dân đôn hậu và chân chất, bình dị lại sâu lắng. Có lẽ do là người con của miền đồng bằng sông Cửu Long, nên những sáng tác về các tỉnh miền Tây đều chứa đựng những cảm xúc rất mạnh và những chân tình, những kỷ niệm đẹp. Và điều đặc biệt trong những sáng tác quê hương của ông, chúng ta sẽ cảm nhận được sự vui tươi và lạc quan trong từng ca từ giai điệu, nó như một bài dân ca ngọt ngào.

Nếu ca khúc “Mùa hoa anh đào” của nhạc sĩ dành tặng vợ mình khi được người khác khen là xinh đẹp như những nụ hoa anh đào chớm nở trên cành cao trong tiết trời mùa xuân ở Nhật Bản. Thì nhạc phẩm “HƯƠNG TÓC MẠ NON” cũng chính là tấm chân tình của nhạc sĩ dành cho người vợ hiền đã thấu hiểu cho nỗi lòng của ông, chịu thương chịu khó cùng ông suốt những năm tháng của cuộc đời. Mượn hình ảnh non nước miền Tây để ngợi ca nên nét hiền dịu của nàng Hương, vừa thể hiện được tình yêu quê hương dân tộc, vừa “nịnh nọt” vợ một cách tinh tế, có ai mà lãng mạn bằng nhạc sĩ Thanh Sơn. Ca khúc này lúc đầu có tên là “Tóc em thơm mùi mạ non” nhưng do tựa dài khó nhớ, lại có thêm từ “mùi” nghe nặng nề đánh mất ý thơ nên nhạc sĩ đã dành ra cả tuần lễ chỉ để đặt một cái tên thật hay cho ca khúc, cộng thêm vợ ông tên là Hương nên chẳng còn tên nào hợp lý mà hay hơn “HƯƠNG TÓC MẠ NON”.

“Nghe em hát câu dân ca sao mượt mà lòng anh thương quá.

Tiếng ngọt ngào nào đong đưa nhớ xa xưa trời trưa bóng dừa

Hẹn hò nhau tình quê hai đứa

Mùi mạ non hương tóc em biết bao kỷ niệm

Nhắc lại thấy thương nghe thật buồn…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Quang Lê và Hà Phương trình bày

Nhạc sĩ Thanh Sơn từng chia sẻ, ngày xưa, khi hai vợ chồng có dịp về quê thăm lại nhà xưa chốn cũ, cứ chiều chiều, ông lại đưa vợ ra đê ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh xanh, gió chiều nhẹ hiu hiu phảng phất mang hương mạ non ngang qua chóp mũi mỗi khi ông hôn lên mái tóc của vợ mình. Vậy nên ở những câu hát đầu tiên của bài hát, ông đã vẽ lại bức tranh ngọt ngào của đôi tiên đồng ngọc nữ trong khung cảnh xanh mơn mởn của cây cối của mạ non.

Những câu hò dân ca được thốt lên một cách ngọt ngào qua giọng điệu của người thiếu nữ ông yêu thương, mang tâm tư ông quay trở về ngày quá khứ, khi đôi lứa vẫn còn bình bình thản thản trên ruộng đồng, còn dạo quanh những rặng dừa xanh mướt, còn được đắm mình trong cái gió nhẹ nhàng lúc chiều quê để anh được thưởng thức mùi mạ non ngọt ngào trên mái tóc em.

“…..Lâu nay muốn qua thăm anh nhưng ngại vì cầu tre lắc lẻo

Tháng ngày tuổi đời trôi theo níu chân nhau, bạc thêm mái đầu

Còn tìm đâu ngày xưa yêu dấu

Ðường về hai thôn cách xa, thoáng cơn gió chiều

Nhớ mùi tóc em hương đậm đà…..”

Bấm vào hình trên để nghe Liên khúc Hương tóc mạ non, Hình bóng quê nhà, Ánh mắt quê hương, Thương nhớ quê nhà do Tuấn Vũ trình bày

Có lẽ không phải ngại cây cầu tre quá lắc lẻo mà chẳng dám qua thăm, mà sợ lòng người thay đổi, sợ phải nhận lại những lời nói tổn thương nhau. Còn đâu những kỷ niệm ngày xưa, không biết người có còn nhớ không, hay chỉ riêng mình ta day dứt.

Cách nhau một con sông nhưng lại tựa muôn trùng hiểm trở, chưa dám về lại con thôn cũ để được kề cạnh bên người mình thương. Đường về hai thôn tuy có xa cách nhưng những cơn gió chiều như vượt trăm dặm mà mang hương thơm tóc em bay đến bên anh, càng làm lòng anh xao xuyến, càng nhớ em vô bờ.

“…..Lòng chợt buồn mênh mông

Dáng xưa tan theo giấc mộng

Chắc người đã bước sang sông

Ðang mùa lúa trổ đòng đòng

Làm sao em quên, những ngày khi mới quen tên

Bên gốc đa ven đường hai đứa ngồi tỏ tình yêu thương…..”

Lòng tác giả chợt nổi lên một nỗi sợ không tên, ông sợ đánh mất người vợ hiền sau bao năm gắn bó, sợ khoảng cách địa lý sẽ chia cắt tình ta, sợ hình dáng người xưa sẽ tan tành như giấc mộng,…và sợ nhiều thứ khác nữa. Nhưng lại nhanh chóng an ủi bản thân và thêm vững tin vào sự trung trinh của vợ khi nhớ lại ngày đầu tiên gặp nhau, nhớ nơi đôi ta từng trao cho nhau lời tỏ tình yêu thương, nhớ lại chuỗi ngày hạnh phúc,…

“…..Anh thương tóc em bay bay trong chiều chiều gợi bao nỗi nhớ

Nhớ từng nụ cười ngây thơ thắm duyên mơ

chiều nghiêng nắng đổ

Về quê em phù sa bát ngát

Tình mình dù ngăn cách sông chứ đâu cách lòng

Mỗi lần nhớ em sao nghẹn lòng …”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Phương Dung trình bày.

Biết về đâu hương tóc của người xưa, một mùi mạ non dịu nhẹ cứ thoang thoảng nơi chóp mũi, một con đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ soi bóng mình xuống dòng sông gợi nên bao niềm nhớ….Kỷ niệm – Bản thân ai mà chẳng có, chỉ có nhiều hay ít, có nguyện ý nhớ hay không mà thôi. Nhạc sĩ nhớ tất cả, nhớ từng nụ cười, nhớ từng nét ngây thơ khi duyên tình nở, nhớ đôi lứa của thuở ban đầu yêu nhau….Xa quê có ai mà chẳng chứa trong lòng những sầu muộn, nhưng tác giả tin tình cảm của mình “dù ngăn cách sông chứ đâu cách lòng”.

“HƯƠNG TÓC MẠ NON” được sáng tác sau năm 1975, ra đời có phần muộn so với sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn, nhưng ca khúc lại được đón nhận nồng nhiệt bởi ca từ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại dễ thương và lạc quan, lại thêm một chút lãng mạn của đôi tình nhân đẹp trên con đê nhỏ đường làng. Hạnh phúc không phải là điều khó với như nhiều người vẫn suy nghĩ. Khi yêu nhau hai người có thể rất ngọt ngào, rất lãng mạn và đôi khi còn rất mãnh liệt như một khi đã là vợ chồng thì chỉ cần đơn giản và thực tế với nhau thôi, chuyển chữ “yêu” thành chữ “thương” nhiều hơn…Chỉ cần yêu nhau, thương nhau và bình yên bên nhau – Thế đã là đủ!

Biết về đâu mái tóc thơm hương mạ non ngày cũ lối nhỏ đường xưa chiều nghiêng nghiêng nắng đổ soi bóng dòng sông gợi nhớ thương… về. Em có buồn không khi đã lỡ câu thề. Dù ngăn cách nhưng lòng em vẫn nhớ, kỷ niệm ban đầu hai đứa quen nhau. Xa quê hương lòng ai không hoài cảm, bến nước tình yêu dào dạt phù sa. Còn nữa đâu anh ngày xưa yêu dấu, khi thời gian đã điểm trắng mái đầu…

Trích lời bài hát Hương Tóc Mạ Non:

Nghe em hát câu dân ca sao mượt mà lòng anh thương quá.
Tiếng ngọt ngào nào đong đưa nhớ xa xưa trời trưa bóng dừa
Hẹn hò nhau tình quê hai đứa
Mùi mạ non hương tóc em biết bao kỷ niệm
Nhắc lại thấy thương nghe thật buồn

Lâu nay muốn qua thăm anh nhưng ngại vì cầu tre lắc lẻo
Tháng ngày tuổi đời trôi theo níu chân nhau, bạc thêm mái đầu
Còn tìm đâu ngày xưa yêu dấu
Ðường về hai thôn cách xa, thoáng cơn gió chiều
Nhớ mùi tóc em hương đậm đà.

ÐK:
Lòng chợt buồn mênh mông
Dáng xưa tan theo giấc mộng
Chắc người đã bước sang sông
Ðang mùa lúa trổ đòng đòng
Làm sao em quên, những ngày khi mới quen tên
Bên gốc đa ven đường hai đứa ngồi tỏ tình yêu thương

Anh thương tóc em bay bay trong chiều chiều gợi bao nỗi nhớ
Nhớ từng nụ cười ngây thơ thắm duyên mơ
chiều nghiêng nắng đổ
Về quê em phù sa bát ngát
Tình mình dù ngăn cách sông chứ đâu cách lòng
Mỗi lần nhớ em sao nghẹn lòng …

Viết một bình luận