Hoàng Phương – “Ngôi Sao Sáng” Gò Công thương về quê nhà qua ca khúc “Chiều Hè Trên Bãi Biển”

Quê hương – Hai tiếng gọi nghe bình dị nhưng vô cùng thân thương, nó chứa đựng biết bao nhiêu tâm tư và tình cảm. Mỗi người đều có quê hương, đó là nơi ta được sinh ra, là nơi ta lớn lên và gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn. Mỗi lần xa quê là một lần nhung nhớ đến da diết, chỉ mong thật mau trở lại quê nhà, để hoài niệm quá khứ, để sống cho hiện tại và mở ra tương lai cho bản thân. Chính cái miền biển lúc nào cũng đầy nắng gió đã khiến cho nhạc sĩ Hoàng Phương lúc nào cũng nôn nao cùng những nỗi nhạc sĩ thể hiện rõ nét trong nhạc phẩm của ông và ở đây chính là “CHIỀU HÈ TRÊN BÃI BIỂN”.

Nhạc sĩ Hoàng Phương (1943 -2002). Ảnh: Nhacxua.

Gần như cả một cuộc đời của nhạc sĩ Hoàng Phương đã gắn bó với mảnh đất Gò Công thương mến, dù trải qua biết bao thăng trầm trong cả sự nghiệp và cuộc đời thì cuối cùng vẫn vẫn lựa chọn nằm lại mãi mãi trên chính phần đất mà cha mẹ đã để lại, cùng một vách nứa đơn sơ bên một cái chòi lá nho nhỏ. Nhạc của nhạc sĩ Hoàng Phương được mọi người đặt cho một cái tên rất là thân thương và đặc biệt – “dòng nhạc Gò Công”, bởi lúc nào trong những lời ca tiếng hát của ông cũng gắn liền với hình ảnh con sông dịu dàng, sự êm dịu của bờ biển Gò Công kết hợp với những mối tình thật thà, thắm đượm nét đẹp quê hương. Dù có nhiều bài hát về những địa danh khác trên đất nước Việt Nam này, nhưng duy chỉ có nhạc của Hoàng Phương mới được gọi thân thương như thế, đây không chỉ là đặc quyền mà nó còn thể hiện được sự độc đáo trong ca từ của bản trữ tình quê hương – Ví như bài hát “CHIỀU HÈ TRÊN BÃI BIỂN”.

“CHIỀU HÈ TRÊN BÃI BIỂN” đây không phải là bài hát duy nhất trong tuyển tập nhạc khúc Gò Công của nhạc sĩ Hoàng Phương, nhưng nó gây ấn tượng với người yêu nhạc bởi sự nhẹ nhàng trong từng cơn gió biển và sự mạnh mẽ trong những đợt sóng đầy. Ca khúc này chỉ là phần nhỏ trong rất nhiều bài hát quê hương Gò Công được ca sĩ Bảo Yến trình bày gây nên nhiều thương nhớ. Nhạc sĩ Hoàng Phương – Băng nhạc Gò Công – Ca sĩ Bảo Yến – Tổ hợp vang vọng một thời bởi những tuyệt phẩm trữ tình quê hương ngọt ngào, say đắm lòng người.

“Một trưa hè trôi êm trôi êm,

Trên sóng biển chiều nao chung bước.

Biển xanh xanh, trời xanh màu ngọc bích.

Cuối tầm nhìn, trời nước gặp nhau….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Bảo Yến trình bày.

Một khung cảnh bình dị đang dần hiện ra trước mắt từ những câu hát đầu tiên. Cái nắng trưa đã khiến người ta thấy oi bức vô cùng, huống chi là cái nắng trưa hè, càng thêm rát da thịt, càng thêm khó chịu con người. Nhưng nơi vùng đất Gò Công ấy dường như chẳng cảm nhận được sự oi bức này, bởi người dân nơi đây luôn đón chào những cơn gió thân thiện được thổi mắt từ biển vào, mang theo sự dịu dàng nhưng đôi lúc có phần dữ tợn, tất cả sẽ được xoa dịu bởi dòng nước biển mát lạnh.

Cứ độ trưa hè, nắng cứ êm êm kéo dài đến chiều muộn, từng cơn sóng biển tiếp bước nhau mà cập bờ cát. Nước biển trong veo mang một màu xanh thanh khiết, cùng với chân trời một màu ngọc bích xinh đẹp. Nơi chân mây ấy, “trời nước gặp nhau” đã tạo nên một khung cảnh yên bình như chính mong muốn trong lòng tất cả mọi người. Rời xa sự xô bồ nơi xã hội ồn ào, tìm về nơi quê hương yên bình, có bờ cát trắng, có bãi biển xanh lơ, chiều chiều đón hoàng hôn êm dịu,…bỗng nhiên thấy mình thanh thản đến lạ.

“…..Sóng rời bãi con dã tràng xe cát,

Sóng vỗ bờ con chim nhạn vờn bay

Sáng tinh mơ dấu chân người in cát,

Nắng chói chang về làm rát bỏng bàn chân…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trang Mỹ Dung trình bày.

Nhớ làm sao hình ảnh những con sóng vỗ bờ sao đó lại rời xa bãi, trên bờ cát vàng là những con dã tràng xe cát lấp đầy biển, xa xa là những cánh nhạn đang vờn nhau vui đùa trên bầu trời tự do xanh tươi. Một khung trời đẹp như thế, ai mà chẳng muốn khắc ghi trong tim, những lúc mệt mỏi vì bộn bề công việc, những hình ảnh ấy như bàn tay mẹ hiền mà vỗ về ta, động viên ta cố gắng hơn trong cuộc sống.

Cái nắng trưa hè gay gắt đến nhường nào, những dấu chân khi sáng còn dạo chơi trên bờ biển, giờ đây nhìn lại chỉ sợ rát bỏng đôi bàn chân. Dù biển có hiền hòa, cũng khó tránh khỏi sự dữ dội của cái nắng nhưng vẫn có người mong muốn được thử thách bản thân để mang về sự đau đớn. Dù quê hương luôn là lựa chọn cuối cùng cho những con người xa quê tìm về, nhưng trước đó họ vẫn cố chấp mà rời đi để tìm kiếm cái gọi là sự đổi mới, sau cùng lại mang đầy vết thương nhờ quê hương xoa dịu.

“…..Có phải chăng cát giận cát hờn,

Chẳng muốn nhận dấu chân anh làm kỷ niệm.

Để cát bay cát tạo thành hình cuộc sống,

Để bên bờ… cát mãi đùa vui”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày.

“Có phải chăng cát giận, cát hờn, chẳng muốn nhận dấu chân anh làm kỷ niệm…” – Dù bạn có in hàng ngàn dấu chân của mình lên bờ cát thì sau cùng vẫn bị sóng biển vỗ về mà che lắp toàn bộ. Sau những đợt triều lên, chẳng còn bất kỳ dấu tích nào để lại cho biết rằng bạn từng đến nơi đây, từng đặt dấu chân mình trên vùng biển hiền hòa ấy. Cát bị gió cuốn bay, thay đổi chỗ ở liên tục, chẳng cố định một vị trí nào trên bãi biển ấy như chính con người chúng ta sẽ luôn thay đổi cách sống để phù hợp hơn trong từng thời điểm cuộc sống. Nhưng dù thay đổi thế nào cũng phải giữ được cho mình một niềm vui nho nhỏ, vì chỉ có như vậy, cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa và thêm động lực sống.

Sau nhiều năm bị kỳ thị và bị ngăn cấm, nhạc sĩ Hoàng Phương đã lần nữa mang dòng nhạc vàng trữ tình quê hương về với người yêu nhạc, thõa được niềm đam mê với thứ âm nhạc ngọt ngào nhưng sâu lắng. Băng nhạc Gò Công đã góp phần mang tên tuổi của ca sĩ Bảo Yến lên cao, trở thành ngôi sao số 1 thời điểm bấy giờ. Bài hát “CHIỀU HÈ TRÊN BÃI BIỂN” tuy nghe có vẻ đơn thuần chỉ là một bài hát có gió biển, có sóng vỗ dập dìu, có bờ cát vàng vắng người….nhưng đó lại là những hình ảnh ăn sâu vào tâm trí của tác giả, cũng như là những người con Gò Công nói riêng và những người tha hương nói chung. Bằng chất giọng đượm buồn, chất chứa nhiều tâm sự và đầy hoài niệm, ca sĩ Bảo Yến đã đặt tả thành công nỗi lòng mà nhạc sĩ Hoàng Phương muốn gửi gắm qua ca khúc này.

Trích lời bài hát Chiều Hè Trên Bãi Biển

Một trưa hè trôi êm trôi êm,
Trên sóng biển chiều nao chung bước.
Biển xanh xanh, trời xanh màu ngọc bích.
Cuối tầm nhìn, trời nước gặp nhau.

Sóng rời bãi con dã tràng xe cát,
Sóng vỗ bờ con chim nhạn vờn bay
Sáng tinh mơ dấu chân người in cát,
Nắng chói chang về làm rát bỏng bàn chân…

Có phải chăng cát giận cát hờn,
Chẳng muốn nhận dấu chân anh làm kỷ niệm.
Để cát bay cát tạo thành hình cuộc sống,
Để bên bờ… cát mãi đùa vui

Viết một bình luận