“Lắng hồn theo tiếng mưa rơi” cảm nhận những nỗi niềm cô đơn và bi thương trong đêm mưa tiễn người đi xa qua nhạc khúc “Đường về khuya”

Minh Kỳ và Lê Dinh là đôi nhạc sĩ tài hoa trong nhóm ba Lê Minh Bằng. Sự hợp tác ăn ý và đồng điệu của hai tâm hồn yêu nhạc đã mang lại cho nhiều sáng tác nổi tiếng như: 13 tuổi lính, Cánh thiệp đầu xuân, Chiều thu sơn cước, Đường chiều sơn cước, Đường về khuya, Gác nhỏ đêm xuân,… Trong đó nhạc khúc Đường về khuya là một trong các ca khúc được đông đảo người mộ nhạc yêu thích. Nhạc khúc là nơi mà chúng ta có thể “lắng hồn theo tiếng mưa rơi” cảm nhận những nỗi niềm cô đơn và bi thương của tác giả khi người mến thương xa rồi, nỗi niềm người đi kẻ ở trong đêm mưa tiễn biệt.

Nhóm sáng tác Lê Minh Bằng: Anh Bằng – Minh Kỳ – Lê Dinh

Đường khuya vắng người mến thương xa rồi

mình tôi lắng hồn theo tiếng mưa rơi

lối về còn là bao hình bóng

nhớ lúc chia tay giữa đêm sương mơ

bùi ngùi thôi chẳng nói

bóng ai xa rồi còn ai đứng nhìn theo

Mở đầu nhạc khúc là khung cảnh đêm khuya và đường vắng, tâm trạng tác giả như hòa cùng cảnh đêm mà ảm đạm muôn phần. Trong không gian đêm tối ấy, lắng nghe tiếng mưa rơi mà nghe như hồn đã theo tiếng mưa, rơi mất rồi… Đường khuya nay vắng người tôi mến thương “lối về còn là bao hình bóng”. Tác giả không nói cụ thể “người mến thương” là ai, bạn tâm giao tri kỷ hay bóng hồng của lòng mình, cách gọi chung ấy chỉ thể hiện người đã đi xa chiếm vị trí khá quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của tác giả. Tuy không nói đó là ai, nhưng chúng ta vẫn cảm được nỗi niềm cô đơn trong đêm khuya, tác giả đơn côi một mình bước trên đường khuya mà nhớ lúc họ chia tay giữa đêm sương mờ “bùi ngùi thôi chẳng nói”. Tiễn bước chân người đi xa, tác giả bùi ngùi luyến tiếc chỉ biết đứng nhìn “bóng ai xa rồi còn ai đứng nhìn theo”. Một người đi xa nơi muôn trùng phương, một người ở lại giữa đêm mưa ngắm nhìn theo bóng khuất dần. Là một chút gì đó cô đơn và vô định như để lạc theo cơn mưa, để hòa cùng mưa nối bước chân người xa. Bức tranh mưa vốn đã đủ lạnh và đủ buồn, nay lại càng lạnh đến tái tê lòng khi chứng kiến cảnh ly biệt.

Đêm lắng chìm vào ngàn xa cuối trời những hạt mưa rơi

trên lối mòn còn mình tôi nhớ người

ngàn phương xa vắng

Đêm ánh đèn mờ nẻo khuya vẫn còn mưa tuôn

nghe gió lạnh mà xao xuyến lòng chan chứa tình thương

Đường khuya phố buồn nhớ thương giăng mờ

Người ơi biết rằng nơi chốn xa xưa

có người tìm vần thơ mà để

tiễn bước ai đi xông pha muôn trùng để ngày mai

nối câu duyên lành mà vui nốt ngày xanh

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Phương Dung trình bày trước 75

Cảnh đêm chìm vào màn mưa, con đường vốn vắng nay càng trở nên lạnh lẽo như chính tâm hồn người ở lại “Đêm lắng chìm vào ngàn xa cuối trời những hạt mưa rơi/ trên lối mòn còn mình tôi nhớ người”. Không gian như bị nhòe đi bởi màn mưa, bóng người nơi xa đã không còn càng khiến cho kẻ ở lại càng thêm luyến thương nhìn vào magn mưa xa và bước đi trên lối mòn mang trong mình nỗi nhớ không thốt thành lời với người “ngàn phương xa vắng”. Ánh đèn đường mờ ảo và in bóng trong màn mưa, khắp nẻo đường chìm vào bóng tối của đêm khuya, chìm trong cái giá lạnh của mưa tuôn rơi, và ta nghe trong tiếng gió lạnh “xao xuyến lòng chan chứa tình thương”. Vì lòng mang thương nhớ xuyến xao, nên cơn mưa trên phố càng làm cho lòng thêm nặng trĩu. Chỉ muốn nói rằng người xa ơi, người ở muôn trùng xa có biết tại đây, có tôi nhớ thương nhờ. Có một người vì nhớ thương một người đã đi xa mà chỉ biết mượn vần thơ “tiễn bước ai đi xông pha muôn trùng để ngày mai”. Có lẽ những xuyến xao của lòng khiến tác giả không thể nói thành lời, những lưu luyến không nỡ tiễn người đi xa không cất thành tiếng, nên đành tìm mượn mấy vần thơ nói thay nỗi lòng tác giả lúc tiến người đi xa “nối câu duyên lành mà vui nốt ngày xanh”. “Mà vui nốt ngày xanh” lời từ chất chưa vạn nỗi lòng, tác giả khéo léo trong việc sử dụng lời từ, không thừa mà cũng không thiếu. “Mà vui nốt” lời hát như chất chứa vạn nỗi luyến lưu và không đành, tác giả “miễn cưỡng” vui nốt hôm nay, vui nốt ngày xanh mà tiễn người đi xa muôn trùng phương.

Người đi nhớ gì giữa đêm kinh kỳ

trời khuya có người mơ bước ai đi

suối đời cùng rừng xanh vạn lý

gió núi mưa tuôn xe đôi vai nặng vì tình non tình nước

ước mơ mai về kể hết chuyện xưa

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Người đi xa ơi có nhớ, nhớ đêm mưa nơi kinh kỳ ngày tiễn bước chân người hôm ấy, có một người ở lại trong theo bóng ai xa. Trong trời khuya, bóng ai khuất xa dần và ai ở lại ôm nỗi nhớ thương muôn trùng, mơ thấy bước chân người về trong từng đêm. “Suối đời cùng rừng xanh vạn lý/ gió núi mưa tuôn xe đôi vai nặng vì tình non tình nước” người ra đi vì tình nước non, cống hiến sức trẻ cho tình non sông nên đôi vai nặng gánh tình. Chỉ là người đi vì tình non nước, người ở vì tình gì đây? Người đi nay cũng đi rồi, người ở nay cũng chỉ có thể nhớ mong, chỉ là mong một ngày mai khi người trả nợ nước non lại quay về đây “kể hết chuyện xưa”.

“Đường về khuya” như một bức tranh của cảnh mưa và của nỗi buồn tiễn người đi xa, bao trùm bức tranh mưa đó là chút ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn đường hắt hiu, là nỗi lòng như “vạn lý” của kể ở lại. Không có nhiều màu sắc trong bức tranh mưa, tất cả vẫn mang lại một khung cảnh sống động bởi “màu sắc” của nỗi lòng tác giả. Đâu đó bức tranh mưa là màu của u buồn tiễn người đi xa, màu của sự nhớ thương, màu của hy vọng trùng phùng để kể hết chuyện xưa. Màu sắc của tâm trạng mới thật sự là màu đẹp nhất, vì nó chạm vào nỗi lòng của người nghe.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trúc Mai thâu thanh trước 75.

Không hoa mị màu sắc, không ái ân tình yêu, tất cả chỉ là nỗi lòng của kẻ ở lại trong đêm mưa đơn côi mà lặng người nhìn “người mình mến thương” ngày một xa mình. Yêu là gì? đó có phải là tình yêu không? Có lẽ đó là câu hỏi mà nghe có thể tự cảm và có lời giải cho riêng mình. Còn với riêng với tôi, ở “Đường về khuya” là sự hy sinh và chờ đợi, một mình đợi chờ chịu đựng nỗi gặm nhấm của cô đơn, nhớ thương đến bi thương để chờ một người “vì tình non tình nước” trở về cùng nhau “kể chuyện xưa”.

Lời bài hát Đường Về Khuya – Minh Kỳ & Lê Dinh

Đường khuya vắng người mến thương xa rồi
mình tôi lắng hồn theo tiếng mưa rơi
lối về còn là bao hình bóng
nhớ lúc chia tay giữa đêm sương mơ
bùi ngùi thôi chẳng nói
bóng ai xa rồi còn ai đứng nhìn theo

ĐK
Đêm lắng chìm vào ngàn xa cuối trời những hạt mưa rơi
trên lối mòn còn mình tôi nhớ người
ngàn phương xa vắng
Đêm ánh đèn mờ nẻo khuya vẫn còn mưa tuôn
nghe gió lanh mà xao xuyến lòng chan chứa tình thương
Đường khuya phố buồn nhớ thương giăng mờ
Người ơi biết rằng nơi chốn xa xưa
có người tìm vần thơ mà để
tiễn bước ai đi xông pha muôn trùng để ngày mai
nối câu duyên lành mà vui nốt ngày xanh

Người đi nhớ gì giữa đêm kinh kỳ
trời khuya có người mơ bước ai đi
suối đời cùng rừng xanh vạn lý
gió núi mưa tuôn xe đôi vai nặng vì tình non tình nước
ước mơ mai về kể hết chuyện xưa

Viết một bình luận