Một Mai Giã Từ Vũ Khí – Nỗi ước vọng hòa bình của người lính (Một trong hai bài hát của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân bị cấm)

Ca khúc “ Một mai giã từ vũ khí” ra đời trong bối cảnh Hiệp định Paris kết thúc Chiến tranh Việt Nam, được đồng sáng tác bởi nhạc sĩ Trần Nhật Ngân và nhạc sĩ Trần Trịnh lấy nghệ danh chung là Trịnh Lâm Ngân. Bài hát được rất nhiều các nghệ sĩ thể hiện thành công trong đó phải kể đến các ca sĩ như Duy Khánh, Đan Nguyên, Quốc Khanh, Tuấn Vũ, Trường Vũ…

Nhật Ngân và Trần Trịnh
Nhạc Sĩ Nhật Ngân(bên trái) và Nhạc sĩ Trần Trịnh(bên phải).

“ Một mai giã từ vũ khí” được viết với những câu từ đơn giản nhưng lại mang một cảm xúc sâu lắng, chất chứa bao mong mỏi, ước ao tưởng chừng giản đơn nhưng lại khó thực hiện của một người lính chinh chiến xa quê nhà.  Là niềm mong ước “Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn”, chiến tranh kết thúc để người lính có thể bỏ lại sau lưng “Thép gai giăng với lũy hào sâu. Lổ châu mai với những địa lôi” trả lại “súng đạn” cho chiến trường khói lửa.

Người lính hòa bình
Người lính hòa bình

Để người được trở về quê hương tìm lại những kỉ niệm, những kí ức đã bỏ mất bao năm. Tìm lại những gì thân thương nhất, bình dị nhất nhưng lại vui vẻ, ấm áp nhất. Quê hương hiện ra với những hình ảnh quen thuộc với “ ruộng nương” “ đàn trâu” “cây đa, khóm trúc, hàng cau” với “con đê” cùng chiếc “cầu tre” khập khiễng của một làng quê thanh bình mang lại cảm giác bình yên không nơi nào khác có được.

“Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre”

Ca khúc thể hiện mong ước một ngày hiệp định ký kết chiến tranh kết thúc khi đó tất cả người lính lại được về quê hương, xây dựng hạnh phúc cho chính mình. Dựng một căn nhà nhỏ, đón cha mẹ về phụng dưỡng và sẽ sang nhà cô em gái nhỏ năm nào để hỏi cưới với “ miếng cau” “ miếng trầu”…

“Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
  Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
  Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
  Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu”

Hạnh phúc với những gì đang có nhưng người lính trẻ vẫn không quên những gì đã đã qua và những người bạn đã đồng hành, kề vai sát cánh trong thời kì chiến tranh khói lửa nhưng đã ngã xuống, say giấc ngủ yên trong “ nghĩa địa buồn” để đánh đổi lấy hòa bình, cuộc sống an yên hiện tại cho những người ở lại và cho cả thế hệ mai sau.

“Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống”

Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã nói lên nỗi niềm mong ước tưởng chừng như rất giản đơn nhưng lại là mong ước của cả một thế hệ trai trẻ thời chiến. Một mai này ta giã từ vũ khí, hòa bình về ta lại gặp nhau, mở rộng niềm thương mến bao la. Để rồi chiều chiều lại được nghe tiếng “ chuông chùa làng xa” chứ không phải là tiếng bom đạn rơi đầy hãi hùng nơi chiến trận. Để lại được thấy ấm lòng mỗi khi khói bếp nhà ai tỏa lên trắng mờ, có “ bát cơm rau” đượm “thắm mối tình quê”. Tất cả đều giản đơn nhưng lại là “ Thiên đường” mơ ước của bao nhiêu con người lúc bấy giờ.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, bài hát bị cấm hoạt động nhưng có lẻ vì nội dung ẩn dụ, khát vọng hòa bình được thể hiện trong bài hát là tình yêu đối với dân tộc Việt Nam nên đến 2011 bài hát này được cấp phép tại Việt Nam và được nhiều khán giả đón nhận.

Viết một bình luận