“Ngày trở về” (Phạm Duy) – Niềm mong ước sum họp gia đình được thành sự thật của người thương binh

Mọi người đã bao giờ nghe về dòng nhạc dân ca mới hay chưa? Nét đặc biệt trong âm nhạc của Phạm Duy chính là đem dân ca vào dòng chính của tân nhạc tạo nên những âm điệu bài hát rất hấp dẫn, lôi cuốn, mới mẻ mà vẫn đậm đà bản sắc của dân tộc. Người ta vẫn nói rằng, dân ca của nhạc sĩ Phạm Duy như một chiếc cầu bắc ngang thành thị và nông thôn, là sự gắn kết giữa những người trẻ đô thành với nền dân ca truyền thống của dân tộc. Chính nhạc sĩ Phạm Duy đã mang đến sự thăng hoa trong nền dân ca truyền thống, làm nảy mầm những tinh hoa của nó, mang nó đến gần hơn với người yêu nhạc. Giả sử như những ca khúc: “Bài ca sao”, “Ngày trở về”, “Quê nghèo”, “Đố ai”,….chẳng cần phải cố gắng kiếm tìm bản sắc văn hóa để tự tạo cho mình cái nét Việt Nam, mà khi nghe, cái bản sắc ấy tự động nảy nở trong lòng, lôi cuốn họ vào vòng xoay của những nét đẹp hấp dẫn, mỹ miều nhưng đơn sơ, mộc mạc.

Nhạc sĩ Phạm Duy

Theo nhiều nguồn tin bảo rằng, ca khúc “Ngày trở về” được nhạc sĩ Phạm Duy được sáng tác lúc ông đang trên chuyến hành trình đi du học ở Pháp, ngày trở về đất nước đã cận kề, ông vui mừng vì sắp được sum họp cùng gia đình, cùng người thương nên viết ca khúc này. Nhạc khúc nhanh chóng chiếm lấy tình cảm người nghe nhạc bởi nó được viết nên bằng cái tình, cái cảm xúc chân thật của một người con xa xứ, nhạc sĩ Phạm Duy đã gửi gắm rất nhiều tâm tình và bài hát từ tình yêu hòa bình, yêu đất nước đến tình yêu quê hương xứ sở, tấm lòng gắn liền với đồng ruộng, câu hò điệu hát của một người thương binh xa nhà. Thời điểm ca khúc này được ra mắt, cũng độ khoảng thời gian Hiệp định Giơnevơ được ký kết và tuyên bố rộng rãi trên cả nước, đây là cột mốc quan trọng và làm tiền đề cho sự kết thúc của một thời kỳ loạn lạc kéo dài. “Ngày trở về” như nói lên mong ước, là tiếng lòng của tất cả những người lính, người thương binh khi mong ngóng được quay trở về bên mái nhà xưa, bên gia đình bé nhỏ, bên mái ấm thân yêu và bên người vợ hiền dịu dàng.

“Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về
Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ…”

https://www.youtube.com/watch?v=vvpzgeyxoMc

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh trình bày.

Nhạc sĩ Phạm Duy có cách dùng từ trong ca khúc rất đặc sắc, là một câu chuyện được kể qua âm nhạc nhưng lại sinh động và chân thực như một bộ phim có hình và có tiếng. Người nghe chỉ cần nhắm mắt lại và cảnh vật của bài hát như hiện ra toàn bộ trước mắt ta, đây chính là cái hay, cái tài của người nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy.

Một thước phim ngắn đang di động trong tâm trí người nghe nhạc: Có một người thương linh sau bao năm xa xứ, hôm nay được trở về, bước chân trên quãng đường thôn quê ngày cũ, trên con đê nhỏ là dọc bờ lũy tre xanh xanh đang nghiêng nghiêng theo chiều gió và cũng như đang cất tiếng chào hỏi với “người bạn tuổi thơ”, những ngọn rau xanh trong vườn nhỏ của mẹ đang tắm nắng mát rượi ngoài trời như đang mỉm cười với người chủ nhỏ. Đi trên đoạn đường đê, bằng qua lũy tre đầu làng, vượt cái khóm rau trước cổng nhà mẹ trồng chính là khoảng sân nhỏ, vừa đủ để cất chứa hình ảnh người thương binh đã trưởng thành nhưng vẫn sà vào lòng mẹ, khóc như một đứa trẻ. Hình ảnh cảm động đến rơi nước mắt và cảm xúc trong người trai ấy cũng dâng trào, ngày anh ra đi khoác lên mình trang áo lính, tứ chi vẫn lành lặn và đủ đầy, nhưng hôm nay trở lại lại trở thành một “thương binh”, không còn nguyên vẹn như ngày trước mà phải “bước lê” trên đoạn đường dài để trở về quê nhà cũ.

Từ xưa đến nay, người lính ra trận, có ai nghĩ đến sẽ lành lặn mà trở về đâu, họ luôn cố gắng hy sinh để chỉ mong mang về yên bình cho đất nước, nên đã rất nhiều lính chiến anh dũng mà bỏ mạng nơi sa trường khốc liệt. Nên hôm nay, dù mang đôi nạng gỗ, dù khiếm khuyết nhưng vẫn còn hơn là “anh trở về trong hòm gỗ cài hoa”. Chắc vì vui mừng cho điều đó mà cảnh vật thôn quê cũng vang lên bài hợp tấu reo đùa. “Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về”, thân thương và trìu mến, đơn giản nhưng hạnh phúc vô biên, vì còn được về cùng mái nhà tranh nhỏ, được ôm người mẹ già, được ăn món ăn mẹ nấu, được cạnh mẹ những đêm thâu.

Lại được tiếp nối câu chuyện cảm động bằng hình ảnh người mẹ già như không tin vào mắt mình khi “lần mò, ra trước ao”, nhìn thấy người gương mặt thân quen của người thương binh mà bà đã “nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ”. Kể từ ngày con cất bước theo đường hành quân chống giặc, chính là hàng đêm người mẹ đắm mình trong những giấc chiêm bao, mơ thấy con trở về từ chiến trường, mơ thấy con lành lặn mà về bên mẹ. Nhưng tỉnh giấc thì cảnh còn đây nhưng người chẳng thấy, vậy nên hôm nay, khi nhìn thấy người con thân yêu trước mặt, bà vẫn không dám tin đây là sự thật, sợ nó chỉ là giấc mơ, sợ giật mình tỉnh giấc mọi thứ lại tan biến. “Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ” câu hát đã lấy đi nước mắt của bao người và đặc biệt là những người con nơi trận mạc, họ cũng nhớ thương gia đình, nhớ thương người mẹ già đêm ngày chờ đợi. Mắt của mẹ đã mờ, đã lòa nhưng lại chẳng phải vì tuổi tác cao nên yếu kém mà bởi vì dùng nước mắt rửa mặt, chờ đợi con trong vô vọng nơi mái hiên mỗi ngày.

“….Ngày trở về, trong bếp vui
Anh nói chuyện nghe: chuyện đời chiến sĩ
Sống say mê, đường xa lắm khi nương hồn về quê
Chiều lặn tà, anh bước ra
Vườn khuya sáng mờ, ruộng đất hoang vu
Luống nghẹn ngào, hẹn sớm tinh mơ anh về đồng lúa….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trường Vũ trình bày.

Ngày trở về là ngày mà cả người thương binh cùng gia đình bao ngày trông mong và ngóng đợi, nó trở thành niềm mơ ước cao xa trong thời chinh chiến, nhưng giờ khắc này lại thành sự thật nên “vui mừng khôn xiết”. Nơi gác bếp của mẹ đang tỏa lên từng đợt khói nghi ngút, trên mâm cơm là những món ngon mộc mạc nhưng đã từng cưỡng cầu cũng chẳng được. Rồi một bữa cơm nghèo cùng gia đình đoàn tụ, cả mái nhà nhỏ đâu đâu cũng vang vọng tiếng cười và tiếng nói, tiếng người thương binh kể về “chuyện đời chiến sĩ”, bỏ lại sau lưng tất cả những hiểm nguy nơi chiến trường. Người chiến sĩ sống hết mình với nhiệm vụ, sống say mê với non sông hùng vĩ của dân tộc nhưng dù vậy vẫn mong có một ngày được “nương hồn về quê”, được sống một cuộc đời yên bình trên nền hòa bình của đất nước nơi quê nghèo nhỏ xinh.

Chẳng hiểu sao lại có câu “luống nghẹn ngào” khi niềm vui mừng được trở về quê nhà đang khôn xiết? Phải chăng đây chính là sự cảm động, sự sung sướng đến nghẹn ngào rơi nước mắt, chính bản thân người thương binh cũng không dám tin đây là sự thật? Mỗi chiều ta, anh vẫn ra trước cửa, ngắm nhìn hoàng hôn đang dần xuống nơi chân trời, trước mặt là cánh đồng lúa xanh um, sự thanh bình này là ước mơ bao ngày khi còn nơi sa trường và giờ đây anh đã thật sự được trải nghiệm khoảnh khắc thư thái ấy ngay chính gian nhà của mình.

“….Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hòa bình…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Nhật Trường trình bày.

Nói thế nào nhỉ? “Có anh nông phu chống nạng cày bừa”, một hình ảnh đẹp đến nao lòng, một hình ảnh khiến người ta cảm động đến rưng rưng ánh mắt. Vì mang tất do chinh chiến mà việc làm nông với anh có phần khó khăn, nhưng đây lại chính là ước muốn bấy lâu của anh nên dường như được tiếp thêm sức mạnh, vẫn cố gắng mà làm tốt việc của mình. Đến con trâu cày ngày thường có chút lười biếng, nhưng thấy cảnh này cũng trở nên hết lòng mà giúp đỡ.

Lao động chăm chỉ và không quãng gian khó thì sẽ luôn gặt được trái ngọt, và người nông phu ấy đã có được thành quả xứng đáng “lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ”. Khung cảnh ấy sao mà thanh bình và yên ả làm sao, nó như cánh cửa rộng lớn, mở ra một tương lai ấm no và hạnh phúc sau những ngày chống giặc gian khổ. Ngày trước, đêm đến chỉ dám chợp mắt đôi chút và phải luôn trong trạng thái sẵn sàng cho chiến đầu bất cứ lúc nào, vả lại, chiến trường hung hiểm, làm sao có thể yên tâm mà say giấc nồng. Nhưng ngày trở về, đêm đêm được ngồi gió mát, được ngắm trăng thanh – ước mơ của biết bao người thời chiến loạn.

“….Ngày trở về, những đóa hoa
Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa
Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà
Đàn trẻ đùa bên lũ trâu
Tiếng hát bình minh thoáng trên bãi dâu
Gió về đâu, còn thương tiếc người giọng hát rầu rầu
Người kể rằng : Ai hỡi ai
Ai nhớ chuyện ai, chuyện người con gái
Chiến binh ơi, vì sao nát tan gia đình yên vui
Đừng giận hờn, thôi tiếc thương
Vì Xuân đã về trên khắp quê hương
Chớ thẹn thuồng vì nếu tôi quen em ngoài đồng vắng…..”

Nếu ở phần trên của ca khúc là niềm vui và nỗi niềm hân hoan khi được về với quê hương, về với mái nhà tranh cùng người mẹ hiền tần tảo sớm hôm và mong đợi con từng ngày đến lòa đi ánh mắt, thì ở phần này chính là cái kết đẹp cho một câu chuyện tình, người thương binh được sum họp cùng người vợ hiền lành.

Ngày anh đi, đôi lứa chỉ vừa nói nên câu hẹn ước, thấm thoát đó mà đã mười năm lòng này nhung nhớ anh. Tuổi đời người con gái chóng già, tuổi thanh xuân cũng chóng đi qua, nhưng nàng vẫn nhất lòng chung thủy, vẫn lặng im mà đợi chờ người chiến sĩ qua về một ngày không xa. Thật vậy, tấm chân tình của nàng được đền đáp, tình yêu của hai trái tim luôn hướng về nhau nên được gắn chặt chung nơi quê nghèo này.

“……Ngày trở về, có anh thương binh lấy vợ hiền lành
Người đẹp bên anh, ta cùng học hành
Những khi tan công, hết việc, xếp gánh
Ngày lại ngày có em vui tươi xách gạo bến nước
Có nắm cơm ngon, ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng
Ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng”

Ngày anh trở về có người vợ hiền bên cạnh, ngày ngày đôi lứa dệt nên câu chuyện tình yêu ngọt ngào sau bao ngày xa cách, cùng học tập, cùng làm việc, cùng vun vén cho hạnh phúc lứa đôi. Gia đình tuy nhỏ, mái nhà tuy đơn sơ nhưng tình cảm hai người lại to lớn chẳng gì có thể sánh được: có cơm ngon, có vui vẻ đời thường, có cả đời mặn nồng uyên ương, có ấm áp dù trời lạnh giá…..Cuộc sống thế này chính là ước nguyện của biết bao chinh nhân đang miệt mài làm nhiệm vụ nơi sa trường nguy hiểm.

Lời bài hát Ngày Trở Về – Phạm Duy

Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về

Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ

Ngày trở về, trong bếp vui
Anh nói chuyện nghe: chuyện đời chiến sĩ
Sống say mê, đường xa lắm khi nương hồn về quê

Chiều lặn tà, anh bước ra
Vườn khuya sáng mờ, ruộng đất hoang vu
Luống nghẹn ngào, hẹn sớm tinh mơ anh về đồng lúa.

Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ

Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hòa bình.

Ngày trở về, những đóa hoa
Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa
Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà
Đàn trẻ đùa bên lũ trâu
Tiếng hát bình minh thoáng trên bãi dâu
Gió về đâu, còn thương tiếc người giọng hát rầu rầu.

Người kể rằng : Ai hỡi ai
Ai nhớ chuyện ai, chuyện người con gái
Chiến binh ơi, vì sao nát tan gia đình yên vui
Đừng giận hờn, thôi tiếc thương
Vì Xuân đã về trên khắp quê hương
Chớ thẹn thuồng vì nếu tôi quen em ngoài đồng vắng.

Ngày trở về, có anh thương binh lấy vợ hiền lành
Người đẹp bên anh, ta cùng học hành
Những khi tan công, hết việc, xếp gánh
Ngày lại ngày có em vui tươi xách gạo bến nước
Có nắm cơm ngon, ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng

Ôi trời lạnh lùng
Có đôi uyên ương sống đời mặn nồng

Viết một bình luận