Nhắc đến mẹ là nhớ về quê hương như Hoàng Phương thân thương gọi “Mẹ Gò Công”

Từ những năm 1986, Băng nhạc Gò Công đã nổi lên như một hiện tượng trên khắp cả nước. Không chỉ ở miền Nam mà còn lan ra cả miền Bắc, khắp miền ngược xuôi đều đổ xô nhau mà tìm mua băng về nhạc Gò Công của nhạc sĩ Hoàng Phương. Có một vài ý kiến cho rằng, băng nhạc này dương như có một chút gì đó giống Trầm Tử Thiêng hay vài nét từ nhạc của Tô Thanh Tùng….nhưng chắc chắn với mọi người rằng, nhạc Gò Công chính là đặc sản của dòng nhạc xứ biển Gò Công, chẳng thể lẫn lộn vào đâu cả.

Nhạc sĩ Hoàng Phương (1943 -2002). Ảnh: Nhacxua.

Xuôi về miền Tây, những vùng ven biển, bạn sẽ cảm nhận được ngay một luồng gió mát lạnh phả vào người, một chút mặn của muối biển lẫn vào gió nhưng lại khiến ta thoải mái cả linh hồn. Bãi biển mênh mông, dòng người tấp nập đang ra vào biển, dòng nhạc Gò Công cứ văng vẳng bên tai bởi những quán cóc ven đường – “MẸ GÒ CÔNG”. Ở thời điểm này, dòng nhạc của Hoàng Phương vô cùng thịnh hành, các băng đĩa bán sạch hết nhưng phần lớn lại là hàng sao chép nên tiền về túi nhạc sĩ Hoàng Phương chẳng được bao nhiêu. Nhưng ông chẳng hề buồn vì điều này mà nó còn như một động lực cổ vũ ông sáng tác, bởi như thế chứng minh khán giả yêu thích nhạc của mình, nên ông đã liên tục cho ra nhiều nhạc phẩm ngợi ca quê hương – Cũng từ đây mà địa danh Gò Công trở nên nổi tiếng như chính những sáng tác của ông.

Bản nhạc “MẸ GÒ CÔNG” là một trong những sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Phương trong tuyển tập Băng nhạc Gò Công. Bài hát chan chứa tình cảm của người nhạc sĩ, không quá nhiều ngôn từ lãng mạn hay ngợi khen nhưng chỉ duy nhất từ “Mẹ” đã biết được Hoàng Phương yêu quê như thế nào.

“Dưới nắng hồng tôi đi giữa Gò Công

Đất như cao trời như thấp lại

Trong khoảng không trên sóng biển chập chùng

Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.

Về đến quê hương Gò Công, Hoàng Phương như cảm thấy mình thật to lớn, thấy bản thân được yêu thương nhiều hơn như tấm lòng của người mẹ lúc nào cũng bao bọc và bảo vệ con của mình. “Dưới cái nắng hồng” dịu êm nơi bãi biển Gò Công, đất như được nâng lên cao hơn vùng khác, trời xanh cũng gần hơn như chỉ cần một cái vươn tay cũng có thể chạm đến. Và trong cái khoảng trời mênh mông ấy, từng đợt sóng biển vỗ về như bóng dáng người mẹ hiền đang an ủi con của mình.

Với Hoàng Phương dường như chẳng nơi nào bằng Gò Công, ông được là chính mình, sống đúng với tính cách của mình. Về đến quê hương, như nhìn thấy bóng dáng của người mẹ lúc nào cũng cần cù, chịu thương chịu khó hiện lên trong tâm trí người nhạc sĩ.

“….Mẹ là tình mẹ biển Đông

yêu nước dòng sông Cửu long

Trong gian nan giông bão bao ngày

Thời gian in sương trắng mái đầu…..”

Trong tâm trí của nhạc sĩ Hoàng Phương lúc này, hình ảnh người mẹ già và nỗi nhớ thương quê thương như trùng khớp với nhau, như hai mà một, như một mà hai. Ông so sánh vùng biển Đông rộng lớn chính là người mẹ hiền, bởi tình cảm mà mẹ dành cho con cái của mình cũng vô bờ bến như biển. Nước từ những nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông như sự tìm về của người con với mẹ hiền, dù có xuôi ngược bôn ba khắp năm châu bốn bể, thì đến cuối cùng vẫn lựa chọn trở về vòng tay ấm áp của Mẹ.

Ông thương biển phải chịu đựng âm thầm bao cơn giông bão, hết ngày này lại qua ngày khác mà chẳng một câu than vãn như mẹ vì ta mà chịu nắng sương gió rét chỉ mong con nên người. Hy sinh suốt đời vì con, chịu đựng sự già nua của tuổi trẻ “sương trắng mái đầu”, chẳng mong con đền đáp báo ân…

“…..Trùng khơi con sóng thì thầm

từng đêm như lời mẹ ru

Tình yêu quê hương thiết tha

Tình yêu non sông gấm hoa

Đất nước ơi ngày vui thái bình

Nay con về nghe tiếng đàn mẹ.”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Bảo Yến trình bày.

Như Xuân Quỳnh từng nói ví von về sóng biển “Dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ..” với nhiều người sóng biển có thể là một điều gì đó rất dữ tợn bởi thứ âm thanh ồn ào mà nó mang lại. Nhưng chỉ có người con vùng biển, gắn bó cả tuổi thơ nơi vùng đất mặn của muối mới biết được sóng biển cũng có lúc rất dịu dàng và êm ái như lời hát ru của mẹ lúc ta còn trong nôi. “Tình yêu quê hương thiết tha, tình yêu non sông gấm hoa” – Tình yêu của Hoàng Phương dành cho quê hương Gò Công chẳng hề kém cạnh bất kỳ người nào, nhưng cách ông bày tỏ tình yêu ấy nhẹ nhàng lại khiến người ta khắc cốt ghi tâm. Ông luôn mong những điều tốt đẹp nhất dành cho quê hương mình, mong đất nước mau mau thái bình để ông còn được nhìn thấy một Gò Công tràn đầy sức sống và được lắng nghe tiếng đàn dịu êm của sóng biển.

Những bài hát của nhạc sĩ Hoàng Phương hầu hết đều được viết trên nền nhạc Bolero vừa nhẹ nhàng, vừa êm dịu, câu từ rất mộc mạc và đơn giản như chính con người ông, nên thường rất dễ hát và dễ thuộc. Trong mỗi tác phẩm của nhạc Gò Công, chúng ta đều có thể cảm nhận rõ ràng những tiếng sóng biển rì rào, tiếng sóng như lời ru câu hò của mẹ mà ta được nghe từ thuở nằm nôi, cùng những kỷ niệm và hồi ức tuổi thơ khi vui đùa cùng chúng bạn, chập chững những bước đi đầu đời. Tình yêu quê hương trong Hoàng Phương dường như vô tận, lúc nào cũng đầy ấp và trong sáng như một vì tinh tú trên trời, có lẽ vì thế mà Hoàng Phương được ngợi ca là “Ông hoàng nhạc Gò Công”.

Trích lời bài hát Mẹ Gò Công:

Dưới nắng hồng tôi đi giữa Gò Công
Đất như cao trời như thấp lại
Trong khoảng không trên sóng biển chập chùng
Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công.

Mẹ là tình mẹ biển Đông
yêu nước dòng sông Cửu long
Trong gian nan giông bão bao ngày
Thời gian in sương trắng mái đầu.

Trùng khơi con sóng thì thầm
từng đêm như lời mẹ ru
Tình yêu quê hương thiết tha
Tình yêu non sông gấm hoa
Đất nước ơi ngày vui thái bình
Nay con về nghe tiếng đàn mẹ.

Viết một bình luận