“Nhớ Về Một Mùa Xuân” – Nỗi nhớ quê nhà và gia đình trong không khí ngày Tết cận kề của nhạc sĩ Trần Trịnh

Mùa xuân đến, hoa đào, hoa mai cũng các loài hoa khác đua nhau khoe sắc. Hương xuân hiện dần lung linh trong khung cảnh thiên nhiên huyền diệu của đất trời. Những ngày xuân đẹp như vậy là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ viết nên những bài ca giàu sức sống về tình yêu đối với quê hương, đất nước con người với giai điệu vui tươi trong sáng ngập tràn nhựa sống. Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có những ca khúc cũng viết về mùa xuân nhưng lại viết với giai điệu đượm buồn trong không khí xuân sắp về.

Khi ở Việt Nam, mỗi dịp cuối năm, Xuân tới Tết về, người dân luôn cảm thấy bình thường như một quy luật bình thường của đất trời. Nhưng khi xa quê hương, sông ở một nơi xa lắm thì mới thấu hiểu được cái Tết thiêng liêng thế nào và nỗi nhớ Tết day dứt ra sao. Khi ngày tháng bắt đầu được tính bằng lịch âm và tháng 12 được người dân gọi là tháng Chạp, đó cũng là lúc trong lòng mỗi người lại dậy lên những ký ức, những mong nhớ đợi chờ Tết đến. những đứa con phương xa, những ông bố, bà mẹ đi làm xa quê lại tất bật sửa soạn để trở về quê nhà. Quanh năm suốt tháng tất bật với công việc, cuộc sống hằng ngày có thể làm bạn tạm quên đi nỗi nhớ quê nhà. Chỉ đến khi không khí Tết cận kề , lúc mà nhà nhà đua nhau sắm Tết, phố phường dường như đang khoác thêm áo mới đón xuân, trong lòng mỗi người lúc đó mới dâng lên nỗi nhớ nhà, họ tất bật làm nốt phần công việc còn lại cuối cùng của năm để kịp về quê sớm ăn Tết cùng gia đình cho thỏa nỗi nhớ mong.

Nhạc sĩ Trần Trịnh

Nhạc sĩ Trần Trịnh là một trong những nhạc sĩ có nhiều ca khúc viết về mùa xuân rất hay. Trần Trịnh (1937 – 2012) tên thật là Trần Văn Lượng sinh ra tại Thái Lan nhưng lại lớn lên ở Hà Nội. là một nhạc sĩ người Việt nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn tại miền Nam trước năm 1975 và ở hải ngoại về sau. Ca khúc đầu tay của ông là “Cung đàn muôn điệu” rất nổi tiếng thời đó và được nhiều ca sĩ hát. Tuy số lương nhạc phẩm của ông rất khiêm tốn nhưng các ca khúc của ông đều thành công và tạo được ảnh hưởng lớn trong lòng người nghe. Cùng chung tâm trạng nhớ quê da diết của những người con xa quê khi ngày Tết đến xuân về, nhạc sĩ Trần Trịnh đã sáng tác ca khúc Nhớ Về Một Mùa Xuân:

“Giờ này bên nhà mùa Xuân đã về
Bài nhạc xuân buồn hằng năm vẫn nghe
Mẹ ơi con vẫn không về
Ngày xưa chiến chinh điêu tàn
Giờ thì xa quê ngút ngàn”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Chế Linh trình bày.

Tác giả đang ở nơi đất khách quê người. Một mùa xuân lại đến ông mở bài nhạc xuân buồn mà năm nào cũng nghe khi xuân về. Lại một năm nữa ông không trở về quê hương để đón Tết và thăm cha thăm mẹ được. Trong cuộc đời của mình, tác giả phải thường sống xa quê, xa gia đình, trước kia thì do chiến tranh phải đi ra chiến trường chống giặc còn bây giờ thì “xa quê ngút ngàn” chắc hẳn là do đi làm ăn xa. Tâm trạng nhớ nhà sâu thẳm và nỗi buồn da diết thể hiện trong từ câu từ và lời ca của tác giả.

“Ngập màu hoa nở, đỏ xanh tím vàng
Ngại ngùng xuân đầu mừng tôi mới sang
Mà nơi đây giữa quê người
Một tình xuân vẫn chia hai trời
Rượu nồng làm sao ấm môi…”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Quang Lê trình bày.

Nơi tác giả sống cũng là mùa xuân, vẫn có “Ngập màu hoa nở, đỏ xanh tím vàng, Ngại ngùng xuân đầu mừng tôi mới sang”. Nhưng mùa xuân giữa quê người thì làm sao như ở quê mình được mà “Một tình xuân vẫn chia hai trời” và “Rượu nồng làm sao ấm môi…”. Đón Tết nơi quê người thì ai mà chẳng rưng rưng nhớ về mẹ cha và không khí Tết quê nhà. Ở đây tuy có đầy đủ mọi thứ nhưng tác giả vẫn luôn thấy thiếu một không khí thuần Việt, thiếu thốn hình ảnh quê hương, thiếu mùi hương nồng trong gió sớm. Không khí nơi xa xứ vẫn buồn và lạnh lẽo vì thiếu không khí rộn ràng đón xuân, sum vầy bên gia đình, hay những bước chân vội vàng chiều 30 Tết, thiếu đêm giao thừa thiêng liêng và cao quý…

“Ôi ta nhớ thuở trời yên vui
Tiếng em thơ reo đùa
Pháo vang đêm giao thừa
Ai đã lìa quê mẹ từ lâu
Bao lần nghe tin xuân
Chắc đây một trời nhớ nhung

Chợt vừa xa mẹ, một mùa xuân đầu
Mà lòng con hằng lên muôn mối đâu”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Trường Vũ trình bày.

Tác giả thèm lắm, nhớ lắm cái Tết với gia đình thuở nào. Nhớ “Tiếng em thơ reo đùa”, “Pháo vang đêm giao thừa”, nhớ cây đào cây mai, nhớ chợ Tết, nhớ nồi bánh chưng bên bếp lửa, nhớ bữa cơm gia đình đầu năm…Không riêng gì tác giả, bất kỳ ai xa quê hương từ lâu, mỗi khi xuân về làm sao tránh khỏi sự nhớ nhung, bồi hồi, da diết.Đó là nỗi niềm không của riêng ai khi nghĩ về quê hương và mái ấm gia đình khi Tết đến xuân về. Tác giả mới xa quê, xa mẹ mùa xuân đầu tiên ở nơi quê người thôi “Mà lòng con hằng lên muôn mối đâu”, lòng tác giả nôn nao không nguôi được nỗi nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ bạn bè, gia đình.

“Người ơi đây dẫu thiên đường
Một người đang tiếc thương khôn lường
Về một mùa xuân cố hương”.

Ở nơi xa xứ, cho dù người ta có đầy đủ cuộc sống vật chất như thế nào cũng không thể bù đắp được những mất mát về tinh thần và tình cảm đối với quê hương và gia đình họ được. Nhưng vì cuộc sống, vì mưu sinh họ phải xa quê. Có lẽ, với những người con xa xứ, “xuân quê hương” là một nỗi nhớ có thể gọi tên. Chính vì thế mà có đi đến tận nơi đâu đi chăng nữa, thì mỗi khi xuân về ai cũng mong được có mặt trên quê hương, để ngắm Tết phố phường, để đi chợ Tết, để canh nồi bánh chưng, để nhận lì xì, để được sự chúc Tết của mọi người hay để hít hà mùi hương đặc trưng của ngày Tết Việt mà không nơi nào có thể có được.

Mùa xuân xa xứ của nhạc sĩ Trần Trịnh cũng như của bao nhạc sĩ khác, nó thật buồn và thật nôn nao đến lạ thường.Có thể nói, Tết cổ truyền là nét văn hóa thiêng liêng, không thể thiếu và gắn bó trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. Dù đi đâu, làm gì, người Việt khắp nơi vẫn luôn mong muốn trở về để sum họp cùng gia đình, cùng quây quần bên nhau và đón xuân thật trọn vẹn. Có nhiều người vì hoàn cảnh không thể về được nhưng tấm lòng của họ luôn được gia đình, người thân và tổ quốc hướng về, trân trọng và khắc ghi. Nhớ Về Một Mùa Xuân như một món quà mà tác giả dành tặng cho những người ăn Tết xa quê.

Trích lời bài hát Nhớ Về Một Mùa Xuân:

Giờ này bên nhà mùa Xuân đã về
Bài nhạc xuân buồn hằng năm vẫn nghe
Mẹ ơi con vẫn không về
Ngày xưa chiến chinh điêu tàn
Giờ thì xa quê ngút ngàn

Ngập màu hoa nở, đỏ xanh tím vàng
Ngại ngùng xuân đầu mừng tôi mới sang
Mà nơi đây giữa quê người
Một tình xuân vẫn chia hai trời
Rượu nồng làm sao ấm môi…

Ôi ta nhớ thuở trời yên vui
Tiếng em thơ reo đùa
Pháo vang đêm giao thừa
Ai đã lìa quê mẹ từ lâu
Bao lần nghe tin xuân
Chắc đây một trời nhớ nhung

Chợt vừa xa mẹ, một mùa xuân đầu
Mà lòng con hằng lên muôn mối đâu

Người ơi đây dẫu thiên đường
Một người đang tiếc thương khôn lường
Về một mùa xuân cố hương

Viết một bình luận