“Nỗi Buồn Hoa Phượng” – Tình yêu khắc sâu 10 năm của chàng dành cho người con gái mang tên một loài hoa

Nhạc sĩ Thanh Sơn (1940-2012), cha đẻ của những áng nhạc về mùa về, về tà áo trắng tung bay, về những dòng lưu bút còn xanh. Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Sơn là nhắc về người nhạc sĩ đa tài, người nhạc sĩ của các nhạc khúc nổi tiếng về mùa hè như: Lưu bút ngày xanh, Tình học sinh, Mùa hoa anh đào,… Thanh Sơn để lại dấu ấn khó quên trong lòng người mộ nhạc, nhưng đi suốt chặng đường dài sáng tác và cống hiến cho nghệ thuật, bài hát được ông tâm đắt nhất đó là nhạc khúc “Nỗi buồn hoa phượng”.

“Nỗi buồn hoa phượng” là một nhạc khúc  được ông sáng tác vào những năm 1963. Lấy cảm hứng từ mối tình đầu thuở còn cắp sách đến trường tại quê nhà Sóc Trăng.Khi ấy, ông quen một nữ sinh cùng lớp tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng. Nhưng không lâu sau thì hai người chia xa vì nhà cô gái chuyển lên Sài Gòn. Trong buổi từ biệt, chàng trai 15 tuổi ấy hỏi cô rằng chia tay rồi không biết làm sao có thể được gặp lại. Cô gái lời “Mỗi năm đến mùa hoa phượng nở, anh nhìn hoa phượng anh sẽ nhớ đến em!Bởi tên em là Hoa Phượng mà.” Đây chính là cảm hứng để 10 năm sau, ông sáng tác nên nahcj khúc để đời “Nỗi buồn hoa phượng”.

Bài hát là những suy tư, cảm nghĩ của một học sinh khi về hè, khi nhớ đến những năm tháng còn là học sinh “chan chứa tình thương”.

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi tạ từ là hết người ơi!

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Phương Dung trình bày.

Mỗi mùa hè là mùa của những cuộc chia xa, xa rời mái trường, xa rời bạn bè, đến hè thì lòng “man mác buồn”. Một nỗi buồn mơn man khó tả, bởi mùa hè đến, mùa chia xa cũng đến. Kết thúc một năm học “chứa chan tình thương”, ngày mai đây “hai đứa hai nơi”, chia xa là nhớ mãi “phút gần gũi nhau mất rồi tạ từ là hết người ơi”.

Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng.
Biết ai còn nhớ đến ân tình không?
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu?
Những chiều hẹn nhau lúc đầu
Giờ như nước trôi qua cầu.

“Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng”, nhạc sĩ Thanh Sơn đã tài tình bằng cách đưa tiếng ve, một âm thanh đặc trưng của mùa hè, để nói về “tiếng lòng”. Nghe tiếng ve trong buổi chia xa sao mà nức nở buồn thêm buồn.  Mỗi độ hè về, nghe tiếng ve vang nức nở, đi trên con đường xưa, không biết người còn nhớ hay đã quên những chiều hai đứa hẹn hò. Con đường xưa như còn in bóng đôi ta những chiều tan học hẹn nhau, nhưng những kỷ niệm cũ ấy giờ như “nước trôi qua cầu”. Hình ảnh nước trôi qua cầu, như nói về một kỷ niệm cũ nay đã xuôi theo dòng nước chảy của thời gian, mà nước chảy đi rồi sao còn lấy lại được, những kỷ niệm xưa nay cũng chỉ là hoài niệm của riêng mình ta.

Giã biệt bạn lòng ơi!
Thôi nay xa cách rồi kỷ niệm mình xin nhớ mãi.
Buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc.
Mối u hoài này ai có hay?

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

“Giã biệt bạn lòng ơi!”. Tác giả không dùng từ “người yêu, tình nhân” mà chỉ nói “bạn lòng ơi”, một cách gọi sao mà trìu mến thiết tha. Bạn lòng, người bạn tôi luôn giấu kín trong lòng, nay xa cách rồi, những kỷ niệm xưa của nhau xin được nhớ mãi. Ôm hoài mối tình xưa, “buồn riêng một mình”. Nhưng “bạn lòng ơi”, người có cùng mối u hoài này, có chăng cũng chờ mong “từng đêm gối chiếc” nhưng tôi?

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn.
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
Mỗi lần hè thêm kỷ niệm.
Người xưa biết đâu mà tìm?

Có thể nói, linh hồn của Nỗi buồn hoa phượng là đoạn hát “nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn….”. Từ ca từ, giai điệu như khắc sâu nỗi sầu triền miên, da diết của một mùa hè chia xa. Là hình ảnh “hoa phượng thắm như máu con tim”. Những cánh hoa phượng đỏ rụng rơi trong mỗi chiều hè kỷ niệm như những giọt máu đỏ của con tim, nỗi đau về một thời kỷ niệm xưa nay không còn. Mỗi mùa hè, kỷ niệm xưa không vơi đi theo thời gian mà “lại thêm kỷ niệm”. Người nhạc sĩ đã tài Thanh Sơn ấy như đã in sâu vào tâm mình những thổn thức chia xa, những u sầu triền miên của ngày ấy, để rồi 10 năm sau, khi viết lại chuyện tình năm nào, cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên, vẫn cháy bỗng như lời ca “mỗi lần hè thêm kỷ niệm”. Ông luôn nhớ, luôn để sâu trong lòng những ký ức đẹp, chỉ là không biết “mối u hoài này ai có hay?”.

Trót mang kiếp phượng đời cho nỗi buồn.
Cảm ơn tình yêu cảm ơn người thương.
Bài ca cung thứ ai hát lâm ly?
Tiếc một thời chẳng nói gì!
Đành lòng người ở người đi.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày.

Thương cho loài hoa “trót mang kiếp phượng” “đời cho nỗi buồn”. “Cảm ơn tình yêu cảm ơn người thương”, dù có xa cách, dù không đến được bên nhau nhưng vẫn gửi lời cảm ơn đến nhau, cảm ơn những kỷ niệm thời còn áo trắng tung bay. Chỉ là “tiếc một thời chẳng nói gì! Đành lòng người ở người đi.”, phải chăng ngày ấy đôi ta nói hết những gì còn trong lòng, phải chăng ngày ấy đôi ta đừng chia cách… Để hôm nay, nhìn ngắm loài hoa “trót mang kiếp phượng” lại nhớ bao kỷ niệm ngày xưa.

Biết bao kỷ niệm ngày xưa mất rồi.
Viết lên nhật ký xót xa đời tôi.
Tìm đâu dĩ vãng áo trắng ngây thơ.
Mắt buồn chiều nghiêng nón chờ.
Còn thương dáng ai thẩn thờ.

Những kỷ niệm ngày xưa mất rồi, có chăng còn lại cũng chỉ là những dòng nhật ký “xót xa đời tôi”. Những kỷ niệm cũ xin gửi vào nhật ký, gửi cả những ký ức về tà áo trắng tung bay của người con gái mang tên một loài hoa, người con gái hay nghiêng nón chờ tôi. Nhưng nay còn đâu, hình dáng người xưa. Nhạc sĩ Thanh Sơn không chỉ đưa những nét đặc trưng của mùa hè, mà còn đưa tất cả vẻ đẹp của nữ sinh áo dài trắng, nón nghiêng che vào nhạc khúc.

Cánh phượng rụng tả tơi tâm tư sao rối bời.
Nhớ nhau để lòng nhức nhối.
Đời ta là dòng sông, thuyền xa rồi thương dõi bóng.
Nỗi mong chờ nay ai biết không?

Nhìn cánh phượng “rụng rơi tả tơi” mà “tâm tư sao rối bời”. Những kỷ niệm cũ như dòng ký ức trôi về, để khi nhìn hoa phượng lòng như sống lại những tháng này ấy. Nỗi nhớ về một thời đã qua làm “lòng nhức nhối”.  Đời người như dòng sông, dù con thuyền có đi xa thì dòng sông ấy vẫn nhìn dõi bóng nhìn theo. Cũng như dù người đã đi xa, lòng này vẫn còn rối bời, nhớ nhung và mong chờ. Nhưng “ai biết không?”, người con gái ấy liệu có biết có người đang chờ, đang nhớ, đang thương cô?

Đếm bao xác phượng là bao nỗi buồn.
Tiếng ve sầu như mắt ai lệ tuôn.
Lời xưa đã hứa vẫn nhớ nhau luôn.
Mỗi mùa hè sẽ có phượng
Phượng ơi! Biết không tôi buồn?

“Đếm bao xác phượng”, mỗi mùa hè qua, là một “xác phượng”, bao xác phượng là bấy nhiêu năm nghe tiếng ve như “mắt ai lệ sầu”. Mùa hè, tiếng ve, hoa phượng, tất cả như khắc khoải trong lòng về một mối tình xưa kia, về lời hứa “vẫn nhớ nhau”. Mỗi mùa hè đều có phượng, nhưng “Phượng ơi! Biết không tôi buồn?”. Kết thúc nhạc khúc là một lời bộc lộ, một câu hỏi mà có lẽ bao năm tác giả muốn nói với người con gái mang tên loài hoa ấy.

“Nỗi buồn hoa phượng”, là nhạc khúc tâm đắc nhất trong quãng đời sáng tác và cống hiến cho âm nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn. Nhạc khúc như đứa con tinh thần, mang tất cả tình yêu, hoài niệm của ông về một mối tình thời áo trắng. Mối tình đầu thơ ngây với cô gái mang tên loài hoa phượng.

Viết một bình luận