“Nửa Đêm Thương Nhớ” (Hoàng Trang) – Hẹn một mai, khi không còn tiếng súng đạn, anh sẽ về lại bên người con gái đang trông mong anh từng ngày.

Bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc từ năm 1963, Hoàng Trang chỉ mất đúng một năm để làm cho những ca khúc do ông viết trở nên nổi tiếng và được nhiều ca sĩ thời bấy giờ lựa chọn trình diễn. Tài năng của ông được phát triển và bùng nổ ở cái thời kỳ mà nhạc vàng lên ngôi. Hoàng Trang viết về nhiều mặt của đời sống con người dưới cái nhìn đa chiều của nhạc sĩ với khoảng 100 bài hát. Trong danh sách đồ sộ ấy, khi nói đến những ca khúc để lại nhiều sự yêu mến nhất của khán giả đó là những bản tình ca. “Nửa đêm thương nhớ” là một trong số các ca khúc như vậy. Với những lời ca mộc mạc, đơn sơ kết hợp cùng giai điệu thân quen, gần gũi đã đem lại cho người nghe những cảm xúc chân thật nhất về tình yêu đôi lứa trong thời kỳ chiến tranh. Vì non sông, đất nước mà họ phải chịu cảnh chia cách nghìn trùng. Những nỗi niềm thương nhớ, u sầu từ đó mà kết thành những lời hát.

Chân dung nhạc sĩ Hoàng Trang thời trẻ.

Những nỗi buồn thương, mong nhớ của người lính gửi cho người yêu nơi quê nhà được nhạc sĩ thể hiện một cách nhẹ nhàng, da diết. Không quá sầu bi, u tối nhưng cũng mang đến cho người nghe một tâm trạng buồn man mác theo từng lời ca.

Nhớ thương ơi sao còn đến tìm, sao còn đến tìm
Buồn không tên len vào trong đêm qua miền âu yếm
Miền có lá me bay em một hôm trốn học theo anh bốn giờ
Bốn giờ em cho anh, bốn giờ thật mong manh nên buộc nhớ xây thành. 

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hồng Trúc trình bày.

Nhớ thương luôn thường trực trong tâm trí của những người yêu xa, người lính nơi chiến trường đương đầu với muôn vàn hiểm nguy, gian khổ nhưng không lúc nào thôi nghĩ về hậu phương. Tác giả lặp lại cụm từ “sao còn đến tìm” như thể đang nói rằng lý trí muốn buông bỏ nó đi để tập trung vào nhiệm vụ nhưng lúc nào những dòng thương nhớ ấy cũng cứ quẩn quanh trong đầu, không thể khống chế được. Cùng với nhớ thương, những nỗi buồn không tên cứ thế âm thầm đến bên, len lỏi vào cuộc sống của người lính. Kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa ùa về trong tâm trí. Miền lá me bay với những buổi chiều thong dong của đôi lứa, em trốn học theo anh rong ruổi khắp mọi nơi. Những kỷ niệm ấy thật bình yên và giản dị, nó bé nhỏ, mong manh, lướt qua đời ta một cách chóng vánh. Giờ đây nó chỉ còn có thể được hình dung qua những nỗi nhớ miên man.

Ký ức về ngày chia xa như những vết mực xăm trong tim người lính, in hằng vĩnh cửu và mang những giá trị sâu sắc. Khoảnh khắc ấy như giết chết hai tâm hồn đang yêu. Người con trai nhớ về nó là đang nhớ về những giây phút cuối cùng được trọn vẹn nhất bên cạnh người yêu.

Tiễn đưa anh đi làm lính trẻ trong ngày cuối Hè
Lời ve kêu trong lời em yêu nghe buồn rưng rứt
Từ đó sống đơn côi em làm thân cánh Phượng đong đưa giữa trường
Những ngày anh đi xa, những ngày buồn bao la theo cuộc sống xa nhà. 

Những ngày cuối hè ồn ào náo nhiệt của tiếng ve, cũng là lúc anh phải lên đường ra trận theo tiếng gọi của non sông đất nước. Hôm ấy, em tiễn anh đi với những lời từ biệt đầy luyến tiếc, xót xa. Những lời nói chân thành ấy làm tim anh như càng đau thắt lại chẳng muốn rời xa, day dứt nơi cõi lòng dâng tràn trong cảm xúc. Kể từ hôm đó, anh biết em sống cô đơn, buồn tủi. Người con gái một mình lẻ loi như cánh phượng cuối mùa, đong đưa trước gió giữa sự vắng vẻ nơi mái trường quê. Những ngày anh đi xa, là những ngày buồn thương gửi về em, nỗi buồn ấy mênh mang và da diết bám lấy anh theo cuộc sống xa nhà.

Ở những câu hát tiếp theo, tác giả đặt mình vào tâm tư của cả người lính lẫn người con gái để tự đối thoại với nhau. Qua đó, nhạc sĩ diễn tả được tình yêu của họ dành cho nhau chân thành, sâu sắc đến nhường nào.

Anh thương yêu em cô đơn một mình bên cây đành bé nhỏ
Bóng tối vây quanh em có thương anh trong cơn buồn heo hắt
Trong đêm cô đơn thương anh một mình gian lao ngoài chiến trường
Bên gối chân êm em nhớ thương anh nên giấc ngủ chưa về. 

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Phượng Mai trình bày.

Ở nơi tiền tuyến, anh thương em cô đơn một mình bên cây đèn bé nhỏ. Những đêm dài đằng đẵng mình em thao thức, nhớ mong cùng ánh đèn hiu hắt. Bóng tối vây quanh càng làm không gian trở nên hiu quạnh và rộng lớn hơn, em nhỏ bé và yếu ớt trong khoảng không vô tận đó. Những nỗi lòng mà em dành gửi cho anh cũng không ít hơn là bao. Thương cho anh đêm tối trống vắng, cô đơn nơi xa. Lo lắng cho anh đối mặt với những hiểm nguy, gian khổ ngoài chiến trường ác liệt, cơm bữa đói, bữa no, bom đạn kề bên tai. Bên gối chăn ấm êm nơi quê nhà, những nỗi lo cứ dằn vặt con người em nên trời khuya, gà gáy giấc ngủ vẫn chưa về. Qua đó, ta thấy được sự thấu hiểu sâu sắc của những con người yêu nhau nhưng không thể ở cạnh bên. Họ nhớ thương, suy nghĩ cho nhau, lo lắng quan tâm nhau mà quên đi những mất mát, đơn côi của chính mình.

Ở đoạn kết của ca khúc là những mong ước về một ngày được hạnh phúc trọn vẹn. Đó không chỉ là tâm nguyện của những người trong ca khúc mà còn là tâm nguyện của cả một dân tộc. Bằng cách dẫn dắt câu chuyện đến một cái kết đầy hứa hẹn về tương lai tươi sáng, tác giả đã thay những nỗi buồn man mác của người nghe ở đoạn đầu bằng sự bình tâm và nhẹ nhàng trong cảm xúc.

Nếu mai đây không còn oán thù anh về phố phường
Dìu em đi trên đường Vu Qui cho tròn chiến ý
Từ đó sống bên nhau thôi nặng sông ngỏ hồn đêm đêm dẫu buồn
Vái Trời thương cho anh, xin Trời đừng quên em đang nguyện ước sum vầy! 

Hẹn một mai, khi không còn tiếng súng đạn trên mảnh đất này, anh sẽ về lại quê nhà, về lại bên người con gái đang trông mong anh từng ngày. Ở nơi tươi đẹp ấy, ta sẽ dìu nhau đi trên con đường hạnh phúc, lễ vu quy của đôi mình sẽ là kết quả, ý nghĩa của sự hy sinh, chia cách và chờ đợi lúc này. Từ đó, đôi ta sống bên nhau chân thành và bền chặt dẫu cuộc sống có buồn vui ra sao. Lạy trời thương cho những lời cầu mong của anh lúc này, trời thấu cho những tâm nguyện của em và ban phước cho mối tình của chúng ta. Để một mai đây đôi ta sẽ được trùng phùng sau những ly biệt.

“Nửa đêm thương nhớ” là nỗi lòng của những con người yêu nhau nhưng vì chiến tranh mà phải chia ly. Ở đó ta thấy được hình ảnh đẹp đẽ của thứ gọi là tình yêu chân thật, một thứ tình cảm mà sự hi sinh, cho đi là nhiều hơn so với những gì nhận lại nhưng người ta vẫn thủy chung một lòng với nó. Trong gian khổ, trong nỗi nhớ thương vô bờ bến thì đâu đó họ vẫn lạc quan tin về một ngày bình yên, đất nước được hòa bình và hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với họ.

Lời bài hát Nửa Đêm Thương Nhớ – Hoàng Trang

Nhớ thương ơi sao còn đến tìm, sao còn đến tìm
Buồn không tênh len vào trong đêm qua miền âu yếm
Miền có lá me bay em một hôm trốn học theo anh bốn giờ
Bốn giờ em cho anh, bốn giờ thật mong manh nên buột nhớ xây thành.

Tiễn đưa anh đi làm lính trẻ trong ngày cuối Hè
Lời ve kêu trong lời em yêu nghe buồn rưng rứt
Từ đó sống đơn côi em làm thân cánh Phượng đong đưa giữa trường
Những ngày anh đi xa, những ngày buồn bao la theo cuộc sống xa nhà.

ĐK:
Anh thương yêu em cô đơn một mình bên cây đành bé nhỏ
Bóng tối vây quanh em có thương anh trong cơn buồn heo hắt
Trong đêm cô đơn thương anh một mình
gian lao ngoài chiến trường
Bên gối chân êm em nhớ thương anh nên giấc ngủ chưa về.

Nếu mai đây không còn oán thù anh về phố phường
Dìu em đi trên đường Vu Qui cho tròn chiến ý
Từ đó sống bên nhau thôi nặng sông ngỏ hồn đêm đêm dẫu buồn
Vái Trời thương cho anh, xin Trời đừng quên em đang nguyện ước sum vầy!

Viết một bình luận