“Tình đời (Duyên kiếp cầm ca)” (Vũ Chương & Minh Kỳ) – Buồn cho một kiếp cầm ca, khóc thầm sau ánh đèn sân khấu

Nghiệp ca hát ở thời buổi hiện nay được người người xem là một nghề liêm chính, họ xuất hiện trên truyền hình tivi mang theo niềm tự hào và hãnh diện của nhiều người. Họ khiến cho bao người phải ngưỡng mộ và săn đón, nhưng có ai biết được, cái nghề này từng bị “xua đuổi” như thế nào? Ca sĩ phòng trà, cũng là ca sĩ, là nghệ sĩ nhưng lại chẳng được chào đón, người ta bỏ tiền ra để xem, để vui, để thư giãn khi căng thẳng,….nhưng lại chẳng ai tôn trọng cái nghiệp này. Đã từng có rất nhiều mối tình tan vỡ chỉ vì một trong hai là nghệ sĩ, họ xem đó là một cái nghề “thấp hèn” của xã hội….Và đây cũng trở thành đề tài và nguồn cảm hứng cho nhiều người nhạc sĩ, bởi họ muốn người đời hiểu hơn về cái nghề mà họ đam mê, họ theo đuổi.

Nhóm Lê Minh Bằng
Nhóm Lê Minh Bằng

“Tình đời” của Chương Vũ và Minh Kỳ hay bị nhầm lẫn với “Kiếp cầm ca” của nhạc sĩ Huỳnh Anh, bởi trong ca khúc “Tình đời” lại xuất hiện nhiều chữ “kiếp cầm ca” hơn cả ca phẩm của Huỳnh Anh. Ca khúc “Tình đời” còn một tên gọi khác chính là “Duyên kiếp cầm ca” do Minh Kỳ cùng nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng cộng tác viết nên, ca khúc được sáng tác vào năm 1971 và ký dưới bút danh của nhạc sĩ Minh Kỳ – Vũ Chương. “Tình đời (Duyên kiếp cầm ca)” cùng với “Phận tơ tằm” (nhạc sĩ Hồ Tịnh Tâm) và “Kiếp cầm ca” (nhạc sĩ Huỳnh Anh) trở thành bộ ba ca khúc hát về thân phận của những người nghệ sĩ, ca sĩ hát phòng trà, thay lời tâm tình của những người làm nghệ thuật nói chung. Họ mang tiếng giọng hát được trời phú để mua nụ cười của người đời, của khán giả, nhưng có mấy người biết khi đêm về, khi ánh đèn sân khấu vụt tắt chính là lúc những nỗi buồn bao quanh lấy tấm thân nhỏ bé ấy. Họ chịu đựng biết bao lời dị nghị từ xã hội, từ người đời chỉ bởi họ theo nghiệp “xướng ca vô loài”, hứng chịu bao lời chỉ trích khi “bán giọng hát mua vui”.

“Khi biết em mang kiếp cầm ca

Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người người bỏ tiền mua vui

Hỏi rằng anh ơi: Còn yêu em nữa không

Đừng nói nữa em ơi

Xin đừng nói nữa làm gì

Anh nghĩ rằng

Đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thiên Kim, Lâm Nhật Tiến & Minh Thông trình bày.

Mở đầu ca khúc là đoạn hội thoại của một đôi tình nhân trẻ, cô gái mang thân phận của một ca sĩ phòng trà, gắn liền với nghiệp cầm ca – một nghề nghiệp chẳng được trân trọng nơi cái xã hội ngày xưa. Nàng đã liên tục đặt ra những câu hỏi để thể hiện nỗi ưu tư và phiền lo của mình về mối tình “ngắn hạn”: “Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người người bỏ tiền mua vui…”, vậy liệu anh có còn yêu nàng hay không? Thật may mắn, chàng trai ấy hiểu và cảm thông cho nàng, vẫn nhẹ nhàng và tình cảm mà từ tốn trả lời lại những câu hỏi mang đầy âu lo của nàng: “Xin em đừng nói nữa làm gì, anh nghĩ rằng, đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu…”.

Đứng dưới ánh đèn sân khấu đầy hào quang rực rỡ, người ca sĩ phòng trà đã gác lạinhững ưu tư của mình, gác lại câu chuyện buồn vui sau cánh gà sân khấu để toàn tâm toàn ý mà dâng tiếng hát cho người đời. Họ muốn mang giọng ca truyền cảm và những cảm xúc truyền tải vào sâu trong bài hát để người người có thể cảm nhận được thông điệp trong từng khúc nhạc. Nhưng suy cho cùng, với người đời, họ chỉ xem đó là một trò mua vui, xem cái nhoẻn miệng cười của người ca sĩ là đang lấy lòng khán giả,…chẳng có gì gọi là hãnh diện cho một ngành nghề. Ai có thể hiểu cho họ, vui tươi nơi sân khấu, nuốt lệ âm thầm qua từng ngày từng tháng, khi ánh đèn hào nhoáng vụt tắt chính là lúc những dòng lệ tuôn rơi. Nàng đã vui mừng thế nào khi tìm được người tri kỷ, nhưng lại lo lắng đó chỉ là hư vô, là sự tự phụ của bản thân nên vẫn hoài hoảng sợ. Nàng đã mặc cảm và tự ti biết bao nhưng lại chẳng thể nào từ bỏ, vẫn may sao người thương nàng đã thương luôn cái nghiệp “xướng ca vô loài” của nàng và chẳng hề mang theo một tia ý khinh khi.

“….Tình yêu, em sợ tình yêu

Vì tình yêu như là hương hoa

Lỡ mai sau em mất người yêu

Em khổ thật nhiều

Ngày mai trên đường phố này

Những đêm khuya có anh đưa về xóm nhỏ

Xa lìa ánh đèn có anh đưa em về bến mơ….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Thuý thâu thanh trước 75

Nàng chỉ dám xem đó là người tri kỷ, xem như tìm được người thấu hiểu bản thân để không còn cô đơn suốt những đêm trường sau ánh đèn sân khấu. Nhưng nếu nhắc đến tình yêu thì nàng lại lo sợ, như con chim non sợ trời mưa bão, chim sợ cành cong, bởi đã có biết bao nhiêu người đến với nàng vì vẻ ngoài hào nhoáng, vì giọng ca tiếng hát nhưng sau cùng chẳng được kéo dài mà vội vàng rời đi, không một lời từ giã. Với nàng, “tình yêu như là hương hoa” khi hoa tươi sắc hoa sẽ tỏa hương thơm nồng thu hút biết bao ong bướm, nhưng khi hoa tàn úa và rơi rụng thì chẳng còn ai thèm ngó ngàng đến. Hương hoa thoảng qua nhanh chóng, chẳng để lại chút dấu ấn nào như tình yêu chớp nhoáng đến với người ca sĩ, để rồi khi “em lỡ mất người yêu” nàng sẽ chịu thật nhiều đau khổ.

Thấu hiểu được nỗi âu phiền của người thương, chàng trai càng thêm khẳng định tấm chân tình bằng những việc làm hành động thực tế để nàng được yên tâm, thêm tin vào mối nhân duyên “không kết quả”. Chàng hứa “những đêm khuya có anh đưa về xóm nhỏ” sẽ chẳng để cô phải chịu đựng những cô đơn cùng tịch liêu sau ánh lung linh của sân khấu. Và chàng chắc chắn rằng, khi nàng xa lìa ánh đèn nơi phòng trà, nơi sân khấu hào nhoáng, thì chính chàng là người sẽ đưa nàng về bến mơ, quên đi những thị phị cùng những lời dè bỉu của nghiệp hát ca.

Nói thì nói như thế, nhưng khi gắn thân cùng nghiệp cầm ca, làm sao nàng có thể dễ dàng từ bỏ đam mê và nguyện ước của bản thân. Bởi trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp ca sĩ khi quyết định “xa lìa ánh đèn” để tìm được “bến mơ” cho mình cùng chồng con. Nơi đỉnh cao của sự nghiệp có hàng triệu người yêu thương nhưng vẫn chấp nhận gác lại chuyện ca hát để lui về mái nhà làm một người mẹ hiền vợ thảo. Được vài năm thì sau? Họ vẫn luyến lưu nghề, nhớ thương khán giả….nhưng có người thì quay lại, có người lại mãi mãi rời xa.

“…..Khi trót mang duyên kiếp cầm ca

Em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời

Chỉ cần anh thôi, chỉ cần anh thôi

Còn tin anh nữa thôi

Đời vẫn thế em ơi

Xin đừng nói đến tình đời

Em nhớ rằng đời là gian dối

Nhưng đôi ta mãi còn nhau”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hùng Cường & Bạch Tuyết trình bày.

Một khi đã mang thân kiếp cầm ca thì nàng chấp nhận nghe tất thảy những lời chê trách, những lời phỉ báng từ cuộc đời, từ mọi người. Bởi nàng suy nghĩ, họ không hiểu mình, họ không phải là mình nên không cảm nhận được dòng máu nhiệt huyết với ca hát trong nàng sôi sục như thế nào. Cảm thương cho người con gái chỉ cần người hiểu mình, người cảm thông cho mình chứ không cần người yêu nàng nhưng lại muốn nàng rời xa ánh đèn rực cháy của sân khấu. Nàng đã tìm thấy chàng, nàng tin anh là người mà trời cao đã mang đến để ủi an con tim chịu nhiều tổn thương của mình nên nàng quyết định lần nữa đặt niềm tin, lần nữa mở cửa con tim để đón chào một người lạ mặt: “Chỉ cần anh thôi, chỉ cần anh thôi…”

Và chàng trai đã không khiến nàng thất vọng, không cầm dao mà rạch lên con tim vốn yếu đuối của người ca sĩ. Chàng liên tục khẳng định tấm chân tình của bản thân đối với nàng khi nói rằng: “Em nhớ rằng đời là gian dối nhưng đôi ta mãi còn nhau”, dù cuộc đời có bao nhiêu người lứa dối nàng thì chàng cũng là ngoại lệ, dù có bao nhiêu người hất hủi nàng và nghiệp cầm ca của nàng thì vẫn có chàng thương yêu cả hai, dù đời có bao nhiêu bão bùng và cạm bẫy thì đôi trẻ vẫn sẽ mãi mãi có nhau.

Ca khúc “Tình đời” tuy mang nội dung đơn giản, nhưng nó lại là cả cuộc đời của những người ca sĩ. Lời ca gần gũi để người nghe có thể dễ dàng cảm nhận và đồng cảm. Ca khúc được các ca sĩ trình bày như đang hát lên câu chuyện tình đời của chính bản thân mình, họ chỉ mong nhận được sự đồng thuận từ khán giả, nhận được sự yêu thương và cảm mến, đừng phân biệt cái nghiệp “xướng ca vô loài” khiến người ca sĩ mủi lòng khi chỉ là người bán giọng hát mua vui.

Lời bài hát Tình Đời – Vũ Chương & Minh Kỳ

Khi biết em mang kiếp cầm ca
Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người người bỏ tiền mua vui
Hỏi rằng anh ơi: Còn yêu em nữa không
Đừng nói nữa em ơi
Xin đừng nói nữa làm gì
Anh nghĩ rằng
Đời người ca sĩ đáng thương và đáng được yêu

Tình yêu, em sợ tình yêu
Vì tình yêu như là hương hoa
Lỡ mai sau em mất người yêu
Em khổ thật nhiều
Ngày mai trên đường phố này
Những đêm khuya có anh đưa về xóm nhỏ
Xa lìa ánh đèn có anh đưa em về bến mơ
Khi trót mang duyên kiếp cầm ca
Em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời
Chỉ cần anh thôi, chỉ cần anh thôi
Còn tin anh nữa thôi
Đời vẫn thế em ơi
Xin đừng nói đến tình đời
Em nhớ rằng đời là gian dối
Nhưng đôi ta mãi còn nhau

Viết một bình luận