“Tơ Sầu” (Lâm Tuyền) – Một tuyệt tác âm nhạc với tiếng đàn làm con tim tái tê thương đau

“Một trong những tài hoa rất mực của văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm, theo tôi là cố nhạc sĩ Lâm Tuyền. Ông là tác giả của những ca khúc từng được những người cùng giới coi như kinh điển…” Đó là những lời nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê khi nói về cố nhạc sĩ Lâm Tuyền. Lâm Tuyền là một nhạc sĩ nổi tiếng trong nền Tân nhạc Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 1950, nhưng thân thế của ông thì cho đến nay người ta biết rất sơ lược. Ông vốn là người Huế, nhưng vào Sài Gòn kiếm sống bằng cách mở lớp dạy ghi-ta và chơi nhạc cho các phòng trà. Ông sáng tác không nhiều, nhưng những tác phẩm của ông đều là những ca khúc tuyệt vời như: Khúc nhạc ly hương, Hình ảnh một buổi chiều, Tiếng thời gian, Tơ sầu, Trở về dĩ vãng,….

Nhạc sĩ Lâm Tuyền(phía sau)

Trong đó, nhạc khúc “Tơ sầu” là tác phẩm đầu tay và duy nhất được ông viết trên điệu Tango lả lướt và viết ở âm giai thứ. Trong “Tơ sầu” nhạc sĩ Lâm Tuyền đã dùng hình ảnh để tả âm thanh. “Tơ” nghĩa là tơ đàn, tiếng đàn đầy màu sắc và mãnh liệt tình cảm. Từ những sợi tơ đàn, gợi lên liên tưởng về mái tóc người yêu, tiếng nhạc như mái tóc người yêu. Lâm Tuyền đã kết hợp tài tình giữa nhạc và hình trong tác phẩm “Tơ Sầu”.

Với ánh tơ sầu sắc thắm muôn màu

làm cho tim ta tê tái thương đau

Với ánh tơ sầu ném xuống nhân loại

làm cho bao giống người sầu đau

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thái Thanh trình bày.

“với ánh tơ sầu sắc thắm muôn màu”, tiếng cung đàn qua sợi tơ trở thành một âm mang “sắc thắm muôn màu”,là những cung âm réo rắt của hạnh phúc, những âm trầm lắng của thương đau, và cả những âm ngân vang của sự tiếc thương, sầu vơi. Sợi tơ đàn rung lên sắc thắm muôn màu cho âm nhạc, làm cho “tim ta tê tái thương đau”. Tiếng tơ đàn nghe sao sầu thương để tim người nhạc sĩ “tê tái”. Nhưng cũng với tiếng tơ đàn ấy, âm thanh của tiên cảnh như được “ném xuống nhân loại” , âm thanh “làm cho bao giống người sầu đau”. Tác giả chỉ mượn âm thanh, mượn hình ảnh của tơ đàn nhưng lại tả hết nỗi sầu của trần gian. Tơ đàn kia không còn là vật vô tri chỉ ngân vang mà còn là công cụ truyền tải âm thanh của cảm xúc, âm thanh đó muôn vàn sắc thắm, là âm thanh mà khiến lòng tê tái, sầu đau.

Ngàn muôn nhạc sĩ kia ơi

buồn thương tương tư chờ ai

đời người tươi thắm sáng như ngàn sao

Nguồn nhạc tinh túy xướng trong hồn người

không bao giờ phai là suối rừng mai

https://www.youtube.com/watch?v=3cFqJGr-eIw

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Lệ Thu trình bày.

Muôn ngàn nhạc sĩ viết lên bản tình ca, viết lên chuyện tình “buồn thương tương tư chờ ai” cũng chỉ với tơ đàn. “Đời người tươi thắm sáng như ngàn sao” đời người có nhiều điều tốt đẹp và tươi sáng, cảm hứng sáng tác sinh ra từ tâm tình của nhạc sĩ. Và “nguồn nhạc tinh túy xướng trong hồn người không bao giờ phai là suối rừng mai”. Tác giả khéo léo nhắc lại chuyện tích xưa về chốn Đào Nguyên tiên cảnh, với cảnh sắc tiên và âm nhạc chốn tiên. Tuy không thể là chàng Lưu- Nguyễn như ở điển tích lạc vào chốn Đào Nguyên để nghe nhạc tiên, nhưng nếu ta giữ hồn mình tươi sáng, thì đó chính là giữ nguồn nhạc tinh túy. Âm nhạc viết từ tâm, và dùng tâm để cảm nhạc, có lẽ đây chính là tinh túy mà Lâm tuyền muốn nhắc đến chăng?

Tơ dáng như mây chiều

tơ úa như lá vàng

tơ giống như trăng ngàn

nhiều khi tơ giống tóc người yêu.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do ca sĩ Duy Trác trình bày.

Tơ đàn nhẹ rung lên những thanh âm nhẹ nhàng như mây chiều trôi lơ đãng trên nền trời, tơ mang nhiều màu sắc, mang nhiều linh hồn của cảnh vật. Khi tơ úa như lá vàng, khi lại như màu trăng ngàn yên tĩnh sáng rọi. Và “nhiều khi tơ giống tóc người yêu”, vì sợ tơ đàn mảnh như sợi tóc người yêu, tiếng nhạc như mái tóc người yêu. Nhạc sĩ Lâm Tuyền đã mượn hình ảnh tơ đàn để nói mái tóc người yêu, nói về những sầu đau của chính mình. Đó là ký ức về một đêm gió thét mưa gào, hôn nhạc sĩ say trong ánh mắt nhung của người.

Nhớ tới đêm nào gió thét mưa gào

hồn tim ta say đôi mắt nhung êm

Cố nắn tơ đồng khóc oán phong trần

hồn ta mưa gió lạnh lùng đau

Đó là ký ức về một đêm mưa, với đôi mắt nhung làm hồn ta say. Người nhạc sĩ cố nắn dây tơ đồng để như thay hồn hình đàn nên “khóc oán phong trần”. Tiếng tơ đồng ngân vang thay cho tiếng khóc, diễn tả thay cho nỗi lòng người. Là đêm gió mưa gào thét ấy, lòng ta nào có lạnh lùng, hồn ta vẫn chất chứa tình yêu, một tình yêu nồng ấm và ngất say với đôi mắt nhung của người.

Tơ dáng như mây chiều

Tơ úa như lá vàng

Tơ giống như trăng ngàn

Nhiều khi tơ giống tóc người yêu

Tiếng tơ đàn mang âm thanh và màu sắc, mang cả tâm tình người nhạc sĩ. Lâm Tuyền đã mượn hình ảnh của muôn vật, mượn màu của nắng chiều, của lá úa vàng và của trăng ngàn để tả về âm thanh. Rồi mượn hình ảnh của dây tơ như mái tóc người yêu để tả nỗi sầu của bản thân trong chuyện tình. Cách dẫn dắt đầy chất thơ, lời từ mộc mạc giản dị nhưng chứa một triết lý sâu sắc, triết lí về “nguồn nhạc tinh túy xướng trong tâm hồn”. “Tơ sầu” là một nhạc khúc mà sự kết hợp giữa văn và nhạc, mượn thanh tả hình, là minh chứng cho một tài năng nghệ thuật Lâm Tuyền.

Lời bài hát Tơ Sầu – Lâm Tuyền

Với ánh tơ sầu sắc thắm muôn màu
làm cho tim ta tê tái thương đau
Với ánh tơ sầu ném xuống nhân loại
làm cho bao giống người sầu đau

Ngàn muôn nhạc sỹ kia ơi
buồn thương tương tư chờ ai
đời người tươi thắm sáng như ngàn sao
Nguồn nhạc tinh túy xướng trong hồn người
không bao giờ phai là suối rừng mai
Tơ dáng như mây chiều
tơ úa như lá vàng
tơ giống như trăng ngà
nhiều khi tơ giống tóc người yêu.

Nhớ tới đêm nào gió thét mưa gào
hồn tim ta say đôi mắt nhung êm
Cố nắn tơ đồng khóc oán phong trần
hồn ta mưa gió lạnh lùng đau

Tơ dáng như mây chiều
Tơ úa như lá vàng
Tơ giống như trăng ngàn
Nhiều khi tơ giống tóc người yêu

Viết một bình luận