“Tôi đã gặp” – Nhạc khúc bày tỏ sự trân trọng và yêu thương của nhạc sĩ Minh Kỳ với những người lính nơi tiền tuyến, người em gái chốn hậu phương

Minh Kỳ (1930 – 1975) là nhạc sĩ trước năm 1975 nổi tiếng với các  ca khúc: Xuân đã về, Đà Lạt hoàng hôn, Tuổi hoa niên, Mưa trên phố Huế, Anh tiền tuyến em hậu phương, Tôi đã gặp,…. Ông là một trong ba thành viên của nhóm Lê Minh Bằng. Năm 2006, trung tâm Asia thực hiện chương trình Asia 52 – Huyền thoại Lê Minh Bằng vinh danh ông, cùng với hai nhạc sĩ Anh Bằng và Lê Dinh.

Nhạc sĩ Minh Kỳ
Nhạc sĩ Minh Kỳ

“Tôi đã gặp” là một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sĩ Minh Kỳ bày tỏ sự trân trọng cũng như tình thương đối với những phận nam nhi mang khí phách hiên ngang “đem vinh quang gieo nhàn nơi”.

Tôi đã gặp anh, người anh quá hiên ngang
đi xây cuộc đời vì lứa tuổi đôi mươi.
biên cương xa xôi, anh vì yêu sông núi
đem vinh quang gieo ngàn nơi

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Ngọc Lan và Duy Quang trình bày.

Tôi đã gặp anh, người lính chiến hiên ngang và khí phách giữa đất trời lúc tuổi đôi mươi. Năm tuổi đôi mươi, anh mang sức trẻ của đời trai vượt qua biên cương xa xôi, với tình yêu sông núi “đem vinh quang gieo ngàn nơi”. Tác giả bày tỏ sự kính nể trước khí phách của người lính chiến, khâm phục trước nghị lực không quản gian lao vất vả cống hiến cho đời, khoác chiến y vì non sông. Bên cạnh hình ảnh người lính chiến hiên ngang là niềm thương dành cho những bóng hồng nơi hậu phương.

Tôi đã gặp em chiều nao chốn quê xưa,
lúa ngô hai mùa chờ bóng người xa xưa,
quê hương thân yêu em về vui khoai sắn,
hay bên nương dâu ban chiều
Gặp nhau cầm tay nói vài câu
thương mến trao nhau, anh đi về đâu?

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày.

Tôi đã gặp em, vào một chiều nào đó khi xa quê nhà. Tôi gặp em giữa lúc “lúa ngô hai mùa” em chờ người xa xưa quay về nơi quê hương thân yêu để cùng em sống vui những ngày khoai sắn. Hình bóng em gái nhỏ chốn quê nhà chờ người yêu đi lính về để cùng em “bên nương dâu ban chiều” cầm tay nhau nói vài câu hội ngộ. Anh ơi, mến thương đã trao nhau “anh đi về đâu?”.

Giữa hình ảnh hiên ngang của người lính chiến nơi biên cương xa xôi là hình ảnh cô em gái nhỏ đợi chờ nơi quê hương thân yêu. Họ trao nhau thương mến, và chờ ngày đất nước thanh bình lại về bên nhau “vui khoai sắn”, sống một đời tui nghèo mà chan chứa tình yêu.

Rừng sâu đồi cao dốc, đèo nao hiểm nguy
chớ sờn bền tâm tranh đấu
Gặp nhau rồi thương nhớ dài lâu,
nhớ lúc ra đi không vương sầu chi
Ngày mai, ngày sông núi vẻ vang niềm vui
xóm làng lời hát vang vang

Phận nam nhi mang chí trai hào hùng là không sợ “rừng sâu đồi cao dốc, đèo nao hiểm nguy”, người lính chiến mãi bền tâm tranh đấu để sớm ngày về bên em. “Gặp nhau thương nhớ dài lâu, nhớ lúc ra đi không vương sầu chi”, đó là sự dứt khoát và hiên ngang của người lính, dù gặp nhau rồi chia xa sẽ nhớ thương lưu luyến nhưng vì tình yêu quê hương, tình trai gái anh xin gác lại vào tim mà “ra đi không vương sầu chi”. Hẹn em một ngày mai khi “ngày non sông vẻ vang niềm vui/ xóm làng lời hát vang vang” anh lại khải hoàn trở về bên em, cùng em đắp xây cuộc sống mới trong an lành và thái bình.

Ôi! nhớ nhiều khi gặp nhau biết nhau chi,
nhớ bao nhiêu người vì xóm làng ra đi,
đem thân nam nhi vui cuộc đời sương gió,
quên đi bao câu từ ly
Trên khắp nẻo đường đất nước mến yêu
ta biết nhau đây rồi lại tháng ngày phôi pha,
nhưng vui đi anh mai bình yên sông núi
ta chung vui câu thanh bình

Mang lòng yêu người lính thời chiến chinh là gần nhau thì ít mà nhớ thương khi chia xa thì nhiều. Dù rằng gặp nhau có trăm lời muốn nói nhưng lại không thể nói hết. Đôi lúc để ta tự hỏi “nhiều khi gặp nhau biết nhau chi” nhưng ta vẫn vui vì đã biết người. Em vui vì sẽ có người để em đợi chờ để em hi vọng, anh vui vì có người chờ anh nơi quê nhà, chờ ngày mai “bình yên sông núi” về bên nhau “ta chung vui câu thanh bình”.

Tình yêu của người lính là vậy đó, “quên đi bao câu từ ly” mà hành quân trên khắp nẻo đường đất nước với niềm tin chiến thắng và khải hoàng trở về. Yêu người lính là yêu người mang trác nghiệm nước non trên vai, mang tình yêu chôn chặt nơi tim mà khoác áo chiến y lên đường bình yên núi sông.

“Tôi đã gặp” như một cuộc ký sự kể lại hình ảnh người lính trẻ tuổi đôi mươi lên đường chiến linh, kể lại buổi gặp gỡ cô em nhỏ chốn quê nhà đợi chờ người nơi xa. Nhạc khúc như một bức tranh được vẽ lại những gian lao của người lính chiến, vẽ lại những nhớ thương của người chốn hậu phương và vẽ lên một tương lai thanh bình cùng tình yêu đáp đền của đôi bạn trẻ. Nhạc khúc đã thể hiện thành công sự trân trọng của tác giả với người lính, và những bâng khuâng xót thương trước cảnh nước nhà còn chìm trong chiến tranh khói đạn.

Cố nhạc sĩ Minh Kỳ dù chỉ nợ trần thế vỏn vẹn 45 năm, nhưng ông đã cống hiến hết mình cho âm nhạc, để lại những “đứa con” tinh thần vô giá cho người đời mãi về sau.

Lời bài hát Tôi Đã Gặp – Minh Kỳ

Tôi đã gặp anh, người anh quá hiên ngang
đi xây cuộc đời vì lứa tuổi đôi mươi.
biên cương xa xôi, anh vì yêu sông núi
đem vinh quang gieo ngàn nơi

Tôi đã gặp em chiều nao chốn quê xưa,
lúa ngô hai mùa chờ bóng người xa xưa,
quê hương thân yêu em về vui khoai sắn,
hay bên nương dâu ban chiều
Gặp nhau cầm tay nói vài câu
thương mến trao nhau, anh đi về đâu?

Rừng sâu đồi cao dốc, đèo nao hiểm nguy
chớ sờn bền tâm tranh đấu
Gặp nhau rồi thương nhớ dài lâu,
nhớ lúc ra đi không vương sầu chi
Ngày mai, ngày sông núi vẻ vang niềm vui
xóm làng lời hát vang vang

Ôi! nhớ nhiều khi gặp nhau biết nhau chi,
nhớ bao nhiêu người vì xóm làng ra đi,
đem thân nam nhi vui cuộc đời sương gió,
quên đi bao câu từ ly
Trên khắp nẻo đường đất nước mến yêu
ta biết nhau đây rồi lại tháng ngày phôi pha,
nhưng vui đi anh mai bình yên sông núi
ta chung vui câu thanh bình

Viết một bình luận