Cuộc đời của Lam Phương- Người nhạc sĩ tài hoa, đa tình, sự nghiệp sáng lạng nhưng lại cô đơn trong tình yêu được khắc họa trong nhạc phẩm “Trăm nhớ ngàn thương”

Lam Phương tên thật Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1947 ông lên Sài Gòn đi học và theo đuổi đam mê âm nhạc. Năm 15 tuổi, ông công bố ca khúc đầu tay và ngay sau đó nhanh chóng được công chúng biết đến như một hiện tượng ăn khách nhất của sân khấu, âm nhạc miền Nam trong thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970. Những ca khúc làm nên tên tuổi của Lam Phương như: Kiếp nghèo, Nắng đẹp miền Nam, Chuyến đò vĩ tuyến,… Sự thành công ở những năm 20 tuổi giúp Lam Phương trở nên có điều kiện về kinh tế, đủ tiền mua được ngôi nhà lớn cho gia đình, cũng như bản thân ở Sài Gòn.

Nhạc sĩ Lam Phương
Nhạc sĩ Lam Phương

Nhắc tới Lam Phương người ta liên tưởng ngay đến Túy Hồng và ban kịch Sống của cô. Ông là người viết rất nhiều ca khúc cho các vở kịch của Túy Hồng.

Nhạc phẩm “Trăm nhớ ngàn thương” trong một vở kịch của Túy Hồng đã làm thổn thức trái tim của biết bao nhiêu khán giả khi xem kịch.

“Mất em rồi, xa em rồi

Hoa đã tàn nhụy đã phai

Chiều hôm nay trời thanh vắng

Em đi về, về với ai”

Lam Phương còn là con người đa tình. Phía sau những tình khúc buồn là tình yêu “hai phương trời cách biệt,đêm chờ và đêm mong” ông dành cho người yêu của mình. ”Mất em rồi, xa em rồi” câu hát cất lên đầy da diết của tác giả khi phải chia tay với người yêu. Vào một buổi chiều bầu trời tươi đẹp, trong xanh và vắng lặng, chàng trai nhận ra rằng mình đã mất đi người yêu thật rồi. Tác giả ví cuộc tình của mình giống như bông hoa tàn, nhụy đã phai. Tôi nghe câu hát mà không khỏi xót xa cho cuộc tình cay đắng của tác giả.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Lan thu thanh trước 1975.

“…Một người đi, một người sầu

Nhìn hoa úa buồn về mau

Đôi chân mòn tìm dư âm hè phố vắng

 

Lòng còn thương tình nồng

Mà đêm nhớ ngày chờ mong

Bao thu rồi nhìn lá úa rơi ngoài sông…”

Thành phố thật buồn với tiếng động, bước chân tôi cô đơn trên hè phố vắng và lạc lõng giữa chốn đông người. Tôi đi tìm lại dấu yêu xưa với niềm hy vọng gặp lại người thương. Nhưng không, tình yêu kia là của em, niềm hạnh phúc trong tay em anh không thể nào giành lấy được, vậy hãy để nỗi cô đơn, nỗi trống trải và là nỗi buồn của anh, chỉ riêng anh thôi… Khi anh cảm thấy cô đơn, anh thường len lỏi vào chốn đông người để tìm cuộc vui, để thoát khỏi những mệt nhoài mà anh phải chịu đựng, thật khó khăn. Chúng ta đã đi qua cuộc đời nhau như vậy. Hạnh phúc thì màu hồng còn nỗi cô đơn màu ghi. Hạnh phúc thì đã rất xa còn nỗi cô đơn vẫn bền bỉ ở lại bên cạnh anh. Bao mùa thu đi qua, biết bao lần anh nhìn lá úa rơi trên dòng sông anh vẫn còn thương em, thương mối tình nồng ấm giữa đôi ta, vẫn ngày nhớ đêm mong chờ em trở về sau những ngày xa cách.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

“…Cánh thư này kỷ niệm này

Ta tìm về với nhau

Rồi hôm nay tàn mơ ước anh u sầu

Em ở đâu?

 

Chiều nay mây đen giăng sầu đường về

Nhìn hoa rơi não nề, người ơi sao chẳng về

Còn mong chi câu thề giận nhau sao em không nói

Ra đi không một lời để giá buốt tim tôi…”

Anh thường đọc lại những bức thư ta trao cho nhau và hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp của chúng ta, ước mong rằng ta sẽ tìm lại nhau và quay về bên nhau. Nhưng anh lại buồn bã khi quay lại với thực tại đau buồn, em đã đi thật rồi và không còn quay về với anh nữa “Em ở đâu?”

https://www.youtube.com/watch?v=TtWoP9Ay21E

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Elvis Phương trình bày.

Một buổi chiều mây giăng đầy lối về, con đường như trở nên buồn bã, những cánh hoa rơi não nề. Anh chờ em trong vô thức vẫn chưa thấy em trở về để chúng ta lại như xưa. Khi còn gặp nhau bao lời giận hờn, trách móc em đều giữ kín trong lòng không một lời than trách với anh. Vậy mà giờ em ra đi không một lời nói, lời từ biệt. Những điều đó làm cho trái tim anh thật sự giá buốt.Thật là chua xót.

“…Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay

Người đi để nhớ cho đời

Làm sao tôi đến bên người

Bao giờ mây hồng đưa bước em sang

Hay từ đây anh giở dang

Tình hỡi chôn vào thiên thu…”

Tác giả ví cô gái rời xa chàng trai giống như chim trời vỗ cánh bay lên trời. Không ai có thể ngờ được. Cô gái ra đi để lại cho chàng trai bao nhiêu niềm thương nhớ, có khi là nhớ hết cả cuộc đời. Tác giả tự hỏi làm sao để tìm được em và ở cạnh em. Hoặc là có khi nào cuộc sống lại màu hồng mang em trở về bên anh“Bao giờ mây hồng đưa bước em sang”. Tác giả lại tiếp tục tự hỏi hay anh lại tiếp tục dở dang cuộc tình với em, anh sẽ quên em, quên hết mọi kỷ niệm và thời gian bên nhau. Anh chôn hết cuộc tình vào dĩ vãng và đi tìm hạnh phúc mới.

Chúng ta những người khi trải nghiệm cuộc đời, nhất là trong chuyện tình cảm đôi lứa đều tìm thấy trong âm nhạc Lam Phương một sự đồng cảm sâu sắc, sự chia sẻ thầm lặng như nói hộ tiếng lòng, nói thay lời gan ruột trong niềm tha thiết sâu lắng.Cuộc tình ấy dù còn hay mất đều sống mãi trong lòng mỗi chúng ta, một phần lớn nhờ tình khúc của Lam Phương.

Với gia tài hơn 200 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc rất nổi tiếng và được phổ biến rộng rãi trong các phòng trà, nhà hát, sân khấu tại Sài Gòn trước năm 1975. Nhưng “Trăm nhớ ngàn thương” là tác phẩm mang lại dấu ấn sâu sắc nhất đối với khán giả và là một cuốn sách chân dung âm nhạc đầu tiên của Lam Phương, đánh dấu 70 năm sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông.

Trích lời bài hát Trăm Nhớ Ngàn Thương:

Mất em rồi xa em rồi
Hoa đã tàn nhụy đã phai
Chiều hôm nay trời thanh vắng
Em đi về, về với ai

Một người đi, một người sầu
Nhìn hoa úa buồn về mau
Đôi chân mòn tìm dư âm hè phố vắng

Lòng còn thương tình còn nồng
Mà đêm nhớ ngày chờ mong
Bao thu rồi nhìn lá úa rơi ngoài sông

Cánh thư này kỷ niệm này
Ta đã tìm về với nhau
Rồi hôm nay tàn mơ ước anh u sầu
Em ở đâu ?

Chiều nay mây đen giăng sầu đường về
Nhìn hoa rơi não nề, người ơi sao chẳng về
Còn mong chi câu thề giận nhau sao em không nói
Ra đi không một lời để giá buốt tim tôi

Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay
Người đi để nhớ cho đời
Làm sao tôi đến bên người
Bao giờ mây hồng đưa bước em sang
Hay từ đây anh dở dang
Tình hỡi chôn vào thiên thu

Viết một bình luận