“Và Tôi Cũng Yêu Em” – Lời tỏ tình hóm hỉnh thể hiện nỗi nhớ quê nhà của người con xa xứ

“Tôi yêu em” có lẽ là câu tỏ tình chúng ta thường được nghe nhất. Câu nói đặc trưng để bày tỏ tình cảm của mình đến với người đối diện. “Tôi yêu em” trở thành câu nói kinh điển trong tình yêu. Nhưng, có một nhạc sĩ cũng dùng câu nói ấy để tỏ tình, nhưng ông không tỏ tình với một người, mà tỏ tình với một đất nước. Đó chính là nhạc sĩ Đức Huy trong nhạc khúc “Và tôi cũng yêu em”. Và tôi cũng yêu em là một bài hát thể hiện nỗi nhớ quê nhà Việt Nam của tác giả trong những năm tháng trên đất Mỹ. Bài hát như khúc tự sự của ông về một cuộc sống giản dị tại Việt Nam. Nhạc khúc trở thành đứa con tinh thần chở đầy tình yêu và nối nhớ của Đức Huy dành cho quê hương Việt Nam, và trở thành một bài ca nằm lòng của rất nhiều thế hệ sau này “Và tôi cũng yêu em. Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn…”

Nhạc sĩ Đức Huy

Và tôi cũng yêu em được sáng tác vào năm 1984 khi Đức Huy ở Cali, Mỹ. Ông sáng tác song song cùng ca khúc “Khóc một dòng sông”. Nhạc khúc trở thành một bản tình ca tự sự về nỗi nhớ quê hương, tình yêu đối với một cuộc sống giản đơn tại quê nhà Việt Nam. Và tôi cũng yêu em, một nhạc khúc ấn tượng ngay từ tên gọi. Tác giả không trực tiếp nói “Tôi yêu em” mà thay vào đó là cách dùng từ “và, cũng”, tên bài hát gây cho người nghe một sự bất ngờ, cũng như Đức Huy cũng tâm sự “Có thể tôi viết Và tôi cứ yêu em, hay sắp yêu em… chẳng hạn. Nhưng tôi muốn tạo nên một cái gì đó khác biệt của điều mình muốn nói phía sau. Ý nghĩa còn là cho dù tôi có… “nói hươu nói vượn” thì cuối cùng điều quan trọng nhất vẫn là yêu em. Ngoài ra, nếu hiểu rộng thêm điều Đức Huy muốn nói, “em” ở đây còn là đất nước, văn hóa, chất VN với những gì nuôi tôi lớn lên.”

Tôi yêu xem một cuốn truyện hay

Tiếng chim hót đầu ngày

Và yêu biển vắng

Tôi yêu ly càfé buổi sáng

Con đường ngập lá vàng…

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do chính tác giả Đức Huy trình bày.

Tôi yêu thích những điều giản đơn như xem một cuốn truyện hay, lắng nghe tiếng chim hót vào mỗi sớm mai thức dậy đầu ngày. Và tôi cũng yêu cảnh biển vắng, yêu thích uống cà phê vào mỗi sáng, tôi nhâm nhi ly cà phê và ngắm nhìn “con đường ngập lá vàng”. Tình yêu của tác giả là tình yêu đối với những điều giản đơn, tưởng chừng như không có gì đặc biệt. Nhưng với một người con xa xứ trên đất Mỹ, những ký ức về ly cà phê sáng bên đường đã trở thành một hoài niệm. Cà phê sáng như một điểm đặc trưng ở Việt Nam và đặc biệt là ở Sài Gòn. Bước chân vào nơi phồn hoa của một thành phố mang tên Bác, chúng ta không khó bắt gặp những quán cà phê nhỏ ven đường, nhâm nhi ly cà phê bên vỉa hè và ngắm nhìn đường phố lá vàng rơi đã trở thành một điều thú vị tại đây. Hình ảnh giản dị nhưng đặc trưng đó đã đước Đức Huy mang vào bài hát, câu ca giản đơn mộc mạc nhưng lại tả trọn đặc trưng của Sài Gòn.

Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa

Mái tranh với hàng dừa

Và yêu trẻ thơ

Buổi cơm canh cà và điếu thuốc

Giấc ngủ không mộng mị

Và tôi cũng yêu em

Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn…

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Elvis Phương trình bày.

Và  “tôi yêu hương vị Tết ngày xưa”, với người dân Việt, Tết là một đặc trưng, những ngày Tết là những ngày của niềm vui và sum vầy gia đình. Không khí Tết quê nhà là một không khí mà người con xa xứ luôn hoài niệm. Nhớ quê hương xưa có “mái tranh với hàng dừa”, yêu quê hương, yêu cả nụ cười của trẻ thơ. Yêu sao buổi cơm canh cà và điếu thuốc. Một cuộc sống đơn giản với các món ăn mộc mạc và được ngủ một giấc ngủ không mộng mị. Tôi yêu rất nhiều thứ, và tôi cũng yêu em. Một tình yêu rộn ràng trong tim, một tình yêu nồng nàn cháy bỏng.

Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây

Đấu vui với bạn bè

Và ly rượu ngon

Tôi yêu trong nhà nhiều cây lá

Tôi yêu những người già

Tôi cũng yêu đi bộ dưới hàng cây rộng bóng mát, bước những bước chân tự do thư thả. Tôi yêu những buổi đấu vui với bạn bè bên ly rượu ngon. Tôi cũng yêu cuộc sống trong căn nhà nhiều lá, yêu cả những người già hiền hậu. Tôi yêu rất nhiều thứ, yêu “những gì đến tự nhiên”.

Tôi yêu những gì đến tự nhiên

Những câu nói thành thật

Tôi yêu thiên nhiên nơi ấy, yêu những nụ cười trẻ thơ, yêu những đôi mắt hiền dịu của cụ già, và yêu những câu nói thành thật chất phát. Tôi yêu vùng đất ấy, yêu con người nơi ấy, và yêu mọi thứ ở nơi ấy.

Và yêu ngày nắng

Tôi yêu mặc Jean và áo Trắng

Yêu trăng sáng ngày Rằm

Và tôi cũng yêu em

Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn

Yêu em chứa chan….

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do danh ca Ngọc Lan trình bày.

Yêu cả những ngày nắng, tôi yêu cách mặc quần jean và áo trắng, yêu những ngày Rằm trăng sáng. Tôi yêu mọi thứ ở đấy, từ những điều đơn giản đến những con người chất phát. Tôi yêu tất cả và tôi cũng yêu em “Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn. Yêu em chứa chan….”.

Và tôi cũng yêu em là một lời tỏ tình cho một tình yêu nồng nàn, cháy bỏng, một tình yêu đối với quê hương, với văn hóa Việt Nam. Nhạc khúc trở thành một bài ca nổi tiếng bởi sự hóm hỉnh trong cách “tỏ tình”, một bức tranh về nét đẹp của quê hương và bản sắc văn hóa  được dệt nên bởi những khuông nhạc của một người con xa quê mang trong mình một tình yêu nồng nàn, chứa chan

Lời bài hát Và Tôi Cũng Yêu Em – Đức Huy

Tôi yêu xem một cuốn truyện hay
Tiếng chim hót đầu ngày
Và yêu biển vắng
Tôi yêu ly càfé buổi sáng
Con đường ngập lá vàng…

Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa
Mái tranh với hàng dừa
Và yêu trẻ thơ
Buổi cơm canh cà và điếu thuốc
Giấc ngủ không mộng mị
Và tôi cũng yêu em (3 lần)
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn…

Tôi yêu đi bộ dưới hàng cây
Đấu vui với bạn bè
Và ly rượu ngon
Tôi yêu trong nhà nhiều cây lá
Tôi yêu những người già

Tôi yêu những gì đến tự nhiên
Những câu nói thành thật
Và yêu ngày nắng
Tôi yêu mặc Jean và áo Trắng
Yêu trăng sáng ngày Rằm
Và tôi cũng yêu em (3 lần)
Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn
Yêu em chứa chan….

Viết một bình luận