Kỷ niệm về xe máy Simson – Những chiếc “siêu xe huyền thoại” thời bao cấp

Simson là hãng xe nổi tiếng của Đông Đức (cũ) trước Chiến tranh thế giới thứ II. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson được Liên Xô tiếp quản. Dù vậy, trong trí nhớ của nhiều người, Simson vẫn là dòng xe của Đức. Simson đã thành công với nhiều mẫu xe S50, S51, S70… Trong đó, S50 là mẫu xe khá phổ biến tại Việt Nam.

Simson không được nhập khẩu theo đường chính ngạch mà về Việt Nam theo đường “xách tay”. Simson theo chân những người đi học tập hoặc lao động ở Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc về nước. Chính vì vậy, thời gian đầu, xe máy Simson khá khan hiếm.

Thời bao cấp, tay chơi Việt mê mẩn Simson vì chiếc xe này mang lại cho họ cái mác giàu có và “Tây học”.Vừa khan hiếm, vừa đắt đỏ, vừa sành điệu nên Simson trở thành sản phẩm trong mơ của rất nhiều người, đặc biệt là các ‘tay chơi mũ cối’. Ngày đó, lướt trên Simson chẳng khác nào đang ngồi trên các xế sang giá bạc tỷ ngày nay.

Từng là một thương hiệu xe máy nổi tiếng và rất phổ biến của Đông Đức, Simson là dòng xe mơ ước một thời của người Việt Nam. Dòng xe Simson phổ biến tại Việt Nam thời bấy giờ là loại S51. Những năm 80 của thế kỉ trước, để “tậu” được S51 phải có trong tay khoảng 8 chỉ – 1,2 cây vàng (40 – 60 triệu đồng thời nay).

Chiếc xe Simson đời đầu, dung tích 49,9 cm3, máy hai thì chạy xăng pha nhớt, ba số chân có bốn màu phổ biến là đỏ, xanh đu đủ, xanh nõn chuối, và trắng. Thời đó, ai có Simson cũng phải cẩn thận, vì chìa khóa điện xe này hầu như cái nào cũng giống cái nào, một chìa mở được mấy xe. Vì thế, việc đầu tiên của người “tậu” được Simson thời đó là sắm một chiếc khóa dây thật chắc chắn.

Kỷ niệm về xe máy Simson – ‘huyền thoại’ thời bao cấp

Cuối những năm 80, bố nhùng nhằng mãi mới quyết định bán chiếc Simson S51 giá 3 triệu để lấy tiền làm ăn.

Nhà tôi có một kỷ niệm với chiếc xe máy Simson – huyền thoại thời bao cấp. Đó là cuối những năm 80, bố tôi mua được một chiếc S51. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng mỗi lần ngồi sau xe để bố chở.

Sau đó, nhà máy giải thể, cả nhà tôi về quê, tài sản duy nhất chỉ là chiếc xe này. Bố nhùng nhằng mãi mới quyết định bán chiếc xe và được 3 triệu đồng. Số tiền này đủ để cho bố mua cả một xưởng cơ khí. Từ đó, nhà tôi sống bằng nghề cơ khí của bố.

Xe máy hồi ấy bằng cả một gia tài, cũng như ôtô bây giờ cũng giá trị bằng cả miếng đất. May mắn, lúc đó nhà tôi đã bỏ cái sĩ diện đi xe máy để đầu tư làm ăn nên giờ cuộc sống mới có của dư. Đó cũng là một bài học cho tôi bây giờ, trước mắt bỏ cái sĩ diện đi ôtô để dành tiền làm ăn.

Viết một bình luận