Những “báu vật” thời bao cấp gây thương nhớ, giai đoạn khó khăn chỉ gia đình có điều kiện mới sắm được

Đây là những đồ dùng có giá trị trong thời kỳ bao cấp ở Việt Nam mà những gia đình có điều kiện mới có thể sở hữu.

Tivi đen trắng

Có lẽ trong ký ức của nhiều người, hình ảnh chiếc tivi đen trắng sẽ mãi không bao giờ quên. Thời bao cấp, những chiếc tivi đen trắng có giá đến 7-10 chỉ vàng được xem là cả một gia tài, chỉ những gia đình có điều kiện mới mua được.

Thời điểm đó, cả xóm chỉ có 1-2 gia đình có điều kiện mua tivi đen trắng. Tối tối, người dân trong xóm từ người già đến trẻ nhỏ lũ lượt kéo nhau đến nhà có tivi để cùng nhau xem thời sự 19h hoặc xem một tập phim.

Đáng nhớ nhất là chương trình Bông hoa nhỏ, cứ đế khung giờ lên sóng, trẻ con trong xóm thấp thỏm, xin bố mẹ chạy sang xem. Dẫu chỉ là những hình ảnh đen trắng trong chiếc tivi bé xíu khoảng mười bốn inch nhưng đã đem đến một thế giới sinh động, là công cụ giải trí hiện đại nhất của cả xã hội lúc bấy giờ.

Ngày nay, điều kiện cuộc sống tốt hơn gấp bội. Những chiếc tivi thông minh, công nghệ tiên tiến nhất được cập nhật hàng ngày. Một gia đình sở hữu nhiều chiếc tivi là chuyện rất bình thường. Chương trình trên truyền hình ngày cùng phong phú về thể loại, hấp dẫn về nội dung… thế nhưng đối với tôi chiếc tivi trắng đen ngày nào với những ký ức đọng lại vẫn luôn hiện hữu.

Hiện trên các trang mạng điện tử vẫn có bán tivi đen trắng với giá từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng để bán cho những người có nhu cầu. Hay ở các quan cafe, quán ăn mậu dịch vẫn trang trí tivi đen trắng, gợi nhớ biết bao kỷ niệm.

Giờ đây, tivi đen trắng chỉ là một đồ vật trang trí, nhưng thời nghèo khó, đó là cả một gia tài mà nhiều người không dám mơ đến. Còn với lũ trẻ thời đó, đó là niềm vui, là nụ cười, là cả thế giới.

Quạt tai voi

Xuất hiện vào đầu những năm 1960, quạt tai voi đã trở thành “báu vật” thấm đẫm kỷ niệm của người Việt trong suốt thời kỳ bao cấp, là thứ được nâng niu và giữ gìn, chỉ khi nào có khách quan trọng đến nhà, chủ nhà mới bật tiếp khách.

Quạt tai voi được được sản xuất tại một nhà máy ở Dnepropetrovsk (Ukraine, Liên Xô cũ) mã hiệu là ВЭ-1 (VE-1). Nó có cấu tạo rất đơn giản, chỉ gồm 3 cánh bằng cao su mềm, màu trắng, có hình như tai voi. Đế quạt được đúc bằng gang nên đứng vững và chắc chắn. Quạt này quạt có công suất và tiếng ồn lớn hơn quạt con cóc do Việt Nam sản xuất.

Nếu như quạt con cóc giá 35 đồng thì quạt tai voi có thể có giá gấp tới 10 lần là 350 đồng. Trong khi thời bao cấp, mức lương của nhân viên mới đi làm chỉ khoảng 60 đồng. Như vậy, một chiếc quạt tai voi là gia tài lớn với nhiều gia đình cũng không sai.

Hiện nay, khi cuộc sống hiện đại, quạt điện, điều hòa trở nên phổ biến thì những chiếc quạt tai voi đã thành đồ cổ. Nhiều người vẫn lùng mua về song không phải để dùng mà bày cho đẹp, giá bán hiện ở mức 1 triệu đồng hoặc cao hơn tùy tình trạng quạt.

Không chỉ có vậy, quạt tai voi luôn trở thành một trong món đồ sưu tập được nhiều người quan tâm. Trên các diễn đàn rao vặt, thỉnh thoảng các thành viên vẫn thấy ai đó đăng tin mua quạt tai voi làm vật trưng bày.

Đài cassette thời xa xưa

Cũng giống như tivi đen trắng, đài cassette cũng là món đồ mang dấu ấu của một thời nghèo khó đã qua. Đài cassette là hàng Nhật du nhập vào nước ta từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, âm thanh của những bản nhạc Boney M vang lên từ chiếc đài cassette cũng đủ làm cả xóm háo hức.

Hiện nay, nhiều người đam mê đồ cổ vẫn trưng bày đài cassette ở phòng khách, phòng đọc, quán cafe. Chia sẻ với báo chí, Linh – một “dân chơi” sưu tập cassette cổ tại Hà Nam cho biết chia sẻ anh từng có trên trên tay cả trăm mẫu đài radio, cassette khác nhau. Hầu hết đều là các thương hiệu Nhật Bản: National, Panasonic, JVC, Sony, Toshiba, Sharp… Điều đáng nói, trong bộ sưu tập của anh có có một số chiếc được giới thiệu là “độc” nhất Việt Nam, như National Panasonic RF-1300 Rhythm Machine sản xuất từ năm 1975. Giá trị của chiếc cassette này ước tính lên tới cả chục triệu đồng nếu được bảo quản trong điều kiện tốt.

Chiếc National Panasonic RF-1300 Rhythm Machine được cho là “độc nhất” tại Việt Nam.

Có nhiều nhóm đang thu hút sự chú ý của giới sưu tầm radio cassette ở nhiều tỉnh thành như Hội Cassette Việt Nam, Tiệm Cassette Lỗi Thời, Hội những người đam mê radio cassette, Hội cassette tapes Việt Nam…

Bàn là Liên Xô

Đây là những chiếc bàn là “xách tay” từ Liên Xô về Việt Nam những năm 1970, 1980. Thời bấy giờ, những gia đình có điều kiện hoặc người thân làm việc tại Liên Xô hay từng đi Liên Xô về mới có chiếc bàn là này. Thực tế lúc đó, các gia đình bình dân cũng không có nhu cầu sử dụng bàn là mà chỉ giới giàu có, công chức thường mặc vest Tây mới cần là quần áo trước khi ra ngoài.

Bàn là Liên Xô có độ bền cao, nóng nhanh và giữ nhiệt rất tốt nên rất được ưa chuộng

Quạt con cóc

Trong số những vật dụng “xa xỉ” thời bao cấp thì quạt con cóc một thứ hiếm hoi được sản xuất ở Việt Nam và là một trong những hàng hóa “Made in Vietnam” nổi tiếng nhất thời đó.

Quạt con cóc là loại quạt điện cơ do Xí nghiệp Điện cơ Thống Nhất sản xuất, có giá 35 đồng. Nó gắn liền với những năm tháng tuổi thơ đầy khó khăn của những thế hệ 6X, 7X, 8X và cả nửa đầu 9X. Cái tên quạt con cóc là cách gọi của người dùng dựa trên kiểu dáng thân quạt gù gù như con cóc, lâu ngày thành tên phổ thông.

Theo lời của những người thợ điện kỳ cựu, quạt con cóc được làm từ dây cuốn tốt nên có thể chạy suốt nhiều ngày không nghỉ, đúng phong cách “nồi đồng cối đá”. Còn những quạt con cóc đời cổ còn đẹp và hoạt động tốt thì trở thành “hàng hiếm”, được những người sưu tầm săn tìm với giá cao gấp nhiều lần những chiếc quạt mới…

Xe đạp Thống Nhất

Thời nghèo khó, xe đạp là phương tiện phổ biến bậc nhất. Khi ấy, gia đình nào mua được chiếc xe đạp Thống Nhất thì đó là tài sản đáng giá. Một chiếc xe đạp Thống Nhất có giá lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ, một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của nhiều gia đình Việt Nam những năm tháng đó.

Xe đạp Thống Nhất trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nhà máy được thành lập năm 1960 thì tới năm 1965, Nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.

Theo http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/

1 bình luận về “Những “báu vật” thời bao cấp gây thương nhớ, giai đoạn khó khăn chỉ gia đình có điều kiện mới sắm được”

Viết một bình luận