Tuyển tập những bức ảnh cách đây 100 năm về Phụ Nữ Việt qua ống kính người nước ngoài

Thiếu nữ Việt trong tà áo dài ngũ thân, cô gái người Mán làm duyên trước ống kính các nhiếp ảnh gia cách đây hơn 100 năm.

Bức “Thiếu nữ Sài Gòn” của nhiếp ảnh gia John Thomson, in trên giấy bạch đản (loại giấy sử dụng hợp chất có trong lòng trắng trứng, giúp bề mặt bóng loáng, thường được dùng để in ảnh vào cuối thế kỷ 19) – một trong những tấm ảnh đầu tiên được chụp ở Việt Nam, vào khoảng năm 1867 – 1868. Áo dài năm thân được phái nữ ưa chuộng vào thế kỷ 19. Trang phục gồm hai khổ vải được may nối nhau thành thân trước theo phong cách kín đáo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu: cha mẹ mình và cha mẹ người thương, thân áo thứ năm đại diện cho người mặc. Áo luôn có năm cúc, thể hiện đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Bức hình được giới thiệu trong cuốn “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” của Terry Bennett (Phương Nam Book phát hành vào tháng 6), giới thiệu tư liệu về ngành nhiếp ảnh trong nước từ năm 1840 – khi máy ảnh lần đầu xuất hiện ở Việt Nam – đến năm 1950.

Một phụ nữ người Mán ở bản Pa Kha, tỉnh Sơn La trước ống kính một nhiếp ảnh gia khuyết danh. Ảnh chụp vào khoảng năm 1925, in trên giấy tráng bạc.
Một phụ nữ có chồng người Mán, Lào Cai, khoảng năm 1925, ảnh in trên giấy tráng bạc, người chụp khuyết danh.
Cặp vợ chồng già được nhiếp ảnh gia Aurélien Pestel chụp vào khoảng năm 1890.
Trẻ em Việt Nam thập niên cuối thế kỷ 19 qua ống kính của Aurélien Pestel.
Bức “Gia đình Việt Nam”, khoảng năm 1890 của nhiếp ảnh gia Aurélien Pestel được giới thiệu trong chương bốn của sách – “Các hiệu ảnh thương mại (những năm 1880 – 1890)”.
Bức “Đứa bé trong nôi” được chụp dạng ảnh hộp khoảng năm 1922 bởi tiệm ảnh “Namky-Photo” (Bắc Ninh).
Chuyến thăm của Hoàng thái hậu Từ Cung ở Thanh Hóa năm 1935 qua ống kính Nghiêm Xuân Thức. Trong sách, ngoài giới thiệu sự nghiệp của các nhiếp ảnh gia người Pháp và các nước khác tại Việt Nam, tác giả liệt kê một số hình cùng tên tuổi những người Việt tham gia vào buổi đầu sơ khai của nhiếp ảnh.
Sách còn giới thiệu các tư liệu hiếm về ảnh phong cảnh, như khoảnh khắc người dân vùng ven Sài Gòn đánh bắt cá những năm 1920 của Fernand Nadal.
Một góc Bắc Ninh những năm 1884-1885, do nhiếp ảnh gia Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) thực hiện. Terry Bennett cho biết: “Cuốn sách chưa là một pho sử đầy đủ về nhiếp ảnh ở Việt Nam. Dù vậy, nó có thể cung cấp phác thảo ban đầu, một tấm bản đồ sơ khởi, ghi chép lại các cung đường nơi nhiều dấu chân đã đi qua”.

Trang phục người Việt hơn 100 năm trước qua ống kính nhiếp ảnh gia Pháp

Phụ nữ nhà giàu Việt mặc áo dài ngũ thân, quan chức để móng tay dài… qua ống kính nhiếp ảnh gia Pháp Pierre Dieulefils, thế kỷ 19.

Phụ nữ miền Nam vào cuối thế kỷ 19 chuộng mặc áo dài ngũ thân kết hợp đeo trang sức chuỗi hạt. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng – người sáng lập Bảo tàng Áo dài – từng cho biết thời kỳ này, phụ nữ nhà giàu thường mặc áo dài năm thân. Trang phục gồm hai khổ vải được may nối nhau thành thân trước theo phong cách kín đáo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu: cha mẹ mình và cha mẹ người thương, thân áo thứ năm đại diện cho người mặc. Áo luôn có năm cúc, thể hiện đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Những bức ảnh của Pierre được chụp từ năm 1885, ghi lại đời sống, sinh hoạt người Việt, trở thành nguồn tư liệu quý giá. Ảnh được in trong cuốn “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ”, do Đông A Books phát hành hồi tháng 8, Lưu Đình Tuân dịch và chú giải từ nguyên tác tiếng Pháp.

Một bữa cơm của những phụ nữ miền Nam. Phụ nữ thành thị, ít phải lao động thường mặc áo dài để phân biệt với tầng lớp lao động nghèo. Xu hướng áo năm thân còn kéo dài đến đầu thế kỷ 20, trước khi dần bị thay thế bởi áo dài Le Mur với nhiều chi tiết Âu hóa, do họa sĩ Cát Tường sáng tạo.

Một chức sắc ở Sài Gòn để móng tay dài. Tục để móng tay dài đến mức cuộn tròn lại – còn gọi là móng tay lá lan – xuất phát từ quan niệm người quyền quý, cao sang không phải động chân, động tay, lao động bị coi là công việc thấp hèn. Một số nho sĩ cũng cho rằng thân thể mình do tạo hóa và cha mẹ ban cho, phải gìn giữ tất cả những gì có thể.

Nhóm người Minh Hương làm thịt vịt ở Chợ Lớn.

Chợ Lớn được hình thành từ thế kỷ 17 đến 19, khi cộng đồng người Hoa đến định cư, xây dựng một đô thị sầm uất. Vào thời Pháp, Chợ Lớn là một thành phố tách bạch với Sài Gòn trước khi được hợp nhất năm 1956. Ngày nay, khu vực chợ Lớn tương ứng với quận 5, 6 của TP HCM.

Đám tang nhà giàu ở miền Nam.

Hai cha con tại một gia đình ở Bắc bộ. Nam giới thời kỳ này chuộng áo dài cổ đứng, đội khăn đóng trong các dịp quan trọng: quan, hôn, tang, tế. Cổ áo đứng, tạo khuôn tròn theo cổ, năm khuy áo bằng ngà, xương (vàng, bạc, đồng, tùy giàu nghèo) được khâu đính từ cổ (một khuy), vắt chéo sang phía xương đòn gánh phải (một khuy), ba khuy còn lại được đính cách đều nhau dọc theo lườn phải.

Một gia đình quan lại ở miền Bắc.

Quan chức thời xưa ở miền Bắc thường di chuyển bằng ngựa, có lọng che hai bên, đi cùng đoàn tùy tùng.

Vua Duy Tân ngự giá giữa các thị vệ tại hoàng thành ở Huế. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, lên ngôi khi mới bảy tuổi. Theo sách “Vua Duy Tân” của tác giả Hoàng Hiển – xuất bản năm 1995, dù còn nhỏ, ông không hề tỏ ra sợ Tây, nói năng đúng khẩu khí vương quyền. Tiếp Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ, ông nói thẳng bằng tiếng Pháp. Khi chọn niên hiệu, Vĩnh San lấy chữ “Duy Tân”, có nghĩa là thuật cải cách hoặc nhà vua canh tân (đổi mới).

Thiếu nữ (phải) và phụ nữ dân tộc thiểu số Lô Lô ở vùng biên giới miền Bắc, giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Phụ nữ Lô Lô thường dùng khăn quấn thành nhiều lớp trên đầu hoặc đội. Khăn được trang trí các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc rực rỡ. Trang phục của họ thường là loại áo dài cổ vuông, tay dài, chui đầu, hoặc loại áo ngắn thân cổ vuông, ống tay áo nối vào thân, có thể tháo ra, ngoài ra còn có áo cánh ngắn, xẻ ngực, cổ cao, tròn cài cúc.

Một nhóm người Thổ ở Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Pierre Dieulefils (1862 – 1937) sinh tại Pháp, sang Đông Dương lần đầu năm 1885. Hai năm sau, ông giải ngũ rồi trở về Pháp. Năm 1888, ông quay lại miền Bắc Việt Nam, rẽ sang làm nghệ sĩ nhiếp ảnh. Năm 1909, ông tập hợp bộ ảnh về Đông Dương và xuất bản tập sách ảnh mang nhan đề “Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam – Tonkin” (Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ – Bắc Kỳ). Tác phẩm đem lại cho ông huy chương vàng tại Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910. Sau đó, ông tiếp tục ra mắt cuốn “Nam Kỳ – Sài Gòn và vùng phụ cận” (Cochinchine – Saïgon et ses environs).

Theo Vnexpress.net 

Viết một bình luận