Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Giang Tử – Cả đời ông chỉ dành một đời cho âm nhạc.

Giang Tử là một ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc vàng trước năm 1975. Ông nổi danh với ca khúc “Căn nhà màu tím” của nhạc sĩ Hoài Linh. Ngoài ra Giang Tử còn được khán thính giả yêu thích với nhiều ca khúc khác như: Thư tình cuối mùa thu, Anh ở đầu sông em cuối sông, Hàn Mặc Tử, Chuyến đi về sáng, Cô hàng xóm, Nhật ký đời tôi,…

Giang Tử tên thật là Nguyễn Văn Giang, ông sinh năm 1942 (có tài liệu ghi rằng ông sinh năm 1944) tại Hải Phòng. Giang Tử được sinh ra trong một gia đình có tám người con, ông là con cả. Cha mẹ Giang Tử là những thương nhân thành công nên cũng muốn người con cả của mình là Giang Tử nối nghiệp gia đình. Thế nhưng với bản tính thích sống phiêu bạc từ nhỏ và với đam mê ca hát ông đã không nối nghiệp cha mẹ mình.

Ca sĩ Giang Tử

Năm 12 tuổi, Giang Tử được Cha cho phép theo học nhạc từ nhạc sĩ Y Vân, sau đó ông còn được ca sĩ Duy Trác hướng dẫn thêm về lĩnh vực ca hát và chỉ dẫn kinh nghiệm sân khấu – Duy Trác là nam ca sĩ nổi tiếng với những tình khúc lãng mạn. Thời gian đầu của sự nghiệp ca hát, Giang Tử thường hát các nhạc phẩm trữ tình – nhạc tiền chiến của những nhạc sĩ như Đòan Chuẩn, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Tý,… một phần cũng vì sự ảnh hưởng quan trọng của nhạc sĩ Y Vân và ca sĩ Duy Trác đến ông.

Năm 1963, Giang Tử gia nhập quân ngũ, phục vụ bên Tâm lý chiến và thường xuyên đi hát ở các tiền đồn xa. Giang Tử bắt đầu chuyển sang hát nhạc vàng và nhạc về người lính.

Ca sĩ Giang Tử

Những năm từ thập niên 1960 đến 1970, Giang Tử bắt đầu nổi tiếng với những tình khúc Bolero ngọt ngào. Năm 1968, tên tuổi của Giang Tử được khẳng định với ca khúc “Căn nhà màu tím” của nhạc sĩ Hoài Linh.

Năm 1969, Giang Tử ký hợp đồng độc quyền thu âm cho Hãng đĩa Dư Âm, sau đó ông ký độc quyền cho Hãng Việt Nam, chủ Hãng đĩa Việt Nam – Bà Sáu Liên từng chia sẻ: “Chúng tôi thấy Giang Tử là giọng ca triển vọng nên quyết định lăng – xê ca sĩ này, để anh song ca với nhiều nữ ca sĩ thời đó: Hương Lan, Trang Mỹ Dung, Yến Linh, Giáng Thu… Dẫu sớm khẳng định tên tuổi nhưng Giang Tử không kiêu căng, ỷ lại mà cần mẫn làm việc. Mỗi khi thu âm xong một ca khúc đều lắng nghe ý kiến của “đàn anh” trong nghề”.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Căn Nhà Màu Tím do Giang Tử trình bày

Trước năm 1975, Giang Tử hầu như tham gia gần hết các đoàn ca nhạc thời đó, nhưng ông gắn bó lâu nhất với ba đoàn đó là: Kịch nói Kim Cương, Hương Miền Nam, Xiếc Tuổi Trẻ. Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương chia sẻ: “Thời đó, trước khi diễn kịch đều có thêm những tiết mục ca nhạc. Giang Tử được khán giả yêu thích với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như: Thư tình cuối mùa thu, Anh ở đầu sông em cuối sông….

Ngoài ra, nhiều ca khúc gắn liền với tên tuổi của Giang Tử như: Hàn Mặc Tử, Yêu Người Như Thế Đó, Cô Hàng Xóm, Chuyện Đêm Mưa, Đập Vỡ Cây Đàn, Căn Nhà Ngoại Ô,… bên cạnh đó ông còn được yêu mến với những ca khúc tiền chiến của các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Hoàng Giáp, Văn Phụng, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Đình Chương,… .

Vợ chồng Ca sĩ Giang Tử

Giang Tử kết hôn với một nữ ca sĩ cũng thuộc Tâm lý chiến quê ở Long Xuyên và hai vợ chồng Giang Tử có với nhau 4 người con, trong đó người con gái út định cư tại Mỹ và sau này bảo lãnh ông sang sống cùng.

Sau năm 1975, Giang Tử vẫn ở lại Sài Gòn và cộng tác với các đoàn ca nhạc miền Nam như Đoàn Kim Cương, Hương Miền Nam, đoàn của bầu Duy Ngọc,…

Năm 2010, Giang Tử được con gái út bảo lãnh sang Mỹ. Lúc này, ông liên lạc với những người bạn nghệ sĩ cũ và được ca sĩ Phương Hồng Quế giới thiệu hát ở Asia, bắt đầu từ chương trình Asia 65. Tiết mục song ca ca khúc “Giọt buồn không tên” của Giang Tử và Phương Hồng Quế được khán giả cực kì yêu thích và ủng hộ.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Giang Tử và Phương Hồng Quế trình bày.

Sau đó, Giang Tử thường xuyên xuất hiện trong các chương trình của các trung tâm âm nhạc hải ngoại lớn như: Asia, Thúy Nga, Vân Sơn.

Vào những năm cuối đời, Giang Tử phải chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng. Tuy thế, nhưng vì quá đam mê ca hát nên ông vẫn đi biểu diễn. Giang Tử từng chia sẻ: “Anh đi nhiều, hiểu biết nhiều chuyện đời nên xem đó như vốn sống để hát. Đặt mình vào cái tình của người nhạc sĩ để cảm, để chia sẻ và để gieo cái đẹp cho những lứa đôi đang yêu. Mỗi ca khúc có lẽ vì thế mà quyện vào anh như máu thịt.” .

Người cháu của Giang Tử cũng từng chia sẻ về đam mê ca hát của chú mình như sau: “Khi còn ở Việt Nam, dù là tiệc thôi nôi, đám cưới, chú anh đều lên góp vui. Chú chỉ muốn hát, muốn mọi người nhớ đến mình. Mỗi dịp gia đình gặp nhau, chú hay thu âm đĩa tặng mỗi người một cái. Đến năm nay, chú 70 tuổi nhưng vẫn chưa khi nào ngừng hát…”.

Ca sĩ Giang Tử và Phương Hồng Quế

Theo lời ca sĩ Phương Hồng Quế, sau khi điều trị ung thư vòm họng, bác sĩ cấm Giang Tử hát liền, nhưng vì quá yêu nghề, yêu khán giả, nên ông vẫn cố gắng đi hát, đến nỗi bệnh trở nặng, không thể nói chuyện nhiều hay hát hò được nữa.

Cuối tháng 5 năm 2014, tức chưa được 4 tháng trước khi Giang Tử mất, ông vẫn tham gia biểu diễn ghi hình cho chương trình Paris By Night 111. Có thể nói ca hát là cả cuộc đời của ông, ông dùng cả cuộc đời của mình để ca hát.

Đến ngày 16 tháng 9 năm 2014 , Giang Tử đã ra đi mãi mãi tại Houston, Texas. Để lại niềm tiếc thương khôn nguôi với những người yêu giọng ca “Căn nhà màu tím” năm nào.

Nguồn tổng hợp (Wikipedia, nld.com.vn, vnexpress.net)

2 bình luận về “Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Giang Tử – Cả đời ông chỉ dành một đời cho âm nhạc.”

  1. Tôi đề nghị Thời xưa khi đưa những bài viết này nên cụ thể và chính xác để người xem, người nghe hiểu tường tận các sự kiện của Giang Tử . Ví dụ: “Năm 1963, Giang Tử gia nhập quân ngũ, phục vụ bên Tâm lý cнιếɴ” cần nói cụ thể là gia nhập quân đội NDVN, quân giải phóng Miên Nam VN, hay quân đội VNCH do thời đó đất nước đang có chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi không muốn nói đến đúng sai, mà chỉ muốn biết cụ thể để biết>

    Trả lời

Viết một bình luận