Danh ca Thanh Tuyền xúc động khi hội ngộ tri kỷ Mai Lệ Huyền sau thời gian dài xa cách

Sau thời gian xa cách, danh ca Thanh Tuyền mừng rỡ khi hội ngộ cùng tri kỉ Mai Lệ Huyền. Cả hai có dịp ôn lại kỉ niệm cũng như hứa hẹn tái xuất trong một dự án gần nhất.

Mai Lệ Huyền tái ngộ danh ca Thanh Tuyền

Trên trang cá nhân, nghệ sĩ Ngọc Huyền thích thú chia sẻ video giao lưu cùng fan. Đáng chú ý, giọng ca Xử án Phi Giao gây bất ngờ khi hé lộ một nhân vật đặc biệt trong clip. Đó là danh ca Mai Lệ Huyền. Hay tin mẹ chồng Ngọc Huyền là ca sĩ Thanh Tuyền sang bang California (Mỹ), bà đã đích thân đến nhà thăm hỏi các đồng nghiệp. Được biết, cả hai đã không gặp nhau một thời gian dài do lệnh giãn cách tại Mỹ.

Xuất hiện trong video, Mai Lệ Huyền khiến khán giả bất ngờ vì ở tuổi U.80, bà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Đặc biệt, nữ danh ca còn trổ tài ca hát, nhảy múa làm Ngọc Huyền bất ngờ. Ngoài ra, giọng ca 60 năm cuộc đời cũng gây ấn tượng bởi phong cách ăn mặc sành điệu, trẻ trung.

Danh ca Mai Lệ Huyền vẫn khỏe mạnh, minh mẫn ở tuổi U.80

Gặp lại người bạn thân thiết sau thời gian xa cách, danh ca Thanh Tuyền vô cùng xúc động. Bà “tay bắt mặt mừng”, hỏi thăm sức khỏe của đồng nghiệp. Ở tuổi ngoài 70, bà Mai Lệ Huyền cho biết mình cảm thấy may mắn khi vẫn giữ được sắc vóc và tiếng hát để phục vụ khán giả.

Về phía Thanh Tuyền, nữ danh ca cho biết cả hai lớn lên từ nhỏ, trải qua bao thăng trầm, tình bạn ấy đã kéo dài hàng chục năm. “Chúng tôi xê xích nhau chừng 1, 2 tuổi nên hay xưng hô mày, tao. Tại vì hồi nhỏ chơi chung trong xóm, chơi từ hồi còn con gái, chưa lấy chồng”. Nhân dịp gặp gỡ, ông xã nghệ sĩ Thanh Tuyền đã vào bếp chiêu đãi bạn bè với các món ăn quê hương.

Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Tuyền tái ngộ Mai Lệ Huyền

Chứng kiến tài nghệ của ba chồng Ngọc Huyền, nữ danh ca không khỏi xuýt xoa. Được biết, ông là người chuyên chăm lo cơm nước cho gia đình, dành thời gian để vợ đi diễn, chạy sô. “Ở nhà tôi lo hết, từ ăn uống, đi chợ, giặt giũ. Bà xã biết nấu ăn, ban đầu cũng chỉ tôi phương pháp. Tôi làm theo riết thành quen”, ông xã nữ nghệ sĩ bộc bạch.

Đặc biệt, Mai Lệ Huyền cũng tiết lộ bà sẽ sớm hội ngộ cùng tri kỉ Thanh Tuyền trong một chương trình ca nhạc hải ngoại. Nữ nghệ sĩ bộc bạch: “Chúng tôi sẽ trở lại trong một số đặc biệt của chương trình Music Box. Hai đứa sẽ nói chuyện, tâm tình thời xa xưa”. Trước sự việc, Ngọc Huyền bày tỏ háo hức. Giọng ca Trách ai vô tình cũng “dụ dỗ” tiền bối tham gia một dự án âm nhạc về Phật giáo trong thời gian tới.

Danh ca Thanh Tuyền

Thanh Tuyền là một nữ danh ca nổi tiếng với chất giọng trữ tình cao vút nhưng ngập tràn cảm xúc, giọng ca của cô không lẫn vào đâu được bởi sự đặc biệt, cách luyến láy Bolero rất tự nhiên. Cũng bởi chính giọng hát khỏe khoắn, đầy nội lực và có sức âm vang làm rộn rã cả không gian đã đưa Thanh Tuyền trở thành ca sĩ vang danh một thời và chiếm được tình yêu thương của khán giả. Vào những năm 1965-1966 Thanh Tuyền được mệnh danh là “Bà hoàng nhạc vàng ”. Tên tuổi của danh ca Thanh Tuyền gắn liền với các ca khúc thuộc dòng nhạc vàng như:  Dấu chân kỷ niệm (Thúc Đăng), Nỗi buồn hoa phượng (Thanh Sơn), Đà Lạt hoàng hôn (Minh Kỳ, Dạ Cầm), Thương về miền đất lạnh (Minh Kỳ), Biển tình (Lam Phương), Đôi ngã chia ly (Kháng Băng), Không bao giờ quên anh (Hoàng Trang), Phố vắng em rồi (Mạnh Phát), Chiều mưa biên giới (Nguyễn Văn Đông), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Người ở lại Charlie (Trần Thiện Thanh)… Đặc biệt là sau khi kết hợp với ca sĩ Chế Linh, cả hai đã tạo thành cặp song ca kinh điển và trứ danh một thời của dòng nhạc vàng. Hai giọng hát ngày ấy đã hòa quyện vào với nhau đưa những bản nhạc vàng chạm tới tận cùng cảm xúc của người nghe. Cũng từng có giai thoại nói rằng: “Thời ấy, nhạc sĩ muốn nổi tiếng phải xếp hàng đưa bài hát cho Thanh Tuyền bởi bà cứ hát bài nào là bài nấy nổi tiếng khắp nơi”.

Ca sĩ Thanh Tuyền

Thanh Tuyền sinh ngày 29 tháng 10 năm 1947 tại Đà Lạt, tên thật là Phạm Như Mai.  Cô sinh ra trong một gia đình nghèo, có 15 anh chị em, Thanh Tuyền là chị hai nên gánh nặng gia đình đã sớm đã đè lên vai cô gái nhỏ.

Năm 1959, Thanh Tuyền lần đầu tiên bén duyên với con đường âm nhạc khi cô đoạt giải Thần đồng Đà Lạt với ca khúc “Nắng đẹp miền Nam” một sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương.

Những năm đầu thập niên 1960, Thanh Tuyền vừa đi học vừa đi hát ở đài phát thanh, lúc này cô được người cậu chỉ bảo những nhạc lý cơ bản. Trong một lần thu thanh tại đài phát thanh với ca khúc “Vọng gác đêm sương” của Nhạc sĩ Mạnh Phát, ông đã cảm nhận được độ trong trẻo, cao vút trong tiếng hát của cô.

Trong một dịp nghỉ hè, khi cô còn theo học Trường Bùi Thị Xuân, trường tổ chức phát thưởng bế giảng năm học và có mời Nguyễn Văn Đông – Giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, đến dự lễ. Đến phần văn nghệ, người dẫn chương trình giới thiệu “nữ sinh Như Mai hát tặng cho khách quý đến từ Sài Gòn”, lúc này một giọng hát lảnh lót cất lên, khỏe khoắn đầy nội lực thanh xuân, âm vang làm rộn rã cả sân trường đã gây sự chú ý mạnh mẽ đến Nguyễn Văn Đông. Sau buổi văn nghệ, Nguyễn Văn Đông tìm gặp cô và hỏi “ Cháu có muốn trở thành ca sĩ không?” và dường như ngay lập tức, ông nhận được cái gật đầu từ cô nữ sinh nhỏ. Sau đó, ông tìm gặp bố mẹ của cô để bàn chuyện đưa cô về Sài Gòn đào tạo thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Và thế là Nguyễn Văn Đông đã mang tiếng hát chim sơn ca miền đất lạnh về nơi phồn hoa đô hội để nuôi dưỡng thành ca sĩ.

Khi đó, Nguyễn Văn Đông lên chương trình đào tạo và đặt tên mới cho Như Mai là Thanh Tuyền, ngụ ý cô là dòng suối xanh của Cao nguyên Đà Lạt. Chỉ sau 8 tháng có mặt ở Sài Gòn, Thanh Tuyền đã có đĩa và băng nhạc giới thiệu đến người yêu nhạc. Tựa như loài chim lạ từ xứ sương mù, một bông hoa rừng còn đẫm ướt hơi sương, Thanh Tuyền nhanh chóng chiếm được sự mến mộ của người yêu nhạc nơi đây, cô sánh vai cùng đàn anh, đàn chị trên Đài Phát Thanh, trên sân khấu Đại Nhạc Hội, được báo giới Sài Gòn lúc bấy giờ không tiếc lời ca ngợi – Năm ấy, cô vừa tròn 17 tuổi.

Ca sĩ Thanh Tuyền

Từ giữa năm 1964 cho đến đầu năm 1965, dưới sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng các ca nhạc sĩ như Mạnh Phát, Minh Diệu đã đưa tên tuổi Thanh Tuyền nổi lên trên các đài phát thanh. Một phần do giọng hát thiên phú của cô, một phần do giám đốc hãng dĩa Continental- Nguyễn Văn Đông đã dồn mọi nỗ lực trong việc lăng xê “dòng suối trong của Đà Lạt” này trên báo chí cũng như trên đài phát thanh, vì thế từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng nhắc tới cái tên Thanh Tuyền nhưng rất ít được nhìn thấy tận mắt. Nhạc khúc đầu tiên được cô trình bày và bán dĩa là “Dấu chân kỷ niệm” của nhạc sĩ Mạnh Phát, đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả mến mộ tiếng hát Thanh Tuyền. Khán thính giả biết đến hình ảnh của Thanh Tuyền khi cô góp mặt lần đầu tiên trong một chương trình nhạc của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương trên đài truyền hình và liên tục trong nhiều chương trình khác.

Năm 1966, Thanh Tuyền cộng tác với hãng đĩa Asia ( Sóng Nhạc) qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Mạnh Phát, lúc này sự nghiệp của cô mới thật sự đi lên thêm một tầng cao mới với “Đà Lạt hoàng hôn” và nhất là “Nỗi buồn hoa phượng”, đã khẳng định tên tuổi, vị trí của Thanh Tuyền trong nền Tân nhạc nước nhà. Dù đi trình diễn bất cứ nơi đâu, cô cũng đều được khán thính giả yêu cầu và nhắc đến hai nhạc phẩm này. Cho dù cộng tác với nhiều hãng đĩa khác nhau, nhưng Thanh Tuyền vẫn có sự thỏa thuận với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đó là vẫn tiếp tục thu thanh một số nhạc phẩm cho hãng đĩa của ông.

Đặc biệt cũng trong năm 1966, ca khúc “Biển Tình” của nhạc sĩ Lam Phương với tiếng hát Thanh Tuyền cho đến nay vẫn được xem là một trong những bản thu thanh kinh điển của nhạc vàng mọi thời đại.

Giọng hát đặc biệt, với quãng giọng rộng, âm vực cao, lại ngập tràn cảm xúc, đồng thời lại được sinh ra ở Đà Lạt, nên những sáng tác về Đà Lạt được các nhạc sĩ chọn cô làm nơi “chọn mặt gửi vàng” như “Thương về miền đất lạnh”, “Má hồng Đà Lạt”, “Chuyện hồ Than Thở”. Nhưng lúc đó cô mới chỉ thu đĩa và hát cho đài phát thanh vì chưa đủ 18 tuổi để đi hát ở vũ trường. Đến năm 19 tuổi, Thanh Tuyền mới bắt đầu đặt chân vào hát tại các vũ trường. Đầu tiên là vũ trường Tự Do của ông Ngô Văn Cường, sau đó một thời gian, cô sang cộng tác với chương trình Hoàng Thi Thơ tại vũ trường Maxim’s. Có thể nói giai đoạn năm 1965 – 1966 là giai đoạn đỉnh cao nhất của giọng hát Thanh Tuyền. Mỗi đêm cô đi hát kiếm được tầm 5 cây vàng, Thanh Tuyền trở thành một trong những cái tên sáng giá nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Ca sĩ Thanh Tuyền

Thanh Tuyền không những có một giọng ca trữ tình truyền cảm đậm đà, mà cô còn sở hữu một sắc vóc có nét khả ái, nên vừa gia nhập làng tân nhạc thủ đô hoa lệ, Thanh Tuyền đã chiếm trọn cảm tình của người yêu âm nhạc.

Không những thế, Thanh Tuyền còn được nhạc sĩ, kiêm soạn giả Viễn Châu dìu dắt tập ca vọng cổ, và cô đã thành công ngay từ bước đầu, với giọng ca vọng cổ uyển chuyển, truyền cảm ngọt ngào. Có lẽ chính vì vậy, hãng dĩa Hồng Hoa đã hân hoan mời cô thu liên tiếp nhiều dĩa hát và được giới yêu nhạc ủng hộ nồng nhiệt như: Rừng lá thấp (Trần Thiện Thanh), Phố vắng em rồi (Mạnh Phát), Phận tơ tầm (Hồ Tịnh Tâm, Minh Kỳ, Viễn Châu), Xin trả tôi về (Mặc Thế Nhân), Nỗi buồn gác trọ (Mạnh Phát, Hoài Linh), Người em xứ thượng, Đà Lạt trăng mờ, Sao anh lỗi hẹn, Thuyền trăng, Lan và Điệp, Người ở lại Charlie, Dòng suối tương tư, Duyên quê, Gió chuyển mùa thương, Áo người trinh nữ, Tình yêu trả lại trăng sao, Gửi người tôi yêu, Dấu chân kỉ niệm (Thúc Đăng)…

Thanh Tuyền được khán thính giả khắp nơi mến mộ và dành tặng cho nhiều danh xưng mỹ miều như: Tiếng hát chuông vàng khánh ngọc, Bà hoàng Nhạc Vàng, Thiên hậu Bolero, Tiếng hát chim sơn ca miền đất lạnh, Tiếng hát vượt thời gian và đặc biệt cô nhận được sự ái mộ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Hơn thế nữa, Thanh Tuyền còn biết chơi guitar, khiêu vũ, đóng kịch, ca Vọng cổ và sáng tác “Ngày xưa anh nói” ( Hợp soạn chung với nhạc sĩ Mạnh Phát), Tình một ngày tình cũng trăm năm…,

Giai đoạn 1966 – 1968, Thanh Tuyền kết hợp hát song ca cùng ca sĩ Chế Linh rất thành công, hai người đã trở thành một hiện tượng được nhắc đến nhiều nhất vào thời gian đó và cho đến ngày nay vẫn được mọi người ngưỡng mộ. Hiện tượng của cặp song ca này cũng được tạo dựng nên bởi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vào thời gian Chế Linh đang cộng tác với hãng đĩa Continemtal của ông. Ông muốn có sự thay đổi và nhất là tránh cho khán thính giả nhàm chán với những nhạc phẩm đơn ca nên ông đã đưa ra sáng kiến là để Thanh Tuyền song ca với Chế Linh. Đĩa hát đầu tiên trong đó có nhạc phẩm “Hái Hoa Rừng Cho Em” của Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và trở thành sản phẩm “ăn khách” một cách không ngờ. Những hãng đĩa khác sau đó đã tiếp tục khai thác cặp đôi song ca này trình diễn các ca khúc như: Con đường xưa em đi (Châu Kỳ & Hồ Đình Phương), Con đường mang tên em (Trúc Phương), Phút cuối, Tình bơ vơ (Lam Phương), Đoạn cuối tình yêu (Tú Nhi), Người nữ đồng đội (Song Ngọc), Mai lỡ hai mình xa nhau (Lưu Trần Lê), Đừng nói xa nhau (nhạc Châu Kỳ, thơ Hồ Đình Phương),… Từ đó, người mến mộ Thanh Tuyền ngày càng đông, bởi giọng hát đầy mê hoặc của cô.

Ngoài ra, Thanh Tuyền còn kết hợp với ca nhạc sĩ Duy Khánh và cũng đem lại tiếng vang lớn, bằng những tình khúc về người lính, về tình yêu quê hương, đất nước như: Gạo trắng trăng thanh (Hoàng Thi Thơ), Lá thư trần thế (Hoài Linh), Hôm nay ngày mai (Lê Minh Bằng), Đêm trao kỉ niệm (Hùng Cường), Tình nghèo (Phạm Duy)….

Năm 1968, Thanh Tuyền kết hôn, chồng cô là một người có vai vế trong xã hội Sài Gòn lúc bấy giờ. Họ có với nhau 3 người con.

Năm 1970, Trung tâm Thúy Nga thực hiện cuốn băng Thanh Tuyền 1, độc quyền một tiếng hát. Được sự đón nhận nồng nhiệt của khán thính giả khắp nơi đem lại lợi tức cho Trung tâm khi mới thành lập. Tiếp nối sự thành công của băng nhạc Tiếng hát Thanh Tuyền 1, Thanh Tuyền đã thu âm tiếng hát Thanh Tuyền 2 và bán cho Hãng dĩa Việt Nam để phát hành. Và sau đó Hãng dĩa Việt Nam tiếp tục mời Thanh Tuyền thực hiện tiếng hát Thanh Tuyền 3, Thanh Tuyền 4.

Cũng trong năm 1970, Thanh Tuyền đoạt 2 giải Kim Khánh là “nữ ca sĩ được yêu thích nhất” và “album được yêu thích nhất” trên báo Trắng Đen do khán thỉnh giả bình chọn. Giai đoạn từ năm 1972 – 1974, trong các cuộc trưng cầu ý kiến độc giả của nhật báo Trắng Đen, Thanh Tuyền đều được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất.

Sau sự kiện vào tháng 4 năm 1975, Thanh Tuyền vẫn ở lại Việt Nam và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ với Đoàn kịch nói Kim Cương. Năm 1976, cô góp mặt cùng một số ca sĩ khác trong Album nhạc đỏ “Đường chúng ta đi”, hai ca khúc được cô trình bày là “Tiếng chày trên Sóc BomBo” và “Nổi lửa lên em”.

Năm 1978, Thanh Tuyền rời Việt Nam, cô vượt biên sang đảo Pulau Bidong, Malaysia. Năm 1979, Thanh Tuyền cùng gia đình di cư đến Hoa Kỳ và định cư ở Washington, sau đó dời đến Houston, Texas.

Cuối năm 1981, Trung tâm Thúy Nga phát hành cuốn băng “Gửi người ngàn dặm”do Thanh Tuyền thực hiện, với số bán kỉ lục thời bấy giờ, đem lại lợi ích rất nhiều cho trung tâm bước đầu gầy dựng lại ở hải ngoại.

Bắt đầu từ năm 1982, Thanh Tuyền đi hát trở lại, tiếng hát của cô như được hồi sinh trong niềm yêu thương của cộng đồng xa xứ. Trong hai năm, Thanh Tuyền liên tục ra hàng chục Album mới, cô trở thành giọng hát nhạc quê hương, nhạc Bolero lừng danh ở hải ngoại.

Ở hải ngoại, Thanh Tuyền kết hợp với ca sĩ Tuấn Vũ tạo nên một làn sóng mới được nhiều người nhắc đến với những tình khúc nhạc Vàng bất hủ đi vào lòng người mến mộ như: Tình bơ vơ, Biết nói gì đây (Lam Phương), Hận tình (Anh Bằng, Mạc Phong Linh),… Album Tình bơ vơ (Lam Phương) do Trung tâm Làng Văn thực hiện với tiếng hát Thanh Tuyền, Tuấn Vũ bán với số đĩa kỉ lục.

Ngày 21/12/2012, Thanh Tuyền đã tổ chức liveshow “Kỷ niệm 50 năm ca hát”  tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Nhưng vì dính dáng đến bộ băng “ASIA 71” nên cô đã bị tạm cấm biểu diễn ở Việt Nam trong 3 năm từ 2013 đến 2016.

Đến ngày 29/7/2016, Thanh Tuyền được cấp phép biểu diễn trở lại. Ngày15/12/2016 cô dự định tổ chức liveshow đêm nhạc Thanh Tuyền “Tình một ngày cũng trăm năm  tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng vì lí do sức khỏe nên đã hủy bỏ.

Đầu năm 2017, Thanh Tuyền nhận lời mời làm giám khảo chương trình “Tình Bolero hoan ca” do Đài truyền hình Vĩnh Long tổ chức.

Ngày 2/11/2017, Thanh Tuyền và Chế Linh đã trở lại song ca với nhau, sau 5 năm không sánh bóng cùng nhau trong Liveshow “Con đường xưa em đi”  tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Trong những lần về nước, Thanh Tuyền nhiều lần đến hát cho các phòng trà WE, Tiếng xưa để gây quỹ từ thiện giúp đồng bào trong nước và kiều bào đang sinh sống tại hải ngoại.

Thanh Tuyền được Trung tâm Thúy Nga thực hiện một liên khúc gồm hai nhạc phẩm “Vùng lá me bayDấu chân kỉ niệm” để Vinh danh ca sĩ Thanh Tuyền – tượng đài của dòng nhạc Bolero, Trữ tình Việt Nam.

Và cho đến nay, Thanh Tuyền vẫn luôn nhận được các lời mời đi biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn trên khắp thế giới. Tuy nhiên nữ danh ca vẫn thu xếp thời gian để đến với khán giả mến mộ trong nước khi có dịp. Cô cũng được người mến mộ khen ngợi rằng cô “mang một vẻ đẹp của giọng hát không tuổi”.

Viết một bình luận