Đôi điều về Duy Khánh – Danh ca có Một Không Hai của nền tân nhạc Việt Nam

Đã từ lâu lắm, tôi muốn viết gì về nhạc vàng; không dưới góc nhìn của những ‘chứng-nhân-lịch-sử’, những con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành, yêu, chia tay, nhớ thương và ghét hận cùng với những lời ca, giai điệu ấy, mà bằng góc nhìn của một người trẻ chào đời khi đất nước không còn trong cơn binh loạn, chỉ biết đến dòng nhạc ấy qua những băng, đĩa, tài liệu còn sót lại.

Tôi không hẳn là say mê nhạc vàng như cách mà tôi say mê các dòng nhạc khác, nhưng những giai điệu quen thuộc của nhạc vàng đã đi cùng tôi, từ khi tôi còn nhỏ xíu, nghe bập bõm tiếng được tiếng mất những câu ca, tiếng nhạc ấy từ chiếc cát-xét cũ kĩ cùng mớ đĩa thu lậu của ba. Dù biết còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi cũng xin gắng viết bài gì đó về nhạc vàng, để tri ân những nhạc sĩ, ca sĩ, những người đã cống hiến cả đời cho nền âm nhạc quê hương, và cũng để trả nợ những hồi ức đẹp đẽ vẫn đã, đang và sẽ mãi đi cùng tôi.

Trong các ca sĩ nhạc vàng, tôi mê nhất là Duy Khánh. Thật ra, Duy Khánh không phải là ca sĩ nhạc vàng tôi nghe đầu tiên. Các đĩa nhạc phổ biến ở miền Nam những năm 90 là của Tuấn Vũ, Trường Vũ, Randy… những giọng ca được ưa chuộng vào lúc đó. Sau này, khi tôi được coi là tạm lớn để hiểu chút-gì-đó – thứ mà sách giáo khoa nhà trường, thầy cô giáo chưa bao giờ dạy tôi – về nỗi buồn đau đáu của người xa quê cha đất mẹ, về nỗi buồn của sự phân ly vì thời cuộc, của mẹ già tiễn con, vợ trẻ chờ chồng… và có chút kiến thức để tìm kiếm, để đọc và hiểu, tôi mới nghe và cảm được Duy Khánh.

Duy Khánh được xem như một trong những ca nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của nền tân nhạc Việt Nam trong thập niên 60. Người ta vẫn có tâm lý xem thường giọng hát của các ca sĩ nhạc vàng, vì cho rằng nhạc vàng là thứ nhạc dễ hát. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Lấy trường hợp của Duy Khánh làm điển hình. Ngày đó, ở Sài Gòn các ca sĩ hát được giọng Ténor khá hiếm, giọng Ténor của Duy Khánh còn đặc biệt bởi độ ngân vượt quá sự tưởng tượng của mọi người. Theo lời kể lại của các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng thì giọng của Duy Khánh có thể ngân dài đến 21 nhịp và chuyển từ thấp lên cao, vượt hai bát độ một cách nhẹ nhàng. Lại lấy thêm bản Vọng Ngày Xanh của Khánh Băng làm ví dụ, bản này vốn được xem là rất khó hát ngày đó (ngoài lề xíu, bản này đã được nữ văn sĩ Françoise Sagan viết lại lời bằng tiếng Pháp). Vọng Ngày Xanh nổi tiếng nhất qua tiếng hát cao vút của Thái Thanh. Các giọng nam thì cũng chỉ có Hùng Cường và Thanh Hùng (cũng là hai giọng Ténor khác) và Duy Khánh mới ‘dám’ trình bày. Nghe kể lại, Duy Khánh có lần trình bày bản “Vọng Ngày Xanh” đã ngân đoạn kết lâu đến nỗi khán giả vỗ tay tán thưởng đến lần thứ tư mà tiếng ngân của ông vẫn còn nhẹ nhàng, dần dần mới đi vào tan biến.

Duy Khánh – tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh

Trong ngày tiễn đưa Duy Khánh đi về phía bên kia của thế giới, nhạc sĩ Phạm Duy từng phát biểu “Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”. Quả thật, có thể xem Duy Khánh như là ca nhạc sĩ của miền quê sông Hương núi Ngự, của miền Trung nghèo khổ, khó khăn. Vài chục năm đi hát, từ ngày đầu vào miền Nam lập nghiệp, đi lưu diễn cùng các đoàn nhạc hội của Hoàng Thi Thơ khắp các tỉnh miền Tây, cho đến sau này trình diễn ở hải ngoại, Duy Khánh vẫn luôn dùng giọng nói đặc rệt Quảng Trị, dù khó nghe. Bản thân ông chưa từng chối bỏ xuất thân, trái lại còn yêu thương quê hương với một tình yêu đầy hãnh diện. Hãy thử nghe ông trong một nhạc phẩm do chính ông sáng tác: “Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, miền thùy dương, ruộng hoang nước mặn đồng chua, thôn xóm tôi sống đời dân cày” (Tình Ca Quê Hương).

Nhắc lại cái thưở ban đầu Duy Khánh đi hát mới thấy gian nan quá. Sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc (dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn), cha mẹ kì vọng vào ông rất nhiều để sau này nối dõi truyền thống dòng quan của gia đình. Duy Khánh được cha mẹ gởi vào Huế để học tiếp bậc trung học. Tuy nhiên, chàng trai trẻ vào thời điểm này lại hứng thú với việc ca hát hơn. Ngay từ năm 1954, lúc tuổi 16, Duy Khánh từng nhiều lần trốn vào Sài Gòn tham gia các chương trình phụ diễn tân nhạc trong các rạp chiếu bóng. Ông hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai những bài ca rất đậm tình quê hương. Năm 1955, Duy Khánh trở lại Huế và đã đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng Thanh Bình.

https://www.youtube.com/watch?v=GljzHW0WUsg

Năm 1956, trước sự phản đối của gia đình, Duy Khánh quyết định chuyển hẳn vào Sài Gòn để theo đuổi nghiệp ca hát. Khi này, nhạc sĩ Phạm Duy đã đích thân mời Duy Khánh tham gia vào chương trình Hoa Xuân. Không lâu sau đó, Duy Khánh dần trở thành một trong những tên tuổi được yêu thích nhất tại miền Nam thời đó, đứng ngang với hai tên tuổi nổi tiếng bậc nhất là nam ca sĩ Anh Ngọc và Duy Trác. Tuy nhiên, vẫn có những người xem sự so sánh đó là quá mức, với lí luận rằng Duy Khánh thành công thế không hoàn toàn nhờ vào giọng hát. Quả thật, Duy Khánh nổi bật cũng một phần vì ông biết chọn những bài thời thượng, hợp với thị hiếu của khán thính giả bình dân, chứ không theo đuổi dòng nhạc trữ tình có chút gì đó kén chọn như Duy Trác, Anh Ngọc. Phải đến sau này, khi Duy Khánh kết hợp cùng Thái Thanh trình bày hai bản Trường Ca của Phạm Duy là: Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam, người ta mới có cái nhìn khác về giọng hát của nam ca sĩ tài hoa này. Và cho đến giờ, vẫn chưa từng ai trình bày hai bản trường ca đó đạt đến cái tầm của Duy Khánh và Thái Thanh.

Ngoài ra, như trong một bài viết khác, tôi cũng đã nhắc đến ‘Hòn Vọng Phu’. Nay xin nhắc lại vài ý liên quan đến Duy Khánh, ấy là:

Bản thu của Duy Khánh và Hoàng Oanh trên đĩa nhựa Sóng Nhạc 45 được chính nhạc sĩ Lê Thương điều khiển phần hòa âm, hội tụ những nghệ sĩ nổi danh thời bấy giờ như: đàn cò Lữ Liên, sáo Tô Kiều Ngân, đàn bầu Ngô Nhật Thanh… Bản này có giọng ngâm thơ của Hoàng Oanh – người được đánh giá là “đủ tài ca ngâm”, một trong những giọng ngâm thơ hay nhất trong nền nhạc Việt Nam. Bản này xét ra, về phần nghệ thuật có thể không hay bằng các bản thu ở trên, nhưng độc đáo ở chỗ: phần Hòn Vọng Phu III được trình bày bằng lời hai.

…và những tác phẩm bị đặt nhầm

Duy Khánh là một con người đa tài. Ngoài việc ca hát, ông còn mở lớp luyện ca để tìm kiếm, phát hiện và đào tạo các ca sĩ mới, đồng thời tham gia sản xuất băng nhạc. Nhãn hiệu băng nhạc Trường Sơn của Duy Khánh, cùng với những cái tên như Shotguns, Sơn Ca, Sóng Nhạc, Nhã Ca… trước năm 1975 được người Sài Gòn nồng nhiệt đón nhận. Hợp tác với Duy Khánh trong băng nhạc Trường Sơn là những tên tuổi thượng thặng như Thái Thanh, Hoài Bắc, Thanh Thúy, cùng những ca sĩ rất nổi thời đó như Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Dung.

Tuy nhiên, ngoài hình ảnh một ca sĩ đầy tài năng và nhiệt huyết dưới ánh đèn sân khấu, Duy Khánh được yêu quý nhất có lẽ là bởi những sáng tác của ông. So với các nhạc sĩ khác, sáng tác của Duy Khánh không nhiều, nhưng hầu như bài nào cũng đều rất đạt; có những bài xứng được liệt vào hàng tuyệt phẩm. Khi nói về Duy Khánh, Phạm Duy từng nhận định: Duy Khánh là nhạc sĩ của quê hương. Quả thật, Duy Khánh chủ yếu viết về tình yêu quê hương, đất nước, về miền Trung gian khó, cằn cội, về xứ Huế thần kinh đẹp lãng mạn nhưng buồn vô ngần.

https://www.youtube.com/watch?v=JJCMk-13odc

Một trong những sản phẩm đáng nhắc đến của Duy Khánh là bản “Bao giờ em quên”. Nhiều người xem đây là bài hát buồn nhất mà Duy Khánh từng sáng tác, xuất phát từ việc người ông yêu: Kiều Oanh, em gái của tay trống Linh Giang, một thiếu nữ đẹp dịu dàng, nói giọng Bắc rất ngọt ngào, bỏ đi lấy chồng.

Hương Giang thuyền không chỗ đậu
Ngự Viên có bướm hoa vàng
Hay là hài xưa yêu dấu
Đưa người đẹp ấy sang ngang

Trước năm 1975, Bao Giờ Em Quên gắn liền với “tiếng hát Liêu Trai” Thanh Thúy. Trùng hợp thay, sau khi Thanh Thúy trình bày thành công bản này, Duy Khánh cũng công khai theo đuổi Thanh Thúy, nhưng không nghe ai nói gì đến kết quả ra sao.

Ngoài bài “Bao Giờ Em Quên”, Duy Khánh còn những sác tác khác cũng rất được đón nhận như: Thương về miền Trung, Ai ra xứ Huế, Thư về em gái Thành Đô, Trường cũ tình xưa, Sầu cố đô, Xin anh giữ trọn tình quê, Ngày xưa lên năm lên ba (viết chung với Trầm Tử Thiêng)…

Tuy nhiên, điều đáng buồn ở đây là sau năm 1975, vì để được trình bày vài nhạc phẩm của Duy Khánh trên sân khấu, người ta đã làm cái việc đổi tên tác giả ca khúc mà không hỏi qua ông. Như bài Thương về miền Trung và Ai ra xứ Huế đều được đổi thành tác giả: Minh Kỳ. Và ngạc nhiên thay, sau này, mọi người dần quen với cái tên tác giả Minh Kỳ, cũng không ai đứng ra đính chính. Cho đến nay, đa phần mọi người vẫn không biết rằng hai tác phẩm dạt dào tình cảm quê hương ấy là của Duy Khánh.

…thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương

Sau năm 1975, vì nhiều lí do nhưng chủ yếu liên quan đến chính trị, Duy Khánh bị cấm hát một thời gian dài. Mãi sau này khi các đoàn ca nhạc được chính quyền nới lỏng cho hoạt động trở lại, Duy Khánh mới thành lập đoàn Quê Hương, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh miền Nam trước năm 1975, tổ chức các buổi lưu diễn khá thành công.

Năm 1988, ông ra nước ngoài định cư qua sự bảo lãnh của người em. Qua đến Hoa Kỳ, ông vẫn tham gia các chương trình văn nghệ, chủ yếu để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, ông đã không còn có thể tìm lại hình ảnh của một nam danh ca Duy Khánh hào hoa, lịch lãm trong những năm thập kỷ 60. Những dấu vết khắc khổ của thời gian đã in hằn lên khuôn mặt rạng sáng năm nào, giọng hát thiên phú một thời nay bị tàn phá bởi những giọt rượu chán đời.

Đối với một người yêu quê hương bằng tất cả tấm lòng như Duy Khánh, còn gì buồn khổ hơn việc phải sống tha phương trên xứ lạ, quê người, ngày đêm nhớ về đất mẹ? Người ta bảo: trong cuộc đời nghệ thuật của mình, một ca sĩ có thể hát hàng trăm, hàng ngàn bài cho khán giả, nhưng trong đó, vẫn có đôi ba bài, họ hát tặng riêng chính bản thân mình.

Với Duy Khánh, theo tôi, đó là khi ông trình bày bài Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, và bàiNgười Lính Già Xa Quê Hương. Trong Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê – một sáng tác của chính Duy Khánh, tôi còn nhớ cái video clip tôi được xem hồi khá lâu rồi, trên sân khấu bóng đèn nhấp nhoáng hoa lệ, khi Duy Khánh ca tới những câu cuối cùng của bản này, ông đưa tay vẫy lên như đang gởi lời chào tới một người bạn, và khóe miệng ông khẽ mỉm cười..

Anh ơi cho dù anh trở về quê hương hoặc còn tha phương
Xin anh còn giữ vẹn câu thề
Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê
Ngày mai ta xa nhau rồi nhưng tin trong đời anh sẽ còn gặp tôi
Quê cũ mừng vui
Còn trong Người Lính Già Xa Quê Hương, đó là những tâm sự, những giọt nước mắt nghẹn ngào phải nuốt ngược vào trong, khi ông, trong hình ảnh một người lính già, ngồi buồn và nhớ đến quê hương, thương cho cái kiếp lưu vong của mình

Người lính già xa quê hương
Bao nhiêu đêm anh nằm không ngủ
Nhớ quá Mẹ hiền, nhớ quá anh em

Vẫn thấy quê hương đêm ngày réo gọi
Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về
Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm
Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương

Tiếc cho ông, khi cái ước hẹn đó không thể thực hiện được. Thậm chí, ông không còn có thể quay về nhìn quê hương một lần kể từ khi mang kiếp sống lưu vong.

Cũng xin mượn bài hát để làm tiêu đề, và cũng làm kết thúc cho bài viết về Duy Khánh của tôi – như một nén nhang tri ân dâng lên người nghệ sĩ, đã sống, đã hát, và đã sống… với tình cảm dạt dào giành cho quê hương, cho đất nước.

-B.l.u.e

Theo m-mosaic

Viết một bình luận