Tìm hiểu về ông vua nhạc trẻ Trường Kỳ và những đóng góp to lớn của ông đối với thị trường âm nhạc Sài Gòn trước năm 1975

Trước những năm 1975, dòng nhạc trữ tình dường như chiếm lĩnh thị trường âm nhạc thời đó. Những người trẻ, lớn tuổi đều nghe dòng nhạc mang âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng và có chút hơi hướng của sự thê lương, buồn bã. Vốn dĩ tưởng rằng những thứ thịnh hành như vậy đã chiếm lĩnh thị trường âm nhạc Việt Nam trước những năm 75 đến nỗi không một dòng nhạc nào có thể chen chân vào. Nhưng đâu đó lại nổi lên một dòng nhạc trẻ mang tính chất hiện đại và xen lẫn vui tươi. Đó là một thứ đặc biệt nở ra giữa lòng thành phố, là mở đầu cho những người yêu thích dòng nhạc sôi động. Và người khởi xướng dòng nhạc đó chính là nhạc sĩ Trường Kỳ. Khi được hỏi rằng ông vua nhạc trẻ trước những năm 1975 là ai thì chắc chắn câu trả lời nhận được sẽ là nhạc sĩ Trường Kỳ.

Trường Kỳ đứng ở vị trí thứ 3 từ trái đếm sang

Nhạc sĩ Trường Kỳ tên thật là Joseph Vũ Trường Kỳ, sinh ngày 29 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội. Cha mẹ của ông là Vũ Ngọc Trân và bà Phạm Thị Trọng Yêm. Bác của ông là nhà soạn giả nhiều bộ sách giáo khoa Pháp văn. Vốn là người có kiến thức sâu rộng, lại tài giỏi, ông dựa theo chữ nghĩa phổ biến của thời đại lúc đó là “trường kỳ kháng chiến” rồi đặt luôn cho cháu là “Trường Kỳ”. Nhờ vậy mà có nhạc sĩ Trường Kỳ vang danh tên tuổi cho đến ngày nay. 

Trường Kỳ có tuổi thơ không mấy suôn sẻ khi chỉ mới khoảng 3 tháng tuổi, ba mẹ đã không còn chung sống hòa bình với nhau. Thương cho đứa cháu không ai chăm nom, ông bà nội đã đem Trường Kỳ về làng Đồng Nghĩa, tỉnh Nam Định để nuôi nấng. Cậu bé Trường Kỳ lớn lên trong tình yêu thương của ông bà, của hàng xóm láng giềng, những con đường làng và bờ ao gốc đa đã cùng cậu lớn lên. Sau này, cậu quay lại Hà Nội để học văn hóa Pháp của trường Puginier. Đến năm 1954, cậu di cư vào Sài Gòn sinh sống cùng gia đình. Cậu khá thích các trò chơi như sưu tầm tem thư hoặc sưu tầm truyện. Cậu thường đến Coeur Vaillant để mua truyện từ chỗ hội quán này. Bên cạnh đó, cậu còn thích mở radio để nghe nhạc từ các chương trình Tuyển Lựa Ca Sĩ của đài Phát Thanh Sài Gòn. Và có lẽ từ đây, sự đam mê âm nhạc đã cháy rực trong người của Trường Kỳ, cậu thường cùng các ông chú và bà cô đi đến các phòng trà Anh Vũ, đi xem các chương trình Đại Nhạc Hội và đến rạp Kim Chung, hầu như không bỏ sót chương trình nào. 

Trường Kỳ năm 6 tuổi

Âm nhạc đã bén duyên cùng với nhạc sĩ Trường Kỳ từ sớm khi anh đã từng ngày lắng nghe và thích tiếng đàn, yêu tiếng trống của Khánh Băng, Phùng Trọng và cả của ban nhạc The Blue Jean Boys. Để thỏa mãn niềm đam mê của mình, anh đã theo nhạc sĩ Vũ Lung để học đàn accordéon. Phải nói một khi đam mê đã cháy trong tim thì bất cứ việc gì cũng có thể vượt qua được, chẳng hạn như câu chuyện của cậu bé Trường Kỳ. Với thân hình bé nhỏ cùng lồng ngực hẹp, nhưng đứng trước loại nhạc cụ như accordéon, anh chẳng hề nao núng. Mỗi ngày anh đều tập luyện nó và nó đã đồng hành cùng anh từng bước đi đến sự nghiệp của mình. Khởi đầu cho sự nghiệp to lớn ấy là hình ảnh một chàng trai bé nhỏ thực hiện những bài hát như Thoi Tơ, Dừng Bước Giang Hồ, Cumparsita, La Paloma, Come back To Sorrento, Blue Danube,… Để báo đáp cho sự chăm chỉ và nỗ lực của cậu bé Trường Kỳ, cuối cùng anh đã có buổi biểu diễn lần đầu tiên trong đời, đó là buổi biểu diễn tại sân trường của trường Lạc Hồng. Khán giả của anh là những bạn nhỏ trong trường và cha mẹ đi cùng. Trong buổi tối hôm đó, anh đã được biểu diễn cùng với Phương Lan, Quốc Thắng và Kim Chi. Kể từ đó, anh càng có thêm nghị lực và lòng quyết tâm với sự nghiệp của mình. Bằng chứng là những show ca nhạc sau này được anh đứng ra tổ chức thành công, anh còn kết nối tình yêu thương âm nhạc giữa anh và các bạn của mình là Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc và đó là sự mở đầu cho phong trào Hippy nổi đình nổi đám thời đó. Những cuộc biểu diễn của anh hầu như chiếm được niềm say mê của khán giả, anh thậm chí còn có thể tổ chức các buổi biểu diễn ở khắp Sài Gòn, đa số là ở những tụ điểm nổi tiếng. 

Cuối cùng, sân chơi âm nhạc của giới trẻ do Trường Kỳ khởi xướng cũng đã chính thức mở màn trong năm 1964. Giới trẻ Sài Gòn của một thời tự do lúc đó chắc chẳng thể quên Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ Taberd được mở liên tiếp từ 1964 đến năm 1973 (trừ năm 1968) và Đại hội nhạc trẻ tại Thảo Cầm Viên từ năm 1971 đến năm 1974,… Ở vũ trường Sài Gòn những năm 1967 đến năm 1971 rộ lên chương trình nhạc trẻ với chủ đề Hippies À Go Go” như Chez Jo Marcel, Queen Bee, Ritz. Trong thời gian đó cũng có nhiều ban nhạc ra đời như Les Fanatiques, Les Vampires, The Teddy Bears, The Daltons, Les Faucons Noirs, Les Tridents, The Rockin’ Stars, The Black Caps, The Hard Stones, Les Penitents, The 46, The Crazy Dogs, The Hammers, The Spotlights, Phượng Hoàng, The Strawberry Four, The Enterprise, The New Flintsones Corporation, The Teen Sound, The Fighters, The Starling Show, The Blue Stars, The Free Ones,… Thế nhưng ở thời đó, những ca khúc nhạc trẻ không nhiều nhưng ban nhạc lại đông vô số. Trước tình hình này, Trường Kỳ đã bắt đầu triển khai kế hoạch chuyển những ca khúc nước ngoài thành lời việt để ban nhạc của ông có nhiều tài nguyên ca hát. Bây giờ nhắc lại, chắc nhiều người vẫn còn nhớ bộ sưu tập Tình Ca Nhạc Trẻ được đánh số từ 1 đến 7 của nhạc sĩ Trường Kỳ trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến năm 1973.

Trường Kỳ trong một đại hội nhạc trẻ trước những năm 1975

Từ đó, những ca khúc lời Việt được Trường Kỳ viết lại đã được in thành từng bản và phát hành ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, ca khúc còn được thu trên các băng nhạc như Tình Hồng (thực hiện cùng Nam Lộc vào năm 1973), Tình ca nhạc trẻ, Thế giới nhạc trẻ (trình bày bởi Elvis Phương, Duy Quang, Minh Xuân, Minh Phúc, Thanh Lan, Julie, Thanh Mai, Paolo…). Chưa dừng lại ở đó, những bản nhạc được nhiều người chờ đợi nhất có ca khúc Tình Yêu Trong Đời (Sealed With A Kiss), Thương Nhớ Trong Mưa (The Rhythm Of The Rain), Mùa Tình Yêu (Le Temps De L’Amour),…

Tiếp theo đó, trong bộ sưu tập Tình Ca Nhạc Trẻ 2 còn có sự góp mặt của những tác phẩm mới được viết không chỉ nhạc sĩ Trường Kỳ mà còn có cả các nhạc sĩ khác như Phạm Duy, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nam Lộc, Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng,… Chưa hết, anh còn tham gia vào công việc viết lời bài hát của nhạc sĩ Tùng Giang như Biết Đến Thuở Nào, Cuộc Tình Xưa, Ta Hôn Nhau Trong Công Viên,… Với sự nỗ lực và đam mê, nhiệt huyết của mình, nhạc sĩ Trường Kỳ ngày càng nổi tiếng không chỉ về phương diện âm nhạc mà còn cả về báo chí. Sự viết lách tùy hứng nhưng lại mang đậm chất riêng của ông đã khiến tên tuổi của Trường Kỳ nổi danh khắp giới văn nghệ sĩ. Thanh niên Trường Kỳ chủ yếu là làm thơ và thành lập thi văn đoàn lấy tên Hội Hoa Cương để đăng tải những vần thơ ngẫu hứng mà lại đầy tính thi sĩ của ông. Bài Xuân Nhớ Em còn được đăng trên nhật báo Ngôn Luận làm tên tuổi của Trường Kỳ càng tăng cao.

Đám cưới của Trường Kỳ

Không nói ngoa khi giới văn nghệ sĩ trước những năm 1975 chắc hầu như ai cũng sẽ biết đến tên tuổi của ông vì ngoại trừ việc sáng tác thơ, viết nhạc, Trường Kỳ còn dấn thân vào nghề viết phóng sự. Trường Kỳ khá thành công trong lĩnh vực viết phóng sự này, những bài phóng sự âm nhạc của ông trên báo Kịch Ảnh từ năm 1964 dưới bút danh Johnny Kỳ đều được chủ nhiệm Quốc Phong trả nhuận bút hậu hĩnh. Còn hơn thế nữa, tuần báo Màn Ảnh đã cất công mời ông viết bài cho trang báo này. Đồng thời ông còn được phụ trách trang nhạc trẻ của tờ nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử. Những tuần báo, nhật báo như Tinh Hoa, Chính Luận, Tiền Tuyến,… đều có sự xuất hiện của những bài phóng sự âm nhạc do Trường Kỳ viết. Phải nói rằng âm nhạc đối với ông không chỉ dừng lại ở việc sáng tác mà còn mở rộng rất nhiều đối với sự nghiệp của Trường Kỳ. Sau này, ông nhận thấy thị trường nhạc trẻ rất rộng mà trang báo của những người khác thì không đủ để ông có thể viết đủ. Lúc bấy giờ, ông bèn bàn bạn với anh em chí cốt để cho ra đời tờ báo mang tên Nhạc Trẻ. Tuy nhân lực làm báo không nhiều nhưng tờ báo của ông cũng rất hoàn thiện khi tờ báo có được 100 trang, khổ nhỏ như cuốn tạp chí, phát hành lên đến 300 số. Báo Nhạc Trẻ có tòa soạn nằm ở đường Trương Công Định (đường Trương Định bây giờ). Tờ báo rất được giới trẻ thời đó yêu thích và săn lùng. Tuy nhiên do chi phí in ấn, đánh máy, rửa hình, dán bìa,… Tất cả đều khá tốn kém nên tờ báo của Trường Kỳ chỉ có thể xuất hiện được 1 lần mà thôi. Ngoài việc làm báo, ông Trường Kỳ còn viết tiểu thuyết và nó còn được dựng thành phim. Tác phẩm tên là Tuổi Choai Choai, Trường Kỳ cùng với bạn thân của mình là Jo Marcel đã kết hợp với nhau và lấy tác phẩm này dựng thành phim mang tên Vết Chân Hoang theo màu scope. 

Từ trái sang lần lượt là Tùng Giang,Trường Kỳ, Jo Marc

Trong giới văn nghệ sĩ anh cũng là người có danh tiếng nên quen thân được với khá nhiều người trong giới văn học, nghệ thuật và chính trị như Mai Thảo, Duyên Anh, Chu Tử, Phạm Duy, Viên Linh,… Không chỉ dừng lại ở việc phát hành nhạc bản, vào trước năm 1975, Trường Kỳ còn cho in các tập phóng sự như: Mặt Trái Của Nữ Sinh Sài Gòn (1968), 36 Kiểu Cua Đào (1969), Tuổi Choai Choai (1971). Những tác phẩm ấy đã thành công vang dội bởi lẽ dường như Trường Kỳ hiểu được tâm trạng và nỗi lòng của lớp trẻ thời đó. Ông hiểu sự thẹn thùng của nữ sinh, tâm lý tuổi mới lớn của các thanh niên,… Vậy nên những tác phẩm của ông đã chạm đúng vào trái tim của các bạn trẻ. 

Sau này Trường Kỳ xuất ngoại, vào năm 2002, ông cho xuất bản tập bút ký Một Thời Nhạc Trẻ, dày 384 trang. Cuốn sách được chia thành 4 chương bao gồm: Chương 1 – Một Thuở Ham Vui, chương hai – Một Thời Nhạc Trẻ, chương 3 – Những Ngày Tháng Hippy, chương 4 – Một Chốn Bồng Lai. 

Cũng phải nói thêm, vào thời đó mọi người thường gọi dòng nhạc sôi động là Nhạc Kích Động. Trường Kỳ thấy tên đó không thích hợp với dòng nhạc mà giới trẻ hay nghe nên ông đã đề xuất cái tên Nhạc Trẻ để thay thế cho tên Nhạc Kích Động. Bởi vì tên Nhạc Kích Động mang hơi hướng bạo động, giữa giai đoạn chiến tranh thời đó, dòng nhạc này cũng ít nhiều bị nhận sự phê phán của nhiều người. Còn tên Nhạc Trẻ thì mang hàm ý sôi động, dù sao thì vẫn nhẹ nhàng hơn so với tên Nhạc Kích Động. Như vậy chúng ta càng hiểu rõ hơn tại sao mọi người lại gọi Trường Kỳ là ông vua nhạc trẻ. Sở dĩ ông có tên gọi như vậy vì ông mà 1 trong những người góp phần khởi xướng dòng nhạc này, và chính ông cũng là người đề xuất tên gọi Nhạc Trẻ. Trong bút ký Một Thời Nhạc Trẻ của ông, ông đã nhắc đến sự thất thủ của Sài Gòn, sự yêu nước, yêu tự do của mình nhưng việc theo đuổi ước mơ, đam mê của ông cũng khiến nhiều người nghi ngờ bởi lẽ nhạc trẻ thực ra cũng không phải là dòng nhạc phổ biến thời đó.

Vào 13 giờ ngày 22 tháng 3 năm 2009 tại Toronto, Canada, ông vua nhạc trẻ Trường Kỳ đã ra đi vĩnh viễn. Nhiều người đã tiếc thương cho sự ra đi của ông, trong đó có ký giả Kỳ Phát, ca sĩ Quốc Anh và người chơi bass guitar của ban nhạc Strawberry Four Tiến Chỉnh – Bạn thân của ông Trường Kỳ.

Dưới đây là những hình ảnh về nhạc sĩ Trường Kỳ

 

Trường Kỳ cùng bà xã Thu Huyền

Trường Kỳ (trái) và Tùng Giang (phải)

Ban nhạc Blackcap cùng thời với nhạc sĩ Trường Kỳ
Ca sĩ Elvis Phương và Ban Vampires, thập niên 1960s
Trường Kỳ và nhạc sĩ Lê Hựu Hà năm 1960
Nhóm nhạc Spotlight cùng thời với nhạc sĩ Trường Kỳ
Từ trái sang phải lần lượt là Tùng Giang – Trường Kỳ – Nam Lộc

Trường Kỳ và nữ minh tinh Kiều Chinh
Trường Kỳ (phía bên phải) trong ban nhạc The Sportlight tại Đại Hội nhạc Trẻ Tabert
Tuyển tập Một Thời Nhạc Trẻ
Nhạc sĩ Trường Kỳ ngồi ở vị trí thứ 2 từ trái đếm qua
Nhạc sĩ Trường Kỳ cùng con gái và 2 cháu ngoại

1 bình luận về “Tìm hiểu về ông vua nhạc trẻ Trường Kỳ và những đóng góp to lớn của ông đối với thị trường âm nhạc Sài Gòn trước năm 1975”

Viết một bình luận