Nghệ sĩ Hề râu Thanh Việt – Thần tượng của các danh hài

Vào những năm trước ở thập niên 60, 70 tại sân khấu hài miền Nam dậy sóng lên sáu danh hài tài năng mà người ta thường hay gọi là Lục Hài Tướng. Mỗi người mang một ngoại hình, tính cách và lối diễn khác nhau nhưng điểm chung ở họ là đều để lại trong lòng người xem những ấn tượng sâu sắc nhất. Trong đó, Hề râu Thanh Việt gây ấn tượng với lối diễn duyên dáng cùng bộ râu mang thương hiệu đặc trưng riêng của mình.

Cái tài của ông là làm cho bộ râu của mình di chuyển linh hoạt, chỉ cần nhìn bộ râu của ông chuyển động thôi cũng đủ khiến cho khán giả bật cười. Bộ râu của ông mang một sức hút rất đặc biệt nó góp phần vào việc đưa lối diễn hài của ông lên một tầm mới lôi cuốn người xem hơn. Thanh Việt có vẻ khá hài lòng với biệt danh Hề râu của mình, ông hay nói đùa rằng: “Không có cực hình nào tôi sợ bằng bị cạo mất bộ râu này đi“. Từng là một trong những danh hài có thu nhập cao nhất Việt Nam lúc bấy giờ, đến nay Hề râu Thanh Việt vẫn là thần tượng của nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Người nghệ sĩ đem tính mạng đổi lấy chén cơm manh áo

Ông sinh năm 1939 tại Hóc Môn, thành viên trong gia đình có đến 9 anh chị em. Cuộc đời nghệ thuật của ông bắt đầu khi mới 14 tuổi, ông theo người cha dượng – nghệ sĩ Tám Huê đi hát cho các đoàn nhỏ ở tỉnh. Trong khi các anh chị em trong gia đình ai cũng thành danh và sự nghiệp tiến bước đi lên thì ông vẫn còn là một tài tử phụ trợ, diễn các vai nhỏ không thoại chẳng mấy ai để ý đến. Về sau, ông bầu thấy Thanh Việt diễn có duyên nên đã cho đóng thế vai hề của anh Hai Néo vì anh này cờ bạc thiếu nợ bỏ gánh trốn đi. Thanh Việt hát thành công nhiều tuồng nhưng rồi khi gánh hát bị quăng lựu đạn, gánh tan rã, đào kép đi tứ hướng. Lúc Thanh Việt về thành phố ông vô tình gặp được nhóm Tùng Lâm – Xuân Phát, ông tham gia vào nhóm này và thường xuyên diễn các tiểu phẩm tự biên. Ông không có tài ca hát vượt trội như Tùng Lâm, Xuân Phát, không có tài năng nổi bật như những người khác trong đoàn nhưng bằng lối diễn duyên dáng trời ban và tài bắt chước nhái giọng điệu của người khác kết hợp với bộ râu linh hoạt của mình, ông đã mang lại những trận cười nghiêng ngả cho khán giả.

Năm 1960, tại nhạc hội Cù Lét, Thanh Việt có diễn một số vai, đây là lúc sự nghiệp của ông bắt đầu thăng hoa. Tài năng của ông tỏa sáng nhất khi ông diễn nhiều vở cải lương trên sân khấu Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga. Ngoài ra ông còn tham gia đóng rất nhiều bộ phim, nổi bật nhất chính là bộ Triệu phú bất đắc dĩ của hãng phim Mỹ Vân do ông đóng vai chính. Thanh Việt là người có khả năng sáng tạo bất ngờ, khả năng này được khai sáng vào năm 1969, lúc đó Hề Kim Quang đang điều trị bệnh phổi nên bầu Thơ nhờ Hề Minh bên Đoàn Hương Mùa Thu biểu diễn thay Kim Quang đóng vai thầy pháp. Tưởng chừng như đã sắp xếp xong xuôi thì vào đêm diễn Hề Minh uống rượu quá chén, trên đường tới rạp thì bị tai nạn xe nên phải nhập viện. Khi đó rạp đã mở màn hát, phải kiếm người thay thế gấp, vào lúc mọi người đang xôn xao lo lắng thì bà Năm Sa Đéc đã đề xuất để Hề râu Thanh Việt hát thế vai thầy pháp. Mặc dù không có thời gian đọc kịch bản nhưng bằng sự sáng tạo và nét diễn hài hước của mình, ông đã khiến cho khán giả có một buổi xem diễn trọn vẹn. Cũng từ sau màn gỡ rối ấy, con đường nghệ thuật của Thanh Việt càng thuận lợi hơn, ông bắt đầu thử sức ở lĩnh vực phim ảnh từ vai chính đến vai phụ ông điều thể hiện xuất sắc hình tượng của từng nhân vật. Trong vở Bạch Hải Đường dù chỉ xuất hiện chốc lát trong vai cai ngục nhưng cũng đủ để lại ấn tượng khắc sâu trong lòng khán giả đến tận ngày nay. 

Một trong những bộ phim để đời của Hề râu Thanh Việt phải nhắc đến bộ Triệu phú bất đắc dĩ, đây là một bộ phim hài kể về câu chuyện một anh nhà quê do Thanh Việt thủ vai có ngoại hình giống y đúc một tên buôn lậu khét tiếng, bị hắn bắt về huấn luyện từ ngoại hình đến tính cách để giả dạng thế thân cho hắn lừa gạt bọn giang hồ đối nghịch và qua mặt cảnh sát. Trong phim Thanh Việt phải diễn một cảnh bị bắn bay lên trời, bay được một lúc ông lấy bong bóng từ trong túi ra thổi thành chùm lớn rồi từ từ đáp xuống mặt đất, đây là một cảnh quay không hề dễ dàng nhưng ông đã hoàn thành nó một cách xuất sắc nhất. 

Sau năm 1975, Thanh Việt về miền tây ẩn mình trong các đoàn văn công của tỉnh Cần Thơ. Ở dây dù là ca sĩ hạng A thì tiền một suất hát cũng chỉ có 10 đồng, ông không có đủ tiền nuôi sống mình và vợ con thế nên vợ ông đã dẫn các con đi vượt biên nhưng không may bị chết ngoài biển khơi. Lúc ấy Thanh Việt rất suy sụp, ông diễn hài cho người khác cười nhưng vào mỗi khi màn đêm buông xuống ông lại lẻ loi ngồi buồn một mình, ông nhớ vợ nhớ con, nhớ về hoàn cảnh khổ sở của mình, ông âm thầm khóc trong đêm thâu. Mặc dù được mọi người yêu thương động viên, lo cho ông từng bữa ăn, có thịt, có rượu giúp ông giải sầu nhưng cho dù uống say đến nổi đứng không vững, ông vẫn không thể quên được cảnh tượng bi thương tan nhà nát cửa, vợ con chết mất xác, bản thân ông dường như bất lực. Lúc tầm 50 tuổi, do thường xuyên uống rượu nên ông bị bệnh về gan nhưng không có tiền mua thuốc chữa trị. Không lâu sau Thanh Việt được một đoàn làm phim mời đóng vai nông dân cưỡi bò ra ruộng, đúng lúc cần tiền chữa bệnh nên ông đã nhận vai diễn đó. Đạo diễn kêu ông cưỡi bò ra ruộng, đúng lúc gặp một đứa trẻ chăn trâu nó cầm roi đánh vào mông bò, con bò giật mình nhảy cẫng lên, Thanh Việt bất ngờ té ngã xuống đất, phần bụng đập vào tảng đá, ngất xỉu. Ông được đưa vào bệnh viện nhưng không qua khỏi, Hề râu Thanh Việt cứ thế ra đi trước sự thương tiếc của mọi người.

Hề nhựa Thanh Hoài đã từng nói: “Nếu như các danh hài khác thường “bay nhảy” nhiều đoàn thì Thanh Việt rất chung thủy, suốt 10 năm liền anh chỉ gắn bó cho đoàn hát Dạ Lý Hương. Sau giải phóng anh mới chịu đi hát cho các đoàn khác. Nhóm hài của tôi và anh cũng tồn tại rất lâu, được khán giả yêu thích. Không ai có thể ngờ một người Nam – kẻ Bắc lại kết hợp ăn ý như vậy. Tôi rất phục tài năng cũng như đức độ của Thanh Việt. Chỉ tiếc rằng, anh ra đi quá sớm…”. 

Nghệ sĩ Thanh Việt, người đã đem lại nhiều tiếng cười cho khán giả bằng lối diễn tự nhiên và sáng tạo. Nếu ai đã từng xem ông diễn thì mới có thể hiểu được thế nào là sự duyên dáng trong lối diễn của người nghệ sĩ tài năng này, chính cái sự duyên dáng ấy đã giúp Hề râu Thanh Việt mãi giữ được vị trí trong lòng khán giả.

Trong mắt hai “đệ tử” ruột

Tài năng của Thanh Việt đã tạo ra một một làn sóng ảnh hưởng lớn đối với các thế hệ đàn em sau này. Cũng giống như những nghệ sĩ tài năng khác, ông được rất nhiều đàn em ngưỡng mộ, muốn bái làm thầy, điển hình trong số đó phải nhắc đến nghệ sĩ Bảo Quốc. Có lần Bảo Quốc chia sẻ: “Năm 1972, sân khấu cải lương gặp khó khăn do ảnh hưởng của phim chưởng Hồng Kông, Đoàn Thanh Minh Thanh Nga tạm nghỉ, tôi và chị Thanh Nga sang cộng tác cho Đoàn Dạ Lý Hương, anh Thanh Việt cũng đang ở đoàn này nên tôi có dịp diễn chung và học hỏi anh rất nhiều điều về các thủ pháp diễn hài. Tôi tâm đắc với lối diễn hài thông minh, trong sáng của anh nên “quăng bắt” rất ăn ý. Ngoài ra, tôi cũng hay thay vai cho Thanh Việt những lúc anh bận việc đột xuất”. Sau đó vào khoảng năm 1975, Thanh Việt cũng truyền nghề cho một nghệ sĩ hài nổi tiếng hiện nay là Tấn Beo. Tấn Beo cho biết, đến bây giờ anh cảm thấy mình không làm bất cứ điều gì khiến ông phải hổ thẹn nơi chín suối.

Thanh Việt thường nhắc nhỡ các đàn em của mình rằng: “Diễn hài không phải trò đùa, phải tìm hiểu nghiên cứu tính cách nhân vật để tìm ra cách diễn hay nhất. Sáng tạo, ngẫu hứng không có nghĩa là cương ẩu, sử dụng ngôn ngữ tùy tiện…”. Mỗi khi nhắc đến người nghệ sĩ tài năng cùng bộ râu là thương hiệu đặc trưng của riêng mình, Hề râu Thanh Việt luôn khiến cho mọi người có cảm giác rung động, xao xuyến trong lòng.

 

1 bình luận về “Nghệ sĩ Hề râu Thanh Việt – Thần tượng của các danh hài”

Viết một bình luận