Nhà thơ lãng tử Nguyễn Tất Nhiên cùng kỷ niệm về một thời áo trắng của miền Nam trước năm 1975

“…Nắng bờ sông như màu trang vở cũ

Thuở học trò em làm khổ ai chưa?

Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học

Bàn tay xương cầm hờ hững văn bằng…” 

(Bởi Yêu Em Sầu Khổ Dịu Dàng – Nguyễn Tất Nhiên)

Những ngày tháng khoác lên mình chiếc áo trắng tinh khôi của thời học trò vào những năm 1970 ở Sài Gòn, Biên Hòa hay ở một số vùng lân cận chắc sẽ chẳng thể nào quên cái tên Nguyễn Tất Nhiên, đặc biệt là những vần thơ, câu chữ ngọt ngào hay là những câu hát được phổ biến rộng rãi bằng chính những bài thơ của người thi sĩ lãng tử nhưng đầy cuồng si này. 

Những tình khúc về tuổi học trò hồn nhiên, lại trong sáng; có khi là nghịch ngợm hoang tàn như những con ngựa hoang đứt dây cương đang tung tăng trên cánh đồng cỏ tươi mát; có khi lại nồng nàn và đằm thắm vẽ nên biết bao bi thương cùng chán chường cho một câu chuyện tình không hậu kết. Trong thơ văn của Nguyễn Tất Nhiên, chúng ta luôn cảm nhận được một điều gì đó rất mới, cũng rất lạ; lúc thì say đắm thiết tha, lúc lại chán nản tuyệt vọng trong một tâm cảm đầy hoang mang trong tâm cảnh của một Sài Gòn rã rời khi vẫn đang đắm mình trong vòng quay lửa đạn. Đến tận bây giờ, những giai điệu và những ca từ ấy vẫn cứ văng vẳng nơi trái tim chúng ta, vẫn cứ như một tiếng chuông đồng hồ báo thức nhắc nhở ta mỗi khi có ai đó nhắc nhở hay trong tiềm thức vương vấn lại….

Ở lứa tuổi của chúng ta, cái độ tuổi trăng tròn 15, 16 tuổi vẫn chưa biết thế nào gọi là yêu, là thương; nhưng đôi lúc cũng có một chút xuyến xao dao động, một chút gọi là tim đập nhanh khi bắt gặp ánh mắt của người nhưng chẳng dám gọi thành tên chỉ dám ngượng ngùng cùng rụt rè mà lặng ngắm, đôi khi lại lấm lét mà “em tan trường về anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê” (Ngày Xưa Hoàng Thị – Phạm Duy & Phạm Thiên Thư) hay có những lần chỉ dám “đứng ngẩn trông vời” (Đinh Hùng) khi bắt gặp bóng dáng thân quen nào đó trong mộng tưởng… 

Lắm khi ngẩn người vô cớ lại hay vu vơ đôi ba câu hát: “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá, thà như giọt mưa khô trên tượng đá, thà như mưa gió đến ôm tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không?….” (Thà Như Giọt Mưa – Phạm Duy) hay đôi khi vì ngại ngùng mà nói đôi ba lời trêu ghẹo, trả lời một câu nói ỡm ờ của một ai đó: “Bà hiền ghê, hiền như ma soeur…”.

Hoài niệm về thời học sinh khi ấy, chúng ta hồn nhiên đến cỡ nào, hình như chúng “chậm lớn” hơn học trò bây giờ nhiều lắm! Nam nữ ngồi chung bàn thể nào cũng sẽ thấy một đường phần trắng được kẻ dọc chia đôi cái bàn, còn nhớ câu hay nói: “Ai qua vạch là bị phạt, đồ qua vạch là bị tịch thu…”. Hay những giờ thể dục cần nắm tay thành vòng tròn thì trai gái lại cầm vào một nhành cây trung gian, chẳng dám đụng tới đầu ngón tay của người khác giới. Còn nhiều lắm, nhớ làm sao hết cái thời đầy e thẹn, chứ chẳng được bạo dạn như học sinh bây giờ. Phải chăng là do hệ thống giáo dục thời chúng ta chia trường nữ sinh và nam sinh như hai phương trời biệt lập nhưng lại bí ẩn và thu hút đầy sự ám ảnh ma lực, đúng nghĩa của hai cực trái chiều nam châm, mà cái thứ gọi là “tình cảm tuổi mới lớn” cứ “phơ phất chung quanh” (Vì Tôi Lớn Chậm – Nguyễn Tất Nhiên) lại như một thứ trái cấm nơi khu vườn địa đàng, vừa quyến rũ, vừa hấp dẫn với cái đám học trò được mệnh danh là nhất quỷ nhì ma như chúng ta ngày trước. 

Nhìn thử đi, cũng không phải là quá ngây thơ đâu, nhìn thấy đó, biết hết đó cũng mộng mơ và suy nghĩ nhiều lắm đó. Nhưng giấu kỹ lắm, sợ sệt người khác nhìn thấu được tâm tư của bản thân, chẳng muốn nói cùng ai. Hiếm có cô cậu học trò nào thời đó dám lộ ra một chút dấu hiệu cỏn con trong suy nghĩ của mình có đồng bạn. Lớp thì lo bạn bè biết sẽ trêu chọc xấu hổ, phần thì sợ ba mẹ rầy la cấm đoán vì tuổi nhỏ không chăm học lại dám suy nghĩ chuyện yêu đương người lớn. Và cũng một phần sợ hãi khi nhận lại lời từ chối từ đối phương, sự sĩ diện và cái tôi trong mỗi cá nhân và có khi là không dám đối diện, khổ đau vì lần đầu trải qua cảm giác thất tình. Có mấy ai mà dám ngang nhiên thổ lộ yêu thương một cách công khai lại còn cuồng nhiệt và chân thành như Nguyễn Tất Nhiên thế này. 

Không chỉ là những câu chuyện ngọt ngào yêu thương, người thi sĩ lãng tử cũng nổi tiếng với những bản…thất tình. Trong tập thơ thứ 3, được xuất bản năm 1970 với chủ đề: “Thiên Tai”, chính ông cũng thừa nhận rằng bản thân chỉ mới “tập tành” yêu đương, chỉ mới đi những bước đầu chưa vững trên con đường yêu đầy chông gai phía trước. Sự dằn vặt của Nguyễn Tất Nhiên còn được thể hiện trong tập truyện Vì Tôi Lớn Chậm: “Bởi ta dại dột yêu người. Khi yêu ai đắm đuối, là lúc mình khó lòng giấu che chân tướng mình.”. Tình mới lớn là tình yêu đầu đời, sẽ có ngọt ngào bởi sự trong sáng và ngây ngô, nhưng cũng lắm chua ngoa khi đôi lứa vẫn còn chưa thấm thía cái gọi là “mùi đời”. Bởi chính người trong cuộc vẫn bị xoay quanh nhiều thứ mà chưa kịp nhận ra… Những dòng thơ tình của lứa tuổi học trò được nắn nót tỉ mỉ bởi màu mực tím lấm lem, vừa ân cần dịu dàng lại vừa e thẹn được chép vào từng trang vở kẻ ô ly được trang trí bởi những nhành phượng, họa tiết bé xinh,…còn có mùi hương thoang thoảng của màu giấy trinh nguyên, được chính chủ bồi hồi mà cũng ngập ngừng mang đến rồi lại gấp cẩn thận bỏ vào cặp mang về.

“….Tình một hai năm chưa phải tình dài

Cũng không thể gọi là tình mới

Tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi

Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi

(Nghĩa là tôi ấp úng chuyện yêu người

Cơ khổ như những lời thú tội!)”

(Tình Một Hai Năm – Nguyễn Tất Nhiên)

Đó là thanh xuân của một thời dễ rung động, dễ thương và ngọt ngào đến mức bất ngờ rồi lại ngượng ngùng và lắm vụng về, nhưng lại khá thích thú như một chú bé nhút nhát vừa soi gương vừa chiêm nghiệm cuộc đời….chợt phát hiện ra, sao có quá nhiều sự mới lạ trong chính bản thân mình: 

“Tình mới lớn, phải không em, rất thích?

Cách tập tành nào cũng thật dễ thương

Thuở đầu đời chú bé soi gương

Và mê mãi, dĩ nhiên làm lạ

 

Tình mới lớn, phải không em, rất lạ? 

Cách tập tành nào cũng ngượng như nhau

Thuở đầu đời, chú bé ôm phao

Và nhút nhát, dĩ nhiên, ngập nước….”

(Thấm Mệt Đầu Đời – Nguyễn Tất Nhiên)

Cái đẹp luôn như thế! Lúc nào cũng mong manh, dễ hư hao và dễ vỡ đổ. Cũng giống như cái độ tuổi xuân thì vừa chớm những nụ hoa yêu đầu tiên, người ta luôn đặt mình trong mộng ảo, chứ có ai mà ngắm nhìn về thực tế lắm đau thương, đắm chìm vào những ngây ngô và trong sáng chứ làm gì đã có xảo trá hay dối lừa và cũng đặt ra cho cuộc tình ấy nhiều hy vọng chứ chẳng bao giờ nghĩ suy đến sự tuyệt vọng sau cuối. Mọi ranh giới trên cuộc đời này đều bị tình yêu mà họ ảo tưởng xóa nhòa, những ràng buộc hay khó khăn thì trong suy nghĩ của họ cũng là dễ dàng mà bước qua. Nhưng có biết đâu, đã là chú bé, đã biết “ôm phao” vào người nhưng vẫn bị trượt mà “ngộp nước” đến đáng thương ngay từ thuở đầu đời. Nhưng vậy thì đã sao, dường như chẳng hề có chút ảnh hưởng tiêu cực nào đến người con trai ấy, chàng vẫn yêu, yêu là bởi bản thân muốn yêu và muốn được yêu, yêu mà chẳng hề toan tính hay vụ lợi, yêu mà chẳng nghĩ suy đến hơn thiệt tương lai, chỉ cần biết, tại thời điểm này, trái tim mách bảo cứ mạnh dạn mà yêu thương người. 

Và rồi, chỉ khi bản thân thật sự vấp ngã, thật sự tuyệt vọng rồi mới chập chững bước đi về hướng đối lập khác của yêu đương: lúc này đây, người đã hoàn toàn thất vọng rồi. Thế là ôm trong mình một vết thương đau thật lớn, thật sâu, tưởng chừng sẽ mãi mãi không bao giờ lành, không bao giờ có thể nguôi ngoai trong cuộc đời này. Dù là trong tình cảm hay trong cuộc sống thì vẫn nhiều lắm nỗi chông gai, vượt qua một thì lại một cái mới ập đến, làm sao dung hết “tình non cùng giấy mới” của những người còn rất trẻ, tâm tình vẫn cứ nửa tỉnh nửa điên ngược đời, quá chân thật cũng quá cả tin, chẳng bao giờ biết so đo hay toan tính thiệt hơn cho bản thân. Không biết nên thương hay nên trách: 

“….Tình mới lớn, phải không em, rất mỏng? 

Cách tập tành nào cũng dễ hư hao

Thuở đầu đời cầm đũa thấp cao, 

Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ

 

khi mòn mỏi nghe đời mình trắc trở

Hơn lúc nào, tôi quá đỗi thương tôi!”

(Thấm Mệt Đầu Đời – Nguyễn Tất Nhiên)

Nhưng trách làm sao được những ngu ngơ và khờ dại của tuổi trẻ ấy! Những điều mà đến tận bây giờ chúng ta chẳng thể nào lấy lại được. Sẽ thể nào còn cậu học trò 15 – 16 tuổi, tập tành làm thơ tình đem gửi cho bạn học cùng trường, ôm biết bao mộng đẹp rồi lại chạm vào nỗi đau thương: 

“….Tuổi mười lăm giữa con trai, con gái

Đã rõ ràng ai khờ khạo hơn ai

Nên bao giờ tôi cũng phải thương tôi

(Những ích kỷ nảy sinh sau lần nhục nhã!)…”

(Thấm Mệt Đầu Đời – Nguyễn Tất Nhiên)

Tự nhắc nhở bản thân phải biết thương lấy mình, nhắc bản thân phải ích kỷ, chỉ cần nghĩ đến mình thôi…nhưng đã không biết bao nhiêu lần thất bại, bao nhiêu lần vấp ngã mà trái tim vẫn duy trì nhịp đập rộn ràng, vẫn rung động như chưa từng có sự thất vọng. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã không ít lần phơi trải lòng mình, “lượm nhặt” tất cả cho đến tận cùng, đến độ bản thân như “cây cột đèn gãy gập”, như “xe tang ngập ngừng”, như “tường vôi luống tuổi”, như “căn nhà nám lửa” bên một dòng sông tĩnh lặng, lúc nào cũng có cảm giác bản thân chỉ có một mình nơi nghĩa địa, nhưng vẫn không đành quên cuộc đời này quá nhiều đau khổ. 

Với thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, những dòng chữ được nắn nót trên trang vở học trò viết ra rồi lại xé đi vò nát, lặp đi lặp lại chẳng biết bao nhiêu lần, tình đầu luôn để lại trong tâm trí chúng ta những ấn tượng mạnh mẽ đến khó phai. Nó gợi cho người đọc những dòng liên tưởng độc đáo, được thi hóa một cách hoàn toàn tự nhiên nơi giáo đường uy nghiêm. 

Theo lịch sử giáo phận ghi nhận lại thì Biên Hòa – Đồng Nai là một trong những vùng truyền giáo sớm nhất ở Đàng Trong và cũng từng có nhiều giáo sĩ nổi tiếng hoạt động truyền giáo ở đây từ thế kỷ 17. Nhưng trước năm 1954, Biên Hòa chỉ được xem là vùng đất mới có tính ngưỡng hỗn hợp nhiều dòng, nhiều nguồn, nên khi tiếp nhận Công giáo học cũng không quá tin tưởng. Không có vùng tập trung giáo dân, họ cùng người ngoại đạo chan hòa sinh sống, cởi mở như một gia đình giáo hội lớn. 

Sau năm 1954, nhiều giáo xứ di cư từ Bắc vào Nam, sau đó thành lập xứ đạo như ở Hố Nai, Phương Lâm,…Tính tập trung giáo dân cũng được hình thành, cộng đồng họ đạo cũng ngày một đông và đặc biệt họ rất tin và sùng đạo, dù di cư vào Nam nhưng những giá trị truyền thống của miền Bắc vẫn được lưu giữ trọn vẹn. Do được sinh thường và hòa nhập trong môi trường phóng khoáng với đầy đức tin đó mà thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên mang nét Công giáo khá gần gũi và hài hòa. 

“….Tín đồ là người tình

người tình là ác quỷ

ác quỷ là quyền năng

quyền năng là tín đồ

 

tín đồ là người tình

thiêu hủy lầu chuông tôi

(vì tôi là linh mục

giảng lời tình nhân gian)…”

(Linh Mục – Nguyễn Tất Nhiên)

Ông gọi người tình là thánh nữ, sau đó lại là ma soeurs, rồi lại đến ác quỷ….còn người yêu cuồng si là kẻ yêu dĩ vãng, nghe theo lời xui khiến của quỷ sa tăng mà giáng thế thêm một lần để làm linh mục nhưng không mặc áo theo họ dòng, không cần kinh thánh, cũng không có bộ mặt của thánh thần,…chỉ có lời tỏ tình thế nhân mà gợi lên từng câu thơ buồn bã. Nhiều lần khác, Nguyễn Tất Nhiên ví người yêu như thiên thần, sau đó lại thành ác tinh,…Ông còn cực đoan mà cho rằng tình yêu thuở ấy trong trẻo và thành thiện nhưng chỉ còn lại đôi tiếng thở dài: 

“…nhìn em buổi chiều mất trinh vì có người nắm tay

lẽ ra tôi phải rất buồn

và hát bài con quỳ lạy chúa trên trời

hay nhẹ nhàng lắm cũng

đôi tiếng thở dài….”

(Phẳng Lặng – Nguyễn Tất Nhiên)

Chỉ một cái nắm tay đơn giản cũng khiến người con gái ấy…mất trinh, thuở nhỏ ta quá đơn thuần đến nỗi mỗi lần nhớ lại chỉ biết bật cười. Chỉ một cái nắm tay đã khiến cho người buồn và mất mát to lớn. Người tình của ông vốn thánh thiện như vị Thiên Chúa, rạng rỡ và lung linh như ánh sao trên trời cao, lúc nào cũng thuần khiết và trong sáng. Giờ ngồi ngẫm lại, có khi lại bật cười thành tiếng và mắng bản thân sao lại con nít như thế. Nhưng vậy thì đã sao chứ! Con nít có gì không tốt? Con nít yêu ghét không nói hai lời, yêu – không yêu, giận – không giận đều hiển thị trạng thái rõ ràng mà chẳng cần phải khó khăn đi đoán tâm ý. 

Cậu bé 15 tuổi tự nhận bản thân mình là “bắt đầu cuộc đời lang bạt đầy tai ương”, liệu có phải nói quá lên không? Khi một chàng trai mới ở độ tuổi tươi đẹp và hồn nhiên thì có thể trải qua sự vụ gì mà đến nỗi bản thân phải như thế chứ? Nhưng qua lời kể của các bạn đồng môn thì Nguyễn Tất Nhiên đã sống vượt quá khuôn khổ đời thường, lập dị, ngớ ngẩn, cứ hồn nhiên mà theo đuổi một mối tình đơn phương rồi cuối cùng thất vọng đến tận cùng. Với ông, đây chính là tai ương tuổi mới lớn đấy chăng? 

“Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng

người thì không bắt bóng được bao giờ

anh muốn khóc trong buổi đầu niên học

bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng…”

(Bởi Yêu Em Sầu Khổ Dịu Dàng – Nguyễn Tất Nhiên)

Khổ đau của kẻ thất tình khi bản thân đã ngây ngô và khờ dại đến thế nào, lắm lúc còn bị đẩy đến cánh cửa thù hận: 

“ba năm vuốt sợi tình dài

ừ tôi còn vụng ngón tay dậy thì

thuở nào sầu đã lâm ly

giờ thêm già héo (nhiều khi hận thù)…”

Người viết bài thơ vẫn còn ở độ tuổi trăng rằm, nhưng phần tình cảm mới lớn trong con người ấy lại chẳng hề có sự e ấp vốn có, chỉ có sự mạnh dạn, sự nũng nịu dỗ dành đầy ủy mị trong Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc,…thuở đó. Ngôn ngữ trong những vần thơ của Nguyễn Tất Nhiên trên những trang vở học trò rất độc đáo, nó khác hoàn toàn sự mềm yếu, mong manh của tuổi mới lớn; mà nó rất mạnh mẽ, táo bạo, đôi lúc lại đau đến tủi lạ. Ngôn ngữ ấy khiến cho người đọc cảm nhận sâu sắc những xúc cảm đau thương, tuyệt vọng về sự thất bại trong tình đầu.

Ôi màu trắng học trò tinh khôi và trong sáng, màu vàng ký ức của những trang vở cũ…tình mới lớn tuy đau nhưng lại đẹp đến thánh thiện, làm người ta phải nao lòng. Nguyễn Tất Nhiên tự ví mình như một giọt sương sắp tan, trong chuyện tình yêu thì lại ví mình như một xạ thủ “tồi”, chỉ là một kẻ thua cuộc, một kẻ dại khờ theo đuôi mối tình không hồi kết. Trong một cuộc tình, dường như anh luôn cảm thấy mặc cảm khiến người đọc cảm thấy đau đến nhói tim: 

“vì hiểu rằng

muôn đời

em vẫn ngó tôi nửa mắt

có gì đâu

thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng…”

(Chỗ Tôi – Nguyễn Tất Nhiên)

Từ Thiên Thai, Chuông Mơ hay Tâm Dung cho đến 11 bài Minh Khúc Cuối Cùng, người ta luôn cảm nhận được những uẩn khúc và mặc cảm khi bản thân bị thua thiệt trong chuyện tình cảm của Nguyễn Tất Nhiên. 

Nhà thơ đã chẳng hề ngần ngại mà rút tất cả những tơ non còn sót lại đem giao hết cho người, chẳng tính toán gì nhiều. Nhưng cuối cùng, thứ ông nhận lại là gì? Là cái kết cho một cuộc tình tội nghiệp: 

“và thơ tôi gom hết cho người

rất tội nghiệp như giòng sông nước cạn…”

(Tình Một Hai Năm – Nguyễn Tất Nhiên)

Nhưng đến cuối vẫn thừa nhận, người thua cuộc cũng là người đau đớn nhất:

“hỡi ơi tình đã sương mù

bỏ tôi hiu quạnh mái đầu trông mong”

Trong một lần trả lời phỏng vấn của chàng sinh viên trường Luật mới 22 tuổi đời cho tuần san Tuổi Ngọc số 141, phát hành ngày 5/8/1974. Hỏi về cuộc sống hàng ngày của một thi sĩ nổi tiếng cùng loạt thơ tình cảm tuổi mới lớn được phổ nhạc rộng rãi, thì Nguyễn Tất Nhiên chỉ hờ hững mà trả lời: “Học Luật. Cô đơn. Túng thiếu. Lang thang. Khổ tâm. Sinh hoạt hàng ngày: buồn bã và tìm cách đùa bỡn trên nỗi buồn của chính mình”. Đây là cách sống của một chàng thơ 22 tuổi sao, chứ không phải là của một ông cụ 80 – 90 tuổi? 

Thế giới thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên dường như chỉ xoay quanh nỗi buồn bã, ngạo mạn lại đầy tuyệt vọng của một kẻ bị tình đầu từ chối một cách thẳng thừng đến phũ phàng khi tuổi đời còn quá bé bỏng. Điều này đã làm cho nỗi tự kiêu của một chàng trai tuổi mới lớn đầy mộng mơ bị tổn thương nặng nề. Càng làm cho chàng cuồng si đến bất cần số phận.

Thật bất ngờ làm sao, bất ngờ đến xúc động khi đọc từng lời tựa anh viết trong tập nhạc tự bản thân vẽ nốt, kẻ khuôn và phổ nhạc từ chính tập thơ của mình. Qua những bài thơ được phổ nhạc trước năm 1975: “Vì Tôi Là Linh Mục”, “Thà Như Giọt Mưa”, “Hai Năm Tình Lận Đận”,…cùng với những tâm hồn đồng điệu đã phổ nên những nhạc khúc đầy ma mị và quyến rũ của những nhạc sĩ như Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang,…Càng ngạc nhiên hơn khi có một Nguyễn Tất Nhiên đầy ý thức dấn thân cùng quan niệm văn chương nghiêm túc: 

“Tôi vẫn hằng quan niệm, tác phẩm có tầm vóc không đòi hỏi những cái cầu kỳ, làm dáng. Nên ai cũng thấy thơ của tôi chẳng có gì quái dị cả – hay nói một cách khác, rất sáng sủa, bình dị. Thơ hay nhạc đều xuất phát từ những tiếng rung đơn điệu của tâm hồn. Tôi không bóp méo những rung động tâm hồn của tôi để làm “tác phẩm vĩ đại”. Vì tôi tôn trọng sự thật. 

Điều sung sướng nơi tôi là được nhìn thấy hầu hết các tác giả lớn của nhân loại đều tôn trọng sự thật.”

(Tình Khúc Những Năm Lận Đận, Ca: NXB Tiếng Hoài Nam, 1984)

Thơ của Nguyễn Tất Nhiên – Chàng trai gốc Biên Hòa rất bình dị và chân thật như những giọt sương sớm, như nắng mưa miền đất phương Nam. Nó đi vào lòng người bằng những ngôn ngữ bình dị đến mộc mạc, bằng những rung cảm đầu đời hồn nhiên và trong sáng, đẹp như một giấc mộng ảo.

Ở bìa sau của tập thơ Thiên Tai in vào năm 1970, nhưng tác giả đã tập tành viết thơ từ năm 1963, tức là lúc chỉ mới 11 tuổi (Ông sinh năm 1952). Thế thì sao, dù 11 tuổi hay 15 tuổi thì cũng là độ tuổi đẹp nhất và hồn nhiên nhất, chưa kịp biết những lộc lừa của nhân thế, chưa kịp trải qua những cạm bẫy của cuộc đời nên còn rất nồng nàn cho những rung cảm tình đầu. Chỉ tiếc là thời gian trôi nhanh quá, nó mang những nhịp thơ tình trong sáng của lứa tuổi học trò đi vào quên lãng để bộn bề với những lo toan của cuộc sống, đến khi giật mình thì nhận ra sương mù của quá khứ đã quá đỗi dày đặc, chẳng thể nào xua tan để tìm về. 

Viết một bình luận