Cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước – Một trong những người đặt nền móng vững chắc cho Tân Nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước được biết đến là một trong những người đã đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam như: Đêm Tàn Bến Ngự, Ngọc Lan, Tiếng Xưa,… đặc biệt là những bài hát được viết chung với người bạn đời của ông – danh ca Minh Trang như: Bóng Chiều Xưa, Bến Xuân Xanh, Chiều Lữ Thứ, Khúc Nhạc Dưới Trăng,… đó đều là những ca khúc hay, hấp dẫn người nghe và đi cùng năm tháng.

Dương Thiệu Tước sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915 ở làng Vân Đình, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình Nho học truyền thống. Ông là cháu nội của cụ nghè Vân Đình Dương Khuê (đỗ tiến sĩ năm 1868), nguyên Đốc học Nam Định. Dương Khuê nổi tiếng với những bài văn ca trù, phần nhiều là viết về những mối tình gặp gỡ với các cô đào trong hoàn cảnh éo le, những tác phẩm này đã được thu thập vào cuốn “Vân Trì thi lục”. Ông còn là bạn đồng khoa thân thiết với Nguyễn Khuyến. Khi ông Dương Khuê mất, cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã viết bài Khóc Dương Khuê để tỏ lòng thương tiếc.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Ông trẻ (em ruột ông nội) của Dương Thiệu Tước là Dương Lâm tự là Thu Nguyên, Mộng Thạch, hiệu là Quất Đình, Quất Tẩu đỗ Trạng nguyên năm 1878, làm quan đến Thượng thư Hiệp biện đại học sĩ, tước Thiếu Bảo. Những tác phẩm của ông được ghi lại trong “Vân Đình thi văn tập”.

Thân sinh Dương Thiệu Tước là Dương Tự Nhu làm chức Bố chính tỉnh Hưng Yên.

Tuy xuất thân trong một gia đình nho học truyền thống, không có ai làm nghệ thuật nhưng từ nhỏ Dương Thiệu Tước đã đam mê âm nhạc, ông mê đàn từ bé, 7 tuổi ông đã học đàn nguyệt rồi đàn tranh và cổ nhạc, 14 tuổi ông học piano của giáo sư người Pháp tại Viễn Đông Âm nhạc Viện và học guitar cổ điển cùng các tiết tấu dạ vũ.

Đầu thập niên 1930, Dương Thiệu Tước gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Trần Dzư, Phạm Văn Nhường…

Năm 1938, ông cùng nhóm Myosotis đã cho xuất bản những nhạc phẩm đầu tiên của nhóm như: Đồi Oanh Vàng, Hoa Tàn, Phút Vui Xưa… cùng những bản soạn cho guitar Hawaienne như “Joie d’aimer”, “Son ven-ance”, “Tondouxsourise”.  Tháng 9 năm 1938, Myosotis đã có buổi trình diễn trước đông đảo công chúng tại rạp Olenpia (nay là rạp Hồng Hà đối diện chợ Hàng Da – số 51 Đường Thành, Hà Nội). Những nhạc phẩm của Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước được đông đảo thanh niên mến mộ, náo nức xin bản nhạc để tập đàn ca. Sau đó nhóm thường xuyên được Hội Ánh Sáng của Tự Lực Văn Đoàn mời biểu diễn. Đồng thời, Dương Thiệu Tước cũng thành lập hội khuyến nhạc cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh để cổ động và phổ biến cho tân nhạc Việt Nam.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Tiếng Xưa do Thanh Thuý trình bày.

Dương Thiệu Tước đánh đàn guitar hawaienne rất giỏi, ông còn là chủ nhân của một cửa tiệm bán đàn ở 57 Hàng Gai, Hà Nội và có mở cả lớp dạy đàn. Những ca khúc đầu tay ông đã sáng tác mang những đầu đề bằng tiếng Pháp, như Joie d’aimer (Thú yêu đương), Souvenance (Hồi niệm), Ton Doux Sourire (Nụ cười êm ái của em) … Lời ca của những bài hát này do Thẩm Bích (anh ruột của Thẩm Oánh) soạn bằng Pháp ngữ.

Ông là người tiên phong trong việc soạn nhạc “bài Tây theo điệu ta“, những tác phẩm đầu tay của ông thường được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù học theo nhạc phương Tây nhưng nhạc do ông sáng tác vẫn thắm đượm hồn dân tộc. Sau khi ấn phẩm đầu tay ra mắt, ông chia sẻ quan điểm của mình như sau: “Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền.”

Ông cho rằng nếu đã có nhà văn, nhà nghiên cứu Việt Nam viết tác phẩm bằng tiếng Pháp thì nhà soạn nhạc Việt Nam cũng rất có thể viết được những bản nhạc có âm điệu phương Tây. Và thế là ông cho ra đời những ca khúc “Tâm hồn anh tìm em”, “Một ngày mà thôi”, “Bóng chiều xưa”, “Ôi quê xưa”… chịu ảnh hưởng nhạc nhẹ cổ điển phương Tây nhưng cũng mang đậm tâm hồn Việt.

Năm 1934, Dương Thiệu Tước lập gia đình với bà Lương Thị Thuần, cũng xuất thân từ một dòng họ khoa bảng. Hai người kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình theo kiểu “môn đăng hộ đối”. Cuộc hôn nhân này kéo dài tầm khoảng hơn 10 năm.

Năm 1949, Dương Thiệu Tước có dịp gặp mặt nữ danh ca Minh Trang tại Hà Nội, trước đó đã rất nổi tiếng trên đài Pháp Á. Khi đó Thủ hiến Bắc kỳ là Nguyễn Hữu Trí mời Minh Trang từ Sài Gòn ra Hà Nội để dự Hội chợ đấu xảo. Đây là dịp để các nhạc sĩ xứ Bắc được chiêm ngưỡng nhan sắc của một giai nhân phương Nam. Lúc bấy giờ, tuy đã có hai con nhưng Minh Trang vẫn giữ được một vẻ đẹp quý phái làm say đắm lòng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Sau một thời gian thư từ qua lại thì hai người quyết định đi đến hôn nhân.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Minh Trang

Đầu thập niên 1950, Dương Thiệu Tước di cư vào Sài Gòn sinh sống và làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Sài Gòn, đồng thời được mời làm giáo sư dạy lục huyền cầm, Tây Ban cầm tại trường Quốc gia Âm nhạc. Và cũng trong thời gian này, ông và danh ca Minh Trang kết tóc se duyên với nhau. Cả hai người trước đó đều đã một lần lập gia đình và đều đã có con riêng. Dương Thiệu Tước và Minh Trang sống hạnh phúc bên nhau trong 30 năm, có với nhau 5 người con là: Dương Hồng Phong, Vân Quỳnh (ca sĩ hải ngoại), Vân Dung, Vân Hòa và Vân Khanh.

Mối tình với Minh Trang đã đem lại niềm cảm hứng vô tận để Dương Thiệu Tước có thể sáng tác thêm nhiều ca khúc hay, đầy trang nhã của nhạc bán cổ điển, như: “Ngọc Lan”,Áng Mây Chiều”, “Buồn Xa Vắng”, “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”, …  Đặc biệt bản nhạc “Ngọc Lan” được nhà xuất bản Tinh Hoa xuất bản năm 1951 và tái bản vài lần, sau đó được phổ biến qua giọng ca Thái Thanh và được nhiều ca sĩ nổi tiếng khác thử sức.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Minh Trang

Đến năm 1953, Nhà Xuất bản Tinh Hoa đã thống kê ra đến 41 ca khúc ông viết từ thuở sơ khai của nền tân nhạc Việt Nam đến thời điểm đó. Sau khi vào Sài Gòn, những ca khúc của ông vẫn tiếp tục được tái ấn hành và được Thái Thanh, Minh Trang và cô con gái Quỳnh Giao trình diễn nhiều lần tạo dấu ấn sâu sắc nhớ mãi không quên trong lòng người hâm mộ.

Cuối năm 1979, Minh Trang sang Mỹ, còn Dương Thiệu Tước ở lại Việt Nam, đến năm 1982, ông chung sống với cô Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh, một học trò cũ trước đây từng học ở trường Âm nhạc quốc gia Sài Gòn và được bà chăm lo cho tuổi xế chiều.

Ngày 1 tháng 8 năm 1995, Dương Thiệu Tước ra đi mãi mãi, ông hưởng thọ 80 tuổi. Cũng cùng năm đó Hãng phim Trẻ xuất bản cuốn băng video “Thuyền mơ” gồm 8 bài hát của Dương Thiệu Tước, là tuyển chọn âm nhạc chính thức đầu tiên sau 1975 của vị nhạc sĩ này.

Thoixua biên soạn

Viết một bình luận