Nhạc sĩ Minh Kỳ – Người nhạc sĩ nóng nảy tài hoa nhưng bạc mệnh

Minh kỳ là một nhạc sĩ tiêu biểu của các tình khúc Bolero vang bóng một thời, người đã để lại cho đời những tình khúc ngọt ngào, say đắm về tình yêu và cũng thể hiện những cay đắng tình đời. Ông là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng cho đến ngày nay như: Sầu tím thiệp hồng, Trở về cát bụi, Chuyện ba mùa mưa, Tình đời, Thương về xứ Huế, Tiếng hát học trò… Ông để lại cho đời hàng trăm ca khúc nổi tiếng. Tuy tài hoa là thế nhưng cuộc đời ông khá ngắn ngủi, ra đi khi mới ngoài tứ tuần (45 tuổi).

Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Kỳ sinh năm 1930, ông là người gốc Huế nhưng được sinh ra tại Nha Trang – Khánh Hòa. Chiếu theo gia phả hoàng tộc triều Nguyễn thì ông là cháu 5 đời của vua Minh Mạng, có vai vế ngang với vua Bảo Đại ( Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy). Ông cũng là người con duy nhất của một gia đình khá giả thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn tại Nha Trang.

Nhạc sĩ Minh Kỳ trải qua thời niên thiếu ở Nha Trang và Quy Nhơn. Năm 14 tuổi, ông học nhạc ở trường Gagelin (Quy Nhơn), sau đó được gửi đi du học ở Pháp tại Trường Bách khoa Paris. Năm 1949, ông cho ra đời ca khúc đầu tiên của mình mang tên “ Chị Hằng”. Năm 1952 ông lập gia đình và sống tại Nha Trang, chắc có lẽ vì gắn bó với mảnh đất vùng diên hải này lâu nên tình cảm của ông dành cho nơi này khá nhiều, để khi đi xa ông lại nhớ về và cho ra đời những nhạc phẩm như: “Nha Trang”, “Nhớ Nha Trang”, “Nha Trang Chiều Mưa”…
Sau khi lập gia đình được một thời gian, năm 1957 Minh Kỳ chuyển vào Sài Gòn làm việc, hoạt động văn nghệ và sáng tác nhiều ca khúc phù hợp với thị hiếu của mọi người lúc bấy giờ. Đến năm 1959, ông hợp tác cùng Lê Dinh và Anh Bằng lập nên nhóm sáng tác mang tên Lê Minh Bằng, cho ra mắt những nhạc khúc để giới thiệu trên làn sóng Đài phát thanh hay những chương trình ca nhạc của các hãng đĩa để mọi người biết đến. Trong đó nhạc phẩm nổi tiếng nhất thời bấy giờ mà chắc ai cũng biết tới là ca khúc “ Đêm nguyện cầu” được phát hành năm 1966. Ngoài nghệ danh Lê Minh Bằng nhóm nhạc sĩ này còn sử dụng các tên khác khi sáng tác như là: Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ, Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn… Ngoài sáng tác các nhạc phẩm, nhóm Lê Minh Bằng còn mở lớp dạy nhạc và đào tạo ra nhiều ca sĩ nổi tiếng: Trang Mỹ Dung, Giáng Thu, Kim Loan. Học trò trong lớp nhạc này kể lại: “Thầy Minh Kỳ cao lớn to con, tính tình thì nóng nảy, thầy có cái oai nên học trò rất sợ và khớp, Nhất là trong phòng thâu thanh, thầy vừa đàn vừa phải quay mặt chỗ khác để học trò đỡ bị khớp.”

Khi cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt, ông gia nhập vào lực lượng cảnh sát và trở thành trưởng ban Văn nghệ Nha Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, tại đây ông gặp một sĩ quan cảnh sát khác đó là nhạc sĩ Hoài Linh. Người đã cùng Minh Kỳ sáng tác ra những ca khúc để đời như: Sầu tím thiệp hồng, Cánh buồm chuyển bến, Chuyến tàu hoàng hôn, …

Chức vụ cuối cùng trước 30/04/1975 của ông là đại úy, sau sự kiện 30/04 Minh Kỳ bị đưa đi “học tập cải tạo” tại trại An Dưỡng, Biên Hòa. Tại đây khuya ngày 31/08/1975 ông ra đi vĩnh viễn khi vừa bước sang tuổi 45 để lại vợ và 9 người con vì một vụ nổ không rõ lí do trong trại, cùng với ông 2 người khác cũng bị thiệt mạng. Phần tro cốt thi hài của ông hiện được lưu giữ tại nhà hài cốt thuộc Giáo xứ Tân Định.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, trên con đường sự nghiệp sáng tác nhạc sĩ Minh Kỳ đã để lại cho chúng ta hàng trăm ca khúc nổi tiếng và được các thế hệ mai sau giữ gìn. Ông được xứng danh là một nghệ sĩ tài hoa, là một nhạc sĩ tiêu biểu cho dòng nhạc vàng trước năm 1975. Ca sĩ Hoàng Oanh từng nói rằng: “Nhạc của Minh Kỳ tha thiết, trìu mến. Giai điệu đơn giản, uyển chuyển, dễ đàn và dễ hát. Nét nhạc của ông trong sáng, bình dị.”

Là một người con gốc Huế, Minh Kỳ sáng tác khá nhiều ca khúc về nơi cội nguồn của mình. Nhiều ca khúc nổi tiếng phải kể đến : Thương về xứ Huế ( Hoài Linh viết lời), Người em Vĩ Dạ, Mưa trên phố Huế, Mùa đông xứ Huế ( viết chung với Lê Dinh)…

Ngoài ra hàng loạt ca khúc nổi tiếng do ông sáng tác cho đến bây giờ vẫn được mọi người chú ý đến như: Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương, Biệt Kinh Kỳ, Tình Hậu Phương, Tình Đời, Xuân Đã Về, Đường Về Khuya, Sầu Tím Thiệp Hồng, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, 5 Cụm Núi Quê Hương,…Không những thế ông còn sáng tác các ca khúc về Đà lạt mộng mơ như: Má Hồng Đà Lạt, Thương Về Miền Đất Lạnh, Đà Lạt Hoàng Hôn viết chung với Dạ Cầm ( Anh Bằng) trong nhóm Lê Minh Bằng và còn rất nhiều ca khúc khác nữa.

Năm 2006, trung tâm Asia vinh danh ông, cùng với hai nhạc sĩ Anh Bằng và Lê Dinh trong chương trình Asia 52 – Huyền thoại Lê Minh Bằng. Năm 2017, trong chương trình Sol Vàng tháng 3 lên sóng với chủ đề “ Tình Đời” để tôn vinh nhạc sĩ Minh Kỳ với những màn trình diễn đặc sắc của các ca sĩ nổi tiếng như danh ca Bảo Yến với hai ca khúc Mưa trên phố Huế và Chuyến tàu hoàng hôn. Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của các ca sĩ Phương Dung, Thái Châu, Chế Thanh, Randy, Vân Khánh, Quốc Đại, Hà Vân và Hà Thúy Anh lần lượt thể hiện những sáng tác quen thuộc khác của nhạc sĩ Minh Kỳ như: Sầu tím thiệp hồng, Trở về cát bụi, Chuyện ba mùa mưa, Tình đời, Thương về xứ Huế, Tiếng hát học trò…

Viết một bình luận