Viết về nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn – Người nghệ sĩ tài hoa trong nhiều lĩnh vực – Người gắn liền với ký ức một thời của bao người về chương trình “Nhạc Chủ Đề” thập niên 1960, 1970.

Vào những năm thập niên 1960, có ba chương trình nhạc mà được khán thính giả theo dõi nhiều nhất và vô cùng yêu thích là chương trình Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng, Tiếng Nhạc Tâm Tình do Anh Ngọc và Mai Thảo phụ trách và chương trình Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn đảm nhiệm. Mỗi chương trình đều có một sắc thái riêng và điểm nhấn đặc biệt. Nhưng có lẽ với nhiều người, vào mỗi tối thứ Năm hàng tuần luôn chờ đợi đón nghe chương trình “Nhạc Chủ Đề” trên đài phát thanh Sài Gòn ngày ấy. Với những lời dẫn quen thuộc cùng giọng đọc trầm ấm của Nguyễn Đình Toàn từ làn sóng điện như cuốn thính giả vào chương trình nhạc một cách vô thức:

“Tình ca – những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…

Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố”…

Ðó là một trong những lời mở đầu của chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn vào một tối thứ năm ngày ấy. Chính nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn đã đọc những lời giới thiệu này sau phần nhạc hiệu của chương trình, và tiếp theo là phần thể hiện ca khúc của những giọng ca nổi tiếng thời bấy giờ như: Duy Trác với “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, giọng hát Thái Thanh với “Giáo Ðường Im Bóng” của Nguyễn Thiện Tơ, Sĩ Phú với “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền, Lệ Thu với “Bóng Chiều Tà” của Nhật Bằng, Khánh Ly với “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy,…

Với những ai đã sống vào thời điểm đó của những ngày tháng xưa cũ chắc hẳn sẽ còn nhớ đến những lời giới thiệu này, những tiếng hát lời ca ấy sẽ vẫn còn vang dội vào tâm tư của mỗi người cho dù bao năm tháng đã trôi qua, những ca khúc ấy vẫn ở lại mãi trong tiềm thức của mỗi chúng ta.

Bằng những ngôn từ được lựa chọn trau chuốt, kĩ càng của một nhà thơ, nhà văn cùng với giọng đọc truyền cảm, trầm ấm Nguyễn Đình Toàn đã tạo nên một lối dẫn nhập rất lạ và hấp dẫn, lôi cuốn người nghe. Đồng thời với sự lựa chọn ca khúc và người thể hiện hết sức cẩn thận mà chương trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn cộng tác với nhạc sĩ Vũ Thành An trở thành chương trình được nhiều khán thính giả yêu thích và nhớ mãi cho đến tận sau này.

Như ca sĩ Quỳnh Giao đã viết về chương trình này như sau: “Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong ông cổ điển, khác với lời viết của Mai Thảo, hay lời nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc. Chương trình ăn khách và tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu ‘Hỡi em yêu dấu’ như chỉ nói với một người…

Nguyễn Đình Toàn không những được biết đến qua chương trình nổi tiếng “Nhạc Chủ Đề” mà ông còn được biết đến là một người tài năng trong nhiều lãnh vực văn, thơ, nhạc, kịch. Ông đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: truyện, tiểu thuyết, kịch nói, bút ký và những tác phẩm của ông cũng từng đạt được những giải thưởng văn học lớn thời bấy giờ.

Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại huyện Gia Lâm, bên bờ sông Hồng, ngoại thành Hà Nội. Khi mới bước vào sự nghiệp văn chương ông lấy bút hiệu ban đầu là Tô Hà Vân nhưng thành danh với tên thật và cũng là bút hiệu chính thức sau này là Nguyễn Đình Toàn.

Năm 1954, Nguyễn Đình Toàn di cư vào Nam, lúc này ông bắt đầu viết văn, làm thơ, viết kịch, viết nhạc, cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học (trong nhiều năm liền Nguyễn Đình Toàn phụ giúp Trần Phong Giao tuyển chọn thơ và truyện cho báo Văn). Nguyễn Đình Toàn cũng viết bài cho các nhật báo Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến. Đồng thời, ông cũng là biên tập viên của đài phát thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề trong những năm thập niên 60, 70. Ngày nay ở hải ngoại, vẫn còn lưu giữ CD Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn, Tình Ca Việt Nam, đánh dấu cho giai đoạn này.

Sau sự kiện 1975, Nguyễn Đình Toàn bị bắt hai lần và đi tù cải tạo một thời gian dài gần sáu năm. Cuối năm 1998, ông sang Mỹ định cư, tại đây Nguyễn Đình Toàn và vợ (cô Thu Hồng) cùng phụ trách chương trình Đọc Sách cho đài phát thanh VOA. Riêng Nguyễn Đình Toàn còn viết cho tuần báo Việt Tide mục Văn Học Nghệ Thuật của nhà văn Nhật Tiến cho tới khi nghỉ hưu.

Về lĩnh vực Văn, những tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn đã được xuất bản gồm:

  • Chị Em Hải(Truyện, Nhà xuất bản Tự Do 1961)
  • Những Kẻ Đứng Bên Lề(Truyện, Nhà xuất bản Giao Điểm 1974)
  • Con Đường (Truyện, Nhà xuất bản Giao Điểm 1965)
  • Ngày Tháng (Truyện, Nhà xuất bản An Tiêm 1968)
  • Phía Ngoài (Tập truyện, viết chung với Huỳnh Phan Anh, Nhà xuất bản Hồng Đức 1969)
  • Đêm Hè(Truyện, Nhà xuất bản Hiện Đại 1970)
  • Giờ Ra Chơi (Truyện, Nhà xuất bản Khai Phóng 1970)
  • Đêm Lãng Quên (Nhà xuất bản Tân Văn 1970)
  • Không Một Ai (Truyện, Nhà xuất bản Hiện Đại 1971)
  • Thành Phố (Truyện, Nhà xuất bản Kẻ Sĩ 1971)
  • Đám Cháy (Tập truyện, Nhà xuất bản Tân Văn 1971)
  • Tro Than (Truyện, Nhà xuất bản Đồng Nai 1972)
  • Áo Mơ Phai (Truyện, Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng 1972)
  • Đồng Cỏ (Truyện, Nhà xuất bản Đồng Dao/ Úc châu  1994).

Trong đó có hai tác phẩm đáng chú ý, đánh dấu sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Toàn đó là “Chị Em Hải” và “Áo Mơ Phai”. Chị Em Hải là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đình Toàn được xuất bản, được nhắc tới như là dấu ấn văn phong đầu tiên trên con đường sự nghiệp của ông. Bản thảo Chị Em Hải, được ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc chuyển tới nhà báo Phạm Xuân Ninh rồi sau đó là tới tay nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến (tác giả Khói Sóng), lúc đó đang là tổng thư ký nhật báo Tự Do. Như Phong nhận ra tài năng văn chương của Nguyễn Đình Toàn nên đã để cho cơ sở báo chí Tự Do xuất bản ngay cuốn sách này.

Áo Mơ Phai là cuốn sách  thứ 13 của Nguyễn Đình Toàn được xuất bản và đây cũng là tác phẩm được trao giải Văn Học Nghệ Thuật vào năm 1973. Giải thưởng Văn Học mà ông nhận được bao gồm một tấm huy chương và kèm theo số hiện kim 600.000 đồng tương đương với 40 lượng vàng theo thời giá bấy giờ, có thể nói đó là một giải thưởng vô cùng danh giá và đáng giá lúc ấy.

Huỳnh Phan Anh nhận định về cuốn sách này trên tạp chí Văn Học 10/02/1974 như sau: “Phải nhìn nhận rằng yếu tố ‘truyện’ là cái gì quá nghèo nàn trong Áo Mơ Phai, truyện dài. Một độc giả bình thường có thể thất vọng sau khi đọc Áo Mơ Phai. Người đọc có thể xếp cuốn sách lại với nỗi bàng hoàng nào đó, có lẽ người đọc sẽ khó thâu tóm ‘câu truyện’ mà tác giả đã dùng trên 300 trang sách để kể. Có thể câu truyện thật sự của Áo Mơ Phai không thể tách rời khỏi từng trang Áo Mơ Phai, nghĩa là không thể giản lược tóm thâu mà không làm mất ý nghĩa của nó. Có thể vì câu truyện thực sự của Áo Mơ Phai là cái gì chưa hoàn tất, nói một cách nào đó, hãy còn vắng mặt, hãy còn hứa hẹn.”

Cũng trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói rằng: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

Về Thơ: Nguyễn Đình Toàn có tác phẩm thơ Mật Đắng được xuất bản bởi Nxb Huyền Trân  năm 1962.

Về Kịch: các vở kịch của Nguyễn Đình Toàn đều là kịch truyền thanh, trừ Cơn Mưa được trích đăng trong bộ môn Kịch Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, còn các bản thảo của các vở kịch khác đều đã bị thất lạc

Về Ký: Tác phẩm Bông Hồng Tạ Ơn I & II  của Nguyễn Đình Toàn được xuất bản lần lượt vào năm 2006 và 2012 do Nxb Đêm Trắng.

Về Âm Nhạc: Nguyễn Đình Toàn được biết đến là người viết lời cho hai ca khúc nổi tiếng “Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi” của nhạc sĩ Vũ Thành An trước năm 1975. Và sau này ông cũng là người viết lời cho bản “Còn Tiếng Hát Gửi Người” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Bằng Kiều trình bày.

Ngoài viết lời bài hát cho nhạc của những nhạc sĩ khác, Nguyễn Đình Toàn còn sáng tác nhiều ca khúc khác dưới bút danh là Hồng Ngọc, đặc biệt là bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” được người trong và ngoài nước biết đến nhiều nhất. Danh ca Khánh Ly kể: “Tôi nhận được nhiều bài hát từ người vượt biển. Cùng thời gian đó, từ Pháp gửi qua cho tôi một số bài hát ký tên Hồng Ngọc, trong số có bài ‘Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên.’ Thực tế bài hát đó có tựa nguyên thủy là ‘Nước Mắt Cho Sài Gòn.’ Ông Võ Văn Ái đã đổi tựa và viết thêm lời. Hồng Ngọc là bút hiệu của Nguyễn Ðình Toàn.

Ở hải ngoại, những ca khúc của Nguyễn Đình Toàn được thể hiện qua giọng hát Khánh Ly  qua 2 CD “Hiên Cúc Vàng”, “Mưa Trên Cây Hoàng Lan” và CD “Tôi Muốn Nói Với Em” được trình bày qua nhiều giọng ca nổi tiếng khác như: Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Anh Dũng, Mai Hương…. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Đình Toàn viết hơn 100 ca khúc, với hai chủ đề chính là quê hương và tình tự dân tộc.

Ngày 3 tháng 12 năm 2011, diễn ra “Ðêm Nhạc Thính Phòng Nguyễn Ðình Toàn,” do Viện Việt Học tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt, Westminster. Với sự đồng ý của tác giả, gần 20 ca khúc đã được gửi tới khán giả quận Cam, bằng các giọng hát mới đã được chọn lọc từ các buổi trình diễn nhạc thính phòng tại Viện Việt Học, hay được mời từ ban nhạc của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ, ban Ngàn Khơi các giọng hát Mộng Thủy, Anh Dũng, Vương Lan, Mai Dung, Bích Huyền, Tạ Chương, Hàn Phúc, Thanh Thúy, Khang Huy, Ái Phương, Khắc Hiền, Ngọc Thủy,…

Trên sân khấu, các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã khiến khán giả phải chìm đắm trong những hồi tưởng, những ký ức, những cảm xúc về một thời đã qua như: Dạ Khúc, Trăng Mòn, Ðường Ðưa Bước Em Ði, Em Ðến Thăm Anh Ðêm 30, Tình Khúc Thứ Nhất, Nếu Mai Này, Nước Mắt Cho Sài Gòn, …

Ngày 13 tháng 4 năm 2019, đêm nhạc chủ đề “Một Ngày Sau Chiến Tranh” được Viện Việt Học tổ chức để vinh danh người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Đình Toàn nổi tiếng với tài viết văn, làm thơ với lời hay ý đẹp, đi vào lòng người, qua chương trình “Nhạc Chủ Đề” với khoảng hơn 500 khán giả ở vùng Nam California đến tham sự.

Điều đặc biệt trong chương trình lần này là các con của Nguyễn Đình Toàn  đã cùng nhau tới đây để lo cho đêm nhạc của ông. Cô con gái ông bay từ Australia sang để lo chăm sóc ông bà và gửi nhiều hình ảnh tư liệu cho chương trình đêm nhạc, cậu con trai cả lo âm thanh, cậu út đệm đàn, cậu còn lại lo chụp hình kỷ niệm.

Đêm nhạc có 22 ca khúc gắn liền với chủ đề: “Một Ngày Sau Chiến Tranh” do các ca sĩ trình diễn như Thu Vàng, Nga Mi, Anh Dũng, Hồng Hạnh, Tạ Chương, Mộng Thủy,… Mở đầu là bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” do nghệ sĩ Kim Yến trình bày, khiến người nghe phải bồi hồi xúc động. Đêm nhạc này đã diễn ra vô cùng thành công dưới sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo khán giả đến dự.

Thoixua biên soạn

Nguồn tham khảo từ trang amnhac.fm

Viết một bình luận