Khám phá hai cuốn sách hay và độc để hoài niệm về Sài Gòn xưa

Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước sang một năm mới hứa hẹn sẽ có nhiều điều may mắn hơn. Nhưng với tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp như hiện tại, rất nhiều người dân đi làm ăn xa quê ở Sài Gòn đang lo lắng không biết có thể về quê để ăn tết cùng gia đình không. Trong lúc mọi người đang hoang mang, lo lắng thì như có một cái duyên nào đó, hai tác giả đều là những nhà báo có tiếng, cách đây không lâu đã cho ra mắt những cuốn sách mới viết về đề tài Sài Gòn xưa. Hai cuốn sách tưởng chừng như chẳng có điểm nào nổi bật, nhưng đối với thời điểm hiện tại nó là một món quà tinh thần rất có giá trị với những người đang rầu rĩ về vấn đề ăn tết năm nay. Hai cuốn sách này sẽ giúp họ có thể cảm nhận và khám phá hết tất cả những điều cũ xưa, thú vị nhất, của mảnh đất Sài Gòn, nơi được xem là quê hương thứ hai của nhiều người làm ăn xa quê nhà. 

Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm 

Đây là một trong hai cuốn sách của tác giả Phạm Công Luận cho ra mắt vào thời điểm trước khi bước qua năm mới 2021. Ông vốn là một tác giả nổi tiếng thường viết về đề tài Sài Gòn xưa. Trước đó ông đã viết rất nhiều sách nói đến những hồi ký, những ghi chép về Sài Gòn thu hút được nhiều độc giả quan tâm. Cuốn sách Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm gồm 7 phần, tựa như 7 con đường bước vào một Sài Gòn những ngày xưa như một câu chuyện cổ tích, được một bà cụ kể lại, Sài Gòn thời còn hoang sơ khi về đêm nghe tiếng trùng kêu ma mị sởn cả gai ốc đến nổi những người lính phải đốt đuốc đi thành từng nhóm cho đỡ sợ. Khi được một bà cụ sinh năm 1848 kể về những câu chuyện Sài Gòn xưa cách đây gần 2 thế kỷ, người nghe cũng đủ thấy lạ lẫm. Thế mới biết được, Phạm Công Luận đã phải bỏ ra biết bao nhiêu là mồ hôi công sức, miệt mài nhiều năm ghi chép lại những câu chuyện dường như đã dần chìm vào quên lãng.

Ông đã dùng hết tâm huyết của mình để tìm kiếm, mày mò từ các trang tài liệu, các bài báo, hình ảnh xưa nhằm giữ lại những ký ức về một Sài Gòn cổ điển và tráng lệ để khẳng định rằng khi không có vẻ hiện đại, tân tiến như ngày nay thì Sài Gòn vẫn đẹp, vẫn tỏa sáng một cõi trời Nam. Sau nhiều bộ sách viết về Sài Gòn của Phạm Công Luận, dù vẫn trong một đề tài về vùng đất thuở ban đầu nhưng ở tác phẩm Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm tác giả như chuyển mình sang một hướng đi khác linh hoạt, mới mẻ hơn. Trong cuốn sách này, tác giả tiếp tục nói về những ghi chép, những sưu khảo về văn hóa xã hội, phong tục tập quán và lối sống thành thị của Sài Gòn. Ông vẫn trung thành với lối viết tản văn về hồi ức cộng đồng, nhưng khác ở chỗ cuốn sách này được viết trong một cấu trúc chặt chẽ hơn, đây sẽ là một sự lựa chọn tiếp cận Sài Gòn đặc sắc và mang đậm dấu ấn cá nhân. Trọng tâm cuốn sách sẽ nói về ký ức của những người may mắn đã thấy được Bến Nghé xưa, những câu chuyện thú vị về nhà ở, trang phục, lối sống, về giải trí, ẩm thực, công việc mưu sinh kiếm sống hằng ngày và nhiều khía cạnh khác của người dân với các tầng lớp khác nhau trong xã hội xưa. Ngoài ra còn có cả sự gia nhập, góp phần vào việc xây dựng giá trị Sài Gòn của những người ở khắp nơi trên thế giới nhập cư tại đây. 

Trong Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, các bạn đọc sẽ thấy được một hình ảnh Sài Gòn xưa không vội vã mà chậm rãi, một Sài Gòn khác biệt trên những câu chuyện tưởng như đã chìm sâu vào quá khứ. Thông qua đó, ta sẽ thấy được sự thay đổi da thịt qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau để hình thành nên một thành phố năng động và hoàn mỹ như ngày nay. Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên, bằng những hiểu biết vốn có và sự trải nghiệm của một người dân Sài Gòn, Phạm Công Luận đã tích góp và kể lại nhiều câu chuyện thú vị về một Sài Gòn từ thuở xa xưa. Bên cạnh đó, qua việc nâng niu và giữ gìn những ký ức đẹp về Sài Gòn, tác giả đã bỏ ra không ít công sức để có thể làm cho người đọc thấy được sự tỏa sáng của nơi đây. Dù trải qua nhiều năm tháng, qua nhiều lần thay áo mới thì Sài Gòn vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng vốn có của nó, điều này khiến cho tác giả rất hạnh phúc khi thấy được những gì mình bỏ ra là xứng đáng. Từ những câu chuyện được Phạm Công Luận viết trong cuốn sách của ông tựa như một kho phim tài liệu quý hiếm của vùng đất Sài Gòn những tháng ngày xưa cũ, giúp cho người đọc tìm ra được nhiều giá trị sâu sắc và chỉ thuộc riêng về một mình thành phố này. 

Trong cuốn sách tác giả có viết: “Từ trăm năm qua, người Sài Gòn đã chớm hưởng thụ nhiều thú vui tinh thần: nghe diễn thuyết, đọc sách báo, nghe hát dĩa và nghe băng nhạc, xem phim, sáng tác tranh và sưu tầm tranh… Món ăn tinh thần nào cũng hình thành hệ thống dịch vụ đi kèm. Người Sài Gòn không hề lạc hậu với thế giới trong thưởng thức các thành tựu văn hóa tinh thần, dù có bị bưng kín vẫn tìm cách thưởng thức. Tính cầu tiến, ham cái mới luôn sôi sục, không phải chỉ người trẻ mà người có tuổi vẫn dám xài, dám thể nghiệm những canh tân cải cách, những sản phẩm mới lạ. Tất cả những điều đó thúc giục tôi đi sâu tìm hiểu những điều gì tạo nên cuộc sống đời thường của người Sài Gòn – Gia Định trăm năm qua, kể từ khi bắt đầu thế kỷ XX với vài chục ngàn người Việt sống chung với người Pháp, Hoa, Ấn… Sau đó, là chặng đường đời qua bao biến động từ các cuộc chiến, khủng hoảng kinh tế, các cuộc viện trợ… ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều cuộc di dân biến Sài Gòn – Gia Định cũ thành siêu đô thị đông đúc hơn chục triệu dân, làm thay đổi rất lớn về mọi mặt. Các vật dụng, các mô thức đó tác động vào cuộc sống thường ngày qua trăm năm, hình thành một thứ gọi là tính cách đô thị Sài Gòn và con người Sài Gòn”. Tác giả viết cuốn sách này với mong muốn trân trọng và lưu giữ những điều tốt đẹp nhất của thời xưa chứ không phải là sự tiếc nuối ngậm ngùi về quá khứ. Bên cạnh đó muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng phải biết kính trọng, tiếp nối các bậc ông cha xưa mà giữ gìn một Sài Gòn với tinh thần bao dung, trân quý, biết cách đón nhận cái mới nhưng không vội lãng quên cái cũ. Phải biết trân trọng những gì mình đang có, từ những thứ nhỏ nhặt, đời thường nhất, biết đâu được những thứ vốn quen thuộc với chúng ta hiện tại sâu bên trong nó đang ẩn chứa một câu chuyện nào đó đang chờ được khai phá.

Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó

Đây là cuốn sách mới nhất của Cù Mai Công, ông sinh năm 1962, từ nhỏ ông đã bộc lộ được năng khiếu viết văn, làm thơ của mình, ngoài ra ông còn được biết đến là một người văn võ song toàn. Từ năm 1979 đến nay, ông đã và đang là võ sư tham gia luyện tập và phụ trách đào tạo hơn 5.000 võ sinh môn Karatedo của Nhà Văn Hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 100 khóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà mọi người vẫn thường hay nhắc đến khi nói về cách viết văn uyển chuyển, linh hoạt của ông. Trong lĩnh vực viết báo và sáng tác, ông là một tác giả có nhiều kinh nghiệm, nếu như Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm của Phạm Công Luận được viết với sự kéo dài từ thời gian đến không gian của một vùng đất Sài Gòn rộng lớn thì cuốn sách Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó của ông trái ngược hoàn toàn, cuốn sách chỉ viết về một không gian nhỏ là khu chợ Ông Tạ với khoảng thời gian của vài chục năm về trước.

Là một con người lớn lên ở khu Ông Tạ – Sài Gòn vào thời điểm lịch sử nhiều biến động, thay đổi, Cù Mai Công đã để rất nhiều tâm huyết của mình vào tác phẩm này. Khu vực có tên gọi Ông Tạ, nơi đây được hình thành từ sau khoảng thời gian những ngày đất nước bị chia cắt, nhiều người dân miền Bắc đã di cư đến đây, họ mang theo lối sống, phong tục tập quán và văn hóa của vùng đất Bắc Bộ. Họ đã nhanh chóng hòa nhập và cùng với những người dân bản địa nơi đây hình thành nên một mảnh đất mới cùng nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng biệt. Đến một khoảng thời gian không lâu sau đó, những nét đặc trưng riêng của vùng đất Ông Tạ đã hòa làm một cùng với những bản sắc nhiều vùng miền khác nhau góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng cho thành phố này. Sài Gòn là như thế đó, luôn dang rộng cánh tay chào đón những con người từ khắp nơi quy tụ về đây, là nơi gắn kết tất cả mọi người lại với nhau để cùng tạo nên nét đặc trưng cho một địa danh. Trong phần phê bình đầu cuốn sách Sài Gòn một thuở – Dân ông Tạ đó của nhà báo Cù Mai Công có viết: “Sài Gòn là vậy, hào sảng đón những người dân  tứ xứ tụ về, rồi chính những con người lại khi sống gần nhau, lại làm nên bản sắc cho một địa danh. Nói “dân Ông Tạ đó!” là người ta nhớ tới khu chợ Bắc với những món đặc sản giò chả, mắm tôm, bún chả…, nhớ bước chân vào Nam của người dân Bắc 54 cùng khát vọng sống và vươn lên mạnh mẽ, nhớ đại đồn Chí Hòa, những trại lính thời trước 75, những khu nghĩa địa với bao tin đồn hư hư thực thực, đặc biệt, đây là nơi quy tụ những văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, từ trước đến nay. “Những người muôn năm ấy” có khi nay không còn, hoặc đã đi muôn phương, nhưng một thời họ là “dân Ông Tạ”, góp phần tạo nét riêng cho vùng đất này. Ông Tạ là một phần của Sài Gòn một thuở. Có nhiều người trẻ Sài Gòn hôm nay vẫn còn nghe “ngã ba Ông Tạ”, thế nhưng “Ông Tạ” thực ra là ai, vì sao được lấy tên đặt tên ngã ba, tên chợ… thì nhiều người không rõ. Lịch sử và xã hội một thời được ghi lại tỉ mỉ và đầy thú vị qua ngòi bút của tác giả vốn là nhà văn – nhà báo từng trải. Anh nhớ tỉ mỉ đến từng ngõ nhỏ, quán cafe, những nhân vật một thời phong vân… với tình yêu mến và trân trọng. Và cuốn sách đã góp một mảng màu độc đáo trong những tác phẩm về Sài Gòn”

Qua cuốn sách này của Cù Mai Công, ông đã sử dụng lối viết thật mộc mạc, gần gũi như kéo ngắn lại khoảng cách của một thời xa xưa vào thời điểm Sài Gòn – Gia Định còn yên tĩnh, trống vắng bỗng trở nên nhộn nhịp, tấp nập vì vừa được tiếp thêm sinh khí bởi những người dân miền Bắc mới di cư vào. Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó được coi như là bước đi đầu tiên trên hành trình tìm về cuộc sống của khu Ông Tạ thời xa xưa. Nhà báo Cù Mai Công cho biết, ông vẫn đang tiếp tục tìm hiểu và sẽ sớm viết tập 2 về khu Ông Tạ, trong tập mới này sẽ đề cập đến nhiều nhân vật vật lịch sử, hứa hẹn sự trở lại lần kế tiếp của Sài Gòn một thuở – Dân Ông Tạ đó sẽ dữ dội và đáng mong đợi hơn.

 

Viết một bình luận