Bộ ảnh độc – hiếm về Sài Gòn năm 1965 qua tài nhiếp ảnh của George P. Morgan

Người dân đỗ xô đi xem đưa ngựa ở tường đua Phú Thọ, những lính Mỹ rủ nhau lên sân thượng khách sạn để nướng thịt, rảnh rảnh lại rủ nhau lượn vài vòng trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ghi lại những khu chợ cũ đang dần thay da đổi thịt, bắt gặp những khoảnh khắc đời thường trên muôn nẻo đường Sài Gòn……tất cả đều là những bức hình độc đáo của một cựu binh lính Mỹ – George P. Morgan, Jr về Sài Gòn năm 1965.

Đại Lộ Hàm Nghi – Từ những năm cuối thế kỷ 17 thì khu vực trung tâm của Sài Gòn được gọi là thành bát quái (thành Gia Định) với hệ thống kênh rạch cùng với những hào sâu xung quanh. Sau cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi năm 1835 thì nơi đây cũng bị bỏ phế, nhiều khu vực xung quanh cũng được lấp lại để tạo thành đường đi, chỉ để lại duy nhất con rạch Cầu Sấu. Thế nhưng, sau này cũng được lấp lại và trở thành đại lộ de la Somme (sau năm 1955 thì được đổi tên thành Hàm Nghi và giữ nguyên tên như hiện nay).

Nếu tính từ đầu đường Hàm Nghi là ở phía sông Sài Gòn, tại đây Hàm Nghi tiếp giáp với Bến Bạch Đằng cùng với đại lộ Nguyễn Huệ. Vị trí giữa của hai con đường là tòa nhà của Tổng Nha Quan Thuế (sau này là Trụ sở Chi cục Hải Quan). Ngay vị trí đầu đường Hàm Nghi của những năm trước 1915 thì đây cùng là vị trí của hà ga xe lửa đầu tiên của Sài Gòn, tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho. Phải tận năm 1915 thì mới dời về gần chợ Bến Thành và đến những năm 1980 thì giữa đại lộ Hàm Nghi vẫn còn đường ray. Kết thúc đường Hàm Nghi là ở khu vực chợ Bến Thành, tại đây đường Hàm Nghi sẽ tiếp giáp với công trường Diên Hồng (hay còn gọi là vòng xoay Quách Thị Trang, bùng binh chợ Bến Thành) – Đại lộ Trần Hưng Đạo – Đường Lê Lai – Đường Phó Đức Chính.

Đại lộ Lê Lợi là con đường được khởi lập dưới thời Pháp của thế kỷ XIX, cũng đã gần 2 thế kỷ nhưng đoạn đường trung tâm này chỉ từng được gọi bằng 2 cái tên: Đại lộ Bonard dưới thời Pháp thuộc và đại lộ Lê Lợi (được đổi từ năm 1955 và giữ nguyên đến ngày nay).

Đoạn đường Đại lộ Lê Lợi gần với vòng xoay Công trường Lam Sơn. Án giữa ngã ba đường Lê Lợi và đường Catinat (sau này đổi thành đường Tự Do rồi đến cái tên Đồng Khởi) là Opera House khánh thành năm 1900. Từ năm 1956 thì nhà hát này bị trưng dụng là Trụ sở Quốc hội, nhưng đến khi chế độ Đệ nhất Cộng hòa sụp đổ vào năm 1963 thì nơi đây lại được dùng làm Nhà Văn Hóa trong một thời gian. Đến năm 1967 khi Đệ nhị Cộng hòa tái khởi thì lần nữa nhà hát bị dùng làm Trụ sở Hạ Nghị viện, phải tận sau năm 1975 thì mới được trả về đúng công năng nghệ thuật của nhà hát và lấy tên là Nhà Hát Thành Phố. Phía trước nhà hát là công trường Lam Sơn – cái tên xuất hiện cùng thời điểm với tên đường Lê Lợi (năm 1955), trong khuôn viên công trường có một công viên nhỏ lấy tên là công viên Lê Lợi, tại đây dưới thời VNCH đã được đặt một bức tượng đài có hình 2 binh lính Thủy quân Lục chiến chỉa hướng súng về phía tòa Hạ Nghị Viện.

Tòa đại sứ quán Mỹ đâu tiên tại Sài Gòn, được thành lập năm 1889 và đặt trụ sở tại số 39 đại lộ Hàm Nghi (ngay vị trí góc đường Hàm Nghi – Võ Di Nguy) và hiện nay, tòa nhà ấy vẫn còn tại chỗ đó. Sau vụ nổ bom chiếc xe hơi dựng bên ngoài tòa đại sứ năm 1965 đã dấy lên nhiều lo lắng về vấn đề an ninh nên người ta mới quyết định xây dựng một tòa đại sứ mới với sự bảo vệ tốt hơn. Địa điểm được chọn là Khu liên hợp Norodom tại số 4 Đại lộ Thống Nhất (sau này được đổi tên thành đường Lê Duẩn) ở góc đường Thống Nhất và Mạc Đĩnh Chi, gần nơi sông Bến Nghé đổ vào sông Sài Gòn. Đại sứ quán mới nằm cạnh đại sứ quán Pháp, đối diện đại sứ quán Anh và nằm gần Dinh Độc Lập.

Nhà thờ Tin Lành góc đường An Dương Vương – Nguyễn Duy Dương

Đường Hồng Bàng phía trước chợ An Đông

Chợ An Đông với dãy nhà phố trên đường Hùng Vương

Chợ An Đông có tên chính thức là Trung tâm Thương mại – Dịch vụ An Đông, đây vốn là một khu chợ truyền thống lâu đời của thành phố khi được hình thành vào khoảng năm 1950 và chính thức đi vào hoạt động năm 1954. Nhưng đến năm 1989, khu chợ truyền thống rơi vào tình trạng xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của rất nhiều tiểu thương nên mới được đầu tư xây dựng lại.

Lính Mỹ đang nướng thịt trên sân thượng của tòa Five Oceans BOQ, hình ảnh phía dưới là một góc của chợ An Đông.

Cư xá sĩ quan Mỹ Five Oceans BOQ nằm ở vị trí góc đường Yết Kiêu và đường Hùng Vương, gần phía sau của chợ An Đông, nơi đây thường dành cho những sĩ quan Mỹ vẫn còn độc thân.

North Pole BOQ tọa lạc tại số 48 đường Hồng Bàng thuộc khu vực Chợ Lớn. Vị trí trong hình là góc đường Hồng Bàng – Nguyễn Duy Dương, đối diện nhà thờ Tin Lành. Nếu từ đây đi về hướng bên phải khoảng 50m là tới phía trước Chợ An Đông.

Dãy nhà trong hình đang đối diện với chợ An Đông trên đường Hồng Bàng, tại đây đang diễn ra một đám tang của người Hoa khá lớn nên dân chúng kéo ra xem rất đông.

Trường đua Phú Thọ – Năm 1893, có một nhóm người Pháp tới Sài Gòn và lập ra “Hội đua ngựa Sài Gòn”. Ban đầu chỉ là một trường đua nhỏ (Vườn Bà Lớn), ngay vị trí góc ngã tư đường Verdun với Le grand de la Liraye (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám – Điện Biên Phủ). Thường thì cuối tuần, những sĩ quan hoặc binh lính Pháp sẽ tổ chức những đợt dượt mã với sự cổ vũ của đội kèn, trông rất nhộn nhịp. Sang đến năm 1906, một thương gia người Pháp tên là Jean Duclos mới đem loại hình này ra kinh doanh. Ông mang 8 con ngựa giống Ả-rập tốt đến vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, tổ chức một cuộc đua. Giới ăn chơi thượng lưu ở Sài Gòn làm sao bỏ qua được và cũng dần làm quen với hình thức chơi “quý tộc” này, sau đó thì dân say mê như thói cờ bạc. Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra thì trường đua cũng ngừng hoạt động cho đến tận năm 1920.

Trường đua Phú Thọ – Năm 1932, “Hội đua ngựa Sài Gòn” thấy người Việt Nam ở Nam Kỳ Lục tỉnh rất “máu” với môn thể thao này nên đã quyết định mua lại một khu đất rộng hơn 44ha ở khu vực Phú Thọ (thuộc tuyến Lê Đại Hành – Lý Thường Kiệt ngày nay) để xây dựng một trường đua mới. Ban đầu đây là khu nghĩa địa, sau khi mau xong thì hội cho bốc dỡ hết đem cải táng nơi khác. Sau 4 năm thì trường đua Phú Thọ trở thành trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á mà giới ăn chơi thượng lưu vùng Nam kỳ Lục tỉnh thường xuyên lui tới. Nơi đây cũng diễn ra các cuộc đua mô tô.

Rạch Bến Nghé là một con rạch chảy qua trung tâm Thành phố, có chiều dài 3,1 km, là ranh giới tự nhiên giữa Quận 1 và Quận 4. Rạch bắt đầu từ ngã ba nơi giao với sông Sài Gòn và kết thúc tại ngã tư nơi giao với kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ và kênh Đôi. Phía bên trái bức hình là Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, đây là ngân hàng trung ương của Quốc Gia Việt Nam và VNCH, hình thành từ tháng 12 năm 1954 và hoạt động đến năm 1975.

Bến Bạch Đằng trước năm 1975 là con đường dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn từ Nhà máy Ba Son đến đầu đường Hàm Nghi nối với đường Bến Chương Dương. Nhưng sau năm 1975, đường Bến Bạch Đằng đổi thành đường Tôn Đức Thắng (nối thêm một đoạn từ Nhà máy Ba Son đến đường Lê Duẩn mà trước năm 1975 là một đoạn của đường Cường Để). Trước năm 1975, về phía cuối đường Bến Bạch Đằng, gần đầu đường Hàm Nghi có hai nhà hàng nổi trên sông là Ngân Đình và Mỹ Cảnh – Được xếp vào loại sang trọng nhất nhì Sài Gòn. Đến cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 thì trên Bến Bạch Đằng, đối diện bức tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh bỗng xuất hiện “khách sạn nổi năm sao” của một tập đoàn nước ngoài – tại thời điểm đó, đây được xem là một biểu tượng của thời kỳ đổi mới và hòa nhập, nhưng cũng chỉ được vài năm thì khách sạn nổi cũng dời đi mất.

Cổng vào nhà hàng nổi Mỹ Cảnh sau vụ đánh bom. Trước đó, nơi đây được xem là một trong những nhà hàng nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn với sức chứa tới 250 thực khách nên cũng được xem là một trong những nhà hàng có quy mô nhất Sài Gòn. Khách đến đây chủ yếu là nhân viên quân sự Mỹ hoặc các quan chức chế độ Sài Gòn. Sau lần tấn công bằng bom đó, nơi đây được khôi phục và tiếp tục hoạt động dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt hơn của lực lượng an ninh và tồn tại đến năm 1975 thì dừng hoạt động.

Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh sau vụ đánh bom

Bến Bạch Đằng, đầu đường Nguyễn Huệ – Bên trái là Nha Thương Cảng Sài Gòn tọa lạc tại số 1 đường Hàm Nghi (đầu đường Hàm Nghi). Giữa hình là Tổng Nha Quan Thuế (sau này là Trụ sở Chi cục Hải Quan, ở góc của ba con đường Hàm Nghi – Bến Bạch Đằng – Nguyễn Huệ).

Nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nét đặc trưng của du lịch Việt Nam. Tên gọi ban đầu của nhà thờ là Nhà thờ Sài Gòn, tên gọi Nhà thờ Đức Bà chỉ bắt đầu được sử dụng từ năm 1959 bằng việc đặt Tượng Đức Bà Hòa Bình trước khuôn viên.

Một chiếc không ảnh ghi lại buổi sớm mai ở khu vực Chợ Lớn. Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn, gọi là thành phố Chợ Lớn. Trong những năm 1930 – 1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau. Khu phố này từ lâu đã là nơi sinh sống của người Hoa và được coi là khu phố Tàu rộng nhất thế giới.

Cầu bộ bắc ngang con Rạch Thị Nghè trong khuôn viên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Bức tượng phật A Di Đà được vua Gia Long quyên tặng chùa Khải Tường, hiện tại bức tượng được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bên cạnh Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ngoài ra, đây cũng là nơi bảo tồn và trưng bày hàng chục ngàn hiện vật quý được sưu tầm trong và ngoài nước Việt Nam.

Vườn phong lan trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Một góc chụp khác trong Vườn Bách thú Sài Gòn, với cảnh quan thoáng mát và nhiều cây xanh được trồng để cho bóng mát.

Nhà nghỉ giữa hồ trong khuôn viên Thảo Cầm Viên

Đảo Khỉ

Chuồng cọp

Chuồng báo

Chuồng voi

Chuồng gấu chó

Người phụ nữ đang tạo dáng chụp ảnh trong Thảo Cầm Viên

Đền Kỷ Niệm – Năm 1926, nhà cầm quyền Pháp cho xây dựng cạnh cổng chính trong khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đối diện với Viện Bảo tàng Blanchard de la Bross (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), một ngôi đền mang tên Đền Kỷ niệm (Temple de Souvenir), để tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất.

Sau năm 1954, đền được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương, và thờ thêm một số nhân vật lịch sử khác như: Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Năm 1975, đền đổi tên là Đền Hùng Vương, và giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam quản lý cho đến nay. Đây cũng là một trong những nơi thờ vua Hùng Vương lâu đời tại Thành phố.

Viết một bình luận