Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (Phần 2): Cú “ngã ngựa” nơi “đất dữ”

Tay trắng tạo dựng sự nghiệp, khi chạm đỉnh vinh quang thì mọi thứ sụp đổ và tan thành mây khói. Bảy Phụng đã chết trong giấc mơ tham vọng làm giàu nhanh chóng của mình…

22 năm đã trôi qua, giờ đây, người đã nằm xanh cỏ, kẻ cũng đã trở về sau những tháng năm phải trả giá trong song sắt nhà tù. Đúng hay sai, thời gian đã trả cho mọi phán xét…

Dù bị coi là rất nóng vội, phiêu lưu nhưng không thể phủ nhận tầm nhìn khá xa, định hướng mang tính chiến lược của Bảy Phụng

Tầm nhìn chiến lược

Như chúng tôi đã nêu ở phần trước, những năm 90, tổng danh mục bất động sản (BĐS) của Minh Phụng có tới 169 biệt thự, nhà ở, văn phòng các loại; hệ thống nhà xưởng tập trung, kho tàng tại các khu công nghiệp có 78 đơn vị với diện tích trên 1,2 triệu m2; đất chuyên dùng có trên 2,6 triệu m2. Các tài sản trên phân bố khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng…

Có thể nói không ngoa rằng, có thời kỳ hầu như két sắt của các ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam đã hoàn toàn trống rỗng, bởi một phần vốn khổng lồ đã được Minh Phụng ném hết xuống các cánh đồng hoang vu khu Chí Linh, Vũng Tàu, các bãi sình lầy ở Thủ Đức hoặc trong các khu kho xưởng mênh mông tỉnh Sông Bé cũ.

Dù bị coi là rất nóng vội, phiêu lưu nhưng không thể phủ nhận tầm nhìn khá xa, định hướng mang tính chiến lược của Bảy Phụng khi đầu tư vào BĐS tại các khu vực trên. Thực tế khi xử lý tài sản thế chấp sau này cho thấy, các danh mục tài sản thế chấp là nhà xưởng, kho tàng tại các khu công nghiệp đều có giá khá cao, với thời gian thuê khoảng 40-50 năm, chỉ tính riêng tiền khai thác có ngân hàng đã thu được hàng trăm tỷ đồng.

Đối với tài sản là biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá Tòa án định khi xét xử. Riêng đối với các lô đất mà Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức trước đây (nay thuộc quận 2), theo quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, nếu được triển khai đầy đủ theo các dự án khả thi, thì lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn.

Do vậy, có ngân hàng được Tòa án giao cho một số lô đất tại khu vực quận 2, TP Hồ Chí Minh, chưa cần phải triển khai xây dựng dự án, cũng không cần đầu tư hạ tầng, qua phiên đấu giá một lô thôi đã thu đủ toàn bộ số nợ trên 15 triệu USD, ngoài ra đơn vị này còn dư ra được số tiền và tài sản trị giá cả chục triệu USD!

Bảy Phụng trả lời trước tòa

Thất bại là rủi ro

Nếu số BĐS Minh Phụng đầu tư tại khu vực TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương được coi là rất thành công, thì ngược lại, việc đầu tư vào vùng Bà Rịa – Vũng Tàu thực sự trở thành thảm họa.

Thống kê cho thấy, số tài sản thế chấp của Minh Phụng tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu giá bán được cao hơn từ 1,3 đến hơn 2 lần so với giá Tòa án đã định khi xét xử, tuy nhiên, so với giá thẩm định của ngân hàng khi cho vay thì giá bán được chỉ xấp xỉ bằng 25 đến 43%. Như vậy, dù bán hết số đất này cũng không thể nào thu hồi được khoản vay nên có thể khẳng định các dự án của Minh Phụng tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu phần lớn là thất bại.

Tuy nhiên, cũng không phải ngẫu nhiên khi Minh Phụng lại chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là miền đất hứa, để rồi đổ hết tiền của vào mà ôm hận. Nếu ta nhớ lại đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Bà Rịa – Vũng Tàu đã được chọn là vùng trọng điểm về kinh tế phía Nam, với định hướng phát triển ngành Dầu khí, khi đó, theo quy hoạch, TP Vũng Tàu sẽ là trung tâm của ngành Công nghiệp hóa dầu với một nhà máy lọc dầu rất hiện đại dự kiến sẽ xây dựng tại khu vực xã Long Sơn. Như vậy, sẽ phải có hàng ngàn doanh nghiệp, hàng vạn con người tập trung ở đây, kéo theo các dịch vụ về ngân hàng, tín dụng, nhà ở, văn phòng, biệt thự v.v…

Đón bắt được hướng phát triển này, bằng tất cả khả năng của mình cũng như bằng mọi phương cách, Bảy Phụng lao vào đầu cơ đất đai. Không chỉ những vị trí đẹp nhất trong thành phố, mà cả những vùng đất sình lầy, bãi hoang chưa có người ở trên địa bàn TP Vũng Tàu và các vùng lân cận cũng đều nằm trong kế hoạch phát triển đầy tham vọng của Bảy Phụng.

Nói một cách khách quan, thực sự Minh Phụng đã in dấu ấn khá đậm nét trong quá trình đô thị hóa ở đây. Những năm 1993-1996, nếu ai đến khu vực TP Vũng Tàu, hẳn dễ dàng nhận thấy sự khởi sắc từng ngày về cảnh quan, kiến trúc đô thị. Hàng loạt khu biệt thự to đẹp, đầy đủ tiện nghi nhanh chóng mọc lên tại TP Vũng Tàu. Không những thế, cả những “cánh đồng hoang” khu vực Chí Linh, rồi những địa danh: Đồng Sát, Hải Đăng, Long Hải, Phước Tỉnh v.v… một ngày kia đều được gắn với tên Minh Phụng với những dự án hoành tráng.

Tuy nhiên, sự “thất bại” có thể thấy ngay khi quy hoạch có sự thay đổi, khu công nghiệp hóa dầu được chuyển ra Dung Quất (Quảng Ngãi), kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu tại TP Vũng Tàu chưa biết bao giờ mới thực hiện.

Các cơ hội mà Minh Phụng tưởng như đã đón bắt được, nay vụt qua như ánh sao băng! Kết cục cũng giống như một số đại gia khác đã lao vào đất đai tại Vũng Tàu như Ba Vinh, Phạm Huy Phước,… Bảy Phụng cũng đã phải bỏ mình tại miền đất này.

Có người cho rằng Vũng Tàu quả là miền đất dữ, cũng có ý kiến cho rằng Bảy Phụng “thất bại” do sai lầm quá nóng vội, đi trước thời cuộc, nhưng những gì cho ta thấy ở trên, có thể sẽ khách quan hơn, nếu ta nhận xét thất bại của Bảy Phụng phần lớn là rủi ro.

Có lẽ, khó ai có thể hiểu chính xác nỗi lòng hay suy nghĩ của Bảy Phụng khi đứng trước vành móng ngựa nghe kết án cho chính hoài bão, mộng tưởng của mình. Nhiều người đã phân tích, mổ xẻ và nói tham vọng của Bảy Phụng là sự hoang tưởng.

Thực tế, trong số những bài học rút ra từ vụ án kinh tế lớn nhất của đất nước ta thế kỷ trước, mô hình Công ty mẹ – Công ty con của Bảy Phụng đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi hiện nay, tất nhiên là với nghĩa tập đoàn đầy đủ nhất cùng hệ thống pháp lý vững vàng. Dẫu sao thì Bảy Phụng cũng không còn có mặt trên đời để chứng kiến sự thay đổi đó.

Viết một bình luận