Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (Phần 3): Sự “sụp đổ” bên bờ “ảo vọng”

Rơi vào thế cưỡi trên lưng cọp khi nợ vay chồng chất, khả năng sinh lời từ tài sản không thể có trong một sớm một chiều, Bảy Phụng phải sử dụng các “chiêu trò” lừa đảo các ngân hàng để có vốn…

Tất cả tiền bạc có được và vay được từ ngân hàng Bảy Phụng đều “ném” vào “canh bạc” bất động sản với những dự định lớn lao.

Tuổi trẻ, sức lực, tâm huyết Bảy Phụng đều dồn vào công việc, vợ Bảy Phụng đã từng chia sẻ với báo giới: Niềm vui duy nhất của ông là con cái và đam mê lớn nhất là công việc. Không rượu chè, cờ bạc, trai gái – những thú tiêu khiển của đại gia lắm tiền nhiều của đều đứng bên lề cuộc sống của Bảy Phụng.

Đúng là khó tin nếu nói những điều này ở một giám đốc có trong tay nghìn tỷ. Và chắc chắn sẽ có người cho rằng Bảy Phụng đang diễn một vai để lòe thiên hạ. Nhưng tất cả những điều đó là thật. Thật đến cay đắng. Bảy Phụng là nô lệ của chính tham vọng làm giàu của mình. Tất cả tiền bạc có được và vay được từ ngân hàng Bảy Phụng đều “ném” vào “canh bạc” bất động sản (BĐS) với những dự định lớn lao.

Như chúng tôi đã nêu ở những phần trước, giai đoạn 1993-1996, có thể nói Minh Phụng đã ở vào thế cưỡi trên lưng cọp do sự tăng trưởng quá nhanh. Bạn đọc có thể dễ dàng hình dung được sự khó khăn của Minh Phụng khi phải duy trì, phát triển khối tài sản khổng lồ ở khắp mọi miền đất nước. Trong khi “cơn khát” vốn đầu tư cho kinh doanh địa ốc không bao giờ là đủ, nợ vay ngân hàng chồng chất, khả năng sinh lời từ tài sản không thể có được trong một sớm một chiều. Lẽ dĩ nhiên khi không còn cách nào khác, Bảy Phụng phải sử dụng các “chiêu trò” lừa đảo các ngân hàng để có vốn tiếp tục đầu cơ vào đất đai.

Một nhà kho của Công ty Epco đang trong quá trình xây dựng (tháng 6/1995)

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó, một doanh nghiệp chỉ được vay vốn không quá 10% vốn tự có, để có thể được vay vốn, Minh Phụng đã thành lập hàng loạt công ty con, câu kết với các quan chức ngân hàng sử dụng trên 40 pháp nhân để vay vốn. Tính đến khi xảy ra vụ án, Minh Phụng đã thực hiện trên 600 hợp đồng tín dụng với 7 ngân hàng, với tổng dư nợ hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục triệu USD. Với số nợ lớn như vậy, không phải ai khác, chính con nợ này đã bước qua bên kia bờ “ảo vọng” để tự ký cho mình bản án tử hình.

Nếu xét về những dấu hiệu tội phạm thông thường, hành vi lừa đảo của Bảy Phụng nhằm chiếm đoạt tiền vay là không thể “chối cãi”, nhưng có điều khác biệt trong vụ án này, bởi mục đích của sự chiếm đoạt không phải nhằm cất giấu, hay thỏa mãn các nhu cầu của bản thân kẻ lừa đảo. Cho đến nay, hầu như vẫn không ai nói Bảy Phụng lừa đảo các ngân hàng để lấy tiền ăn chơi trác táng… Hầu như mọi thủ đoạn, mọi phương cách mà Bảy Phụng áp dụng để moi tiền từ các ngân hàng không có mục đích gì khác ngoài việc tiếp tục “ném” ngay vào “canh bạc” bất động sản năm ăn năm thua.

Dường như chính bởi sự khác biệt này nên hầu hết các nhà phân tích vẫn cho rằng sự sụp đổ của Minh Phụng chủ yếu do nóng vội, muốn ngay lập tức đoạn tuyệt với cuộc đời anh thợ gia công để trở thành một nhà đại tư sản dân tộc, bởi vậy mà bất chấp sự cấm đoán, ràng buộc về pháp lý, bất chấp nguồn vốn hạn hẹp, Bảy Phụng gần như “quên” mình đang có cơ sở may mặc, sản xuất giày dép đang rất ăn nên làm ra, để lao vào “canh bạc” BĐS – xây dựng trên quy mô lớn.

Bạn đọc có thể hình dung khoảng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, trong khi thị trường BĐS chưa hình thành rõ nét, cơ chế, chính sách về đất đai không đồng bộ, tình trạng tranh mua, tranh bán khá phổ biến. Những đợt sốt đất đầu những năm 90 làm “lóa” mắt nhiều người.

Và giống nhiều doanh nghiệp khác, Minh Phụng mong muốn nhanh chóng chớp thời cơ, tích lũy được càng nhiều đất càng tốt, chờ cơ hội sẽ bán ra được với giá cao hơn, điều này không phải là không có lý, vì đất đai không tự “đẻ” ra được. Ngay từ đầu Bảy Phụng đã xác định đầu tư trên quy mô lớn, nhất quyết không làm ăn “cò con”, sự tăng trưởng quá nóng vô hình trung đã biến Bảy Phụng trở thành “bá chủ” về địa ốc khi nhà, đất được đầu tư la liệt khắp nơi.

Một trong các tài sản của Bảy Phụng trước đây

Đương nhiên với phương thức kinh doanh như vậy nên sự bất trắc là không thể tránh, bởi cũng giống như tất cả các đợt “sốt” trên thị trường, thời điểm Minh Phụng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đỉnh điểm của cơn sốt, khi qua cơn sốt thì bán không có người mua. Có thể nói, nếu thực sự có khả năng đầu cơ để chờ đến chu kỳ sốt tiếp theo, hẳn là Bảy Phụng đã phát tài. Thế nhưng, toàn bộ khối tài sản là từ vốn vay, giả sử có chờ được cơn sốt tiếp theo, thì khoản lợi nhuận thu được cũng khó có thể bù đắp cho số lãi mẹ đẻ lãi con.

Nói về hình thức huy động vốn, hẳn bạn đọc sẽ cho rằng Bảy Phụng thật điên khùng khi vay ngân hàng để đầu tư vào BĐS mà chủ yếu là vay ngắn hạn lãi suất cao. Thực tế ở thập niên này, các định chế về bảo đảm tiền vay rất bó buộc. Để có thể được chấp nhận vay vốn của ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, thủ tục, đó còn chưa kể đến sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ biến chất tại các ngân hàng. Nếu đáp ứng đủ các yêu cầu này thì thời cơ đầu tư vào BĐS đã qua đi (do sự hỗn loạn mua bán trên thị trường – PV).

Bởi vậy, để chớp thời cơ, Bảy Phụng buộc phải “lách” luật là “đẻ” thêm hàng chục công ty. Thực tế hàng chục công ty con của Minh Phụng thực chất là các doanh nghiệp “ma”, toàn bộ số vốn đều là ảo, giám đốc, kế toán đều là những người làm thuê, thậm chí những người vốn là bảo vệ, lái xe, lao công. Các công ty này có nhiệm vụ duy nhất được sinh ra để vay vốn ngân hàng, mọi hoạt động vẫn hoàn toàn do Bảy Phụng điều hành.

Ngoài ra, để thỏa cơn khát vốn, Minh Phụng còn áp dụng các “chiêu” ký các hợp đồng mua bán, nhập khẩu hàng hóa dù biết chắc thương vụ sẽ lỗ, mục đích nhằm thông qua các hợp đồng này các ngân hàng có “cớ” để mở L/C hoặc ký bảo lãnh cho Minh Phụng có tiền.

Sự phối hợp giữa Bảy Phụng và một số cán bộ ngân hàng biến chất còn thể hiện ở việc nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên nhiều lần, minh chứng là đến khi xét xử vụ án, Tòa án đã xác định giá trị tài sản thế chấp thấp hơn giá trị thực hàng ngàn tỷ đồng.

Có thể thấy, Bảy Phụng đã phải trả giá đắt bên bờ “ảo vọng”, nhưng có lẽ điều ý nghĩa nhất trong các sai lầm của Bảy Phụng là cách thức điều hành, tổ chức hệ thống kinh doanh theo mô hình “công ty mẹ – công ty con” khá hoàn chỉnh mà sau này chúng ta đã vận dụng…

Viết một bình luận