Công viên Tao Đàn – Lá phổi xanh của Sài Gòn còn từng được gọi với cái tên là vườn ông Thượng cho đến vườn Bơ-rô

Giờ đây khi bạn đi dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai giao với Trường Định (đường Hồng Thập Tự giao với Đoàn Thị Điểm cũ). Bạn sẽ thấy một công viên rộng lớn, cả công viên đều có nhiều cây xanh rợp bóng khắp công viên. Thi thoảng chỉ cần có một cơn gió thổi qua, tiếng lá xào xạc rung rinh khắp nơi nghe rất vui tai. Tại đây thường là nơi tập trung của học sinh đến từ các trường trong thành phố để picnic hoặc tham dự các lớp ngoại khóa dưới sự hướng dẫn của giáo viên các lớp. Cứ đến độ chiều chiều sẽ thấy nhiều người lớn tuổi cùng nhau tập thể dục, dưỡng sinh để giãn gân cốt. Hay sẽ có nhiều thanh niên chạy bộ, đi bộ để tăng cường sức khỏe. Tuy rộng lớn là thế nhưng chúng ta sẽ lại thấy đâu đó có những nét cổ kính ở công viên này. Điều đó cũng dễ hiểu thôi bởi vì công viên này đã có tên tuổi và lịch sử suốt 3 thế kỷ.

Thuở sơ khai, công viên này có tên là vườn Bơ-rô. Bây giờ mà hỏi lại những ai sống tại Sài Gòn vào những năm 50, 60 của những thế kỷ trước chắc mọi người sẽ quen thuộc với tên Bơ-rô hơn là tên Tao Đàn. Từ lúc mà người Pháp vào Việt Nam vào năm 1859, cho đến năm 1860 đã cho xây dựng lại khu đất này. Vì thế mà lịch sử của nó đã lên đến hàng trăm năm. Công viên Tao Đàn chính là một trong những chứng nhân lịch sử cứ đứng đó từ năm này qua tháng nó để rồi chứng kiến lịch sử nhân loại đổi thay cùng với dòng thời gian chưa bao giờ ngừng trôi.

Đâu đó khoảng thế kỷ XVIII, khu vườn này được lấy tên là vườn ông Thượng. Cái tên này xuất phát từ Tả Quân Duyệt, hay đúng hơn là Tả Quân Lê Văn Duyệt trấn đất Gia Định, nghĩa là Thượng Công Lê Văn Duyệt, ông là nhà chính trị quân sự tài ba trong lịch sử nước nhà. Trước đây, vì thấy vùng đất rộng lớn cùng với đam mê nghe hát bội, thưởng lãm đá gà nên ông đã chọn vùng đất này để tạo nên một vườn hoa kiểng để vừa ngắm nghía, vừa thoải mái đắm chìm trong không khí dễ chịu và tận hưởng những giây phút nghe hát bội. Đến năm 1832, vị Tả Quân này tại chức, thọ 69 tuổi.

Ngay sau khi ông mất, vườn hoa kiểng này cũng bị bỏ hoang. Cho đến khi Pháp vào Việt Nam và chiếm lĩnh cách tỉnh Nam Kỳ, trong đó có Sài Gòn – Chợ Lớn- Gia Định, người Pháp đã cho quy hoạch và cải biên khu vườn này cùng với lúc xây dựng dinh Toàn Quyền và biến khu vườn này thành vườn cây của dinh Toàn Quyền (trước dinh Toàn Quyền thì gọi là dinh Norodom, bây giờ đổi tên là dinh Độc Lập).

Sau đó người Pháp cho xây đường Miss Clavell (Nay là đường Huyền Trân công chúa) vào năm 1869, ngày xưa tên đường là Poulo Condor (Côn Đảo). Việc xây dựng này nhằm mục đích tách khu vườn ra khỏi Dinh với diện tích của khu vườn là 90.503m2. Ba mặt còn lại của khu vườn là đường Chasseloup (Trước năm 1975 đường có tên là Hồng Thập Tự, bây giờ có tên là Nguyễn Thị Minh Khai) nằm ở mặt phía Bắc, đường Verdun (bây giờ là đường Cách Mạng Tháng Tám) ở mặt phía Tây và đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du) nằm ở mặt phía Nam. Người ta dùng đường Trương Định để cắt ngang công viên. Sau khi được tách ra khỏi Dinh, khu vườn lấy tên chính thức là Jardin de la Ville hay còn có tên gọi khác là Parc Maurice Long – Ông Parc Maurice Long vốn là luật sư, chính trị gia, từng làm bộ trưởng và từng nắm Toàn Quyền Đông Dương trong 2 năm từ năm 1920 đến năm 1922. Nhưng mà người Việt mình thích gọi vườn bằng cái tên cũ là vườn ông Thượng hoặc là vườn Bơ-rô, chắc là theo phiên âm tiếng Pháp của từ préau, trong tiếng Pháp, từ đó có nghĩa là sân lát gạch đúng với lối xây dựng lát gạch dưới mặt đất của vườn. Người ta cũng có cách giải thích khác cho ý nghĩa Bơ-rô, đó là từ ấy được xuất phát từ “Beaux jeux” trong từ “jardin des beaux jeux” (tạm dịch là khu vườn của những trò chơi tao nhã). Sau đó, khu vườn này được giao lại cho viên thủ quan người Pháp tên Moreau với nhiệm vụ gìn giữ và trông coi nơi này.

Đường Trương Công Định (đường Trương Định bây giờ) cắt ngang công viên Tao Đàn

Là nơi có khu mộ cổ

Đặc biệt là bên trong khu vườn có một khu mộ cổ, khu mộ ấy có hơn 200 năm tuổi được xây dựng từ những năm Ất Mùi – năm 1895. Người ta kháo nhau đây là mộ của ông Lâm Tam Lang, ông ấy mất từ năm Ất Mão – 1795. Khu mộ cổ ấy có 2 ngôi mộ nằm kề nhau, ngôi mộ thứ nhất là của ông Lâm Tam Lang, và ngôi mộ thứ hai là của phu nhân ông – bà Mai Thị Xã. Tương truyền ngôi mộ ấy được xây vào thời vua Minh Mạng. Bất ngờ hơn nữa là ông Lâm Tam Lang tựa là Nguyên Thất, là cụ tổ 4 đời của phó lãnh binh Lâm Quang Ky và là cụ tổ 7 đời của nhạc sĩ Lam Phương, tên thật của nhạc sĩ là Lâm Đình Phùng.

Năm 1896, trong khu vườn được xây dựng thêm cơ sở cho Hội Hiếu nhạc Société philharmonique (sau này là trường Quốc Gia Âm Nhạc). Đến năm 1897 thì là cơ sở của Hội Tam Điểm Franc-maconnerie, năm 1902 là Câu lạc bộ Thể Thao Sài Gòn Cercle Sportif Saigonnais (nay là Cung văn hóa Lao động). Sân bóng đá (thời đó hay gọi là túc cầu) ở trong khu đất này là sân duy nhất đạt tiêu chuẩn cho những đội bóng Quốc tế đến tranh tài. Ngoài làm sân túc cầu, người ta còn sử dụng khu vườn để làm hồ bơi, sân quần vợt.

Đến năm 1926, người ta lại xây thêm Viện Dục nhi Institut de puériculture với mục đích là giáo dục trẻ em (sau này trở thành Sở Y Tế) và Hội Kỵ Mã (bây giờ là nhà thi đấu Nguyễn Du). Cho đến khoảng năm 1954, khi Pháp rút khỏi hoàn toàn Việt Nam, Dinh Toàn quyền trở thành phủ của Tổng thống, còn khu vườn được chính quyền Sài Gòn đổi tên thành Tao Đàn, đến bây giờ thì gọi là công viên Tao Đàn hay công viên Văn hóa Tao Đàn. Tên này được lấy ý tưởng cũng như để gợi nhớ đến hội xướng họa thi ca của vua Lê Thánh Tông đã từng thành lập vào năm 1495 – Tên là Tao Đàn nhị thập bát tú. Và tên các con đường xung quanh như Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự, Lê Văn Duyệt và Nguyễn Du cũng được đổi tên từ đó.

Song, đến thời Việt Nam Cộng Hòa, vì lý do là bảo vệ an ninh cho dinh Độc Lập nên con đường Huyền Trân Công Chúa bị cấm đi lại, chỉ có 3 con đường còn lại là được phép lưu hành. Cũng phải nói thêm, trước năm 1975, ở giữa công viên Tao Đàn có một trường tiểu học Tao Đàn, ngôi trường ấy đã tồn tại từ những năm 1950 nhưng đã bị dỡ bỏ vào ngày 14/12/1976.

Đến địa điểm cuối cùng đặt tượng đài Léon Gambetta

Ngoài ra, bên trong công viên Tao Đàn từng có một tượng đài của Léon Gambetta. Gọi là “từng có một tượng đài” vì đến năm 1954, khi Nhật vào Việt Nam, để lấy số đồng của tượng phục vụ cho chiến tranh nên chánh phủ Pháp đã sai người đi nấu bức tượng. Ngờ đâu đó chỉ là đồng giả, không thể dùng được.

Quay lại câu chuyện tượng đài. Bức tượng này được chuyển về từ địa điểm Kho bạc đại lộ Charner. Thế nhưng tương truyền bức tượng này trước khi được chuyển về công viên Tao Đàn đã từng đi qua rất nhiều địa điểm nhưng đều không ở đó được bao lâu. Léon Gambetta nguyên là thủ tướng và kiêm cả bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp từ năm 1881 đến năm 1882. Ông thuộc phe ủng hộ việc xâm chiếm các nước để mở rộng thuộc địa của Pháp. Đến khi ông mất, người ta dựng tượng đài của ông ngay trung tâm Sài Gòn, ra ý đây là nơi đầu tiên quân Pháp tấn công và xâm chiếm thành công. Cụ thể nơi đặt tượng đầu tiên là ngã tư Lê Duẩn và Pasteur (thời đó là đại lộ Norodom và Pellerin). Sau này do xe cộ nhiều và đông đúc nên cần không gian để lưu thông. Mà vừa hay lúc đó chợ Bến Thành cũ trên đại lộ Charner (phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay) bị giải tỏa vào năm 1912 – 1914 nên tượng đài Léon Gambetta được chuyển về đây. Sau này bức tượng lại được dời đi để nhường chỗ cho tòa nhà kho bạc và chuyển về địa điểm cuối cùng là vườn Ông Thượng – vườn Bơ-rô tức là công viên Tao Đàn ngày nay. Ngày nay thì bức tượng chỉ còn lại cái đế. Xung quanh cũng còn vài lối nhỏ để đi đến tượng.

Tượng đài Léon Gambetta

Công viên Tao Đàn được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố khi mà những hàng cây xanh không những rợp bóng mát mà còn có chức năng quang hợp, mang đến không khí trong lành cho thành phố. Ở đây ngoài những cây xanh thường thấy thì còn có cả những cây gỗ quý như cây sala, loại cây này ít khi được trồng ở các công viên khác trong thành phố. Cũng tại công viên này, các cuộc triển lãm được tổ chức vô cùng náo nhiệt vào thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, vào năm 1970 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng đọc diễn văn tại công viên này trong buổi ra mắt quân sự học đường. Đáng nhớ hơn là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cùng nhân dân đã vận động quyên góp thông qua hội chợ Đồng Tâm để xây dựng Bệnh Viện Vì Dân cũng tại công viên Tao Đàn Này. Phải nói rằng nơi đây đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện lịch sử đáng nhớ, là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và người dân Sài gòn nói riêng.

Vào những năm sau 1975, công viên trở thành Công viên Văn Hóa và rất nhiều người đã đến đây để hóng mát, vui chơi cũng như hẹn hò, chiều nào nơi đây cũng rôm rả tiếng cười nói của mọi người, từ trẻ con cho đến người lớn. Một điều đặc biệt được diễn ra ở công viên này đó là vào năm 1985, “sân khấu ca nhạc ngoài trời” đầu tiên được biểu diễn ở đây để phục vụ cho những người yêu âm nhạc ở thành phố.

Trẻ con chơi đùa tại công viên Tao Đàn

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, công viên Tao Đàn ngày nay được người Sài Gòn gọi với nhiều cái tên thân thương. Nhưng có một điều chắc chắn rằng những ai yêu quý Sài Gòn sẽ yêu luôn công viên này, bởi lẽ nó đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng cam go thử thách nhưng vẫn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay.

Viết một bình luận