“Sữa Foremost” và nỗi ám ảnh ngọt ngào thời học sinh những năm trước thập niên 70

Ai đã từng trải qua một thời tuổi thơ tại các ngôi trường Tiểu Học ở Sài Gòn vào những năm 60-70 thì chắc hẳn sẽ không thể quên được những giờ ra chơi với mùi thơm béo ngậy của sữa Foremost – vốn là một nỗi kinh hoàng của học sinh.

Tôi vẫn còn nhớ ngày đó, không ít đứa trong chúng tôi trốn trong lớp vào giờ ra chơi chỉ để không phải uống sữa. Hoặc nếu có ra sân, cũng phải nhanh chân chạy thật nhanh vào nhà vệ sinh, tránh lãng vãng gần lớp học, nếu không thầy cô sẽ bắt xếp hàng đi nhận sữa ngay!

Kỷ niệm thời đi học miền nam trước 75 – ký ức kinh hoàng “sữa Foremost”

Sữa Foremost được pha trong một cái nồi lớn thiệt lớn, các cô nấu bếp dùng chiếc đũa cả dài như cái thước Tây khuấy đều liên tục làm bốc lên mùi bơ thơm nồng. Những ngày mới vào trường, mùi bơ thơm nức mũi hấp dẫn chúng tôi lắm. Cho đến khi nếm được cái bị lơ lớ ngọt của món sữa, tôi đã không còn đủ can đảm để uống hết 1 ly hệt như ly pha cà phê đá bây giờ. Đặc biệt, sữa Foremost không phải là thức uống dành cho học sinh vào những dịp đặc biệt… mà học sinh chúng tôi phải uống nó hằng ngày, vào đúng giờ ra chơi với 1 ly sữa đầy tràn. Uống… uống… uống… uống đến phát ngán.

Còn nhớ cứ mỗi lần tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi gióng lên, thầy cô giáo yêu cầu các bạn học sinh xếp thành hàng dài, lần lượt đến nhận thức ăn. Mỗi phần ăn gồm một ổ bánh mỳ và một hộp sữa. Đây là chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tiểu học để hỗ trợ trẻ em Việt Nam phát triển thể chất, tăng cường thể trạng, chống còi xương. Mỗi ngày 1 ổ bánh mỳ và một hộp sữa khiến đứa nào đứa nấy cũng nhận phần ăn của mình với vẻ mặt ngao ngán và e dè, có đứa còn đem bỏ đi.

Thời gian đầu, học sinh được nhận những hộp sữa giấy, đến năm 1973, sữa được phát đến từng lớp trong bao nhựa lớn 5-10 lít. Mỗi bao sữa đều có vòi để rót sữa vào ly giấy cho học sinh.

Ngày tôi còn là học sinh mẫu giáo tại trường công Lê Quang Định, mỗi lần xe chở sữa đến nơi, bác bảo vệ mở toang 2 cánh cổng lớn của trường để chiếc xe lớn tiến vào gần thêm 3 lớp học. Từ trên xe bước xuống một chú nhân viên của hãng sữa trong bộ đồng phục màu trắng cam, chạy vội ra phía sau xe, mở cánh cửa dày để lấy sữa phát cho từng lớp.

Chúng tôi ngồi trong lớp, nhìn theo chú thông qua ô cửa sổ, thấy những đám khói lạnh bên trong thùng xe bay ra ngoài  là cả bọn lại ồ lên thích thú. Tiếp đó, chú nhân viên ôm một bịch sữa lớn, một tay cầm chồng ly giấy bước vào các lớp, để bịch sữa lên bàn của các giáo viên. Lũ trẻ chúng tôi ngồi theo dõi chú,sắc mặt biến dạng. Có đứa mặt nhăn nhăn, có đứa đưa tay bịt miệng, có đứa nhao nhao nói chuyện, than rằng ngán, rằng không muốn uống,… Sau khi chú giao sữa đi ra khỏi lớp, chúng tôi đồng loạt xếp hàng, lần lượt tiến đến bàn giáo viên để cô rót sữa, phát bánh mỳ rồi mới được ra chơi.

Lũ chúng tôi, đứa nào thích uống sữa thì uống ừng ực hết ngay cả ly đầy, đứa nào không thích sữa thì ngậm ngùi cầm ly sữa trên tay – uống không dám mà vứt đi cũng không đành vì sợ cô la. Mỗi lần cô giáo đi ngang qua, lũ tụi tôi làm bộ đưa ly lên miệng, mắt liếc theo dáng cô cho đến khi cô đi khuất, cả bọn đồng loạt hạ ly xuống rồi nhìn nhau cười trừ.

Chỉ đến khi tiếng chuông vào lớp reng lên, chúng tôi lật đật tay cầm ly kiếm chỗ đổ đi. Mà đâu phải việc đổ sữa đi là dễ dàng. Mắt đứa nào cũng phải ngó trước ngó sau, nhìn quanh nhìn quất và cố làm ra cái vẻ tự nhiên nhất có thể, cảm tưởng như đổ sữa là một điều gì đó rất trái với lương tâm và đáng bị lên án. Hồi đó ngoại hay dạy tôi không được để thừa thức ăn, vì như vậy là phải tội lắm. Cũng chính vì vậy, cái chuyện đổ sữa đi cũng là phải tội với đời.

Dù 40 năm qua đi, cái mùi beo béo, lạt thách của sữa Foremost viễn khiến tôi không thể nào quên được. Lắm lúc lại thèm cái hương vị ấy nhưng biết tìm đâu ra bây giờ, cái hương vị ám ảnh chúng tôi suốt quãng thời gian tiểu học. Sữa tươi bây giờ ngọt hơn, đậm vị sữa bột chứ không như sữa bò tươi mà ngày xưa chúng tôi được uống.

Sữa Foremost có mặt tại Việt Nam đầu tiên từ những năm 1960 khi chính phủ Mỹ bắt đầu tiếp viện cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam. Tại các sạp chợ trời đường Tôn Thất Đạm, bắt đầu xuất hiện một loại sữa đựng trong hộp giấy với 2 màu cam trắng. Một mặt của hộp sữa có hình chữ F, trên những dòng thông tin sữa có in dòng chữ “made in USA”. Theo lời quảng cáo của mấy cô bán hàng, thì đây là sữa Mỹ, uống có mùi cam, nho rất ngon. Lời quảng cáo là vậy, nhưng thật tình mà nói, sữa Foremost khác hoàn toàn với những loại sữa trước đây tôi đã từng uống. Không ngọt, không nhạt lại thêm mùi béo nồng của bơ và phô mai tươi khiến người uống càng nhanh thấy ngấy hơn.

Khi Caritas Asia thực hiện chương trình “Bữa Ăn Giờ Ra Chơi”  tài trợ cho các trường tiểu học một phần ăn, sữa Foremost xuất hiện tại các trường học dưới hình thức sữa bột đựng trong thùng 5kg hoặc những chiếc hộp dùng trong quân đội với hinh ảnh hai bàn tay nắm với nhau được in lên thùng. Hình ảnh can sữa lớn được khuấy bởi những chiếc đũa bếp lớn luôn là nỗi ám ảnh của tôi mỗi giờ ra chơi.

Đến đầu năm 197, hãng Foremost thiết lập nhà máy chính thức ở Thủ Đức, Sài Gòn. Tuy vậy, hãng không sử dụng thương hiệu Foremost mà với hình ảnh một viên kim cương kích thước khoảng 5cm. Người Sài Gòn lúc bấy giờ đã đặt tên cho hãng sữa là “Sữa Kim Cương”. Lúc đầu, sữa chỉ được sản xuất để phục vụ trong Quân Đội. Sau này, đây là một trong những mặt hàng nhu yếu phẩm được bán cho các công chức. Siêu thị Nguyễn Du thời bấy giờ là nơi bày bán Sữa Kim Cương nhiều nhất.

Câu chuyện về sữa Foremost trong lòng người Sài Gòn xưa mãi là một miền ký ức ám ảnh nhưng rất đỗi ngọt ngào.

1 bình luận về ““Sữa Foremost” và nỗi ám ảnh ngọt ngào thời học sinh những năm trước thập niên 70”

  1. Đế quốc Mỹ thấy trẻ con VN nghèo đói ốm o, nên viện trợ sửa bột cho uống hàng ngày. Không có đường, mùi vị lạ lẫm, ai uống cũng ngán. Sau quý vị Hiệu trưởng phải bán sửa bột cho các hảng Cà rem, lấy tiền này trả tiền công cho các lò bánh mì (Mỹ cho bột mì, nhưng nhà trường phải trả tiền cho lò bánh mì).
    Bây giờ ra nước ngoài, ai cũng uống sữa tươi, sữa bột quen rồi.

    Trả lời

Viết một bình luận