Ký ức về cụ Dương Văn Ngộ: Người dành hơn nữa thế kỷ viết thư tình ở Bưu điện Thành phố

Cụ Dương Văn Ngộ – người dành hơn nửa thế kỷ viết thư tình ở Bưu Điện thành phố

Sài Gòn giờ đây đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế phát triển bậc nhất cả nước, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh phố xá tấp nập, với xe cộ hiện đại, những tòa nhà cao tầng chen chúc mọc lên,… nhưng đâu đó vẫn còn có những con người đem lòng yêu mến hình bóng một Sài Gòn cổ xưa. Người Sài Gòn, trong đó có cả giới trẻ và khách du lịch nước ngoài,… vẫn nhớ mãi hình ảnh một ông cụ viết thư tay với dáng người bé nhỏ, ngồi ở một chiếc bàn trong Bưu điện thành phố, ngày ngày viết thư tay cho khách, ông cụ được ví như một phần linh hồn của Sài Gòn xưa. 

Người được nhắc đến ở trên chính là cụ Dương Văn Ngộ hay còn được biết đến với tên gọi “người viết thư tình xuyên thế kỷ”, “người nổi tiếng thế giới bằng cây bút mực”, “người giữ hồn cho những lá thư tay”, hay “người nối thế giới bằng những cánh thư”,… không chỉ được yêu mến bởi những người Việt Nam mà còn đối với cả những người nước ngoài từng biết đến cụ. Cụ Ngộ sinh ngày 03/03/1930, là người gốc Triều Châu, Trung Quốc, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Được biết, cụ từng là cậu học trò nghèo hiếm hoi được nhận vào học ở trường Petrus Ký (nay là trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong), lấy bằng trung học Pháp năm 22 tuổi, do được học và tiếp xúc từ nhỏ nên cụ thông thạo cả tiếng Pháp và Anh, thời còn đi học cụ từng được giáo viên nhận xét là “có thể nói như người bản xứ”.

Cụ được nhận vào làm việc trong nghề Bưu chính từ năm 16 tuổi. Trước khi trở thành nhân viên chính thức của Bưu điện Sài Gòn vào năm 1948 cụ đã có kinh nghiệm làm việc tại Bưu điện khu Thị Nghè. Công việc đầu tiên trong ngành Bưu chính của cụ là lựa thư trong hộp để chuyển đi. Sau đó trải qua nhiều công việc khác liên quan đến chuyên môn trong ngành, cũng có một thời gian cụ được điều sang làm ở Bộ giao thông và Bưu điện. Đến ngày về hưu, cụ cùng những anh em làm việc chung với mình xin lãnh đạo Bưu điện bố trí bàn làm việc để có thể tiếp tục gắn bó với nghề: tiếp tục tư vấn, dịch và viết thư thuê cho bất kỳ ai có nhu cầu. 

Những ngày còn làm nghề cụ được biết đến là một người rất nghiêm túc với công việc, mỗi sáng cụ đều đạp xe từ nhà ở Thị Nghè sang Bưu điện thành phố, bắt đầu công việc lúc 8 giờ sáng và kết thúc một ngày làm việc vào khoảng 16 giờ chiều. Vị trí làm việc của cụ chính là góc bàn bên phải nằm ở cuối dãy hành lang của bưu điện.

Cụ Dương Văn Ngộ đang ngồi dịch – viết thư tay cho khách ở góc bàn cuối dãy hành lang Bưu điện thành phố

Mỗi một bức thư cụ viết chỉ có giá trong khoảng 10.000 – 15000đ, cao nhất là 30.000đ và hầu như ai gửi thêm cụ đều không nhận vì cụ Ngộ cho rằng mình còn trụ nghề đến tận lúc già là do mình yêu nghề, coi đấy là một niềm yêu thích trong cuộc sống, coi viết thư tay là việc có thể giúp đỡ mọi người, và hơn thế nữa là muốn quảng bá hình ảnh cho đất nước.

Là một người làm việc “đúng giờ, đúng lương tâm và trách nhiệm” cụ đã từng tâm sự: lúc nào cụ cũng làm đúng trách nhiệm của mình, cái nào khách không biết thì sẽ giải thích cặn kẽ, hướng dẫn ghi tên, ghi địa chỉ, thiếu địa chỉ thì yêu cầu gọi người thân bổ sung để tránh thư từ bị thất lạc,… Việc hôm nào sẽ làm xong trong hôm đấy, không hứa hẹn và không nhận thêm, vì đâu biết được ngày mai có còn sức khỏe để làm tiếp hay không. Những lá thư có nội dung kích động, bêu rếu nhau cụ cũng không nhận viết. Và một điều quan trọng trên hết đối với một người làm nghề viết thư đó chính là “yêu cầu giữ bí mật nghề nghiệp”, cụ hóm hỉnh bảo rằng kiến thức cụ từng học được, những hiểu biết của bản thân cụ vẫn còn nhớ rất rõ chỉ riêng tâm tình, nỗi lòng của khách là cụ rất mau quên, khách yêu cầu gì thì viết đó nhưng mà viết xong rồi là “quên ngay”.

Trong một bài phỏng vấn cụ Ngộ cũng từng giải thích nghề của cụ trong tiếng anh gọi là “public writer”, nghĩa là “người viết thư cho công chúng”. Cụ bảo từ này dịch sát nghĩa nhất bởi vì phí dịch vụ tùy vào lòng hảo tâm của mọi người và quan niệm của cụ là “Tôi làm trước hết để phục vụ công chúng, không để ngành Bưu điện mang tiếng. Thứ hai nữa là để bạn bè quốc tế có cái nhìn thiện cảm với Việt Nam”, trước hết là làm để giúp đỡ mọi người, tiếp đến là để bạn bè quốc tế có cái nhìn tốt đẹp về Việt Nam chứ không vì lợi ích cá nhân.

Được biết, cụ là một người rất cẩn thận, kiên nhẫn, và vô cùng trau chuốt cho câu từ. Cụ viết văn luôn đúng văn phong, tùy thuộc và từng đối tượng, lứa tuổi, ngữ cảnh,.. mà dùng lời văn khác nhau. Cũng chính nhờ bản tính ấy mà cụ được rất nhiều vị khách yêu quý, ngưỡng mộ.

Cụ cho rằng ngày xưa không có điện thoại, không có internet, muốn thăm hỏi, tâm tình,… người ta chỉ có thể gửi thư cho nhau. Còn bây giờ, giới trẻ ít ai còn thói quen đấy nữa, có việc gì cứ nhắn tin qua điện thoại nên hầu như chẳng ai còn viết thư tay. Nhưng với cụ, cụ vẫn yêu thích việc viết thư tay hơn, vì những lá thư giữ được cái hồn của con chữ. Và hơn thế nữa, khi viết thư cụ có thể viết chữ biến hóa tùy thích theo ý mình: nét nghiêng, nét đậm, thoải mái, uyển chuyển, nếu có viết sai thì chỉnh lại cũng rất dễ,… Chính vì có một người yêu nghề như thế mà suốt nửa thập kỷ qua, hàng vạn bức thư tình của những người yêu nhau đã từ Bưu điện thành phố gửi đi khắp nơi trên thế giới, dừng chân ở Canada, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Singapore, Úc,…. Suốt bao năm làm nghề cụ đã chứng kiến bao buồn vui của đời người, kết nối những con người ở xa ngàn dặm lại với nhau, chắp cánh cho biết bao cuộc hôn nhân. Cụ chưa từng đi khỏi Việt Nam nhưng lại có rất nhiều bạn bè quý mến cụ ở khắp nơi trên thế giới. 

Và đến thời điểm hiện tại do tuổi già và sức khỏe ngày càng yếu nên cụ Ngộ đã không còn làm nghề được nữa, từ đây Bưu điện thành phố đã mãi vắng bóng hình người viết thư tay cuối cùng. Những lớp trẻ ngày sau sẽ không còn được dịp bắt gặp hình ảnh ông cụ ngồi viết thư tay bên chiếc bàn nhỏ. Nhưng có lẽ, những bức ảnh, những dòng chữ được lưu lại sẽ giúp những người yêu quý Sài Gòn, yêu và đi tìm tòi những điều xưa cũ thì hình ảnh của cụ vẫn sẽ sống mãi.

Những kỷ vật vô giá gắn liền với cuộc đời làm nghề viết thư tay của cụ Dương Văn Ngộ

Theo chân cụ đến nơi là việc là những vật dụng cũ kỹ, quen thuộc như: chiếc xe đạp, chiếc túi xách, hai quyển từ điển cũ, hồ sơ, giấy tờ và chiếc kính lúp,…

Những vật dụng trên bàn làm việc của cụ Dương Văn Ngộ: chiếc kính lúp, quyển từ điển cũ, bài báo, bưu thiếp, thư cảm ơn được viết bằng tiếng Anh, Pháp,…

Chiếc túi cụ Ngộ sử dụng cũng đã có tuổi đời hơn 20 mấy năm, có bị rách thì được cụ vá lại, với cụ chiếc túi ấy đã trở thành một người bạn đồng hành quen thuộc, mà đã quen thuộc rồi thì khó lòng mà bỏ để thay vào một chiếc túi mới. Chiếc kính lúp mà cụ sử dụng là do một vị khách người nước ngoài đã tặng để giúp cụ đọc – viết dễ hơn thay vì kính lão. Cùng với đó là những bức thư, hình ảnh, bưu thiếp,… cảm ơn cụ được gửi về từ nước ngoài. Cụ giữ chúng rất kỹ và xem chúng như những báu vật của riêng mình. Vì với cụ đó là niềm vui, là những điều nhỏ nhặt giúp cụ gắn bó với công việc tới giờ. Cụ cũng giữ cả những bài báo viết về cụ, trong đó có cả báo Đức, Mỹ,…Tuy nhiên cũng có nhiều bài viết phóng đại quá mức, không đúng về cụ, gặp những bài như thế cụ chỉ lấy viết khoanh lại những chỗ sai rồi để đấy. Trên chiếc bàn nhỏ ngày ngày cụ ngồi làm việc bên cạnh những vật dụng vừa kể trên còn có một tấm biển treo dòng chữ “Nơi chỉ dẫn và viết giúp, Public write, Ecrivain public” cùng giấy chứng nhận Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam,… Những vật dụng giản đơn đó đã cùng với ông cụ tóc bạc có dáng người nhỏ bé đã viết nên những bức thư tình xuyên thế kỷ, se thành duyên cho biết bao cặp đôi, giúp những gia đình thất lạc thân nhân tìm được nhau.

Cuối cùng, không phải là kỷ vật mà là nơi cụ đã gắn bó hơn cả thập kỷ qua – Bưu điện Trung tâm thành phố. Cụ nhớ rõ từng ngóc ngách, bờ tường của bưu điện, nơi đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, đổi thay – thay đổi của con người, của thời đại nhưng nó vẫn ung dung đứng đấy, vẫn giữ được phong thái năm xưa.

Người giữ lại hồn cho những lá thư 

Những người khách đến không chỉ để ngắm vẻ đẹp của Bưu điện thành phố mà còn mong muốn được tận mắt chứng kiến tận tường công việc của người viết thư tay tiếng lành đồn xa. Khi được khách nước ngoài bắt chuyện, cụ Ngộ trò chuyện với họ bằng tiếng ngoại quốc thành thạo như người bản xứ. Những người yêu mến cụ sau khi về nước vẫn không quên gửi thư trở lại Việt Nam để chúc sức khỏe và trò chuyện cùng cụ như những người bạn lâu năm. 

Trong một bài báo cụ đã trả lời rằng: “Tôi sợ sau này sẽ chẳng còn ai nhớ đến thư tay nữa. Tôi chỉ mong là người giữ lại hồn cho những lá thư, chứ mọi danh hiệu đều vô nghĩa cả…”.

Hơn nửa thập kỷ qua, hàng vạn lá thư đã được gửi đi khắp thế giới, mỗi một lá thư lại chứa đựng những cung bậc cảm xúc khác nhau: vui buồn, hỉ nộ, ái ố,… Có thể những lá thư ấy vẫn còn vẹn nguyên trong một ngăn kéo ở một nơi xa xăm nào đó trên thế giới này. 

Sài Gòn bao năm nay vẫn giữ nguyên nhịp sống hối hả của nó, dù là thời đợi nào thì phố thị vẫn tấp nập. Rồi nhiều năm sau, mấy ai còn nhớ hình ảnh một ông lão tóc bạc ngày ngày ngồi viết thư tay ở bưu điện thành phố. Hình ảnh ấy bây giờ chỉ còn là một câu chuyện lưu danh qua từng trang viết, rằng “Đã có một con người dành hơn nửa thế kỷ viết thư tình ở Bưu Điện thành phố” khiến ai cũng yêu mến. Và ẩn mình sau nhịp sống hối hả ấy chính là nét duyên thầm lặng của Sài Gòn, như cách mà bưu điện vẫn giữ nguyên phong thái của nó dẫu bao thăng trầm đã qua.

Viết một bình luận