Ký ức về Sài Gòn xưa của những người tỉnh lẻ tuyệt vời như thế nào?

Tôi xuất thân là một thanh niên tỉnh ở miền Trung lên Sài Gòn học tập với ý định lập nghiệp, kiếm cái nghề mà sinh sống. Cái năm tôi vào Sài Gòn là khoảng 1960, 1970, cách đây đâu đó cũng phải gần 50, 60 năm rồi. Cứ tưởng lâu như vậy thì chắc tôi cũng quên, chẳng nhớ nổi cái gì cả. Vậy mà tự dưng bây giờ nhắc lại trong đầu tôi lại hiện rõ mồn một những hình ảnh ngày xưa, cứ như chuyện đó mới xảy ra gần đây vậy.

Từ trước khi vào Sài Gòn, tôi đã nghe nói ở đây được mệnh danh là Sài Gòn hoa lệ. Quả thật là “hoa cho người giàu” mà “lệ cho người nghèo”. Thân là sinh viên nghèo mới chân ướt chân ráo vô Sài Gòn nên chỉ dám đến những nơi dành cho dân lao động. Lúc đó tôi nuôi chí vừa học vừa làm để kiếm cái nghề sinh nhai. Thuở đó không có phương tiện đi lại nên để tiện cho việc di chuyển, tôi tá túc ở cái khu Trương Minh Giảng suốt cả quãng đời đi học và đi làm của mình. Sau này khi đã trưởng thành, cần kiếm một căn nhà thì tôi cũng chỉ quanh quẩn ở khu ấy. Vậy nên trong ký ức của tôi, Sài Gòn là khu lao động, nhà ở lụp xụp, nằm ở bờ kinh Nhiêu Lộc, nhưng mà bây giờ thì không còn điều đó nữa.

Còn nhớ cái lúc mới bước chân vào Sài Gòn đi học, tôi may mắn quen được mấy anh bạn cùng xóm trọ. Mỗi khi không phải đi làm thêm, tụi tôi thường cùng nhau ngồi ở quán vỉa hè sau những buổi học, nhấm nháp ly cà phê đen ít đá không đường cho đỡ thèm, coi như là thú vui thi vị, chứ bình thường chúng tôi thường gọi ly trà đá là chủ yếu, làm gì có tiền mà uống cà phê suốt. Bà chủ quán thấy chúng tôi gọi trà đá cũng chẳng nói gì, chắc bà cũng hiểu cho đám sinh viên nghèo này. Tôi còn đam mê ngắm nhìn những hàng cây me xanh trên đường Nguyễn Du. Cứ độ buổi chiều rảnh rảnh là tôi đi bộ dưới hàng me, mỗi khi có gió thổi qua, lá me nhỏ xíu mơn theo cơn gió rơi xuống vai của chiếc áo sơ-mi trắng, có lúc tôi còn bỏ lá lên miệng nhai. Tôi cùng thích dạo lang thang những buổi chiều sau giờ học ở khúc Đại học Văn Khoa, gần nhà thương Grall (Trong thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, nhà thương Grall còn được gọi là nhà thương Đồn Đất, nay là bệnh viện Nhi Đồng 2). Ở đấy có hai hàng cây cao giao nhau, phía xa xa cuối đường là chủng viện Công Giáo được xây với tường gạch màu đỏ. Hình ảnh ấy đẹp, tuyệt vời như một bức tranh sơn dầu được tô điểm bởi họa sĩ thiên nhiên. Tôi có cảm tưởng như đó là con đường đẹp nhất mà tôi từng thấy.

Những hàng cây xanh rợp bóng mát

Để nói về vẻ đẹp của Sài Gòn hồi đó, người ta lại càng nhớ đến hàng cây cổ thụ cao thẳng tắp từ khu Ba Son chạy ra đường Đinh Tiên Hoàng. Con đường ấy luôn tỏa bóng mát, thỉnh thoảng nhìn trên mặt đất sẽ thấy vài tia nắng chiếu qua kẽ lá, rọi xuống đường tạo thành những vết loang lổ màu cát, nhấp nháy vô cùng đẹp. Thời ấy Sài Gòn nhiều cây nên mát lắm, tôi thích không khí thời đó, nóng nhưng không oi. Mà nếu có oi thì đi vài bước sẽ lại gặp cây xanh phủ rợp bóng làm người ta cảm thấy dễ chịu. Tôi không những thích đi dạo ở khu Ba Son với Đinh Tiên Hoàng để ngắm hàng hàng cây xanh mát mà còn thích tản bộ trên con đường Đoàn Thị Điểm (nay đổi tên là đường Trương Định) nữa. Ở đó có nhiều căn nhà được xây cất khang trang và sang trọng lắm. Là một sinh viên nghèo từ tỉnh lên thành phố, tôi ngơ ngác ngắm nhìn căn nhà đồ sộ ấy lấp ló qua hàng rào hoa giấy với đủ màu sắc đỏ vàng, lòng cảm thấy những tòa nhà ấy thật đẹp, lại ước ao mình được sở hữu căn nhà này.

Lắm hôm đi qua bạn ăn ké cơm ở khu ký túc xá sinh viên Ngô Gia Tự, trước những năm 1975 thì nơi đó gọi là đại học xá Minh Mạng. Nơi đây hầu hết là sinh viên các tỉnh, chủ yếu là dân miền Trung. Tôi không đăng ký học ở đây nên tôi không ở khu ký túc xá này. Tôi chỉ thường đến đây để ăn cơm, ở ké và nhất là có bạn bè đồng hương để buôn chuyện cho đỡ nhớ nhà.

Có hôm đi dọc đầu đường Trương Minh Giảng qua những căn nhà lớn, tôi lại được ngửi thấy mùi thơm ngát tỏa ra từ hoa ngọc lan ở các cây mọc trong sân vườn. Kèm theo đó là tiếng dế kêu “réc réc” nghe rất vui tai. Bây giờ nghĩ lại, hình ảnh đó vẫn như in trong trí nhớ của tôi.

Tôi học tập, làm việc và sinh sống ở Sài Gòn đến bây giờ cũng được mấy chục năm nhưng hàng xóm quanh tôi chẳng ai hỏi tôi gốc ở đâu. Bởi vì ai đã đến Sài Gòn ở dù ít hay nhiều năm thì vẫn gọi là người Sài Gòn. Cái hồi năm 1954 có nhiều người gốc Bắc di cư vào Sài Gòn. Ở miền Trung cũng có Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,… Vùng Đông Nam Bộ thì có nhiều người từ miền Tây lên. Nói chung ở đây không phân biệt mọi người đến từ đâu, cũng không ai hỏi điều ấy. Một khi đã ở Sài Gòn thì đều là người Sài Gòn, là anh em hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Đó cũng là một điểm rất riêng của người Sài Gòn.

Tôi còn nhớ dạo mấy ngày đầu mới bước chân lên Sài Gòn, chưa tìm được nhà trọ nên tôi phải nằm ngủ ở ghế đá công viên Tao Đàn. Nhưng mà thời đó thiết quân luật từ nửa đêm, mọi người không được ra đường. Vì tôi ngủ ngoài ấy nên bị dựng dậy bởi 2 anh cảnh sát, rồi họ dẫn tôi về bót cảnh sát ở chợ Bến Thành. Tôi chỉ đành nằm lại đó một đêm, đến sáng hôm sau có một ông sĩ quan đến, sau khi nghe ngọn ngành những gì tôi trình bày, ông cũng thông cảm rồi móc bóp cho tôi tiền ăn sáng và uống cà phê, dặn tôi lên đây tìm cái chữ, cái nghề thì học hành đàng hoàng. Điều đó là tôi nhớ mãi, đó là tình người Sài Gòn đầu tiên mà tôi cảm nhận được từ khi bước chân lên đây.

Sài Gòn còn là nơi cho tôi cảm nhận được sự bảo bọc, chở che của người nghèo với người nghèo. Thời đó, khi thất nghiệp, tôi thường ăn cơm ở chợ Trương Minh Giảng. Chắt bóp được vài đồng chỉ đủ mua mỗi cơm trắng nên tôi xin thêm xì dầu chan với cơm ăn dằn bụng. Chị chủ quán hỏi tôi sao không lấy đồ ăn, tôi nói dối là mình ăn chay, chị cười. Vài hôm sau, tôi cũng mua cơm trắng chan xì dầu, nhưng khi xới cơm lên thì tôi thấy dưới lớp cơm trắng ấy có thêm miếng đậu hũ, có hôm thì miếng thịt, có khi tôi lại có thêm hột vịt kho. Tôi mắc cỡ quá nên không dám ăn ở đó nữa, phần vì mắc cỡ, phần vì ngại. Nhưng mà thật lòng tôi cảm ơn chị chủ quán nhân hậu đã cưu mang tôi. Sau này kiếm được công việc làm thêm bán báo ở khúc đường Phạm Ngũ Lão, tôi quay lại đường Trương Minh Giảng nhưng quán đã đổi chủ, tôi không biết chị chủ đã chuyển đi nơi nào, thật tiếc vì tôi còn chưa kịp trả ơn cho chị.

Thêm một điều khiến tôi nhớ mãi con người Sài Gòn là cái tính thương người, ưa làm việc thiện. Lúc vô Sài Gòn tôi không được ăn uống đầy đủ, lại là người nắng không ưa, mưa không chịu nên dễ bị bệnh vặt. Thấy vậy, hàng xóm người thì nấu cho tôi chén cháo, người cho tôi viên thuốc, họ chăm sóc tôi như người nhà của họ vậy. Mỗi lần như thế tôi vô cùng xúc động, cái ân tình này tôi không biết để đâu cho hết.

Bây giờ mỗi khi nhắc đến Sài Gòn, người ta đều nhắc đến đất chật người đông, xe chạy đầy đường, dinh cơ xa hoa, nhà hàng sang trọng. Nhưng mà đối với người gốc gác tỉnh lẻ như tôi thì Sài Gòn là nơi đầy ắp tình người, là những hàng cây xanh mát rượi, là nơi có nhiều kỷ niệm làm tôi không sao quên được. Sài Gòn bây giờ đã đổi tên, nhưng với tôi và những người Sài Gòn xưa thì vẫn quen gọi bằng cái tên quen thuộc này, bởi lẽ cái tên ấy chứa quá nhiều kỷ niệm trong tôi.

1 bình luận về “Ký ức về Sài Gòn xưa của những người tỉnh lẻ tuyệt vời như thế nào?”

Viết một bình luận